ALEKSANDR SOLZHENITSYN: “ĐÂY KHÔNG PHẢI NƯỚC NGA MÀ TÔI TỪNG MƠ ƯỚC!”

Thứ hai - 10/12/2007 23:19

(NCTG) Ngày 11-12-2007, văn hào Nga Aleksandr Solzhenitsyn kỷ niệm ngày sinh lần thứ 89 của mình. Đồng thời, đây cũng sẽ là ngày đánh dấu một sự kiện rất quan trọng trong sự nghiệp văn chương của ông: những phần mới của bộ sách “Quần đảo Gulag” được xuất bản.

Solzhenitsyn trên toa tàu tại Vladivostok khi trở về nước Nga sau nhiều năm lưu đày biệt xứ (đầu thập niên 90 thế kỷ trước) - Ảnh: Mikhail Evstafiev

Số phận những cuốn sách mang chung một cái tên này thật kỳ lạ: nếu dưới thời Xô-viết, tác phẩm đã “nằm chờ” 16 năm đợi ngày đến với công chúng thì ở nước Nga mới này, người ta cũng đợi tròn 16 năm mới để nó ra đời.

Lần này, “Quần đảo Gulag” được in ấn cùng một lúc ở 3 nhà xuất bản (NXB). Trong tương lai, bản quyền sẽ được một NXB nữa mua lại. Quả đúng như tinh thần một câu ngạn ngữ Pháp mà Solzhenitsyn tâm đắc: “Chẳng điều gì là muộn cả đối với người biết chờ đợi”.

Bà Natalya Solzhenitsyna, người bạn đời kiêm trợ lý của nhà văn, nhận xét rằng đọc “Quần đảo Gulag” là một cách “tiêm phòng” – tránh cho lịch sử lặp lại quá khứ buồn đau.

Solzhenitsyn đưa vào ấn phẩm mới này danh sách tên họ xác thực của các nhân chứng, những người mà trong lần xuất bản cuốn sách năm 1973, ông đã nhiều lần phải viết dòng chữ như sau về họ: “Vì một số lý do dễ hiểu, tôi không thể để lộ tên thật của con người này”. Trong ấn phẩm đó, nhà văn chỉ có thể sử dụng những thông tin chính thức của Liên Xô về những trại cải tạo lao động mà theo ông, đầy rẫy những xuyên tạc và bịa đặt. Chúng có thể khiến người đọc bị nhầm lẫn cho dù nhà văn đưa vào sách những thông tin đó chỉ với mục đích nhạo báng và bài bác. Trong lần xuất bản này, những tư liệu đưa ra đều chính xác và dựa trên cơ sở khoa học, sau nhiều năm dày công nghiên cứu cẩn trọng.

Cho đến giờ, kể cả khi đã được vinh dự nhận Giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga năm 2006, Solzhenitsyn vẫn giữ một phong cách sống thanh đạm đến khắc khổ. Một căn nhà gỗ có sàn gỗ cũ kỹ kêu cót két, một căn phòng với những giá sách đồ sộ giống như một thư viện, những chiếc bút bi bình thường đựng trong cái cốc… Thậm chí, trong phòng vẫn còn chiếc máy chữ cổ của Đức, người “bạn tri kỷ” đã từng giúp ông đánh ra bản thảo đầu tiên của “Quần đảo Gulag”. Ngày ấy, ông không thể tưởng tượng rằng tập bản tháo đó sẽ được dịch ra 34 thứ tiếng và được rất nhiều người tìm đọc, thậm chí, cả ở Liên Xô cũ, cho dù người đọc có thể phải trả giá bằng 8 năm mất tự do! Và quả thực cũng khó tin rằng, vì tập bản thảo năm ấy, nhà văn đã bị bắt ở tuổi 27, còn bây giờ, khi ở vào tuổi xưa nay hiếm, ông lại sắp được thấy đứa con tinh thần của mình tiếp tục ra đời.

Các học giả phương Tây đặc biệt quan tâm đến cuốn sách cũng như tác giả của nó, người từng đoạt Giải Nobel Văn chương năm 1970. Các nhà làm phim người Pháp đã dựng hẳn một bộ phim về quá trình hình thành tác phẩm mang nội dung kỳ vĩ này.

Nằm trong khuôn khổ bộ ấn phẩm sẽ được xuất bản tới đây, còn có 5 cuốn sách nữa, trong đó đặc biệt có cuốn “Thời khắc mới – gánh nặng mới” viết về những trăn trở của nhà văn về một nước Nga mới với những vấn đề lớn nhỏ của riêng mình trong thời kỳ này.

Trả lời phỏng vấn chương trình “Vesty.ru”, nhà văn đã khẳng định rằng, nước Nga bây giờ, cho dù đã trải qua bao thăng trầm, gắng gỏi, vẫn khác xa với một nước Nga mà ông từng mơ ước. Dầu vậy, có một điểm mà nước Nga đã làm được: đó là lấy lại vị thế của mình trên trường quốc tế, có lại được tiếng nói và ảnh hưởng của nước Nga đối với thế giới. Song, bên trong nước Nga lai day dứt một vấn đề khác: thực trạng về những giá trị đạo đức và tinh thần của nước Nga, đang bị băng hoại nằm trong quá trình phân hóa giàu nghèo rất rõ ở đất nước này, điều mà chính phủ chưa thực sự quan tâm điều chỉnh đúng mức.

Aleksandr Solzhenitsyn trả lời phỏng vấn TBT tờ "Moskovskiye Novosti" (Tin tức Moscow, số ra tháng 5-2006)

Solzhenitsyn nhấn mạnh rằng nếu muốn vực lên được những giá trị tinh thần, đạo đức của xã hội Nga, không thể trông vào “những phương sách chính trị của chính phủ hay những động thái của chế độ đại nghị. Đó là một quá trình phát triển phức tạp của tinh thần, của hồn vía nước Nga.

Còn nhớ, ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, những nhà phê bình phương Tây đã từng nói về Solzhenitsyn như một cây bút đã “trả lại hồn Nga cho dân tộc Nga”. Nhà văn luôn đặt những giá trị đạo đức dân tộc làm trung tâm trong các tác phẩm của mình, lấy đó làm chỗ dựa để những nhân vật của ông bám vào mà sống sót trong thế giới đảo điên. Và bây giờ, một lần nữa, người từng được đánh giá là người nối tiếp xứng đáng truyền thống nhân văn của nền văn học cổ điển Nga thế kỷ XIX lại nhắc đến những giá trị nhân văn này trong thời điểm nước Nga mới vừa kết thúc cuộc bầu cử vào Hạ viện (Duma Quốc gia), hình thành một cơ cấu chính trị mới và bắt đầu từng bước thực hiện các kế hoạch phát triển đất nước.

Lời tuyên bố của nhà văn có sức chấn động lớn đối với các chính khách Nga!

Thượng nghị sĩ Valentina Petrenko, chủ tịch Ủy ban chính sách xã hội của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) đã đồng ý với nhà văn và cho rằng, để xây dựng một xã hội có tầm cao về đạo đức, tinh thần, nước Nga cần những con người thẳng thắn như Aleksandr Solzhenitsyn. Điều này thực ra đã được chứng minh qua những năm tháng dài trước đó, hai lần con số 16 năm mà con người này đã chờ đợi để được nói lên sự thật trước lương tâm

Nghị sĩ Hạ viện kỳ IV, ông Nikolai Kharitonov bình luận về phát biểu của Solzhenitsyn rằng nhà văn nói như thế còn là quá nhẹ! “Tâm hồn Nga – đó là đạo đức, là sự tôn kính đối với các bậc tiền bối, là tất cả những gì cho con người ta hành trang vào đời. Những giá trị ấy chúng ta hầu như đã đánh mất”.

Được biết, sau “Quần đảo Gulag”, những phần tiếp theo của “Bánh xe đỏ” - cũng là một tác phẩm tâm huyết của Solzhnitsyn - đang được gấp rút hoàn thành và chuẩn bị xuất bản. Trong ấn phẩm này, nhà văn thực hiện công việc của một sử gia, thu thập đầy đủ những tư liệu quan trọng về cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917 – cuộc cách mạng mà bài học lịch sử của nó đối với nước Nga hiện đại vẫn còn đang là đề tài tranh cãi trong chính giới nước này.

Có một thực tế rằng, ở nước Nga, không phải ai cũng yêu mến Aleksandr Solzhenitsyn. Nhưng không ai phủ nhận được những đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà. Và không phủ nhận được rằng, “nước Nga mà nhà văn mơ ước” cũng từng và vẫn là một ước mơ lung linh trong tâm hồn của nhiều người Nga chân chính.

(*) Theo biên khảo "20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975" của Nguyễn Văn Lục, trước 1975, đã có những tác phẩm sau của Solzhenyitsyn được dịch tại miền Nam:

- "Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch" (Thạch Chương và Trần Lương Ngọc dịch, NXB Nguồn Sống năm 1970)

- "Khu ung thư" (Vũ Minh Thiều dịch, NXB Ngàn Khơi năm 1971)

- "Tại nhà ga Krechetovka" (Lê Vũ dịch, NXB Hành Trình năm 1973)

- "Tầng đầu địa ngục" (Hải Triều dịch từ bản tiếng Anh, NXB Đất Mới); "Vòng đầu" (Vũ Minh Thiều dịch); "Vòng đầu địa ngục" ( Thạch Chương và Thanh Tâm Tuyền dịch từ bản tiếng Pháp)

- "Quần đảo Ngục tù" (Ngọc Thứ Lang dịch trên tờ "Sóng Thần" của Chu Tử, in thành sách, 2 tập vào 1974, NXB Trí Dũng)

Thụy Anh, 10-12-2007, từ Liên bang Nga


 
 Từ khóa: Solzhenitsyn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn