BÓNG - TỰ TRUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI ĐỒNG TÍNH (TRÍCH ĐOẠN)

Thứ hai - 21/07/2008 19:34

(NCTG) "Thông điệp của cuốn sách chắc chắn sẽ đọng lại mãi trong trái tim bạn đọc. Cũng như những câu chuyện mà nó kể sẽ khiến bạn không quên, cho dù bạn có thể chẳng bao giờ phải trải qua những chuyện như thế dẫu chỉ một lần trong đời" (Lời bạt của "Bóng")

"Bóng - tự truyện của một người đồng tính" do hai nhà báo Hoàng Nguyên và Đoan Trang chấp bút, theo lời kể của anh Nguyễn Văn Dũng, sáng lập viên nhóm Thông Xanh (nhóm tự lực của người đồng tính) tại Hà Nội, "là một cuốn tự truyện đặc biệt, ở chỗ lần giở mỗi trang của nó, bạn đọc sẽ chứng kiến một thế giới của tình yêu dữ dội và đầy ám ảnh giữa… những người đàn ông. Bởi nhân vật chính của truyện là một người đồng tính". Như lời của các tác giả, "được viết dựa trên lời kể của một người đồng tính nam, “Bóng” có 80% là sự thật, 20% còn lại là sự thật được viết theo cách nhẹ nhàng hơn để giảm đi phần khốc liệt. Nhưng đằng sau tất cả những dằn vặt, giằng xé nội tâm, những cơn ghen tuông mê mị, những khao khát bị kìm hãm, là lời tâm sự mà tất cả những người đồng tính đều từng thốt ra hơn một lần trong đời: "Chúng tôi không muốn là người đồng tính. Xin hãy thông cảm với những số phận như chúng tôi".

Trong những năm gần đây, đồng tính (ĐT) không còn là khái niệm quá "taboo" (cấm kỵ) trong xã hội Việt Nam. Vấn đề của người ĐT đã được báo chí và các phương tiện truyền thông bắt đầu đề cập tới một cách cởi mở hơn. Tuy nhiên, những định kiến còn vương vấn khá nhiều trong cách nhìn nhận của xã hội và đây là điều, muốn giải tỏa, phải có sự cảm thông, bao dung và nỗ lực từ cả hai phía, người ĐT và dị tính.

Khác với “Một thế giới không có đàn bà” (Bùi Anh Tấn), cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam đả động đến đề tài gay với thái độ tương đối nghiêm chỉnh, nhưng tiếp cận vấn đề từ khía cạnh hình sự, "Bóng - tự truyện của một người đồng tính" đi sâu vào mảng đời riêng tư của những người ĐT, với những tình cảm yêu ghét, những khổ đau, hờn giận, và cả những tủi nhục khi phải giấu giếm bản thân, phải sống đời sống hai mặt... Độc giả khi đọc "Bóng", có thể sẽ sững sờ trước những nét riêng tư và bạo liệt không ngờ tới trong đời sống và tình cảm của một nhóm người sống cùng chúng ta trong xã hội, mà chúng ta còn hiểu biết về họ quá ít. Để thấy rằng, người ĐT không có lỗi trước khuynh hướng giới tính của họ, họ cũng là những con người có đóng góp không ít cho xã hội và cần được chấp nhận một cách bình đẳng, với sự hiểu thông và khoan dung như truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nếu được đọc và chia sẻ theo cách ấy, chắc chắn bạn đọc sẽ cảm thấy yêu thích cuốn sách!

NCTG xin giới thiệu với độc giả các trích đoạn từ chương 2 và chương 3 của "Bóng".

*

Cuộc tình của tôi với Nhân có đến năm lần chia tay nhau, rồi lại quay về, được ít lâu lại đánh chửi nhau loạn xạ. Năm lần vật vã, dằn vặt, hành hạ nhau và hành hạ cả những người có liên quan. Hàng xóm đã quá quen với việc phải nghe hai “con bà” gào rống trong nhà:

- Cho tao về. Tao về quê thăm bố mẹ.

- Không đi đâu cả. Mày phải ở đây.

- Mở ra! Mở cửa cho bố mày về!

Trong cơn điên, tôi đùng đùng mở cửa, chở hắn thẳng ra bến xe, trên đường không nói câu nào, chỉ có nước mắt lã chã tuôn. Nhân về Nam Định. Vài ngày sau, điện thoại lại vang lên tiếng hắn: “Mình à? Tôi đây”. “Giời ơi, Nhân ơi là Nhân. Tôi nhớ mình lắm. Lên đây đi”. “Tôi lên thì mình hứa là không cãi nhau, không ghen tuông nữa nhé”. “Ừ, ừ...”

Cứ như hai đứa trẻ.

Nhân vẫn giữ cái thật thà chất phác của người nông thôn. Tôi biết điều ấy sau vụ hắn đem toàn bộ chuyện với tôi kể cho gia đình ở quê. Tôi đã về quê Nhân mấy lần. Lần đầu, gia đình Nhân đối xử với tôi nồng nhiệt như thể tôi là ân nhân của cả họ. Lần thứ hai, cách đối xử bỗng dưng khác hẳn. Mẹ Nhân thỉnh thoảng lại nhìn trộm tôi với ánh mắt tò mò. Bố Nhân nói chuyện lúng túng, không được tự nhiên cởi mở như trước. Tôi vốn đã quen với những ánh mắt soi mói, kỳ thị, nên cực nhạy trong việc “bắt sóng”. Có người láng giềng của Nhân thương tình bỏ nhỏ với tôi, rằng Nhân đã kể hết mọi chuyện cho gia đình biết, cả nhà đều muốn hắn dứt khoát với tôi để còn lo tương lai.

Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra rồi tuôn như mưa, không sao nín được. Tôi gọi Nhân ra ngoài vườn, vừa nói vừa khóc: “Mày khốn nạn lắm Nhân ạ. Ở với nhau một ngày cũng nên nghĩa mà mày đối xử với tao thế à?” Nhân dỗ mãi, tôi mới nguôi nguôi. Tôi bảo Nhân rằng sẽ đưa hắn lên Hà Nội học nghề sửa xe máy, học xong cho một ít vốn để hắn về quê mở cửa hàng. Thanh niên nông thôn được học nghề là quý lắm. Nhân nghe tôi mở ra hướng ấy cũng bùi tai. Chiều hôm đó, hắn lại lếch thếch cùng tôi lên Hà Nội, sau khi bắt tôi hứa sẽ không ghen tuông nữa.

*

Bố Nhân nằm Bệnh viện Bạch Mai mổ tim, tôi vào thăm hằng ngày, chăm sóc cung phụng hơn cả với bố mình. Ông cụ ngại tôi là gay, quan hệ với Nhân chẳng rõ ràng, nhưng vì tính cụ hiền lành, thêm nữa hoàn cảnh cũng khó khăn, nên đành chấp nhận một cách bối rối. Một hôm, sức khỏe bố Nhân đã khá hơn, tôi đỡ ông ra ngoài đi dạo lòng vòng. Vừa ra cổng bệnh viện, tôi như bị sét đánh ngang tai: Nhân đang cùng một cô gái nữa đi vào. Tôi khựng lại, tim bóp mạnh trong lồng ngực đánh thót một cái. Nhân nhìn thấy tôi, mặt cắt không còn giọt máu. Chỉ có ông già đi bên tôi là không biết tí gì.

Ngay trưa hôm ấy, Nhân và tôi đánh nhau một trận to ở Bờ Hồ. Tôi ngồi hàng nước, đốt thuốc lá, uống trà, uống cả cái hận vào bụng. Đang ngồi thì Nhân đến. Hai bên chỉ kịp nói với nhau vài câu, tôi bắt đầu nghiến răng chửi hắn: “Mày khốn nạn thế? Tao đã biết cái số kiếp của tao như thế rồi, tao nghĩ đến mày từng giây từng phút mà mày dối tao thế à?”. Tôi càng chửi càng ngoa ngoắt, Nhân lúc đầu còn định nhẹ nhàng phân trần, chỉ xin “Em sợ anh rồi. Anh tha cho em”. Sau hắn nổi khùng, gào lên: “Tao đ. ở với mày nữa. Tháng tháng mày cho tao triệu bạc chứ là gì mà tao phải khổ như thế này. Sống với thằng pêđê nhục quá!”. Tôi đấm đá Nhân túi bụi, lúc ấy tôi hộc lên như bị điên. Nhân sợ, bỏ chạy vào một ngõ ở phố Bà Triệu, nấp đâu đó. Tôi xông vào ngõ, túm tóc hắn, đấm đá, xé áo giật cúc, nhổ nước bọt... Nhân nổi khùng đánh lại, tôi cũng đau. Dân trong ngõ đổ ra xem, nhưng không ai can, chỉ đứng nhìn với vẻ kinh sợ. Như một con thú, tôi tát Nhân cháy mặt, chửi hắn xa xả bằng những lời lẽ độc địa nhất:

- Nhân ơi, thổ công long mạch, chúa đất thần tài, tiền chủ hậu chủ cả lò nhà mày ăn gì đẻ ra mày, để bây giờ mày làm khổ tao?

- Tao thù mày. Kiếp trước tao trót trộm chuông vàng khánh bạc của nhà chùa, kiếp này đầu thai lên làm người phải gặp mày. Mày giết tao Nhân ơi!

Từ trong ngõ, chúng tôi đánh nhau tuốt ra ngoài phố, ra tận hàng nước. Nhân vừa đỡ đòn vừa quát: “Cút mẹ mày đi, thằng điên!”. “Ừ, tao điên. Tao điên thực sự rồi đây!”. Rồi tôi lải nhải than thân trách phận: “Giời ơi là giời, ông giời đày đọa tôi. Bố tao chết, mẹ tao chết, tao ở một mình cô độc, đã tưởng gặp mày thì sướng, ai ngờ mày làm khổ tao!”. Nói đến đây thì chửi thành thật, tự nhiên tôi khóc lên tu tu. Nhân bật khóc: “Lần này dứt khoát tao phải về. Tao sợ lắm rồi. Tao khổ lắm rồi”. Chúng tôi nức nở. Nỗi đau vỡ trong lòng cả đôi.

Khi nước mắt đã trào ra, không ai còn đánh ai được nữa. Nhân quỵ xuống dưới chân tôi mà khóc, tôi cũng khóc. Hai người đều xây xước, quần áo xộc xệch mất cúc mất khuy, tay chân thâm tím. Chúng tôi vứt gậy, quẳng ghế, ôm nhau ra về. Hàng trăm con mắt dõi theo, nhưng qua màn lệ nhòa, tôi không nhìn thấy gì nữa. Tôi chỉ lờ mờ thấy rằng đang có kẻ cười nhạo, có kẻ không giấu nổi cảm giác kinh tởm trước hai thằng đàn ông dị hợm, có kẻ cười nói bình phẩm hỉ hả, thú vị được xem hề không mất tiền. Hôm ấy trời Hà Nội lạnh ngắt, không có nắng. Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán.

Về đến nhà, Nhân không nói không rằng. Tôi nấu cơm, hai đứa ăn bữa trưa muộn với nhau trong im lặng. Cuối cùng, Nhân quỳ xuống, chắp tay trước tôi: “Anh Dũng, em xin anh. Từ bây giờ em phải về nhà. Bố em ốm. Thằng em em đi bộ đội. Em phải về nhà nhận thêm vài sào mầu nữa. Hoàn cảnh em như thế, anh để em về giúp đỡ gia đình”.

Tôi lặng người đi. Trước mắt tôi là những ngày Tết cô đơn và giá lạnh. Bố chết, mẹ chết. Anh chị em kiến giả nhất phận. Tôi sẽ sống ra sao trong những ngày tới đây?

... Nước mắt lưng tròng, tôi đưa Nhân ra bến xe, lòng đau thắt. Nhưng tôi vẫn có một tia hy vọng mong manh rằng Tết hắn sẽ lên và ở lại với tôi. Hắn cũng đã nhiều lần bỏ đi rồi trở về như thế kia mà. Chắc hắn về quê thực sự là vì việc gia đình thôi, chứ không phải để cưới vợ.

*

Nhưng Nhân không lên. Không một cú điện thoại. Lòng tôi vừa cay đắng vừa hận Nhân ghê gớm...

Quang đến thăm. Nhìn tôi xộc xệch thảm hại, hắn thương tình bảo:

- Thôi, anh yêu nó quá như thế thì... Em cũng từng có lần chia tay bạn gái rồi, em hiểu. Được rồi, anh yên tâm đi, về Nam Định với em. Kiểu gì nó cũng có chút ít nể em. Em sẽ vun vén cho.

Tôi chỉ mong có thế. Bây giờ thì việc hàn gắn với Nhân không phải do tôi nữa rồi.

Chúng tôi lại xuống Nam Định. Nhưng lần này chỉ có Quang về quê Nhân, tôi ở lại thành phố, ghé vào một quán cà phê ngồi chờ Quang đón Nhân ra. Vừa nhác thấy bóng tôi ngồi bên bàn, Nhân đã muốn quay lưng đi, nhưng Quang giữ lại, dỗ dành. Hắn khề khà:

- Nhân ạ, anh Dũng quý mày lắm. Tất cả những gì anh ấy làm từ trước đến nay là vì mày. Tất cả chỉ là tình cảm thôi.

- Tao mệt mỏi lắm rồi.

- Ừ, nhưng mày nghĩ xem... Tìm được một người khác máu tanh lòng mà đối xử với mày như thế, chiều chuộng mày như thế, có dễ không? Anh Dũng không nói với tao nhưng tao biết, anh ấy tốt với mày lắm, còn nhịn miệng cho mày đấy Nhân ạ. Nhà mày nghèo, chân ướt chân ráo từ Nam Định lên Hà Nội, không có anh Dũng giúp thì đến bao giờ mày mở mày mở mặt được?

Nhân cúi mặt xuống ly nâu đá, thở dài. Quang đã nói trúng điểm yếu của hắn. Một thanh niên nông thôn, có sức khỏe, trình độ văn hóa hạn chế, lên Hà Nội làm lao động tự do, cố lắm và may lắm thì kiếm được khoảng một triệu đồng một tháng. Trong đó, riêng khoản tiền ăn với thời giá khi ấy cũng khoảng ba trăm ngàn đồng. Tiền thuê nhà hai trăm ngàn nữa. Chưa kể còn tiền tiêu vặt, tiền thuốc men khi ốm. Khoản tiêu vặt ngốn kha khá, nay cốc bia hơi mai điếu thuốc, ngày kia giải quyết nhu cầu của đàn ông... Còn lại gửi về nhà chẳng được bao nhiêu. Tóm lại là một chữ đói. Nhìn vào đó thì sẽ thấy Nhân sống với tôi như sống trên thiên đường: nhà ở ngay trung tâm thành phố, tháng tháng được hai, ba triệu bạc cầm tay và gửi về nhà, ăn uống ngon lành, quần áo đẹp, có cả xe máy riêng... đầy đủ chẳng thiếu thứ gì. Đúng là thiên đường cho một trai quê thất học.

Nhân ôm đầu không nói gì. Đúng hơn là hắn cứ ậm ừ ậm ừ. Quang đưa mắt cho tôi, cười nhẹ. Tôi hiểu đấy là tín hiệu thành công.

Tối hôm đó, cả ba người đi ăn lẩu và uống rượu. Tôi xuống nước hoàn toàn, dỗ Nhân: “Mai tôi mua cho Nhân cái điện thoại, rồi Nhân ra Hà Nội chơi nhé. Chơi một tí thôi rồi lại về”. “Không! Đừng mua” – Nhân đáp cộc lốc.

Lẽ ra lúc ấy, tôi phải hiểu ngay rằng Nhân từ chối chỉ để giữ ý; hắn không muốn lún vào quan hệ với tôi sâu hơn, không muốn mang tiếng lợi dụng. Nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến hay say rượu thế nào mà tôi lại rền rĩ bài ca muôn thuở: “Giời ơi, lên Hà Nội xong rồi về chứ có phải ở hẳn đấy đâu mà nó nỡ hành tôi thế này?”. Quang lừ mắt, nhưng đã muộn. Những lời lải nhải của tôi lại chọc vào nỗi chán chường của Nhân, hắn vụt nhớ đến cảnh sống như tù giam lỏng trong căn nhà hai tầng ở ngõ Hàng Bè. Hắn quay sang Quang: “Tao chết mất. Tao không lên Hà Nội được mất”. Thế là tôi bù lu bù loa:

- Mày là thằng khốn nạn, Nhân ơi. Cái mặt mày là cái mặt rán sành ra mỡ. Ba ngày Tết tao thui thủi một mình...

- Ông im đi. Đừng có làm tôi điên lên.

- Tao đang điên đây. Tao hỏi mày, đứa nào dụ dỗ mày mà bây giờ mày chặt lòng chặt dạ với tao như thế?

Nhân nổi khùng:

- Mày làm đ. gì được tao?

- Nhân! Không được láo thế! - Quang kêu to, cố cứu vãn tình hình.

Tôi nghiến răng:

- Mày đi về nhà, tao theo về. Mày đi đâu tao theo đấy. Cả họ nhà mày biết rồi đúng không? Chưa đủ đâu. Mai tao về ủy ban xã mày tao nằm vật ra đấy, tao kể cho cả xã biết chuyện mày với tao...

Hoàng Nguyên - Đoan Trang


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn