Đọc sách: RAO BÁN CUỘC ĐỜI VỚI GIÁ 99 FỜ-RĂNG

Thứ ba - 19/02/2008 21:59

(NCTG) Cuốn “99 fờ-răng” (99 Francs) của tác giả trẻ người Pháp Frédéric Beigeder ngay từ lúc mới ra đời – năm 2000 - đã nhanh chóng trở thành best-seller, được dịch và xuất bản ở rất nhiều nước. Tháng 9-2007, sách đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và được khán giả châu Âu chào đón nồng nhiệt.

"99 fờ-răng", phiên bản tiếng Nga

Và bây giờ, tháng 12-2007, Công ty Tinh Văn cùng NXB Văn Nghệ đã đưa cuốn sách đến được với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của hai dịch giả Vũ Quang và Nhật An.

Trước khi trở thành một nhà văn, lại là một nhà văn ăn khách của nền văn học đương đại Pháp, Frédéric Beigeder (sinh năm 1965) có 10 năm làm việc trong ngành quảng cáo. Bởi vậy mà nhân vật chính của anh trong “99 fờ-răng”, anh chàng Octave, nhân viên một hãng quảng cáo của Mỹ, có một nét đặc biệt lôi cuốn độc giả, đó là rất chân thực - chân thực đến mức, khi phỏng vấn Frédéric Beigeder, các nhà báo luôn có cảm giác mình đang nói chuyện với chính Octave!

Octave từng tuyên bố trong cuốn sách: “Muôn sự đều là tạm thời và đều là thứ để bán mua. Con người là một thứ hàng hóa như những thứ khác với hạn sử dụng nhất định”. Còn Frédéric Beigeder ngoài đời nhắc lại: “Vâng, chính tôi cũng là một thứ hàng hóa và tôi bán tôi với giá rất phải chăng – khoảng độ 99 fờ-răng cho mỗi cuốn sách. Thử tính xem, nếu tôi nhận được 10% mỗi cuốn, thì tôi kiếm được bao nhiêu! Nhiều hơn là hoạt động trong ngành quảng cáo nhiều!” Frédéric Beigeder đùa cợt nói như vậy về mục đích viết văn của mình, cũng giống như trong suốt hơn 100 trang sách, anh đã để Octave nhả nhớt cùng cuộc đời với một khiếu hài hước sắc sảo, khi cay độc, lúc bất cần, đôi khi lại đắm chìm trong những triết lý miên man được phát biểu bằng giọng điệu tưng tửng kỳ quặc, nhưng ngẫm lại, thật nhiều điều có thể gọi là chân lý. Với phương châm: “Cái mà chúng ta không thể thay đổi thì ít nhất cũng phải lột tả nó” (Rainer Werner Fassbinder), nhà văn từng-là-nhân-viên-quảng-cáo này muốn vạch trần bộ mặt của một thế giới mà anh cho là đen tối và độc ác, thế giới của ngành quảng cáo!

Con người trong thế giới hiện đại luôn muốn tự giải phóng, đòi hỏi tự do, công bằng, dân chủ… Nhưng kỳ thực, thế giới càng hiện đại, con người càng bị xích xiềng của thế giới ấy trói chặt mà không hay biết – đó là sự mất tự do của cảm nhận cuộc sống bằng chính mọi giác quan và nhận thức của riêng mình. Anh ta không còn tự do trong sự chọn lựa của mình nữa. Khắp nơi, và mọi lúc, quảng cáo đã len vào tâm thức, điều khiển mọi sự ham muốn của anh ta.

Để đưa loài người vào chế độ nô lệ, quảng cáo đã chọn con đường khơi gợi mềm dẻo, khôn khéo. Đây là chế độ đầu tiên trong lịch sử thống trị của con người với con người, cái chế độ mà ngay cả sự tự do cũng bó tay bất lực. Hơn nữa, chế độ này tạo ra thứ vũ khí cho mình từ sự tự do, và đó là phát kiến vĩ đại nhất của nó

Octave là một chuyên gia giỏi và thành đạt của ngành quảng cáo. Gã như một nghệ sĩ, nắm được bản chất tâm lý con người, dẫn dắt các giác quan của khách hàng, đồng thời cười cợt sự ngây thơ của họ. Gã cùng đồng nghiệp chèn các logo của mình vào các bộ phim truyền hình, nhét đầy slogan quảng cáo vào các tờ tạp chí, chọn lựa “các em người mẫu” (không ít em gã chọn từ gái làng chơi) khiến khán giả phải tôn sùng với mốt “vú nhô cao hơn vai, mông phẳng”. Gã ngạo nghễ tuyên bố với đám người bị lừa bịp rằng “tôi càng dũng cảm chơi trò chơi với tiềm thức của bạn, bạn càng vâng lời tôi...”

Một cảnh trong bộ phim "99 fờ-răng"

Octave kiếm tiền nhờ công việc ấy, đồng thời lại ghê tởm bản thân mình vì điều này. Anh không tìm được cho mình mục đích sống, vì thế mà anh không sống, mà chỉ “tồn tại”, buông mình trong những cuộc truy hoan, trong vũ trường và đi tìm cảm giác say mê cùng ma túy. Tựu trung, Octave rơi vào một bi kịch của con người hiện đại: đó là chạy trốn cuộc sống. Anh ta “đóng vai một kẻ vô liêm sỉ mặc dù trên thực tế không phải là kẻ như vậy”. Anh ta tìm đến đám gái làm tiền “không phải vì thói trơ trẽn mà trái lại - tìm họ bởi anh sợ hãi tình yêu”.

Anh ta không dám yêu, không dám sống. Đó là kết cục thảm hại chung của cả thế giới này, khi mà con người ta phần lớn thời gian chìm vào cuộc sống ảo cùng tivi, internet…, khi kẻ có quyền lực thật sự là những người kiểm soát các phương tiện truyền thông và khi thế giới dần đi tới chỗ “quảng cáo không sao chép cuộc đời mà là cuộc đời đang sao chép quảng cáo”!

Thậm chí, ngay cả tội ác giết người cũng diễn ra một cách lãng xẹt, vô lý và chẳng có mục đích nào cả. Bởi lẽ, cuộc đời một con người càng ngày càng trở nên ít đáng giá hơn!

Bố cục của cuốn sách khá đặc biệt: gồm 6 chương, mỗi chương được đặt tên bằng các ngôi của đại từ nhân xưng: Tôi – Mày – Hắn – Chúng tôi – Chúng mày – Họ. Chuyện đời của Octave được nhìn dưới mọi góc độ, từ nhiều phía khiến nó được bóc ra từng tầng, từng lớp, đến tận cùng, không khoan nhượng, không một chút giấu diếm, che đậy. Sự thật ở đó hoàn toàn trần trụi, đến độ đôi khi người đọc có thể đỏ mặt hay cảm giác một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Và cũng đôi lúc, cảm thấy một nỗi đau vô hình nhưng có thực – đau vì sự thật – thiết nghĩ, đó cũng là một thành công của ngòi bút nhà văn.

Văn phong của tác phẩm đậm chất hiện đại, rất “khó đọc” đối với những độc giả từng say mê văn chương cổ điển. Song, nó lôi cuốn ở phong vị ngang tàng, đôi chút tàn nhẫn, điểm một nụ cười nhếch mép mỉa mai. Thêm nữa, hệ thống triết lý về cuộc đời, về chính trị, quyền lực, tình yêu, cái chết… được đưa ra một cách lộn xộn có chủ đích đan xen giữa những trang miêu tả tâm trạng của nhân vật, giữa những câu thoại tức cười, chắc chắn sẽ khiến người đọc “à” lên thích thú. Những triết lý ấy được phát biểu thẳng thắn, không rào trước đón sau, và tính khái quát sâu sắc của chúng khiến ta muốn vớ ngay lấy cây bút mà ghi chép lại, để rồi chiêm nghiệm.

Chất hài hước và thói cợt nhả với cuộc đời của Frédéric Beigeder thể hiện không chỉ trong nội dung cuốn sách mà nằm cả ở trang bìa với cái tên “99 fờ-răng” và con số ghi giá bán thật ở đằng sau cuốn sách: cũng “99 fờ-răng”!

Tôi tự hỏi, tại sao không phải là 100 fờ-răng? Phải chăng, ngay cả khi đã lột trần bộ mặt của ngành quảng cáo, lên án nó với sự chán ghét cùng cực, thì Frédéric Beigeder vẫn không thoát khỏi quy luật của thế giới “marketing” đầy mánh lới buôn bán đang dần kết liễu những niềm vui sống giản dị của con người?

(*) Một phần bài viết đã được đăng trên “Tuổi Trẻ”.

Thụy Anh, từ Liên bang Nga – tháng 12-2007


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn