NHÀ VĂN SÁNTA FERENC QUA ĐỜI

Thứ bảy - 07/06/2008 02:13

(NCTG) Nhà văn Hungary Sánta Ferenc, Giải Kossuth về Văn học, đã qua đời ngày thứ Sáu 7-6-2008, hưởng thọ 81 tuổi. Ở Việt Nam, ông được biết đến với tiểu thuyết "Hai mươi giờ".

Sánta Ferenc sinh ngày 4-9-1927 tại Brassó (nay thuộc vùng Erdély, tức Transylvania, Romania). Những năm đầu đời, ông sống tại Sepsibikkszád, rồi Marosvásárhely, sau đó theo học Tiểu học và Trung học tại Kolozsvár. Khi khu vực này bị nhập vào Romania, ông chuyển đến Debrecen học năm cuối Trung học, nhưng không tốt nghiệp.

Năm 20 tuổi, ông lập gia đình và có 4 con trai. Thời gian 1947-1950, ông làm thợ mỏ ở vùng Pilisszentiván, rồi cho đến năm 1956 ông làm công nhân tại Nhà máy Chế tạo máy cày Sao Đỏ (vùng Kispest, Budapest). Năm 1957, ông chuyển sang Nhà máy Đóng tàu và Cần cẩu Ganz. Từ ngày 1-9-1958, Sánta Ferenc là cộng tác viên Khoa học của Viện Văn học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Từ năm 1968, ông sống bằng nghề viết văn.

Đầu năm 1954, tại một cuộc giao lưu giữa người viết và độc giả tại vùng Pestlőrinc, Sánta Ferenc làm quen với Szabó Pál và được nhà văn cựu trào này giới thiệu trên "Báo Văn học" (số tháng 3-1954) với truyện ngắn đầu tay "Chúng ta đông đảo" (Sokan voltunk). Tác phẩm này đã khiến Sánta Ferenc được chú ý. Kể từ đó, ông sáng tác nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết, nhiều tác phẩm đã được chuyển thể điện ảnh thành phim truyện và phim truyền hình.

Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của Sánta Ferenc là các tiểu thuyết cùng ra đời năm 1963 - "Hai mươi giờ" (Húsz óra) và "Con dấu thứ năm" (Az ötödik pecsét) - và đều đã được dựng thành phim rất thành công ở nước ngoài. Hai cuốn sách này đã được chuyển ngữ ra 23 thứ tiếng (trong đó có cả những ngôn ngữ "ít thông dụng" như Hindu, Nhật, Trung Quốc, Việt Nam...)

Sánta Ferenc được coi là một nhà văn rất quan trọng của thế hệ các cây bút Hungary khởi nghiệp sau năm 1945. Ông đã được nhận các giải thưởng văn học cao quý như Giải József Attila (1956 và 1963), Giải Kossuth (1973). Năm 2004, ông được nhận Giải Vì nền Nghệ thuật Hungary và Giải Tổ quốc tôi.

Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn