Truyện ngắn của Doris Lessing (Nobel Văn chương 2007): CHUYỆN KỂ VỀ HAI CON CHÓ (4)

Chủ nhật - 20/04/2008 10:00

(NCTG) Chúng tôi càng đi gần đến nhà, chuẩn bị kết thúc cuộc hành trình không nhẹ nhõm chút nào, thì mẹ càng nói đến Joke với vẻ có lỗi ngày càng tăng lên:

- Ôi, con Joke nhỏ bé tội nghiệp của chúng ta, nó sẽ có ý kiến gì không nhỉ?

“Con Joke nhỏ bé tội nghiệp của chúng tôi” dẫu sao thì từ lâu cũng đã lớn bổng thành một con chó vạm vỡ, khỏe đẹp: thân người nó to lớn, rướn cao, bộ lông ấm áp màu vàng rực có những sọc sẫm trên lưng – hoàn toàn là một con bec-giê Đức, chỉ có điều phía trước, nom nó hơi giống chó sói hay là cáo do có đôi tai nhọn luôn luôn dỏng lên cảnh giác. Và đương nhiên, chẳng ai lại có ý nghĩ gọi nó là “nhỏ bé” cả. Con chó ấy có một phẩm chất là trầm tĩnh kiềm chế và phẩm chất ấy không phản bội nó ngay cả khi bị mẹ tôi quở mắng vì tội hay đến thăm thú lũ chó nhà da đen.

Cuộc gặp mặt mà chúng tôi chuẩn bị với bao hồi hộp xốn xang như thế hóa ra lại là niềm đắc thắc của hai kẻ dự phần, nhất là Joke, một lần nữa lại khiến mẹ tôi mềm lòng yêu mến. Chú cún con bị kéo ra khỏi xe và đặt xuống không xa bậu cửa, nơi Joke đang ngồi, vẫn như mọi ngày, rất kiềm chế, điềm đạm, kiêu hãnh chờ đợi chủ để ý đến mình.

Billy lao qua cái sân lát đá trước nhà cùng tiếng rít. Rồi nó nhìn thấy Joke, chạy bổ đến Joke, còn hai bước nữa thì dừng lại, ngồi xuống đất trên đôi mông mập mạp của mình và sủa váng lên những tiếng lanh lảnh lo lắng. Joke hơi há mõm, không ra ngáp, không ra nhe răng, - cụp một bên tai xuống, rồi cụp nốt tai kia, và không ra gầm gừ, cũng không ra nhếch mép cười khinh bỉ, còn chú cún thì lúc ấy đã bò rất gần đến Joke, nhảy thẳng vào cái mõm đang nhe ra của nó. Joke không nhảy lùi lại – nó thấy rõ là chúng tôi đang theo dõi nên tự ép mình phải ngồi bình thản. Cuối cùng, nó đưa chân trước lên, lật ngửa Billy ra, đè cún con xuống đất và ngắm nghía Billy tứ phía, hít hít rồi bắt đầu liếm. Joke đã chấp nhận Billy, còn Billy đã tìm được một sinh vật thay thế cho mẹ của nó mà chắc hẳn giờ này đang rất đau khổ thương xót đứa con mất tích. Giờ thì đã có thể giao “thằng nhỏ” – mẹ tôi toàn gọi Billy như thế - cho con Joke nhẫn nại khôn cùng này chăm sóc.

 - Con thật là thông minh, thật là một chú chó hiền hậu, Joke à! – mẹ nói, mủi lòng trước cảnh vừa chứng kiến và những cảnh tượng xúc động tiếp theo, khi Joke thể hiện lòng khoan dung khó hiểu đối với một con chó con, ngay cả tôi cũng phải thừa nhận, rất nhí nhố và khó chịu này.

Cần phải huấn luyện bọn chó gấp. Nhưng đó cũng là một việc chẳng dễ dàng gì – giống y như việc đi chọn lựa một con chó mới, - lại một lần nữa do ảnh hưởng của mối quan hệ đặc thù trong gia đình chúng tôi.

Nhá, ví dụ như phân tích một vấn đề cỏn con thế này thôi: chủ con chó cần phải tự mình luyện nó, nó phải nghe lời duy nhất một người, thế thì con Joke phải nghe lời ai? Billy thì nghe ai? Tôi được coi là chủ của Billy, nhưng thực tế ra, chủ của Billy lại là Joke. Thế nghĩa là, Joke phải trao lại quyền hạn ấy cho tôi? Mà nói chung thì ngớ ngẩn quá đi: tôi khoái là khoái con chó nhỏ vụng về tức cười chứ tôi cần gì con chó đã được huấn luyện? Dạy dỗ cái gì? Dạy nó canh nhà á? Tất cả những con chó của chúng tôi đều là chó canh nhà cả. Dân bản xứ ở đây đều có nỗi sợ lũ chó ăn sâu vào máu rồi (chúng tôi đều tin chắc vào điều đó). Chí ít thì xung quanh toàn thấy nói về chuyện chỗ nọ chỗ kia bọn trộm đánh bả những con chó dữ hoặc tìm cách làm thân với chúng. Tựu trung, mọi người đều hiểu rằng có lắm chó canh nhà cũng chẳng ích lợi gì mấy, mặc dù trang trại nào cũng nuôi chúng.

Tôi còn nhớ những đêm thơ ấu của mình; tôi nằm trong nhà tối, chung quanh bốn bề là rừng, và tôi nghe tiếng cú rúc, tiếng chim ác kêu, tiếng à uôm của bọn ếch nhái, tiếng ri ri của ve sầu, tiếng trống cơm bì bùng vọng lại từ những căn lều của những người da đen. Bó lau sậy mới cắt từ thung đem về trải trên mái nhà cất tiếng xạc xào bí ẩn. - Màn đêm đã buông xuống vùng cao nguyên châu Phi ngập tràn vô số những âm thanh, và lũ chó của chúng tôi cũng lắng nghe tất cả những âm thanh ấy: chúng bật ra khỏi chỗ nằm, cuống cuồng hít ngửi để truy tìm kẻ phá vỡ màn tịch mịch. Bọn chúng đồng thanh sủa hoặc tru lên hướng vào mọi vật – cả ánh sao chạm vào mặt trơn láng của chiếc lá, cả vầng trăng đang lên sau dãy núi, cả tiếng cành cây sau nhà gãy rắc, cả cái vệt đỏ thắm ửng lên nơi chân trời. Lũ chó canh nhà, tôi còn nhớ, chẳng bao giờ ngủ, nhưng người ta nuôi chúng chưa hẳn với mục đích hù dọa bọn trộm (trong ký ức của tôi chưa bao giờ bọn này xuất hiện ở chỗ chúng tôi cả), mà đúng hơn là để không bỏ qua một tiếng thở nào, không bỏ qua một tiếng xào xạc nào của đêm châu Phi, màn đêm đang sống một cuộc sống của riêng mình tràn căng, bao trùm, thẩm thấu đến tận chân tơ kẽ tóc của vạn vật và nó sẽ vô nghĩa nếu thiếu đi tiếng rít của con heo rừng hoang dã, tiếng sột soạt của lá bắp trên cánh đồng lúc gió về, tiếng đá lở trên sườn dốc ầm ầm và những vệt sao bay lên trên dải Ngân Hà xa lắc. Bởi lẽ đá lở, sao lên, heo rừng kêu rít và tiếng lá bắp sột soạt trên đồng cùng gió… tất cả đã làm nên sự sống trường tồn của cái đêm thăm thẳm này.


Vậy thì còn phải dạy bọn chó canh nhà những gì kia chứ? Phải chăng là dạy chúng chỉ phản ứng với tiếng chân trộm đang tới gần, kẻ trộm có thể là người da đen hay da trắng – điều đó không quan trọng, nếu không thì chó giữ nhà còn có ý nghĩa gì nữa? Trong những hình ảnh về thời niên thiếu của mình, giờ, tôi thậm chí nhớ rõ hơn cả cảnh tôi nằm buổi đêm trong giường, không thể nào ngủ được và lắng nghe tiếng tru thổn thức của con chó hướng về phía vầng trăng vàng kỳ bí, cảnh tôi nhón chân đến gần cửa sổ và nhìn cái mõm chó đen dài hếch lên vòm trời sao. Với lũ chó của mình chúng tôi không cần tính lịch Mặt trăng. Bọn chó cũng tương tự như tiếng ồn của đường phố London vậy – để có thể ngủ ban đêm, anh cần phải học cách hoàn toàn không nghe thấy chúng. Mà nếu đã học được cách không nghe thấy tiếng chó sủa thì tiếng gầm gừ nghèn nghẹn dữ tợn thông báo về một kẻ trộm đang tới gần cũng không thể đánh thức anh được.

Ban đầu, Joke và Billy bị khóa trái trong phòng ăn vào ban đêm. Nhưng rồi ở đó, bọn chúng làm om cả lên, nào sủa, nào chạy từ cửa sổ này đến cửa sổ kia mỗi lần trăng hoặc mặt trời ló ra hay chỉ đơn giản là cái bóng đen đen của cành cây chạm vào tường trắng, đến nỗi chẳng bao lâu phải thả chúng ra sân vì đêm đêm chúng không cho ai ngủ, và khiến cả nhà khó lòng đứng vững nổi vào ban ngày. Đi kèm với việc đuổi chó ra sân là rất nhiều những hình thức xử phạt mà mẹ đưa ra, rằng phải “thông minh và ngoan ngoãn”; mẹ tràn đầy hy vọng có thể bắt bọn chó đi ngược lại với bản năng tự nhiên của nòi giống là phải ngủ từ chập choạng tối cho đến bình mình. Nhưng khi Billy bắt đầu lớn dần lên thì hai đứa Billy và Joke thường xuyên không có mặt ở nhà. Rồi cứ trước bữa sáng, với vẻ hối lỗi, chúng lại xuất hiện trên con đường mòn chạy dài về phía những cánh đồng; lông chúng dính đầy những quả ké gai: chúng tôi hiểu rằng, bọn chó mải đuổi theo một con cú hoặc con hươu nào đó và bất thần thấy mình đã ở cách xa nhà trong một thế giới ban đêm xa lạ, rồi chúng ngửi hít thám thính thế giới ấy, chuẩn bị cho mình một cuộc sống tự do và phóng khoáng, niềm phóng khoáng vẫn từng chờ đợi chúng bấy lâu.

Phải rồi, Joke và Billy không thể trở thành chó giữ nhà được. Hay là chúng tôi sẽ biến chúng thành chó săn nhỉ? Anh tôi giành phần huấn luyện chúng; trong sân nhà từ sáng đến tận đêm vang lên những mệnh lệnh ngu ngốc: “Nằm xuống, Joke!”, “Bò lại gần chân, Billy!”, và vài cục đường đại mạch run rẩy trên những cái mũi của lũ chó, những cái cẳng chân của chúng vươn ra để bắt lấy. Joke kiên nhẫn chịu đựng “sự học”, bằng dáng vẻ của mình, nó thể hiện rằng sẵn sàng nhẫn nhịn bao nhiêu cũng được miễn là có thể khiến mẹ tôi hài lòng. Trong khi anh tôi dạy dỗ bọn chúng, Joke hướng đến mẹ với ánh mắt khi thì hân hoan đầy tế nhị, khi thì như hối lỗi, và rồi nửa tiếng sau, anh tôi phải lùi bước, nói rằng trong cái nóng như thế này thì chẳng thể tập luyện gì được, rằng anh cũng mệt lử như một con chó và Joke ngay lập tức phóng đến chỗ mẹ, đặt đầu mình lên gối mẹ. Còn Billy thì vẫn chẳng bao giờ học được cái gì cả. Nó không thuộc được cách ngồi bình tĩnh với miếng đường vàng óng đặt trên mũi – nó đợp miếng đường ngay lập tức. Chẳng học được cách đi bên cạnh chân người, chẳng nhớ phải làm gì với cái cẳng chân trước khi mà ai đó trong chúng tôi đưa tay cho nó. Mọi điều có thể giải thích được đơn giản lắm, tôi hiểu điều ấy khi theo dõi các buổi “huấn luyện” : Billy là một con chó ngốc. Tôi đương nhiên đã gắng mô tả sự việc rằng chú chó khinh miệt cái trò học hành và cảm thấy phải hạ thấp mình khi tuân theo lệnh của ai đó; thế còn cái sự Joke sẵn sàng nhập tâm những thứ nhảm nhí ấy chỉ nói lên khiếm khuyết trong tính cách của Joke.  Song, than ôi, chẳng bao lâu tôi cũng không thể giấu nổi một sự thật đau buồn là Billy của tôi không hề sáng dạ!

Dạo ấy Billy từ một chú cún con mập mạp xinh xắn đã biến thành một con chó non đẹp đẽ, cân đối với bộ lông sẫm có đốm sáng và cái đầu to xù của loài chó newfoundland (1). Những dẫu sao nó vẫn giữ được những điệu bộ buồn cười của chó con – nếu như Joke dường như sinh ra đã là chó lớn đường bệ, lông gần như ánh bạc, thì trong Billy dường như luôn có cái gì đó non nớt, và nó non nớt mãi như vậy cho đến tận ngày cuối của cuộc đời.

Việc dạy dỗ kéo dài không được lâu: anh tôi bảo đã đến lúc phải chuyển tiếp từ lý thuyết đến thực hành, điều này chắc hẳn sẽ khiến bố yêm tâm hơn, vì bố thường quả quyết rằng anh em tôi nuôi không phải hai con chó mà quỷ mới biết được là con gì.

Anh em tôi cùng hai con chó của chúng tôi bắt đầu có một chặng mới của cuộc đời. Mỗi sáng, chúng tôi cất bước lên đường. Anh tôi sải bước phía trước với cây súng trong tay, vẻ nghiêm trọng vì cảm nhận trách nhiệm đầy mình, lũ chó chạy theo anh, và khép lại cái đội hình chiến đấu đã được thử thách qua thời gian ấy là tôi, một con bé mười bốn tuổi, lẽ thường đương nhiên chẳng được dúng mũi vào các việc lớn của đàn ông, nhưng với vai trò một khán giả nhiệt thành khâm phục thì con bé ấy lại là người rất cần thiết ở đây. Cái vai này tôi phải đóng đã lâu rồi – vai một cô bé con trầm trồ ngắm nghía những gì đang diễn ra trên sân khấu và thèm muốn đến chết đi được việc tham gia vở kịch, song lại biết rằng cái ước mong này chẳng bao giờ thành hiện thực chẳng phải chỉ bởi vì cô bé ấy có trái tim rắn rỏi và quyết liệt mà còn bởi cô ta, lặng người vì những buồn khổ và day dứt đang dày vò, mãi chờ đợi người ta gọi đến mình, âu yếm dịu dàng với mình để rồi bung ra mở lòng mình đáp lại những mến thương của con người. Ngay từ những năm ấy tôi đã hiểu rằng những người có mặc cảm như thế sẽ chẳng dễ dàng gì sống được trong cuộc đời này. Vâng, cảnh tượng kia đúng là chẳng hay ho gì: anh tôi sải bước, vẻ nghiêm trọng, tập trung, trung thành chạy bên cạnh anh con Joke “thông minh và giỏi giang”, “chú ngốc” Billy lúc thì lon ton chạy theo họ, lúc lại biến đâu mất để nghiên cứu lối mòn bên cạnh; còn đằng sau thì tôi lê bước ì ạch, cười khẩy khinh mạn, bằng mọi cách cố tỏ ra rằng cái trò này chẳng làm tôi ham hố mấy.

Đường đi thì tôi thuộc, nhắm mắt cũng đi được: để đến được khu rừng rậm tối tăm, nơi những con thú săn lớn đang đùa giỡn, cần phải đi vòng quanh một quả đồi xuyên qua những bụi cây paw-paw (2) rậm rạp, cắt ngang cánh đồng khoai lang với những dây lá loằng ngoằng bám bíu lấy chân người, sau đó đi ngang qua một bãi rác nơi hàng vô số lũ ruồi đen lấp loáng đang kêu vo ve, bay đến đây theo cái mùi ngọt ngào của đống thối rữa, đó, và rốt cục thì cánh rừng cũng mở ra trước mắt – những thân cây còi cọc có tầng lá trăng trắng, màu tàn tro mọc lên lại sau khi bị đốn phá (xưa kia có một dạo rừng ở đây bị đốn sạch và đốt hết trong lò của nhà máy), chúng trải dài nhiều dặm, mọc lúp xúp, ủ dột và tiều tụy. Và phía bên trên cánh rừng u sầu ấy là một khoảng trời rộng xanh ngắt.

Lũ chúng tôi đi kiếm mồi, ít nhất thì hai đứa cũng tuyên bố vậy. Tất cả những gì chúng tôi có thể bắn được thì chúng tôi cũng đã chén sạch từ lâu rồi, hoặc là những người làm, hoặc những người da đen trong làng chén hết. Song, điều đẩy chúng tôi đến với cuộc săn không phải là cái quy luật kiếm ăn xưa cổ, chúng tôi hiểu rõ điều đó. Bởi vậy mà cả hội lên đường đi thám hiểm với đôi chút cảm giác có lỗi và thường trở về nhà tay không. Chúng tôi đi săn chỉ vì anh tôi được tặng một khẩu súng mới rất tốt, có thể dùng nó mà bắn giết được – nhất là nếu anh ấy bắn – thì sẽ giết được những con chim to, chim nhỏ, những con thú bé, và thảng hoặc có thể cả những con vật khá lớn nữa như sơn dương chẳng hạn. Thế đấy, chúng tôi đi săn vì chúng tôi có súng. Mà đã có súng thì tất nhiên phải có chó săn, có chúng đi bên cạnh có cảm giác đội hình cũng không đến nỗi xấu mặt lắm.

(1) Một loài chó gốc Canada.

(2) Một loài cây có tên khoa học Asimina triloba, mọc ở vùng rừng hoang châu Mỹ và châu Phi, một dạng cây ăn quả, có vị nửa giống xoài, nửa giống chuối.

Thụy Anh dịch theo bản tiếng Nga - Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn