Cuốn cẩm nang về biên tập và xuất bản sách của Hungary
Tuy nhiên, câu hỏi về quyền hạn của BTV, cũng như, mối tương quan giữa BTV - tác giả (và người đọc) dường như không phải lúc nào cũng được xác định rõ ràng.
Trích đoạn sau đây dịch từ "Cẩm nang của các BTV và các tác giả" (Gyurcsák János, Nhà xuất bản Osiris, Budapest 1996 - Trang 258-259), một cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ BTV và tác giả Hung, cho thấy một quan điểm khoa học và hợp lý về những nguyên tắc biên tập.
*
Biên tập bản thảo là hoạt động phức hợp nhất, và cũng có lẽ là hoạt động đòi hỏi trách nhiệm cao nhất của quá trình xuất bản!
Một trong những nghịch lý của công việc biên tập là vấn đề trách nhiệm. Về mặt luật pháp, biên tập viên (BTV) không chịu trách nhiệm về nội dung của sản phẩm in. Trách nhiệm ở đây, trước hết thuộc về tác giả, và ở một mức độ nhỏ hơn, nhiều khi chỉ mang tính gián tiếp, thuộc về nhà xuất bản. Tuy nhiên, chính sự khác biệt giữa một BTV trung bình và một BTV giỏi là ở chỗ BTV giỏi nhất định cần phải có sự can thiệp về nội dung bản thảo và như thế, vẫn có trách nhiệm ở một dạng nào đó khi tác phẩm được in. Cố nhiên, BTV không bao giờ được thực hiện những thay đổi, những bổ sung về nội dung và những chỉnh sửa nếu không được sự biết đến của tác giả. Nhưng, một BTV, nếu muốn quan tâm đến những vấn đề nội dung, đòi hỏi phải có sự hiểu biết trong lĩnh vực mà tác giả đả động tới, cho dù có thể không ở mức như tác giả. Có điều, một BTV giỏi không chỉ suy nghĩ được trong bản thảo, mà còn phải suy nghĩ được trong tác phẩm in, nghĩa là sau khi đọc bản thảo, trái với đa số các tác giả, BTV phải có được hình dung về tác phẩm in hoàn chỉnh. Thông thường, các tác giả cũng nhận thức được điều này nên họ luôn gắn bó với một vài BTV có tên tuổi. Cố nhiên, uy tín của BTV - ở mọi nơi trên thế giới - kém xa uy tín của tác giả. Và, cũng không thể trả lời được câu hỏi tại sao một BTV xuất sắc lại "cam phận" BTV, mà không trở thành tác giả...
BTV có vai trò môi giới giữa tác giả và độc giả, bởi lẽ đồng thời họ phải suy nghĩ được bằng cái đầu của tác giả và độc giả, nghĩa là, họ cần phải hiểu tác giả thực chất muốn nói gì, mặt khác, cần giúp đỡ người đọc hiểu được điều mà tác giả muốn nói. Trên tư cách người đầu tiên đọc bản thảo, BTV truyền tải cho tác giả những nguyện vọng của các độc giả trong tương lai, vì thế, quan hệ mật thiết giữa tác giả và BTV trong quá trình xuất bản là không thể thiếu được.
Công việc biên tập khó ở chỗ BTV như kẻ khiêu vũ mà bị trói tay: chỉ có thể xuất phát từ dụng ý của tác giả, sự chỉnh sửa và thay đổi không thể vượt quá một giới hạn nhất định. BTV cần phải để ý tới chủ tâm của tác giả khi triển khai kết cấu của tác phẩm in, các đơn vị cấu trúc phải phục vụ điều này. Những giới hạn có thể đến đâu? - không có lời giải đáp xác quyết cho câu hỏi này.
Trên cơ sở những điều đã nói ở trên, BTV phải để ý đến những yếu tố sau:
1. cấu trúc, trật tự sáng sủa của bản thảo;
2. ngôn từ cô đọng và phong cách thích hợp của tác phẩm (thuật ngữ, các chữ viết tắt, chính tả, thư mục...);
3. thống nhất các đơn vị cấu trúc (hệ tựa đề, mục lục...) và loại trừ sự trùng lặp;
4. gạt bỏ những lỗi logic còn sót lại trong cách diễn đạt;
5. gạt bỏ những bất hợp lý và lỗi về ngôn từ và phong cách (đặc biệt, trong các tác phẩm nhiều người viết);
6. sự chính xác và đúng đắn của những dẫn chứng, ghi chép;
7. kiểm tra các tên tuổi và tựa đề trong tác phẩm và trong thư mục;
8. kiểm tra sự hiện diện chính xác của các minh họa và những phần phụ (phụ lục, chú giải các tên họ, danh sách các thuật ngữ chuyên môn, bảng chỉ dẫn các đề mục và tên họ...)
BTV không thể bắt ép tác giả phải theo quan điểm của mình. Bởi lẽ, vẫn có thể là tác giả có lý. Và rốt cục, tác phẩm vẫn là của tác giả, lời cuối cùng luôn phải thuộc về tác giả!
Nguyễn Hoàng Linh dịch theo bản tiếng Hungary
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn