70 năm ngày sinh Vladimir Vysotsky (25-1-1938 - 25-1-2008): "LƯƠNG TÂM CỦA THỜI ĐẠI BREZHNEV"

Thứ sáu - 25/01/2008 12:11

(NCTG) Vladimir Vysotsky... Ngay từ lúc sinh thời, người đàn ông mang cái tên đó đã trở thành một huyền thoại. Những điệp khúc được anh cất lên bằng chất giọng khản đặc, với chiếc ghi-ta không lúc nào rời anh, đã thăm thẳm đi vào tâm thức một thế hệ.

Vladimir Vysotsky

Chất lửa nội tâm, từng cuốn hút, quyến rũ bao người, từng thiêu đốt thể chế quyền lực độc đoán ở Liên Xô và làm ấm biết bao tâm hồn, cuối cùng đã theo anh ra đi vĩnh viễn khi anh mới 42 tuổi. Hàng trăm ngàn người tiễn đưa anh ở nhà hát Taganka, nơi mà 16 năm trước đó, anh đã bám vào tấm màn, định làm một Hamlet của thế kỷ XX để "dựng xây lại thời đại này".

Hai mươi năm đã trôi qua. Nghệ thuật của nhà thơ, người ca sĩ, diễn viên - "lương tâm của thời đại Brezhnev", "Volodya của tất cả mọi người" - đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và tươi tắn như thuở nào. Sức mạnh những vần thơ "nổi loạn" mà anh từng sáng tác ngày ấy đã vượt qua dịp kỷ niệm năm nay, cùng mọi thứ bi thảm giả tạo, kệch cỡm và những tình cảm yêu thương chân thành của nó.

*

Trong lễ khai mạc Thế vận hội Moscow 1980, chú gấu Misha đã mỉm cười và bay vụt lên không trung như một trái khinh khí cầu. Vài ngày sau, tâm hồn của Vladimir Vysotsky cũng vĩnh viễn rời xa trái đất để đến với sân khấu của những vì sao lồng lộng. Có lẽ chỉ khi đó, tâm hồn bệnh tật, nhưng nồng cháy ấy mới cảm thấy lần đầu tiên rằng nó được tự do.

Họ chơi một trò lừa bịp sói
Bọn thợ săn, họ chẳng biết run tay
Họ bủa vây tự do của chúng ta bằng những cây cờ
Và bây giờ họ chắc mẩm đạt được mục tiêu
. (1)

Trong vòng vài năm, Vysotsky đã trở thành một thần tượng, một huyền thoại sống thực sự. Cố nhiên, điều này không thể làm chính quyền hài lòng. Người ta đã làm tất cả để ngăn chặn không cho anh xuất bản đĩa hát, in thơ. Những đêm diễn của anh thường bị cấm vào giây phút cuối cùng; thông thường, người ta gây sức ép với ban tổ chức. Nhà chức trách không thể tha cho Vysotsky cái tội đã trở thành một thi sĩ mà không xin giấy phép của họ. Người ta chỉ muốn anh đừng tồn tại thì hơn.

Nhưng Vysotsky đã tồn tại. Và anh mê hát, chỉ cần ai đó yêu cầu là anh vớ ngay chiếc ghi-ta và cất tiếng hát. Tiếng hát của anh cũng là tiếng nói của mọi người, không phân biệt tuổi tác giới tính, địa vị xã hội. Bằng tiếng nói của nhân dân, Vysotsky hát đã ca lên lời ca của niềm ao ước tự do; trái với những ca sĩ danh tiếng đường thời, nhưng thuộc dòng nhạc "trí tuệ" - và do đó, xa lạ hơn với quần chúng - như Aleksandr Galich hay Bulat Okudzhava. Đa số dân Nga còn cảm thấy anh thuộc về họ vì anh có giọng hát khàn khàn như của dân xay xỉn, bởi lẽ họ cảm thấy câu nói "Nốc vài ly rượu mạnh vào buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy tự do cả ngày!" là đúng trong nhiều trường hợp, dù nó mang tính tự kỷ ám thị.

Ngay trong đời, Vysotsy đã là tiêu điểm của những huyền thoại. Trong quán rượu, người ta kháo nhau là đã nhìn thấy Vysotsky cùng Marina Vlady, người vợ mang quốc tịch Pháp của anh. Những kẻ may mắn hơn thì khoe họ đã được nhậu nhẹt, thậm chí phóng xe hơi cùng Volodya. Hai thập niên đã trôi qua từ ngày ấy. Ở nước Nga, mọi thứ có thể thay đổi đều đã đổi thay. Vysotsky, nếu còn sống, hẳn đã được trao hàng tá giải thưởng Quốc gia. Anh được tạc tượng, các kênh truyền hình Nga có những chương trình dài dằng dặc để tướng nhớ về anh. Nhưng càng ngày, càng ít người thực sự gần gũi với anh và sự nghiệp của anh.

Dù sao đi nữa, điều quan trọng là những người bạn hữu thực sự, giờ đây thỉnh thoảng có thể tụ họp và im lặng lắng nghe những ca khúc cũ của anh. Bởi lẽ, cũng chẳng cần đến những bài hát mới. Từ mấy chục năm trước, Vysotsky dường như cũng đã tiên đoán đôi chút về giai đoạn hiện tại, sau biến cố 1989 ở Đông Âu và Liên Xô:

Chân chúng ta, hàm chúng ta mau lẹ
Vậy cớ gì, thủ lĩnh, trả lời đi
Cớ gì chúng ta lao mình chạy trước họng súng như những kẻ chịu lời nguyền
Mà không thể xé rào cấm kỵ?
(2)

*

Đầu thập niên 60. Đạo diễn Yury Lyubimov khởi đầu thử nghiệm "avant-garde" nổi tiếng của ông tại nhà hát Taganka. Và năm 1964, Vysotsky đã có mặt ở đây. Cái chết của anh vào năm 1980 cũng đánh dấu sự chấm dứt của giai đoạn "hoàng kim" của Taganka.

Yury Lyubimov buồn buồn kể lại, với nụ cười hạnh phúc của một người cha:

"Lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi cũng rất nên thơ. Đội chiếc mũ quen thuộc, tay xách ghi-ta, anh bước vào nhà hát. Tôi phải nhận xét: "Hẳn người ta dạy cậu là ông "sếp" ưa ghi-ta?!" Anh mỉm cười và đọc một bài thơ nào đó của Mayakovsky, rồi hát liền trong 20 phút. Tôi hỏi ai là tác giả của những bài hát ấy và anh đáp chính anh. Sau đó, anh còn hát chừng nửa tiếng nữa, rồi tôi bảo anh: "Sáng mai tôi chờ cậu!"

Từ khoảnh khắc đó, hai người trở thành một cặp không thể chia cắt.

"Thực sự là anh bị xua đuổi như người ta săn loài sói. anh không thể làm được gì, người ta không cho anh ra băng đĩa, sách vở (trừ chiếc đĩa nhỏ khốn khổ trước khi anh qua đời). Mặc dù anh ước muốn biết chừng nào! Anh muốn trở thành một người bình thường! Sống như anh rất khó, vì anh cảm thấy một cách vô cùng sắc bén điều gì xảy ra với anh, và cảnh thiếu tự do là một gánh nặng ghê gớm đối với anh. Người ta còn không cho anh sang với Marina. Mặc dù đó là một tình yêu lớn, một mối tình "sét đánh" thực sự, dù sau một thời gian, có thể thấy họ hờ hững với nhau."

Vysotsky sống rất gấp gáp. Anh làm việc rất căng thẳng, biểu diễn liên hồi và càng ngày càng uống rượu nhiều hơn. Khi vốt-ca đã không đủ với anh, anh dùng cả thuốc phiện.

"Tôi biết tin anh chết khá nhanh, vào lúc 5 giờ sáng. Tôi ốm và nằm trên giường, khi đó chuông điện thoại đổ liên hồi. Borovsky, cộng sự của tôi, chỉ nói: "Thôi, thế là chấm dứt cuộc tranh đua để giành Vysotsky!" Cậu ấy ám chỉ việc trong đoàn kịch, tôi đặc biệt yêu quí Volodya. Khi tôi đến nhà anh, đã có rất nhiều người ở đó."

"[Trước đó], tôi đã cảm thấy có một điều gì kinh khủng sẽ xảy ra với anh, nhưng tôi tin là còn có thể chữa chạy và tác động đến anh. Có điều, tôi không biết anh đã trở thành nô lệ của ma túy đến mức ấy. Katya, vợ tôi, là người đầu tiên cảnh cáo tôi rằng dáng đi của anh thật kỳ quặc, như người đang bay. Tôi bắt đầu vắt óc suy nghĩ khi một bận, anh lao vào phòng tôi với dáng điệu như thế. Có lẽ nếu tôi không bị ốm và tôi phát hiện kịp thời rằng anh đã bị thuốc phiện ngự trị đến mức ấy, khi đó có lẽ còn có thể nhúng tay vào. Nhưng người ta bảo là chính anh cũng đã muốn bỏ thuốc phiện. Trong mấy ngày, anh cứng rắn tự kiềm chế, không dùng ma túy. Nhưng tim anh... động mạch chủ của anh không chịu được... đã vỡ tung..."

Tôi chỉ muốn nói đôi điều
Trong những vần thơ
Tôi cũng chẳng có quyền gì hơn
Chào đời trong tội lỗi
Tôi đẫm mồ hôi, run rẩy bên giường tân hôn
(3)

*

Ngày hôm nay, nhà hát Taganka lại hệt như thuở xưa. Lũ phe vé lại xuất hiện đông đặc và gạ bán vé với giá cắt cổ. Trước nhà hát, những con người hi vọng vào điều kỳ diệu, giới trí thức tinh hoa, thế giới nghệ thuật tụ họp, và chính trị cũng có kẻ đại diện vì Yury Luzhkov, thị trưởng Moscow, cũng có mặt. Trong nhà hát là tấm ảnh khổng lồ của Vysotsky, trước đó là những đóa hoa. Tất nhiên người ta sẽ diễn Vladimir Vysotsky. Đó là vở kịch đã bị cấm hồi 1981 ngay trong thời kỳ tập dượt và cuối cùng, tổng bí thư Andropov chỉ cho phép diễn nó độc một lần trong vòng thân nhân, người quen, bạn bè. Dạo đó, phải xuất trình giấy mời và thẻ căn cước mới có thể len qua 2 hàng rào quân nhân để vào xem vở kịch.

Trước buổi diễn, Lyubimov còn tập dượt với đoàn kịch.

- Lời giải thích rất đơn giản: tôi rất muốn buổi biểu diễn này thành công - nhà đạo diễn sân khấu nổi tiếng thế giới cho biết.

- Vở nhạc kịch này rất phức tạp, đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Như Afred Snitke đã từng nói, đây là thử nghiệm đầu tiên của ông khi ông sáng tác một vở nhạc kịch hiện đại. Nội dung vở kịch đơn giản. Volodya đã từng thủ vai Hamlet, đúng không? Anh qua đời, và vở diễn vẫn tiếp tục dù vắng anh.

- Sự tương phản giữa Hamlet và thi nghiệp của Vysotsky tạo nên mâu thuẫn cơ bản. Cố nhiên, nảy ra một vấn đề là có thể thống nhất cái bất-khả-thống-nhất bằng cách nào? - Boris Messerer, nhà đồ họa và dàn dựng nổi tiếng thế giới, từng tham gia quá trình sáng tác, cho biết.

- Tiếng nói của Volodya còn đây, nhưng anh không còn nữa. Ưu điểm đặc biệt của vở kịch là nó vẫn giữ được đặc tính sân khấu, không bị trượt sang sự khóc lóc ướt át - Bella Akhmadulina, nữ thi sĩ, người bạn cũ của Vysotsky, đánh giá về vở kịch.

Rồi một giọng nam trung vang lên. Ở đây, không ai xem vở kịch này lần đầu, nhưng ai cũng cảm thấy đêm nay là một đêm đặc biệt. Các diễn viên trẻ như Zolotukhin, Antypov đã cố gắng hết sức. Tất cả đều nghĩ đến một người. Một tràng pháo tay bão tố; Lyubimov và Luzskov đặt một bó hoa khổng lồ trước cây đàn ghi-ta cô độc, ngả mình trước nghệ thuật của Volodya.

Ở buổi chiêu đãi, tất cả đều có mặt. Voznesensky, Akhmadulina, Messerer, Zolotukhin (diễn viên hàng đầu hiện nay của nhà hát Taganka), Khmelnitsky (ngôi sao một thời) và những người khác. Trong phòng thay quần áo thời xưa, trên bàn vẫn còn những bó hoa. Và trước bức chân dung khổng lồ của Vysotsky cũng vậy.

Trên sân khấu, khi ấy đã trống rỗng, có một ngọn đèn luôn được thắp sáng để tưởng nhớ đến Vysotsky.

Dù các người có đạp tôi xuống bùn, quẳng tôi xuống nước,
Chỉ xin hãy đừng đụng đến dây đàn tôi.
Nhưng hồn tôi bị chà đạp, ý chí tôi bị bẻ gãy,
Và những sợi dây màu bạc bị dựt đứt
Lửng lơ
(4)

*

Chúng ta đã chẳng lo bị xử bắn
Vậy mà chúng ta vẫn sống cúi đầu
Như những đứa trẻ của những năm tháng Nga kinh hoàng
Và liên hồi, rượu đổ vào chúng ta
(5)

Những vần thơ của Vysotsky phản ánh trung thành thời đại anh sống. Nhưng Moscow yêu quí của anh bây giờ không còn như xưa. Nếu còn sống, khó lòng anh nhận ra nó. Chẳng hạn như ở GUM (Bách hóa Tổng hợp), chỉ sau vài ly rượu mạnh, anh có thể tưởng mình đang ở Paris và sẽ lao đi kiếm tìm Marina. Đi về hướng Okhotny Ryad, hẳn anh sẽ thấy lạ trước cảnh Nhà thờ Đức mẹ Maria Kazan và cổng Kitaigorod được trùng tu, và sẽ thấy mình đi ngược lại thời gian. Và nhìn ra xa, liếc thấy nóc tròn của Đại giáo đường Chúa Cứu thế, anh sẽ phải lắc đầu. Đấy là chưa nói đến cung cảnh điện Cẩm Linh, cạnh chú đại bàng 2 đầu - biểu tượng một thời của dòng họ Romanov - là ngôi sao đỏ của bảy thập kỷ Xô-viết. Anh sẽ ngạc nhiên trước những văn phòng, những khu thương mại tân kỳ, với những chàng trai, cô gái ăn vận, đi đứng theo đúng mốt mới nhất của phương Tây, và sẽ bần thần tự hỏi "tiền đâu ra mà phung phí thế?" Rồi, rảo bước đến nhà hát Taganka, nhìn cảnh những kẻ hành khất xin tiền của du khách ngoại quốc rồi buông lời cám ơn bằng tiếng Anh, anh sẽ phải bần thần mà thốt lên "những người muôn năm cũ - hồn ở đâu bây giờ?"...

Và, nếu còn sống, anh sẽ thấy hằng hà sa số biểu ngữ, áp-phích quảng cáo cho những buổi hòa nhạc kỳ vĩ, nhân dịp kỷ niệm "Hai mươi năm vắng bóng Vysotsky". Giá vé cắt cổ, và những buổi diễn này có dáng vẻ của các show mốt thời trang. Dù được TV tường thuật và thu hút được sự tham gia của đông đảo giới công tử phong lưu, nhưng tìm đâu ra một tâm hồn, một tấm lòng?!

- Tôi không thật hiểu, vì nếu người ta đã sống ngần ấy năm thiếu anh thì còn cần quái gì đến cái dịp kỷ niệm tồi tệ này? Bởi anh luôn ở bên chúng tôi, từ đầu đến cuối. Và vì thế chúng tôi thấy buồn bã - ai đó lên tiếng, mắt đẫm lệ, trong nghĩa địa Vagankovo, nơi anh yên nghỉ.

Đã từ nhiều ngày nay, những đoàn người giản dị đã đến đây với những bó hoa, cây đàn ghi-ta và chiếc đài ghi âm trong tay, họ cùng hát và cùng nghĩ đến anh. Hơi có vẻ lộn xộn và bát nháo của một "phiên chợ Ba Tư", nhưng vẻ chân thực của nó khiến ta phải cảm động.

Nếu còn sống, chắc hẳn anh sẽ đến đây, chứ anh sẽ chẳng chịu thỏa hiệp với cái giới "tư sản đỏ" kiêm mafia, hiện đang ngự trị trong chính giới Moscow và toàn quốc, những kẻ thường xuyên viện dẫn đến tên anh và nhỏ những giọt nước mắt cá sấu thương xót anh...

Chú thích:

(1), (2) Trích "Cuộc săn chó" (bản dịch của Hoàng Hưng, tuần báo "Văn nghệ" số 45, ngày 5-11-1998).

(3), (4), (5) Lời thơ và ca khúc của Vysotsky (tạm dịch).

(H.Linh phỏng dịch bài viết "Dạo chơi Moscow cùng Volodya" của ký giả Stier Gábor, đăng trên nhật báo "Dân tộc Hung" [Magyar Nemzet], tháng 8-2000)

Chùm thơ của Vladimir Vysotsky do Thụy Anh dịch:

SAU TRẬN CHIẾN NÓ ĐÃ KHÔNG VỀ

Sao lại thế? Dường như đời vẫn thế:
Vẫn bầu trời xưa nay trở lại thẳm xanh
Vẫn cánh rừng này đây, vẫn khí trời và mặt nước long lanh
Chỉ có nó là không về sau trận chiến

Nó với tôi từng tranh luận thâu đêm và quyết liệt
Ai đúng ai sai tôi nào biết lúc này
Tôi cần nó - chỉ bây giờ tôi mới hiểu
Khi nó không trở về sau trận chiến hôm nay

Lúc tôi muốn nghe thì nó im, hát theo thì sai nhạc
Nói những điều kỳ quặc đâu đâu
Lọ mọ suốt đêm lại dậy cùng nắng mai khiến tôi không tròn giấc
Thế nhưng hôm qua sau trận chiến nó không về

Nói rằng giờ đây thấy trống trải ư? Không, tôi đã lạc đề
Bỗng tôi hiểu ra rằng nó và tôi đã từng bên nhau – hai đứa
Cơn gió lạ đột nhiên dập tắt đi đống lửa
Khi sau trận chiến này nó không trở lại cùng tôi

Vùng ra từ vòng chiến chinh, Xuân nay đã đến rồi trên những mắt những môi
Tôi lỡ miệng quát to lên với nó:
“Này, đưa mẩu thuốc đây hút với mày ơi” -  chẳng ai đáp một lời dù rất nhỏ
Vì hôm qua sau trận chiến nó không về!

Những người chết không bỏ mặc chúng ta khi tai họa cận kề
Người ngã xuống – vẫn bên ta trung thành như lính gác
Bầu trời kia hắt bóng xuống cánh rừng như soi mình dưới nước
Và những thân cây bỗng xanh thẳm đứng hiên ngang

Đối với hai thằng tôi địa đạo kia từng đủ chỗ thênh thang
Thời gian trên đời này đã trôi qua cho cả tôi và nó
Giờ tất cả dành lại cho mình tôi thôi nhưng sao tôi cứ ngỡ
Rằng chính tôi sau trận chiến đã không về!

 
LŨ NGỰA TRÁI NẾT
 
Bờ dốc đứng chênh vênh mép vực
Vung roi da quất ngựa trên đường
Sao ngột ngạt, sao mà khó thở:
Uống gió trời, ngửa mặt nuốt sương
Rùng mình trong dự cảm mê cuồng
Của chết chóc… Tan biến đây…Ta biến mất!

Huầy ngựa hỡi chậm lại đi, chậm lại
Chớ nghe theo chiếc roi bện rắn căng này

Nhưng lũ ngựa của tôi sao mà trái nết, ô hay
Nên tôi không kịp sống hết những ngày say
Và cả hát cũng không kịp nốt
Tôi sẽ dừng chân cho ngựa uống
Sẽ hát đến cùng một khúc ca vui
Nấn ná thêm một khắc trên đời
Bên miệng vực…

Tôi sẽ biến mất trong đêm cùng bão tuyết rã rời
Và sớm mai lũ ngựa kéo xác tôi phi nước đại
Huầy ngựa hỡi, hãy ghìm chân một bước thôi, chậm lại
Kéo dài thêm đôi phút cuối chặng đường dài

Huầy ngựa hỡi chậm lại đi, chậm lại
Chớ nghe theo chiếc roi bện rắn căng này

Nhưng lũ ngựa của tôi sao mà trái nết, ô hay
Nên tôi không kịp sống hết những ngày say
Và cả hát cũng không kịp nốt
Tôi sẽ dừng chân cho ngựa uống
Sẽ hát đến cùng một khúc ca vui
Nấn ná thêm một khắc trên đời
Bên cái chết vẫn đang kề cận

Ta đã kịp rồi: đến với chúa Trời có lúc nào là muộn!
Nhưng kìa sao các thiên thần cất giọng hát giữ dằn?
Hay là tiếng chuông tê dại đi vì thổn thức
Hay là tiếng chính tôi đang gào lên bảo ngựa đừng chạy nhanh như trước?

Huầy ngựa hỡi chậm lại đi, chậm bước
Chớ nghe theo chiếc roi bện rắn căng này

Nhưng lũ ngựa của tôi sao mà trái nết, ô hay
Nên tôi không kịp sống hết những ngày say
Và cả hát cũng không kịp nốt
Tôi sẽ dừng chân cho ngựa uống
Sẽ hát đến cùng một khúc ca vui
Nấn ná thêm một khắc trên đời
Nơi cùng trời cuối đất!

 
NHỮNG CHIẾC MẶT NẠ
 
Cười nức lên như soi gương méo trong nhà cười
Có lẽ hình ảnh tôi được thể hiện ra khéo quá:
Những chóp mũi nhọn và miệng ngoác đến mang tai trên má
Như trong vũ hội thành Vơniz hóa trang

Quanh tôi vòng quay đang siết lại gần
Tóm lấy tôi, cuốn tôi vào điệu nhảy
À té ra gương mặt tôi như vậy
Họ chắc đã tưởng nhầm là mặt nạ tôi đeo

Pháo bông, hoa giấy tung trời… Nhưng mà cứ không ổn làm sao…
Và những chiếc mặt nạ nhìn tôi quở trách
Họ gào lên tôi lại một lần lạc phách
Rằng tôi dẫm trúng chân những bạn nhảy của mình

Làm gì đây? – Bỏ chạy chăng, bỏ chạy thật nhanh
Hay có thể cứ ở chơi cùng họ?
Tôi vẫn mong – dưới những hình thú đó
Là những gương mặt của con người

Ai cũng tóc giả, mặt nạ hóa trang - như một cả mười
Kẻ từ rừng cổ tích, người từ vườn văn học
Người đứng bên trái tôi là chàng hề buồn Arlekin chực khóc
Người khác là đao phủ sát nhân, anh kia là chàng ngốc đang cười

Người muốn phân bua trong trắng với đời
Kẻ giấu mặt mình tránh lời dị nghị
Gương mặt người và mặt nạ trơ trơ nhàu nhĩ -
Còn có những người chẳng thể tách bạch ra

Bước vào vòng xoay điệu múa, tôi cười ha hả
Nhưng lòng vẫn lo lắng bất an
Nhỡ ra có ai khoái chiếc mặt nạ đao phủ dã man
Và sẽ chẳng bao giờ tháo ra nữa?!

Nhỡ Alerkin sẽ muôn đời than thở
Ngắm mãi khuôn mặt mình buồn bã sầu thương?
Sẽ ra sao nếu chàng ngốc bỏ quên trên bộ mặt ngày thường
Vẻ dại ngu đần độn?

Làm sao không bỏ qua một gương mặt nhân từ giữa rừng mặt người bề bộn
Làm sao tôi đoán ra người trung thực bên ta
Họ đeo mặt nạ
Để tránh đụng mặt mình vào đá.

Tôi vẫn cứ thâm nhập vào vòng bí ẩn của rừng mặt nạ
Tin chắc rằng phép suy đoán của mình chính xác
Tránh những phỉ nhổ trò đời bôi bác
Là những chiếc mặt nạ của người lạnh lẽo thờ ơ...


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn