Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Titanic (Budapest) lần thứ 15: PHIM VIỆT NAM LẠI CÓ MẶT!

Thứ ba - 18/03/2008 14:31

(NCTG) Với “thâm niên” từ 16 năm nay (khởi đầu năm 1993), từ năm 1998, có thể nói Ban tổ chức (BTC) LHP Quốc tế Titanic đã từng bước đạt được ước muốn của họ: để LHP Budapest thực sự hội nhập vào “guồng máy” của các LHP quốc tế, trở thành một địa chỉ quen biết và hay được viện dẫn của giới đạo diễn, làm phim và các cơ sở văn hóa ngoại quốc.

Toldi, một trong 4 rạp phim tại Budapest sẽ trình chiếu các bộ phim của LHP Quốc tế Titanic lần thứ 15 - Ảnh tư liệu của NCTG

* MỘT LHP ĐỘC LẬP, CHỦ TRƯƠNG KHAI PHÁ VÀ ĐA DẠNG

Là một LHP độc lập, với khả năng kinh phí hạn chế, đây là một nỗ lực rất lớn của giới tổ chức điện ảnh Hungary. Giữ vững được thị hiếu nghệ thuật ổn định và sự phong phú trong các thể loại điện ảnh, cũng như thường xuyên lưu tâm đến nhu cầu của khán giả, LHP Quốc tế Titanic thiên về những tác phẩm điện ảnh độc lập, có cách lựa chọn đề tài mạnh dạn và mang tính khai phá trong suy nghĩ, mà khán giả Hungary rất ít khi, hoặc không hề được xem, thông qua hệ thống nhập phim được đặt căn bản trên điện ảnh giải trí Hollywood.

Phù hợp với một ý tưởng mà những người chủ trương LHP Titanic đã nêu ra từ 15 năm nay, LHP tự đặt cho mình tiêu chí như một con tàu Titanic rẽ nước vượt những đại dương xa xăm, dẫn dắt khán giả đến được nhiều miền đất lạ mà họ hằng mong đợi, thông qua ngôn ngữ của điện ảnh. Năm ngoái, theo 9 mảng chủ đề được đặt bằng những tiêu đề gợi mở, LHP lần thứ 14 đã mổ xẻ và hướng khán giả vào những mặt khác nhau - và nhiều khi, ít biết đến - của Nghệ thuật thứ bảy và của một thế giới đa diện. Khán giả Budapest, trong dịp đó, đã có dịp “Sống trong sợ hãi” cùng Bùi Thạc Chuyên - lần đầu tiên trong lịch sử LHP, có một bộ phim Việt Nam được trình chiếu tại Liên hoan và đã được người điều hợp chương trình, ông Vízer Balázs, đánh giá là một trong vài bộ phim mà ông thích nhất trong dịp này.

Năm nay, LHP Quốc tế Titanic lần thứ 15 sẽ diễn ra sớm hơn thường lệ, từ 3-4 đến 13-4-2008, tại bốn rạp phim truyền thống của thủ đô Budapest là Toldi, Örökmozgó, Vörösmarty và đặc biệt, Uránia Nemzeti Filmszínház, cái nôi của điện anh Hungary. Sẽ có chừng 60 bộ phim (trong số đó hơn 50 phim là phim nhựa), và rất nhiều phim tài liệu, phim ngắn sẽ được giới thiệu tại LHP: theo giới thiệu của BTC, đó đều là những tác phẩm không thể thiếu được nếu chúng ta muốn tìm hiểu đời sống điện ảnh đương đại cập nhật, nghệ thuật và cả… bê bối. Đây cũng là những bộ phim mà khán giả Hungary chưa hề được xem một cách chính thức!

* “CHUYỆN CỦA PAO” GÓP MẶT TẠI LHP

Điện ảnh Việt Nam, theo các thông tin sơ bộ, sẽ có sự góp mặt của đạo diễn Ngô Quang Hải với “Chuyện của Pao” (1), kể về gia đình một người Hmong trên miền thượng du Bắc Việt. Với nội dung éo le về cuộc sống và tình yêu của người thiểu số - một đề tài gần như chưa được “khai phá” ở Việt Nam -, kèm cảnh quay rất đẹp, thơ mộng và rực rỡ và đặc biệt, diễn xuất hết sức ấn tượng của Đỗ Thị Hải Yến (cựu phu nhân của nhà đạo diễn), bộ phim dài đầu tay của Ngô Quang Hải - người từng kinh qua các trường phái điện ảnh của các đạo diễn lớn như Trần Anh Hùng hay Đặng Nhật Minh trên cương vị diễn viên – đã đạt thành công lớn. Năm 2006, ngang ngửa với “Sống trong sợ hãi”, “Chuyện của Pao” đoạt 4 Cánh diều Vàng dành cho Phim hay nhất, Nữ diễn viên xuất sắc nhất (Hải Yến), Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Như Quỳnh) và Quay phim xuất sắc nhất (Trần Hùng - Cordelia Beresford).

Một cảnh trong phim "Chuyện của Pao" - Ảnh do chủ nhiệm phim Đặng Tất Bình cung cấp

Sau đó, phim đã được đưa đi dự thi hoặc với tư cách khách mời tại nhiều LHP Quốc tế và nước ngoài, như LHP Thế giới Montreal (Canada) lần thứ 30 (hạng mục Phim đầu tay), LHP Quốc tế Fukuoka (Nhật Bản), LHP Quốc tế Pusan (Hàn Quốc), LHP Kim Kê Bách Hoa (Golden Rooster & Hundred Flowers, Trung Quốc) lần thứ 15, LHP Goteberg (Thụy Điển)…, và được Giải thưởng Đặc biệt của BGK tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 51 (tại Đài Bắc). Vào cuối năm 2006, đầu 2007, phim đã được trình chiếu tại nhiều đại học ở Hoa Kỳ - dưới sự “dàn dựng” của tổ chức bất vụ lợi The Institute for Vietnamese Culture & Education (tại New York) - như Đại học U.C. Berkeley, San Francisco City College, San Jose City College, DeAnza College, Columbia, Cornell, Yale, Harvard, Darthmouth College, University of California… “Chuyện của Pao” cũng được đại diện Việt Nam tham dự hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, tranh giải Tượng vàng Oscar 2007. (Cùng bộ phim, huyền thoại về một cặp “trai tài gái sắc” Quang Hải & Hải Yến được tạo dựng từ đó và kéo dài đến cuối năm ngoái, khi hai người chia tay trước sự tiếc nuối và quan tâm của nhiều “fan” điện ảnh, cùng báo giới Việt Nam.)

Quang Hải - Hải Yến của những ngày xưa

Về “Chuyện của Pao”, tác giả Phạm Văn trong một bài viết cùng tên, đã nhận xét: “Chuyện của Pao không có rất nhiều thứ thường thấy trong phim truyện Việt Nam: không nhăm nhăm giải quyết những bài toán lớn của thời đại, không bắt các nhân vật phải tuyên bố những vấn đề quan trọng của con người. […] Nói chung, có thể đánh giá “Chuyện của Pao” là một trong những phim hay nhất của làng điện ảnh Việt Nam cho đến nay […]. “Chuyện của Pao” chứng minh cho chúng ta rằng điện ảnh không nhất thiết đòi hỏi ngân sách lớn, và một bộ phim nghệ thuật không cần phải đen tối đến mức buồn thảm, không cần phải khốc liệt đến mức tàn nhẫn. Với Pao, khán giả đã có thể hy vọng và sẽ trông chờ các tác phẩm hay kế tiếp của Ngô Quang Hải nói riêng, và của điện ảnh Việt Nam nói chung”.

Hy vọng rằng, những đánh giá nói trên sẽ khiến bà con trong cộng đồng “có hứng” để tới xem “Chuyện của Pao”, sẽ được công chiếu hai buổi (2) trong khuôn khổ LHP Quốc tế Titanic lần thứ 15 sắp tới. Đây cũng là dịp đáng mừng để một nét của nền văn hóa, xã hội Việt Nam được giới thiệu rộng rãi tới bạn bè và giới nghệ thuật Hungary.

Ghi chú:

(1) Một số thông tin cơ bản về phim:

 “Chuyện của Pao”, 110 phút, 2005
 Đạo diễn và kịch bản: Ngô Quang Hải
 Dựa theo truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thúy
 Biên tập: Đặng Tất Bình
 Quay phim: Trần Hùng - Cordelia Beresford
 Thiết kế mỹ thuật: Phạm Quang Vinh
 Âm nhạc: Nguyễn Thiên Đạo, Quốc Trung, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam
 Diễn viên: Đỗ Thị Hải Yến (Pao), NSƯT Nguyễn Như Quỳnh (bà Kía), Đỗ Hoa Thúy (Sim), Lý Thanh Kha (ông Chúng), Ngô Thế Quân (Chúng trẻ)

(2) Theo thông tin riêng từ BTC (chưa công bố chính thức), “Chuyện của Pao” sẽ được chiếu tại rạp Vörösmarty (1075 Budapest, Üllői út 4.) vào hồi 16 giờ 45 phút ngày 3-4-2008 (Ngày khai mạc LHP), và tại rạp Uránia (1088 Budapest, Rákóczi út 21.) vào hồi 20 giờ ngày 5-4-2008 (sau buổi chiếu sẽ có phần giao lưu với khán giả). Dự định, đạo diễn Ngô Quang Hải cũng sẽ có dịp giao lưu với cộng đồng Việt Nam sau một buổi chiếu dành riêng cho bà con (thời gian và địa điểm sẽ được thông báo sau).

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn