Tùy bút của Nguyễn Văn Thọ: CHUYỆN TÌNH CỦA CHA TÔI (1)

Thứ ba - 25/12/2007 20:12

(NCTG) Khi còn nhỏ, tôi không bao giờ được nói chuyện với ông (*). Mà thực ra tôi nào muốn vậy, bởi tiếng gọi của bầy đàn cùng phố, những chuyến du hí, bơi vượt sông Hồng sang bãi ngô, rà soát tất cả các vườn ổi trái mùa ở Thanh Nhàn, Nghi Tàm và, dăm củ niễng trắng muốt, ròn, thanh, tìm được trên ruộng nước, hay thú bắn chim bằng súng cao su, vặt lông, nướng lửa trên các làng, cánh đồng quanh Hà Nội!

Chân dung tự họa - Bột màu của họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu

Ông, như trăm ngàn người cha khác hồi ấy, cực nhọc kiếm sống, quanh năm suốt tháng lọ mọ trong xưởng vẽ, mọp đầu trên bàn chấm bài cho sinh viên.

1.- Bắt đầu hơi biên biết, muốn gần thì tôi lại xa ông.

Mười một năm ly biệt. Tôi nhận được đâu khoảng chục lá thư của ông trong chiến tranh. Hầu hết các thư ấy đều bốc cháy trong lần tự tay tôi đốt, cháy lên ngọn lửa, sưởi cho một đồng ngũ bị trọng thương, trong một căn hầm lở loét giữa mưa đêm đại ngàn, cùng với thơ, truyện cắt ra từ báo, từ tạp chí. Cũng như mọi người cha khác, gửi thư cho con trai nơi mặt trận, thư ông, là dặn dò giữ sức khoẻ, là chuyện mẹ tôi và anh chị em trong nhà. Nhớ thương! Có khoảng hai, hay ba lá thư rất dài, ăm ắp bốn năm trang pơ-luya, trên vẻn vẹn mấy dòng, báo tin ông và mẹ tôi vẫn khỏe, ai cũng khỏe, còn lại, dầy đặc là thơ Đỗ Phủ và Lý Bạch, của ông nôm na viết... Ngày đó, tôi không hề biết, đó là những lá thư viết sau ngày mẹ tôi mất.

Năm tôi từ rừng về lại phố, ông không còn dạy ở Đại học Kiến trúc nữa, nên bắt đầu bố con được gần nhau. Bạn tới thăm, đa phần là giáo viên và học trò, còn lại là các họa sĩ cùng lứa ở Boda (**) như ông (Hoàng Lập) Ngôn, ông Ngọc, ông Yên. Rồi ông trổ tài đàn dân tộc, bạn ông lại nhà có thêm các ca kĩ như bà Hồ, bà Phúc, chị Khuê. Đám hát kéo thêm thi sĩ, nhà văn già và nhạc sĩ, cả mấy ông về hưu. Người tôi biết như ông Văn, chú Khoát, người chỉ nghe danh… và theo sau cả đám lau nhau như anh Triều Dương, v.v...

Những buổi khó quên. Bữa ăn tối nhà tôi thường đói và lễnh loãng, nhưng sau đó, từ gác nhỏ tràn giữa cái khu chợ Giời ngày ồn ã, giờ tom chat, chát tom, ăm ắp tiếng cười, xâm xấp giọt đàn và thăm thẳm tiếng hát của các kỳ nhân đã mõm mòm mom.

Tôi là con thứ, nhưng được ông yêu, đôi khi lăng xăng lo việc hầu trà. Cũng là sở thích nghe lỏm, hóng hớt, lứa già sống ra sao. Nhưng xem ra, sự tò mò của tôi không đã. Các câu chuyện của khách, thường như lạc lõng với đám thị dân lứa chúng tôi, tách biệt thời sự, cả những điều hôi hổi của cuộc sống, như cơm, áo, gạo, tiền. Cũng không mấy khi các ông ôn cố tri tân. Người kể cho tôi về ông, xưa thế nào, duy nhất là bác Ngôn. Còn rặt chuyện vẽ của bè bạn, cồn đống Đông Dương cũ, cả lớp trẻ, giờ vẽ ra sao. Tự truyện yêu của bác Ngôn thì hồn nhiên và hấp dẫn vô cùng tận. Có lẽ lứa trí thức xưa ít ngồi đôi mách lẻo, nên chuyện riêng tư kẻ vắng mặt, thậm hiếm. Câu ngắn, nhớ lâu của bác Ngôn, chỉ hai chữ về ông: hiền và kỹ.

Có một bữa, bác Ngôn tới, kể về chuyến bay Đà Lạt và mối tình với thiếu nữ kém ông 50 tuổi. Hoàng Lập Ngôn với họa là con đại kỳ lân, với tình là con rồng xanh đi mây về gió. Gần đẫy thế kỷ mà vẫn chưa già! Lúc nào, người bạn ấy của cha tôi cũng phơi phới, tung tăng. Ông kể, mỗi chuyến bay, bác chỉ thở Yoga, chục nhịp là hạ cánh xuống Sài Gòn!? Cha tôi tập Yoga vào mỗi sớm, để tự cân bằng từ ngày mẹ tôi mất. Ngày nào ông cũng thiền, mỗi khi thức dậy và tự xoa bóp trước khi đi nằm. Không bay bằng Yoga như bác Ngôn, 40 năm, ông vui sống giữa chợ Giời náo nhiệt, làm nơi đi về cho con cháu quây quần.

Hai người khác hẳn nhau, vậy mà nhận nhau làm anh em kết nghĩa từ lúc còn xanh.

Buổi ấy, ông Ngôn cứ ngả nghiêng bên cha tôi tủm tỉm. Khách về, tôi ngồi nán lại trên căn gác nhỏ, quanh những chiếc đàn tuổi cũng chẳng non tơ. Tôi đánh bạo hỏi: "Bác Ngôn hay thật! Cậu xưa yêu thế nào? Cậu lấy mợ là do ông tìm cho. Nhưng thời học trên Hà Nội, cậu không yêu ai à?" "Có chứ. Thanh niên như chúng mình, ai chả một lần yêu!" "Cậu yêu ai? Bà ấy thế nào? Đẹp không?" Tôi dồn. Ông không trả lời và tủm tỉm. Lại với chiếc đàn đáy trên tường xuống nhẩn nha chơi.

Tôi quen rồi! Khép cửa, bước ra ngoài sân thượng cho ông được một mình.

Bữa ấy ông chơi đàn rất khuya. Ai đã nghe đàn đáy nhiều hẳn biết. Đàn đáy có ba dây mà khá nhiều giọng điệu. Sự nhấn nhá của nghệ sĩ, trên các cung phím lõm, ngón đàn diệu nghệ tạo nên những âm thanh mơ hồ, song đầy biểu cảm, sâu sắc. Những âm thanh dầy và ấm, cao và trong hòa nhau, có lúc hệt như tiếng người.

Năm 1985, khi ấy đời sống khó khăn. Tôi và em trai góp tiền lại, mới đủ mời ông đi Sài Gòn một chuyến. Chả là trong ấy ông còn vài người bạn, xa nhau từ 1954. Một nguyên nhân nữa, muốn tìm lại bức sơn dầu 24 mét vuông, vẽ năm 1952, theo đơn đặt hàng của chính phủ Bảo Đại. Thế thôi.

Bay tới Sài Gòn, khi thì tôi lấy ô tô cơ quan, khi thì xe máy đưa ông đi khắp nơi. Ông gặp lại bè bạn, đa phần là dân mỹ thuật và kiến trúc. Những câu chuyện mặn, nhạt! Tôi nhớ nhất một kiến trúc sư đã hưu, am tường hoá chất, khoe với ông những điếu ba số giả như thật. Tôi hút thử một điếu, thơm và tàn trắng tới tận cuống đầu lọc. “Nhóm học kiến trúc hồi ấy, có người vẫn là Hoàng thân, có người giữ quyền lớn và có người như ông ấy! Số phận cả con ạ!” Ông nói. Rồi qua bè bạn cũ chỉ dẫn, tìm được bức tranh xưa, treo ở Nha Kiến trúc hay Sở Lục lộ gì đó của Sài Gòn cũ. Ông cẩn thận mang theo mấy tấm ảnh, chụp ông đứng trên dàn giáo, vẽ bức tranh ấy.

Người đại diện giám đốc của cơ quan mới, cũng là lứa học trò ông, mừng lắm khi được tiếp tác giả bức tranh. Anh nói: “Thầy ký cho em một chữ vào đây. Qua mấy chế độ, bao đời tổng thống, họ đã cạo tên tác giả đi, vì nghe nói, thời ông Diệm, họ biết tác giả ở ngoài Bắc, thành ra chúng con không rõ tranh của ai. Thấy đẹp, nên cứ để nguyên như khi tiếp quản”. Tôi nhìn, bức sơn dầu choán giữa tường đại sảnh của tòa nhà lớn, vẽ một cây đa cổ thụ rủ xuống đất rễ con và rễ cái. Mấy người nông dân, nữ mặc yếm hai dây, quanh gốc đa. Nổi trên đại cảnh là bác nông dân, vai vác bừa, dắt trâu mộng. Ra xa là cổng làng, xanh xanh đồng lúa. Cảnh trí và nhân vật hoàn toàn Bắc Bộ! Tên tranh là “Quê hương”.

Tôi để yên cho ông tới nửa giờ nhìn lại tranh xưa, có tuổi hơn cả tuổi em Thước tôi. Tôi hiểu ông đang xúc động. Ông ngồi lặng trên xa-lông. Ông đứng dậy, đi lại, nghiêng ngó, ngắm các góc sáng, dờ tay lên mặt tranh, chỗ góc phải, nơi ai đã cạo tên ông. Nhưng rồi, ông không ký vào đấy như lời đề nghị.

Đó là một buổi tối Sài Gòn, trăng buồn, đầy, cao và xanh. Gió hây hây đùa trên mái tóc còn đen của tôi, khi hai cha con đi dạo bên bờ sông lấp lánh ánh điện mầu, hắt xuống từ những dãy nhà bên bờ, ông chợt bảo: “Mai con dẫn cậu tới bà N. nhé!” Bà N. là thế nào với nhà ta hở cậu? Không biết trong đêm tối nét mặt ông ra sao. Yên lặng một lát, ông nói: “Cậu chẳng giấu. Hồi ở Mỹ thuật, bà N. học sau cậu một khoá.” Người yêu cũ của cậu à? Tôi cười khẽ, đủ lan ra trên mặt sóng lăn tăn. “Cái thằng này!”

Câu chuyện ông và người đàn bà kia cũng chỉ năm sáu chục bước chân. "Cậu và bà ấy yêu nhau. Học xong, ông nội con gọi cậu về quê dạy học, coi sóc gần chục mẫu ruộng, và vẽ. bà N. vào Nam. Gia đình nhà ấy rất giầu. Thời trước, phải rất giầu mới đủ tiền cho con ăn học Boda. Nhà mình không giầu. Ông phải nợ nần và bán dăm mẫu ruộng thóc cho một năm dự bị. Sau, học chính thức, cậu có học bổng toàn phần mới đỡ. Năm 1952, khi sinh đứa con mà ta xem hồi sớm, vợ chồng đưa xe ra tận chân máy bay đón cậu. Ông chồng cũng là bạn chung, dân kiến trúc Boda, sau sang Pháp học thêm". Tôi không dám hỏi vì sao ông không yêu đến cùng, mà lại lấy mẹ tôi. Có vậy! Vâng, sớm mai con sẽ đưa cậu tới!

(*) Họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu (1912-2000), tốt nghiệp khóa 3 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là thân phụ nhà văn Nguyễn Văn Thọ, một CTV của NCTG hiện đang sinh sống tại Đức Quốc. Tùy bút này đã được trích đăng trên "Tiền Phong" - bản đăng trên NCTG là bản gốc đã được NCTG biên tập.

(**) Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Nguyễn Văn Thọ, từ Berlin - Đông 2007 - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn