Truyện ngắn của Doris Lessing (Nobel Văn chương 2007): CHUYỆN KỂ VỀ HAI CON CHÓ (6)

Thứ ba - 10/06/2008 20:30

(NCTG) Kết cục là nếu chúng tôi ra khỏi nhà với ý định đi săn đôi chút hoặc ngắm nhìn các con thú hay chỉ đơn giản là thả bước lang thang trong rừng, nơi lãnh địa của thú hoang trải dài mười dặm – những con thú hoang chưa từng nhìn thấy con người, thì trước khi đi, chúng tôi phải nhốt bọn chó lại, bất chấp sự phản đối hay những tiếng càu nhàu ầm ĩ của chúng.

Nếu thả chúng ra sớm thì rồi hai đứa cũng đuổi kịp bọn tôi. Một bữa, chúng tôi đi đã được độ sáu dặm về hướng núi, thong thả tận hưởng cuộc dạo chơi buổi sớm không vội vã thì bỗng hai con chó xuất hiện, thở hổn hển, phấn khởi, những cái lưỡi hồng hồng ấm nóng ấn vào tay và đầu gối chúng tôi đầy phấn khích rằng đã tìm ra hai anh em. Sau vài phút vui sướng vẫy đuôi loạn lên và nhảy tưng tưng vào mặt anh em tôi, chúng lại chạy biến đi cũng bất ngờ y như khi xuất hiện, và chỉ trở về nhà khi chiều buông.

Điều này khiến chúng tôi rất lo lắng, chúng tôi không ngờ là hai đứa nó chạy một mình khỏi nhà xa đến thế. Lỡ ra chúng lui tới nhà hàng xóm hoặc bắt đầu tấn công các chuồng gà của họ thì sao? Nhưng chúng tôi cũng đã bỏ qua mất thời điểm rồi, bọn chó đã lớn hẳn, dạy dỗ chúng bây giờ đã quá muộn. Hoặc là phải xích chúng cả ngày trong sân – mà cái lũ ấy thà chết còn hơn, - hoặc là phải cho chúng trọn vẹn tự do, và mặc kệ cho bất kỳ điều gì xảy ra đi chăng nữa.

Trong những bức thư nhà gửi cho hai đứa chúng tôi thường thông báo về tình hình hai con chó, và dần dà, tin tức càng ngày càng căng thẳng hơn. Anh em tôi ngồi đọc thư mỗi đứa mỗi trường, nơi mà người ta kỳ vọng đưa chúng tôi vào khuôn phép, dạy chúng tôi biết yêu sự ngăn nắp và rèn cho chúng tôi những phẩm chất tâm hồn cao đẹp: “Bọn chó biến mất tăm cả đêm ở đâu đó, và trở về vào lúc giữa trưa…”; “Joke và Billy ở tịt trong rừng ba ngày đêm. Bọn chúng vừa mới chạy về nhà, mệt lử lả!”; “Lần này lũ chó nhà mình chắc là đuổi bắt được con thú nào đó và chén thịt, y như những con chó hoang vậy, vì ở nhà chúng hoàn toàn chẳng ăn gì, chỉ uống và uống thùng bất chi thình, rồi sau đó thì lăn ra ngủ như bọn cún con…”; “Hôm qua ông Dally gọi đến bảo là nhìn thấy hai đứa Joke và Billy ở đồi sau nhà ông ấy,  hai đứa này đuổi đàn bò nhà ông. Có lẽ phải dứt hai đứa cẩu tặc này ra khi nào bọn chúng trở về nhà, chứ không thì tình hình cứ thế này, rồi sẽ có ai bắn chết chúng vào ban đêm mất thôi…”

Khi chúng tôi từ thành phố về nghỉ hè, bọn chó gần như cả tuần không ló mặt ở nhà. Nhưng chúng linh cảm được là chúng tôi về - chí ít thì chúng tôi cũng tự huyễn hoặc mình như thế,- và hai đứa chạy về nhà: trong ánh trăng, trên sườn đồi hiện ra hai thân hình đen dài chạy bên nhau, cạnh chúng, hai cái bóng trượt dài trên mặt đất, trong ánh đèn bão, mắt chúng ánh lên như những đốm lửa. Hai đứa chào chúng tôi khá ồn ào, nhưng rồi lại đi ngủ ngay lập tức. Anh em tôi tự nhủ rằng bọn chúng coi chúng tôi như những con vật cùng loài bởi chúng tôi cũng thường thực hiện những chuyến dạo chơi dài bí ẩn trong rừng, nhưng cả anh và tôi đều hiểu đó chỉ là điều đa cảm nhảm nhí mà chúng tôi muốn vin vào để làm dịu bớt sự bực bội vì bọn chó, chó của hai anh em tôi, lại ít để ý đến chủ của chúng vậy. Đêm, đúng hơn là rạng sáng – hai đứa lại biến mất và chỉ một tuần sau mới trở lại. Chúng bốc mùi tởm lợm, có lẽ là chúng đã đi săn chồn hôi hay mèo rừng, - bộ lông dính đầy quả ké gai rối tung, trên da thì có hàng chục con bọ ve bám vào. Chúng uống nước ừng ực, nhưng không thèm ăn, mõm thì bốc mùi thịt nằng nặng.

Hai đứa nó ngủ thiếp đi, nằm sóng sượt trong bóng râm, còn hai anh em tôi đặt hai cái đầu mềm oặt nặng nề của chúng lên đùi mình, bắt ve bọ, gỡ các quả ké và gai cho chúng. Chân trước của Billy có một vết sẹo lồi, tôi nghĩ đó là một vết sẹo cũ đã lành, nhưng khi tôi chạm vào đó, Billy rên rẩm trong mơ. Tôi ghé xuống thấp hơn thì nhìn thấy một cái dây thòng lọng  tết bằng cỏ được lấy từ một cái bẫy mà những người da đen thường dùng bẫy chim. May mà Billy thoát được khỏi cái bẫy ấy.

- Ừ, - bố nói, - đấy, bọn này rồi kết cục sẽ như vậy, cả hai đứa, rơi vào bẫy của người ta, bọn chó ngốc nghếch, mà rút cục thì cứ phải thế cho chúng biết, tôi thì tôi chẳng thấy thương hại chút nào.

Hai anh em tôi có một thói quen là phá hết những cái bẫy mà chúng tôi phát hiện được. Để săn những con thú lớn hơn, ví dụ như sơn dương chẳng hạn, những người da đen thường uốn cong một cái cây non ép xuống mặt đất, buộc bằng cái dây nhỏ mảnh và gài bẫy bằng thứ thép mà họ rút từ bờ giậu. Để kiếm thú bé hơn, họ đặt những cái bẫy con ngay trên đất – những cái dây thòng lọng làm bằng thép mảnh hoặc được bện xoắn bằng xơ vỏ cây. Còn trong bãi cỏ mọc chung quanh những thửa ruộng gieo hạt và những cái ao tù, nơi có một cái mạng chằng chịt những lối đi về của bọn chim và thỏ, thì trên mỗi lối đi ấy lại lủng lẳng cái thòng lọng tết bằng cỏ. Chúng tôi từng bỏ biết bao ngày để phá những cái bẫy ấy của họ.

Những mong có thể mua vui cho bọn chó chút ít, chúng tôi ngày nào cũng đi hàng bao nhiêu dặm trong rừng. Hai anh em tự hành mình đến kiệt sức, mà bọn chó thì vẫn cứ hàng đêm chạy hút vào rừng như trước, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi bèn cưỡi xe đạp, phóng điên cuồng trên đường làng, còn lũ chó thì lon ton khoái chí chạy bên. Hai anh em tôi vắt kiệt lực để chiều Joke và Billy, còn bọn chúng, chúng tôi ngờ rằng, hiểu hết mọi sự và cũng hạ cố chiều chuộng lại chúng tôi. Song chúng tôi quyết định không lùi bước. Lần nọ, chúng tôi nhìn thấy ở bìa rừng có một bộ xương của con vật gì rất to treo lủng lẳng trong dây lọng của cái bẫy trên cây – rõ ràng là cãu bẫy này được đặt và bị quên bẵng. Anh em tôi chỉ cho Billy và Joke thấy bộ xương, giảng giải cho chúng về sự thể xảy ra, dọa dẫm chúng, rồi van xin chúng, tí nữa thì khóc, cũng bởi là chúng tôi nói tiếng người, chứ đâu phải tiếng bọn chó đâu. Bọn này thì ngửi ngửi mấy khúc xương, sủa lên vài tiếng, nhìn vào mắt chúng tôi rõ là vì đôi chút lịch sự, và lại chạy biến vào rừng.

Khi đã ở trường, chẳng bao lâu, chúng tôi được biết rằng lũ chó đã đi hoang hẳn rồi. Đôi khi chúng chạy về điền trang vào ban ngày để ăn uống qua loa rồi ngủ. “Bọn này đâu cần nhà, chúng chỉ cần chỗ trọ”, mẹ than vãn.

Và cuối cùng thì số phận hiện thân qua một cái bẫy hươu cũng đã ra tay rình bắt hai con chó.

Đêm vắng lặng, chúng tôi bừng tỉnh vì tiếng tru đau đớn, vội chạy ra sân đến chỗ lũ chó. Chúng lết bụng đến bậc thềm – da lẫn xương, lông dựng đứng, mắt vằn những tia cuồng nộ. Chúng được cho ăn, và ăn lấy ăn để - chân đứng không vững. Khi Joke đang sục mõm vào cái chậu ăn thì chúng tôi nhìn thấy lời giải đáp cho câu chuyện ngay trên cổ của nó – một cái dây chão bằng thép dày hự được tết bằng chục múi bện riêng rẽ bị cắn đứt ngay sát chỗ cổ dề. Chúng tôi soi lại mõm Billy thì thấy một vết thương đầy máu, thay cho hàm răng là bọt mép sùi ra, như một con chó già lụ khụ. Để mà nghiến đứt được cái dây ấy cần nhiều thời gian lắm, có lẽ là nhiều ngày giời. Nếu như là thép dày thì chắc Joke đã chết ngạt trong bẫy rồi. Nó thoát chết nhưng bị giập phổi và đổ bệnh – cái dây tí tẹo nữa là thắt cổ nó. Còn Billy thì không ăn được như trước nữa, giờ nó nhai khó nhọc như một con chó già. Bọn chó sống ở nhà vài tuần, dường như ai đã tráo hai con chó khác vào ấy, chúng chạy trong sân vào ban đêm và sủa nếu cần thiết.

Thế rồi chúng lại bắt đầu chạy đi xa, nhưng không biến mất lâu như trước nữa. Joke vẫn đau phổi, nó thường nằm dưới nắng, thở phì phò nặng nhọc như thể muốn cho lá phổi được nghỉ ngơi. Còn Billy giờ chỉ ăn đồ mềm được thôi. Thế thì chúng làm sao mà đi săn được chứ?

Một buổi chiều muộn, anh em tôi gặp chúng ở một nơi cách nhà vài dặm. Thoạt tiên, chúng tôi nghe thấy từ xa có tiếng sủa quen quen tuyệt vọng, tiếng sủa càng đến gần. Một làn sóng nhấp nhô lên xuống đều đặn chạy dọc trên những ngọn cỏ màu tro cao cao, đó là một con sơn dương đang chạy, nhưng chúng tôi chỉ nhìn thấy rõ khi nó đã đến rất gần vì con sơn dương màu vàng nâu, mà Lũng thì mọc đầy ngập loài lúa dại màu hồng đang phản chiếu màu đỏ thắm dưới ánh sáng mạnh và sắc. Trong ánh mặt trời đang xuống núi, thảm cỏ bạc màu bên bìa rừng bỗng trở nên vô hình như những tia sáng trắng, cây lúa dại phát sáng leo lét rồi rực lên, còn con sơn dương bé nhỏ toàn thân cháy bùng bởi những đốm đỏ trên người. Bỗng, nó lao gấp đột ngột về hướng khác, có lẽ nào nó phát hiện ra chúng tôi? Không, ra là Joke từ chỗ nằm phục kích trong đám cỏ hồng,  bằng một động tác có tính toán đã lanh lẹ đón đầu con mồi. Billy thì đuổi sát sơn dương, nó bay, bốn chân gần như chỉ chạm khẽ xuống đất. Joke, giờ đã không còn chạy nhanh nổi nữa , ép con thú phải đâm sầm đúng vào mõm Billy. Ngay trước mắt chúng tôi, Billy bay thẳng vào cổ con vật, đẩy vật nó ngã xuống đất và kìm giữ nó, đợi Joke chạy tới kết liễu đời sơn dương, - bởi, bằng hàm răng của mình, nó chẳng còn cắn được con gì nữa rồi.

Hai chúng tôi thận trọng bước ra chỗ bọn chó, gọi chúng, nhưng hai con thú đang gầm gữ hung tợn đó dường như không nhận ra chúng tôi, những đôi mắt biết nói sáng ánh lên giận dữ, chúng tiếp tục xâu xé con mồi. Đúng hơn là Joke xé thịt con mồi, mà không chỉ xé thịt, nó còn dùng mũi đẩy những tảng thịt nóng hổi bốc khói cho Billy không thì con này phải cam chịu đói.

Phải rồi, bây giờ chúng chỉ có thể đi săn cùng nhau, thành đôi, chúng không thể sống thiếu nhau được nữa.

Nhưng, qua một thời gian thì Joke bỗng thường trở về sau cuộc săn sớm hơn, độ một hai ngày nó đã về, còn Billy thì ở lại rừng một tuần hoặc thậm chí lâu hơn. Ở nhà, Joke nằm trong sân hàng mấy ngày liền và nhìn về cánh rừng, còn khi Billy chạy về, nó liếm láp tai và mõm của Billy như thể một lần nữa lại nhận về mình vai trò làm mẹ.

Xem phần 1, phần 2, phần 3, phần 4 và phần 5.

Thụy Anh dịch theo bản tiếng Nga - Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn