NOBEL VĂN CHƯƠNG 2008: JEAN-MARIE GUSTAVE LE CLÉZIO

Thứ năm - 09/10/2008 16:37

(NCTG) Theo công bố của Ủy ban Nobel tại Stockholm vào hồi 13 giờ hôm nay, Giải Nobel Văn chương 2008 đã được trao cho nhà văn Pháp Jean-Marie Gustave Le Clézio, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết giá trị.

Ông Horace Engdahl, tổng thư ký Ủy ban Nobel, trong đánh giá chính thức của Hàn lâm viện Thụy Điển, đã xiển dương nhà văn Pháp này là "tác giả của những khởi điểm mới, những phiêu lưu thi ca, những hứng khởi nhục cảm, người nghiên cứu một nhân loại bên ngoài nền văn minh đang ngự trị".

Trước ống kính của vô số ký giả và phóng viên ảnh, vào hồi 1 giờ chiều, tại Hàn lâm viện Thụy Điển, tổng thư ký Horace Engdahl đã mở đầu tuyên bố của mình bằng những lời ca ngợi Le Clézió: "Chúng ta có thể trân trọng Le Clézió như một tác giả văn xuôi vĩ đại. Một công dân thế giới thực thụ, cho dù viết bằng tiếng Pháp, nhưng ông không phải nhà văn Pháp điển hình". Ông Horace Engdahl nhấn mạnh: giải thưởng Nobel năm nay dành cho Le Clézió là sự tưởng thưởng đại diện một thế hệ theo chủ nghĩa thế giới, ngay cuộc đời của ông cũng là biểu tượng của sự bào mòn biên giới giữa các dân tộc.

Sinh năm 1940 tại Nice trong một gia đình mà cha mẹ xuất thân từ Mauritius, một thuộc địa cũ của Pháp, từ nhỏ, Le Clézio đã cùng gia đình chuyển sang Nigeria; dưới ảnh hưởng của những chuyến đi dài này, vào năm lên bảy, cậu bé Le Clézio đã bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Về sau, Le Clézio còn sinh sống tại Anh, Mỹ, Mexico và quần đảo Bahamas. Hiện tại, cùng vợ là người Maroc, gia đình ông lúc thì sinh sống tại New Mexico, khi thì về Mauritius. Trả lời báo giới, tổng thư ký Engdahl cho rằng "trong các tác phẩm của mình, Le Clézió đã giới thiệu những thế giới khác biệt với văn hóa Phương Tây". Bởi lẽ, "Le Clézió sống ở nhiều nước, nhưng tại đâu ông cũng thân thuộc như ở nhà. Ông là một kẻ du mục, nhìn nhận xã hội Phương Tây từ bên ngoài".

Sau khi tốt nghiệp đại học, Le Clézio chịu ảnh hưởng của triết học hiện sinh, cũng như trào lưu "nouveau roman" (tiểu thuyết mới) khi đó có tác động rất mạnh ở Pháp. Các nhà tư tưởng lớn đương thời như Michel Foucault hay Gilles Deleuze đã khen ngợi những dòng đầu tay theo phong cách thử nghiệm táo bạo, với tinh thần nổi loạn, của chàng trai Le Clézio. Tiểu thuyết đầu tiên của Le Clézio - mang tựa đề "Le Procès-Verbal" (1963) - đã khiến nhà văn vào tới chung khảo Giải thưởng Goncourt và đoạt giải Prix Renaud của Pháp cùng năm.

Trong những tác phẩm về sau, Le Clézio đã chuyển sang các đề tài khác, ông viết về những chuyến đi xuất phát từ cảm hứng cá nhân, về thời thơ ấu và trưởng thành; hai đề tài thường xuyên được ông đề cập là số phận những sắc dân thiểu số và bảo vệ môi sinh. Phong cách của ông cũng điềm đạm hơn và "trong sáng" hơn. Khi đó, Le Clézio chinh phục được sự quan tâm của nhiều giai tầng độc giả hơn. Năm 1980, nhà văn là người đầu tiên được Hàn lâm viện Pháp tặng Giải Paul Morand cho tác phẩm Désert (Sa mạc), có đề tài về mâu thuẫn giữa các nền văn hóa Bắc Phi và Châu Âu dưới con mắt những người dân nhập cư.

Cho đến nay, Le Clézio đã ấn hành chừng 30 đầu sách, đa phần là tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận. Năm 1994, tạp chí văn học "Lire" của Pháp đã tổ chức một cuộc trưng cầu dư luận và 13% độc giả cho rằng Le Clézio là nhà văn lớn nhất viết bằng tiếng Pháp còn sống cho đến khi ấy. Nhiều sách của Le Clézio đã được dịch ra tiếng Hungary, như "La Fievre" (A láz, 1968), "La Guerre" (A háború, 1970), hay tiểu thuyết "Terra Amata" (1967) được Nhà xuất bản (NXB) Châu Âu ấn hành năm 1975, và thời gian gần đây là hai tác phẩm khác, cũng tại NXB Châu Âu. Tuy nhiên, độc giả Hungary không mấy ai rành các tác phẩm của Le Clézio: đây âu cũng là "tình hình chung" ngoài biên giới Cộng hòa Pháp vì theo kết quả trên trang chủ của Ủy ban Nobel, đến 90% khách truy cập trang web chưa hề đọc nhà văn Pháp này!

Theo những thông tin sơ bộ, chiến thắng của Le Clézio không thật bất ngờ vì, cho dù không được nhắc đến nhiều như Phillip Roth, Murakami Haruki, Joyce Carol Oates, Amos Oz (người được văn giới coi là có hy vọng nhất, cho đến đêm hôm qua), nhưng Le Clézio cũng có mặt trong danh sách những ứng viên của Nobel Văn chương 2008, cùng một số tác giả "ít tên tuổi" hơn như Herta Mueller (nhà văn Đức, sinh ở Romania), hay Ko Un (nhà thơ Nam Hàn). Một điều thú vị: ca - nhạc sĩ Bob Dylan cũng từng được giới cá cược đặt cọc với tỉ lệ 150:1. Một điều chắc chắn: với việc trao giải cho một nhà văn Châu Âu, Hàn lâm viện Thụy Điển đã thực hiện quan điểm trước đó của họ, theo đó, các nhà văn Hoa Kỳ còn xa mới có thể nhận Nobel Văn chương, vì văn học Mỹ quá thiển cận, thấp kém trước những ngòi bút uyên bác, nghệ thuật của Lục địa già!

Trong lịch sử giải Nobel Văn chương, đã một lần giải được trao cho văn hào Kertész Imre của Hungary vì những tác phẩm về đề tài holocaust, tiêu biểu là "Không số phận" (Sorstalanság). Nhiều nhà văn, nhà thơ khác của Hung cũng đã được đề cử Nobel Văn chương, gần đây nhất là Sánta Ferenc (mới qua đời mùa hè năm nay, nổi tiếng với tác phẩm "Con dấu thứ năm" - Ötödik pecsét được dịch ra ít nhất 30 thứ tiếng trên thế giới), và trước đó là những tên tuổi Nádas Péter, Esterházy Péter, Weöres Sándor... Năm 1964, thi hào Illyés Gyula (tác giả thi phẩm "Một câu về độc tài" nổi tiếng) được vào đến chung cuộc, và chỉ thua nhà văn Pháp Jean Paul Sartre, người sau đó không nhận giải vì lý do "không ai xứng đáng để được phong thánh lúc sinh thời".

Trần Lê tổng hợp theo báo chí Hungary


 
 Từ khóa: Nobel
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn