DIỄN TỪ VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA TẬP THƠ "CÓ MỘT MỈM CƯỜI"

Thứ sáu - 31/10/2008 13:07

Lương tiên sinh nói với tôi rằng: "Đây có phải thơ không?" Tôi trả lời, rằng mấy chục năm ông đi vào đi ra, lúc nồng lúc nhạt vẫn quanh quẩn không ra ngoài những con chữ mang tính ẩn dụ. Thế không là thơ thì là gì?

Nhà thơ, nghệ sĩ Lương Tử Đức - Ảnh: Đăng Hương

Chu Hy, nhà bác học đời Tống có nói: "Đời sống con người lúc tĩnh là do tính thiên nhiên. Khi cảm xúc với sự vật mà động là do cái thị dục của tính vậy. Ôi! Đã có thị dục thì sao khỏi có tư lự, đã có tư lự thì sao khỏi bật ra lời nói, đã bật ra lời nói rồi thì lúc nói không tỏ hết những điều muốn nói; cái còn dư lại ấy sẽ phát ra, tự nhiên hợp với tiết tấu mà không thể nào ngừng được. Thơ là dư âm (thanh âm còn dư) của lời nói trong khi lòng người cảm xúc với sự vật mà nó thể hiện ra ngoài".

Theo Sigmund Freud, thơ là khoảng trống giữa việc nói nhịu và sự diễn ngôn bị nén lại, ở khoảng trống đó nở ra những ngôn từ và tiết tấu đặc trưng mang nội dung bị đè nén trogn diễn ngôn và sự thật bị ức chế của biểu hiện hay của tư tưởng.

Stéphane Mallarmes (nhà thơ Pháp) nói, nếu từ ngữ là hình ảnh của sự vật, thì mọi người sẽ là nhà thơ và thơ ca sẽ không tồn tại: thơ ca sinh ra từ những sai sót của các ngôn ngữ.

*

Tôi được biết Lương Tử Đức đã ngót hai chục năm, từ khi ông xuất bản tập thơ Đi thầm. Từ ấy đến nay, ông vẫn thương xuyên làm thơ và chưa từng in tập thơ nào tiếp theo. Nay nhân sự chuyển mùa, ông tập hợp chọn ra được 35 bài thơ mà ông tạm cho là ưng ý in thành một tập, với ba lần đổi tên mới dừng lại ở cái tên tập thơ mà ta đang được biết.

Lương Tử Đức nói với tôi rằng làm gì cũng chỉ để làm thơ, qua sự gần gũi nhiều năm, tôi thấy rằng câu tuyên ngôn này có gần với sự thật đời sống sáng tác thi ca của ông.

35 bài thơ được trích ra từ vách đá thời gian 18 năm, chắc chắn đằng sau nó phải ẩn chưa không ít ý nghĩa. Tôi dốc sức để dò tìm cái cơ cấu tinh thần của chủ nhân là ra những bài thơ này. Khái niệm công nghệ thơ ca được hiện ra, như chiếc chìa khoá để dưới tảng đá nằm ở câu thần chú trong câu chuyện thần thoại. Từng bài thơ được cấu thành từ sự sắp đặt công phu, kỹ lưỡng để rồi giống như một sự ngẫu nhiên, làm bằng những chất liệu là những cây thơ được mã hoá, được kỳ cọ đánh bóng đến mức thơm nức.

Mỗi một ngày tôi dừng lại ở giấc ngủ
Lại gặp một người từ giấc ngủ đi ra
Một trẻ thơ
Một goá phụ
Một ông lão
Một chàng trai
Một cô gái
Một tàn tật
Một thánh thiện
...
Hoặc là tôi
Chắc chắn là một người nào đó
Từ giấc ngủ đi ra
Khi tôi thức giấc
Không hẳn đã sang một ngày mới
Vì ngày hôm qua còn ở giấc ngủ của ngày mai
Tôi tới đó và tôi dừng lại
Lại gặp một người từ giấc ngủ đi ra
(Thông điệp một giấc ngủ)

Đây có phải là câu chuyện về giấc ngủ? Chắc chắn có điều gì đó khác thế, có điều gì đó ở ngoài giấc ngủ.

Như chúng ta đã biết, theo các nhà khoa học về tâm lí, giấc ngủ mới là chân tướng, bản lai diện mục, là đời sống thực của tinh thân mỗi con người. Giấc ngủ của Lương Tử Đức không cho ta ấn tượng về bóng tối, thuần tuý nghỉ ngơi mà cho ta nhận ra sự tái sinh, chúng ta được tái sinh mỗi ngaỳ từ giấc ngủ của chính mình. Đây có lẽ là ám dụ, là cái đích của bài thơ này, con người có khả năng tự tái sinh, được tác giả nhắc lại rõ hơn ở một bài thơ khác, dưới một mặt cắt khác:

Giấc ngủ nhảy múa và mang thai những ngọn thác
Giấc ngủ không bao giờ thức
Trước nhân loại không thể ngủ được nữa
(Giấc ngủ màu xanh)

Mỗi lần đến bên thềm giấc ngủ
Thân thể tôi chỉ còn lại bụi đường
(Nghe dưới mỗi bước chân)

Chúng mình sinh ra nhau
Đường dài sinh ra chúng ta
(Bài ca đường dài)

Trong những bức hoạ siêu thực bằng ngôn từ, Lương Tử Đức bày biện trước mắt chúng ta những lát cắt, những chân tướng khác của đời sống:

Người với người là câu thơ thứ hai
...
Trong lâu đài vô cảm lộng lẫy, luôn ồn ào những mùa phát dục
Một sự thật về thanh tĩnh?
Một sự thật về phát dục?
Sự phân biệt đẳng cấp loài, loại
Cũng chỉ là câu thơ thứ ba
Số phận tờ giấy trắng này phụ thuộc
vào câu thơ thứ nhất
Nhưng câu thơ thứ nhất
được viết ra từ số phận nào?
(Bản quyền trên tay bạn)

Một người chặt đứt bàn tay bằng cách nâng cốc bia
Một người mọc miệng đầy mình bằng cách uống bia
Người bán bia không có tay, có miệng
Vì vợ anh ta đã hoá cốc bia đầy
Có một người đẩy xa rác đi qua
(Dưới một đám mây)
 
Những tiếng vỗ tay của lá cây mùa hè
bắt đầu rụng vào gió thu
Buông hơn sự úa tàn là những quả xanh
không kịp chín ở mùa hạ
Bạn hãy lắng nghe và chẳng thấy gì trong tiếng thác đổ
Chúng ta không còn cơ hội lắng nghe
Mọi dòng nước đổ về biển cả
Nhưng sự trong sạch của nước lại bay về trời
Còn những nhơ bẩn lại chảy ngược về phía chúng ta
...
Bài thơ đích thực
Không ai làm thay ai được-nó ở trong mỗi con người
(Bài thơ đích thực)

Đọc thơ Lương Tử Đức ta có cảm giác của hơi nóng đột ngột xộc lên mặt từ sự ngông cuồng với ngôn ngữ hoang đường. Thưa vâng, đó chính là sự thách thức. Sự thách thức này công khai những chuẩn thức mới thay chỗ cho những chuẩn mực quen thuộc về cách nhìn, về sự cảm nhận, cách tư duy hướng tới đời sống con người, và về thi ca, được biệt là việc cấu tạo các bài thơ, cấu tạo các hạt "quắc" ngôn ngữ thi ca.

Chúng ta cũng rống lặng như một màng không khí
vừa rách một tiếng nấc đánh rơi một giọt mưa
xuống cánh đồng thở
bằng bước chân của đàn trâu trogn sương sớm
Thực ra tôi cũng không biết mình đang nói gì
và viết tiếp những gì
Người bạn kia là ai tôi chưa hề quen biết
Và... chưa bao giờ có tôi có chúng ta
Cả tôi nữa cũng là bịa đặt
Hôm nay, ngày và đêm chênh nhau mười độ
Đó là khoảng cách bất lực của mọi đời sống
Nhưng là cơ hội của một tia chớp
(Lý do của một nụ cười)

Con người sinh ra là có thực ở đời
Vâng đúng thế!
Nhưng bạn là ai - Nhân từ hay man rợ?
Ôi Giáo điều...giáo điều...
Ta đang cần cái tăm, hoặc lọ thuốc đau mắt
Trời ơi! Chết tiệt - Tại sao bông hoa lại nở lúc này?
Chúng ta hãy nói sang chuyện khác"
(Đàn bò sưởi nắng)

Ước gì mỗi sớm thức giấc tôi thấy sang một năm mới
Sao mỗi ngày không phải là một năm
Mọi điều ước chỉ xảy ra trong chốc lát
...
Hoa phượng rụng vào tiếng chim trong bức tranh vẽ lại
Gương mặt ai bỗng hoá cánh đồng
...
Số phận cánh đồng kia
Có còn là nó
Khi một ngày đã hoá một năm
(Ngày của cánh đồng hoa)

Đọc những câu thơ này, tôi chợt nhớ tới câu chuyện về Albert Einstein, cái giả thiết từ khi ông còn là một đứa trẻ, rằng nếu mọi chuyển động của con người và mội vật trên thế gian có tốc độ của ánh sáng thì thế giới này sẽ như thế nào? Giả thuyết này đã dẫn đến thuyết tương đối và công thức kỳ vĩ của nhân loại E (2) = C(2) +V(2).

Số phận cánh đồng kia
Có còn là nó
Khi một ngày đã hoá một năm

Đúng vậy, khi một ngày là một năm thì cánh đồng có lẽ đã làm những thảm bay, chúng bay lượn lộng lẫy trong tập thơ Có một mỉm cười của Lương Tử Đức. Sự mới mẻ đến độ "sốc" của những câu thơ không dừng lại ở đó, những chuẩn thức mới vẫn bay ra vun vút từng cùm phi tiêu bén nhọn
 
Những bộ quần áo đẹp, kín đáo
được mặc vào những thân thể đã lộn trái
Họ băng qua êm dịu, ngọt ngào của chúng ta
Họ đến với Đức Phật
Bằng sự nặng nề phiền muộn
Sự khó khăn và nhạt nhẽo này
Không dừng lại ở tiếng chuông chùa
(Ngày ngày tôi vẫn ở trong họ)
 
Chúng ta lao vào nhau bằng những cảm giác mọc lông thú
Chúng ta chối từ nhau khi không còn danh lợi
Chúng ta ngập ngững e thẹn thăm dò
Tâm hồn chúng ta đầy bệnh tật
Chúng ta vừa là bệnh nhân
Vừa là bác sĩ của nhau
...
Ta chỉ chân thành để ngầm mặc cả
Ta tìm nhau để chạy trốn mình
Chúng ta đuổi tiếng hát ra ngoài hơi thở
Con chim không thể bay khi đập gãy cánh
Con người không thể yêu khi lấm láp tâm hồn
Tình yêu không phải là sọt rác
(Một sự thật tình yêu)

Mặt trời vớt lên từ biển Đông một chiếc khăn hồng
rửa mặt cho cánh đồng ngái ngủ...
Đó là câu thơ của một tờ giấy gói bánh nhân thịt
văng ra từ hàm răng của con mèo sành ăn
Dưới gầm một đôi giày đen xoay lại bắt tay
...
Dẫu sao thì mọi gương mặt vẫn cần phải rửa
Và mỗi sáng thế gian lại được xác lập
từ những gương mặt được rửa sạch
(Rửa mặt)

Như chúng ta đều biết, trật tự và sạch sẽ là những đặc trưng,, những điều kiện quan trọng của văn minh, mặc dù đối với như cầu đời sống, và đối với hưởng thụ vai trò của chúng không rõ ràng lắm. Rửa mặt nằm trong đặc trưng sạch sẽ và là thước đo thực tế về văn minh, mọi cái bẩn thỉu đều không phù hợp với văn minh và hình như chúng ta đang phủ nhận những yêu cầu đầu tiên của văn minh, tưởng rằng nó không có bất kỳ giá trị thực tế nào hoặc vô dụng. Nhưng chúng lại là những đặc trưng yêu cầu đầu tiên đối với văn minh loài người. Vấn đề rửa mặt không đơn thuần chỉ là sự vệ sinh sạch sẽ cơ thể, mà còn là sự tự làm sạch đời sống tinh thần của con người, từ những cảm xúc, những hành vi ứng xử cho đến những hoạt động rộng lớn trong cộng đồng loài người.

Dẫu sao thì mọi gương mặt vẫn cần phải rửa, bởi:
Mưa bắt đầu rơi vào những câu chuyện nói bằng tiếng mưa
Những câu chuyện chỉ kể đực với nhau trong mưa
Tiếng cười như cỏ mọc
Hình như những caua chuyện đã kết thúc trước khi mưa
Một khoảng trốgn xanh biếc hiện ra
Có thể lúc này cảm thấy xỉ nhục
Cũng có thể sẽ được thanh thản
Hoặc một cơn bực bội dâng lên
Cao hơn nữa là căm thù và khinh bỉ
(Rửa mặt)

Tôi nhận thấy tinh thần rửa mặt toát ra và quán thông toàn thể tập thơ này. Dường như tác giả hoặc né tránh hoặc có ngụ ý thâm sâu khác nên đã chọn cái tên của tập thơ không phải là "Rửa mặt":

Không chết được sau những cơn nôn mửa
Thì sống bằng cái mặt nạ ngàn năm
(Lời một cơn giông)

Đó là Lời một cơn giông, hay là việc con thỏ "giao phối ánh trăng" để rồi sinh ra những đứa con có tên là Hoang vắng:

Để một ngày kia
Con thỏ trở thành người gác rừng
Còn người gác rừng
Không có cách gì để trở thành con thỏ
(Bi kịch tân cổ điển)

Có lẽ ngụ ý của Lương Tử Đức hướng tới một ngài Quán Thế, và pháp danh của Ngài có tên là Có Một Mỉm Cười.

Từ nghĩa địa trở về cái chợ
Có một mỉm cười luôn thấu suốt chúng ta
Mỗi năm Ngài vươn vai một lần
Tung chiếc khăn trải bàn phủ kín trái đất
Và ngắm nhìn chúng ta nhầm lẫn trong mùa hoa quả
Những nhầm lẫn của không ai sai, không ai đúng
Bởi sai , đúng là việc của Ngài
Cũng có thể không phải như vậy
Vì Ngài chỉ mỉm cười
...
Vì Ngài chơi chơi với trẻ con
Và lừa chúng  bằng cách làm cho chúng già đi
Tất cả mọi đứa trẻ ranh mãnh, hiền lành
May mắn hay rủi ro đều bị Ngài bỏ quên
khi chúng đặt tên cho hoa quả
...
Thế là Ngài khóc
Khóc như con cò bay qua thành phố
Khóc như chúng ta mai táng nhau
vào những căn phòng cao ốc
Khóc như chúng ta cầu kinh
Khóc như chúng ta mồ côi
Khóc như những ngón tay trên máy vi tính của chúng ta
Khóc như những cuộc tìm nhau của chúng ta
Khóc như những chối từ nhau của chúng ta
Khóc như những cơn vật vã của thành đạt
Khóc như sự thất bại đi tìm hơi thở
Khóc như chúng ta chưa biến được trái đất thành quả bóng dưới chân mình
...
Nhưng Ngài khóc bằng cách mỉm cười
(Có một mỉm cười)

*

Như tôi vừa trình bày và tự nghĩ rằng khó mà diễn đạt cho đầy đủ cái công nghệ thơ của Lương Tử Đức. Ở đấy, thơ được lập trình, được mã hoá, được nén lại như những hạt nguyên tử.

Trong cuộc tiễn biệt mùa thu năm nay, tại một biệt thự cổ kính bên thung lũng với những cánh đồng cuối thu sát những dải đồi Chúc Sơn, nhà thơ, Đại tá Quang Hoài vốn là một nhà quân sự lão luyện đã nói với đạo diễn Trịnh Lê Văn về tập thơ Có một mỉm cười của Lương Tử Đức. Nhà thơ Quang Hoài diễn đạt cảm nhận của mình bằng hình ảnh, ví tập thơ như một trái bom lớn, trong trái bom này chưa 35 trái bom nhỏ, mỗi trái bom nhỏ mang một sức công phá lớn. Cái sự so sánh ví von bằng hình ảnh của nhà thơ Quang Hoài về tập thơ này, có lẽ không xa mấy với công nghệ thơ mà tác giả tác giả của nó mấy chục năm trời khổ luyện công lực, giờ công khai chế tác đó trước bạn đọc.

Tôi lại chợt nhớ về ý kiến của Albert Einstein: "Nghĩa vụ của mỗi con người thiện chí là bền bỉ đấu tranh trong thế giới nhỏ bé của mình đến cùng cực khả năng mình, hầu làm cho giáo lý thuần tuý nhân bản trở thành nguồn lực sống động. Nếu anh ta nỗ lực một cách trung thực theo hướng này mà không bị những người cùng thời bóp nát và chà đạp dưới chân, thì anh ta coi như bản thân mình và cộng đồng đã gặp may."

Khi hoàn thành bài thơ Nước mắt quân vương, Lương Tử Đức có đọc cho tôi nghe và ông tâm sự, rằng anh em trong gia đình ông từ nhỏ, trong dòng máu mỗi người đều vang lên tiếng ngựa hí, gươm khua:

Cô gia
Cô gia
Thiên hạ thái bình
Ngai vàng tựa cửa
Cô gia
Cô gia
Có cả giang sơn
Mà không ngọn cỏ
(Nước mắt quân vương)

Có thể Lương Tử Đức chưa hẳn vừa ý nhưng tôi vẫn nói ra cảm nhận này. Tôi thấy bài thơ giống hình ảnh một thi nhân hơn là một quân vương. Hoặc tầm vóc của quân vương và của thi nhân có sự tương đồng chăng?

Trong hành trình Công nghệ thơ của Lương Tử Đức, có một bài thơ về chuyến thăm nước Mỹ, nhưng với một cảm nhận trái khác với hình tượng thơ đầy ám ảnh nằm trong dòng chảy thi pháp nhất quán của tập thơ. Nước Mỹ trong bài thơ hiện lên sinh động qua hình ảnh con quạ và chiếc tủ lạnh khổng lồ, với "cây chết không héo úa, hoa tàn không phai màu, cùng những con người chỉ làm nên nửa cuộc đời mình, tất cả sống bằng cách bảo ôn trong tủ lạnh, không có quyền chết ở mùa xuân":

Buổi sáng đầu tiên ở sân bay Los Angeles
Từ tia nắng mặt trời kiêu hãnh của phương Đông
Một con quạ bay qua đêm trở về
Nó len lỏi dưới gầm những chiếc máy bay đời giờ cất cánh
Nó nhặt ánh mắt tôi
Và tìm chiếc máy bay nào sẽ đưa tôi về Boston
...
Chỉ một mình tôi được ngồi trên lưng con qụa
Từ Bắc Thái Bình Dương đến Bắc Đại Tây Dương
Con quạ cõng tôi bay qua nước Mỹ
Không!
Nó đang cõng tôi bay qua
chiếc tủ lạnh khổng lồ bốn tháng mùa đông
(Con quạ)

Thơ Lương Tử Đức là vậy, mong mỏi hướng tới sự chân xác của đời sống, nó sinh ra từ sự thách thức mà ta lầm ngỡ là sự ngông cuồng và hoang đường. Có một mỉm cười của Lương Tử Đức cho tôi cảm giác hoang mang. Tiếp theo Lương Tử Đức sẽ là gì? Câu trả lời còn để trống...

Dương Kiều Minh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn