VĂN HÀO ALEKSANDR SOLZHENITSYN QUA ĐỜI

Thứ hai - 04/08/2008 10:37

(NCTG) Theo tin từ Moscow, văn hào Nga Aleksandr Solzhenitsyn, Giải Nobel Văn chương 1970, tác giả những tác phẩm lớn vạch trần bộ mặt phi nhân của thể chế độc tài Stalinist như "Tầng đầu địa ngục", "Một ngày trong đời của Ivan Denisovich", "Gulag - Quần đảo ngục tù"..., đã qua đời đêm 3-8-2008 tại nhà riêng sau một cơn đau tim, thọ 90 tuổi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Solzhenitsyn tại nhà riêng của văn hào (ngày 12-6-2007), nhân dịp ông được trao tặng Giải thưởng Quốc gia

Tin về sự ra đi của Aleksandr Solzhenitsyn được con trai ông, Stepan Solzhenitsyn, thông báo với Hãng thông tấn ITAR-TASS. Những năm gần đây, nhà văn bị nhiều căn bệnh, đặc biệt là huyết áp cao, nhưng ông vẫn gắng sức làm việc. Cùng vợ là bà Natalia Dmirtiyevna, Solzhenitsyn chuẩn bị cho việc ấn hành tuyển tập các tác phẩm của ông, gồm 30 tập.

Thời gian cuối đời, Solzhenitsyn đã có thái độ trực diện và bình thản trước cái chết, như những gì ông nói sau đây, trong bài trả lời phỏng vấn tờ "Spiegel" (Đức) cuối tháng 7-2007:

Spiegel: Ông có sợ trước cái chết?

Solzhenitsyn: Không, giờ đây tôi đã không sợ chết. Sự ra đi quá sớm của cha tôi - ông mất năm 27 tuổi - đã ám ảnh những năm tháng thời thanh niên của tôi, và tôi sợ rằng mình sẽ chết trước khi những dự định văn chương của tôi trở thành hiện thực. Nhưng trong thời gian từ 30 đến 40 tuổi, quan niệm của tôi về cái chết đã trở nên tương đối bình thản và ổn định. Tôi cảm thấy rằng cái chết là một cột mốc tự nhiên, nhưng không hề là cuối cùng, của sự tồn tại con người.

Spiegel: Chúc ông có thêm nhiều năm sáng tạo nữa!

Solzhenitsyn: Không, không! Không cần đâu! Đủ rồi!

Trở về Nga năm 1994, Solzhenitsyn có dịp gặp gỡ nhà lãnh đạo cải cách Mikhail Gorbachev tại tòa đại sứ Thụy Điển tại Moscow, năm 1998

Solzhenitsyn từng được coi là lương tâm nước Nga với những hoạt động phản kháng chống lại chế độ phi nhân theo mô hình Stalinist tại Liên Xô. Tuy nhiên, là một người theo khuynh hướng dân tộc, ông tỏ ra đau xót trước sự sụp đổ của Đế chế Xô-viết và sự băng hoại của những giá trị đạo đức truyền thống ở nước Nga. Có lẽ chính vì vậy mà ông cổ vũ cho đường lối cứng rắn của nguyên tổng thống Vladimir Putin, đồng tình với cuộc chiến Chechnya và chủ trương nước Nga không cần mô hình dân chủ kiểu Phương Tây, mà cần một "bàn tay sắt" có thể lập lại và giữ gìn trật tự. Không ít ý kiến đã coi đây là bước sa lầy cuối đời của nhà văn, một người từng cổ vũ cho ý nguyện dân chủ của giới trí thức và người dân Liên Xô.

Trước khi mất, Solzhenitsyn còn kịp thực hiện những "thao tác" cuối cùng cho ấn bản Anh ngữ trọn vẹn của "Tầng đầu địa ngục", một trong số những tiểu thuyết lớn nhất của ông, được sáng tác trong thời gian 1957-1959 - đây là lần đầu tiên, phiên bản không bị kiểm duyệt của sách được ấn hành bằng Anh ngữ. Năm 1968, một phiên bản "mềm" hơn của tiểu thuyết, chỉ gồm 87 chương, đã được ra mắt tại New York, và chỉ 10 năm sau, bản đầy đủ gồm 96 chương mới được ấn hành bằng tiếng Pháp tại Paris. Theo lời BTV nhà xuất bản Harper Perennial, trong vài năm gần đây, Solzhenitsyn đã cùng Harry T. Willetts, dịch giả bản Anh ngữ, xem xét lại và bổ sung bản dịch tiếng Anh của "Tầng đầu địa ngục". Tuy nhiên, Willets đã qua đời năm 2005 và như thế, đích thân nhà văn đã thực hiện những sửa chữa cuối cùng của cuốn tiểu thuyết được coi là một trong những tác phẩm lớn nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19.

Bị trục xuất khỏi Liên Xô năm 1974, Solzhenitsyn bị áp tải qua Đức, rồi sang Hoa Kỳ. Tại Đức, ông đã gặp gỡ văn hào Heinrich Böll, Nobel Văn chương 1972

Tại Việt Nam, cho dù các tác phẩm chính của Solzhenitsyn đã được dịch ra tiếng Việt tại Sài Gòn trước 1975 nhưng sau đó, cái tên của nhà văn vẫn ít được biết đến (và nếu có, thường đi kèm những lời công kích). Những năm gần đây, tạp chí "Tia sáng" có đăng tải một chùm đoản khúc của ông và một vài truyện ngắn của Solzhenitsyn cũng được ra mắt độc giả Việt Nam - tuy nhiên, sự hiện diện ít ỏi đó chưa hề xứng với tầm vóc của một văn hào có tầm ảnh hưởng lớn lao đến lịch sử thế giới thế kỷ XX!

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Solzhenitsyn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn