Phác thảo bột màu cho tranh sơn mài "Xuân Hồ Gươm" (Giải 3 Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, năm 1962) - Họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu
3-. Mười năm được sống bên ông chấm dứt.
Đời sống, luôn có những khúc quanh chẳng đợi. Năm 1988 tôi đi xuất khẩu. Thế là lại thi thoảng mới gặp. Mỗi chuyến về thăm ông, biết bao sự chuyện, nên chẳng khi nào nhắc lại bà N. Một lần, tôi về ăn Tết. Hai cha con đưa nhau lên Hồ Tây thưởng đào Nghi Tàm. Khi về, rẽ qua chùa Kim Liên vãn cảnh. Lễ Phật xong, ra cửa chùa nghỉ ở quán nước.
Vườn nhà quán rất hẻo, dài bên rào đơn điệu, nhưng có lẽ vì gần chùa, nên tôi cảm giác nó gợi và nên thơ, thanh tịnh. Những trái khế vàng ươm, lá soi nắng nhạt hây hây. Mộc vừa chín thoang thoáng trong gió Tây Hồ vươn lên, làm cho người ta cảm thấy sảng hoá, cởi mở chăng?
-Con còn nhớ bữa cậu và con ở vườn nhà bà N. không? Ông đột ngột hỏi. Tôi ngạc nhiên vô cùng.
Bấy lâu nay, hai cha con chưa một lần nói về bà N. Nghĩ gì tới cái vườn mà tôi kể ở trên? Bấy nay, ông cũng từ chối mọi lời mời của học trò, của bè bạn, của con cái, họ hàng vào lại Sài Gòn, dù miễn phí. Tôi cũng không có dịp tiện hỏi, vì sao và không hỏi về bà N. nữa, bởi dầu khăng khít, cảm thông lắm, tôi vẫn cần coi trọng sự tư riêng của ông. Người ta cần có những bí mật của đời sống cần bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là dù ông đôi khi, coi tôi là bạn tâm tình, tôi cũng không nên quên cái ngưỡng không bao giờ được phép vượt qua... Cho vậy, không chỉ việc bà N. Ở ông, nhiều sự kiện không rõ trong quá khứ, ảnh hưởng tới đời sống sau này của các con ông. Những sự kiện cuộc đời như, vì sao từ cương vị chủ tịch kháng chiến liên xã ông lại dinh tê, làm lại việc cho Pháp ở Sở Lục lộ. Vì sao làm việc cho Pháp mà ông vẫn viết bìa báo cho tờ báo bí mật nội thành? Vì sao, có vé máy bay cả nhà di cư ông lại không nhận, từ chối cả biệt thự dành sẵn trong Nam đợi ông, ở lại mà không hề oán trách một ai trong cả bao nhiêu năm, để trải qua một giai đoạn sóng gió sau hòa bình! Những quá khứ ấy, có điều ghi rõ trong lý lịch khi nhập ngũ của tôi, có cái không có và có những sự kiện, gây nên một chuỗi những năm tháng cơ cực trong gia đình tôi cứ hiện lên, hiện lên ở buổi chiều hôm đó.
Tôi nhớ lại những lá thư của ông giấu nỗi đau vợ mất trong thư cho con trai ở chiến trường. Tôi tưởng tượng ra cảnh, qua cháu ruột tôi kể, mẹ tôi chết trong nhà tắm vì xuất huyết não. Sáu mươi tuổi ta. Bà gầy như xác ve, nằm cong queo trong phòng tắm lạnh. Và, ngay sau đám tang, hàng chục người chòm xóm tới đòi nợ. Nợ phải trả, từ ba bơ gạo, góc nước mắm, tới tiền chục, tiền trăm. Cái giỏ tiền viên chức lưu dung của cha tôi cực nhỏ, lại khi chiển tranh, phải xẻ nát để chi bao nhiêu việc. Còn bà, toàn ăn vớ ăn vẩn, thì sao mà làm được cái hom? Biết bao gia cảnh như vậy, cứ gì chỉ nhà tôi. Cũng chả có văn tự gì, nhưng con cái trong nhà phải trả họ, đúng với tinh thần áo rách phải giữ lấy lề. Những việc ấy, đều đáng để tâm hơn là việc bà N. Vậy mà tôi, dầu cả nghĩ, vẫn chỉ căn cứ vào thời cuộc mà tự rút ra những lí giải để gần ông hơn. Chúng tôi, con cái trong nhà, sau cái chết của mẹ, thường bảo nhau, chăm sóc đầy đủ về vật chất cho ông. Đời sống khá dần lên, từ dâu tới rể ai cũng quan tâm, “nhất” phải là ông!
“Bà N. mất rồi đấy!” - ông cất tiếng cắt ngang dòng suy tưởng của tôi.
Bà N mất rồi hả cậu! Khi nào? Tôi quay sang nắm lấy bàn tay ông. Bàn tay khẳng khiu, đầy gân xanh quấn quanh những đốt xương, nhưng luôn ấm. “Hai tháng trước Tết. Không ốm đau gì. Bà ấy đi, thế là thanh thản, nhẹ nhàng.” Nói tới đấy thì trên đôi mắt đã đục của ông ứa ra hai hàng nước mắt. Tuổi già hạt lệ như sương! Bao nhiêu năm nay, tôi không hề thấy ông khóc. Kể cả những khi đau đớn nhất. Vậy mà bây giờ ông lại khóc, chắc hẳn mối tình cũ của ông với bà N. vẫn nặng nợ lắm sao? Tôi trách ông, nhưng thương ông, mà vẫn xiết thêm mớ xương âm ấm trong lòng tay của tôi. Cái xiết của tôi quá mạnh chăng, làm ông bừng tỉnh, và đưa tay quệt dòng sương. Tôi lấy giấy thấm Zewa chấm nốt giọt nước mắt cuối cùng của đời ông. Yên lặng, yên lặng quá!
Cô chủ quán nạ dòng nhưng mặt đôn hậu, chắc lạ quá vì bố con nhà nào, sao năm hết tết đến lại mang nhau tới cửa chùa mà khóc thế kia? Cất lời: "Cụ với ông có chuyện gì không may?" "Không không, chả có chuyện gì cả, cám ơn chị". Tôi xua tay và trả tiền, cầm tay ông đứng dậy, tha thần dắt xe máy tới bên bờ Tây Hồ.
- Cậu thực có lỗi lớn với mẹ con. - Tôi nghẹt tim. Lúc này, tôi không chờ những điều về tình yêu tư riêng với bà N., khi ông lại còn nhắc tới mẹ tôi, nhưng vẫn lặng thinh để ông nói. “Cậu là vô tâm nhất. Bao nhiêu năm, cứ để mợ quán xuyến hết việc nhà. Tới khi mợ con mất mới chẻ hoe là nợ chất chồng nợ, mười năm chiến tranh. Toàn bộ lại đè nặng lên anh chị em các con, ăn không đủ lại còng lưng trả nợ. Lỗi ở cậu. Ngày cuối cùng tỉnh táo của mợ con, từ trường sơ tán, cậu không về kịp, ở bên mà chia sẻ, thì có quyền chia sẻ gì với bà N.? Người tri kỷ một thời trẻ xưa, chắc cũng vui lòng. Cậu tin vậy!” Những sự gian truân của người đàn ông, do thời cuộc hay số phận, cuối cùng đều đè nặng lên đôi vai người đàn bà trong một gia đình.
"Cổng làng" (sơn dầu, 1956) - Họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu
Tại sao lại là số phận? Có cái cũng mình gây ra chứ? Tôi hỏi, giọng rất nhẹ. Ông là người hiểu tôi, nên hiểu cả câu hỏi bất nhẫn của tôi khi đó. Ông nghiêm túc, chậm rãi kể: “Tham gia Việt Minh, cậu bị giặc Pháp bắt hai lần. Lần thứ nhất trốn thoát cùng hai du kích nữa. Lần thứ hai, tên quan ba Pháp, tàn ác nhất Thái Bình, trưởng bốt Quỳnh Lang, hóa ra lại là thằng đam mê hội họa. Bắt được cậu, đối cận, tên cầm đầu Việt Minh trong vùng, nói tiếng Pháp lầu lầu là họa sĩ Boda. Nó cũng chưa tin! Bọn nông dân Anamit sao có thứ tài hơn nó, một người Pháp lỡ dở vì Thế chiến II, trở thành thằng lính chỉ đâm và giết! Sang Việt Nam viễn chinh, máu giết lại hăng hơn! Rõ về cậu, nó rượu chuyện với cậu tới gần sáng, quẳng sơn, cọ, vải, buộc cậu vẽ rồi tha ngay và, để sớm sau tỉnh rượu, nó lùa ngay gần hai trăm mạng dân lành, du kích vào nhà thờ Quỳnh Lang phóng lửa đốt sống. Ai tin cậu nữa? Ai có thể tin vào câu chuyện nửa may nửa họa như vậy?"
Tôi bình tĩnh ngồi nghe ông. Hình dung thấy, trong ánh dầu bập bùng cháy, ông biết mai chết, vẫn bình thản vẽ chân dung kẻ xâm lược, tàn bạo hôm nay. Bức chân dung, màu rượu vang đỏ sậm là màu chủ đạo. Ánh lửa đỏ như máu, chập chờn soi rõ khuôn mặt đày ưu tư của chàng trai Paris dang dở đường tài, đường yêu. “Nó giơ bức chân dung của nó lên con ạ. Nhìn mãi và quát nhặng lên, sặc sụa hơi rượu: “Biến, biến ngay!” Cậu chạy… chạy khi nó theo sau hua súng lục, bắn loạn xạ sau lưng! Chả ai hiểu gì cả, cậu cứ đinh ninh có một phát nó dành vào lưng! Tới Cầu Dầu xuống rửa mặt, uống ngụm sông và, tự hỏi: Chút nữa, lúc chiều, mình tự lao xuống đoạn sông này, cái mũi lê cứ gạt cậu vào giữa. Được sống! Ai mà chẳng sợ chết?"
Con tin cậu không? Ông nói. Bà N. cũng không tin, khi cậu quay về thành. Chẳng một ai tin cả! Chỉ có người duy nhất tin cậu là mẹ của con thôi, thế mà…
Tôi im lặng. Nhưng không thể cất lên lời rằng, con tin cậu! Hai chúng tôi yên lặng và có lẽ mỗi người đuổi theo một ý nghĩ.
Ông có nói gì nữa, tai tôi cũng thấy mọi sự mơ hồ. Bàn tay ông bỗng đặt lên vai tôi: "Bấy nay, mọi việc đều qua lâu rồi. Con sang đấy đừng thức mà không làm gì! Cậu nghiệm ra, tài năng của mỗi con người đều hữu hạn, nên có khi quên cả cái tình vốn vô hạn. Con có làm bất kỳ điều gì, nhớ giữ cái tình! Mất nó, là nợ. Nợ tình, đời ông tới đời cha, thậm chí tới đời con, cháu phải trả."
Ơ! Cái tình là cái tình chi? Ông nói vậy, là khối tình của ông với mẹ tôi, hay là với bà N. Hay là, khối tình ấy suốt cuộc đời ông thủy chung với ai?
Chuyến về ấy, theo tôi lúc ra đi là cả tình cảm vô bờ của ông với thằng con ngỗ ngạo nhất nhà. Trong hành lí sách tay đi Đức, có hai cuốn sổ dầy, một to, một nhỏ. Nét mực còn tươi, nắn nót chép toàn bộ những điều cơ bản nhất của Đạo Phật, "Kinh Dịch" và dưỡng sinh theo cách hiểu của ông...
Năm 2000 ông đau nặng. Ông cố chờ tôi về, qua cái tết mới đi. Tính ra tuổi ta ông tròn 90 năm vui sống. Ông yên nằm, nét mặt tươi, không cần tô vẽ, thản nhiên trong cỗ quan mộc như chăng trối! Quân quầy bên ông là những bức tranh hầu hết vẽ cảnh trí Việt, "Cổng làng", "Hồ Gươm", "Những người yêu ca trù", "Ô Quan Chưởng"…, là ba cây đàn dân tộc tự chế và, chúng tôi, những đứa con của ông.
Bạn ông đi trước cả. Còn mỗi chú Văn và bác Ngôn tới. Hoàng Lập Ngôn, chín mươi ba xuân mếu máo gọi: “Thiệu ơi!…”
Bốn ngày sau. Tôi và chị cả sắp xếp căn xép cũ. Tiền ở khắp nơi! Cả những gói tiền tôi biếu ông từ 1990, nguyên thếp, dính chặt vào nhau. Cả những tờ trăm ngàn, thơm mùi mực em trai tôi hôm nao lĩnh tiền giải thưởng Phim v.v... Tổng số 17 triệu! Lại sổ tiếp kiệm, cũng có tiền của một lương hưu còm, vài trăm ngàn một tháng.
Tôi không khóc, trân trân nhìn vào miếng vàng 1 ký lô mà bữa nào còn xông xênh, tôi mang về đưa cho ông dặn, cần gì, ông cứ “thiên nhiên” nhé! Nhớ lắm! Khi ấy ông cười và đạp thẳng bàn chân vào...
Nguyễn Văn Thọ, từ Berlin - Đông 2007
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn