KỸ SƯ LÊ VĂN CHÍNH NÓI VỀ “HẬU TRƯỜNG PR” BẰNG VĂN HÓA PHẨM (2)

Thứ sáu - 25/04/2008 05:02

(NCTG) Phần hai bài phỏng vấn kỹ sư Lê Văn Chính, chủ tịch HĐQT Công ty Truyền thông Sơn Ca), về một số chuyện “bếp núc” quanh những nỗ lực quảng bá thương hiệu một cách văn hóa, thông qua việc vinh danh những giá trị văn hóa Việt Nam.

Sân gạch trước ngôi nhà thi sĩ Hữu Loan

Xem Phần 1.

* Quá tiếc!

LVC: Vâng, rất tiếc. Trong thời gian đó, việc triển khai phương án hai là mua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” vẫn được tiến hành. Bạn tôi, một trí thức làm báo chịu trách nhiệm giúp đỡ tôi tiếp cận nhà thơ Hữu Loan. Ông đã đến thăm viếng, tặng quà và ngỏ lời với nhà thơ từ tháng 11-2003. Nhà thơ chỉ cười không nói gì. Cho đến khi chúng tôi đặt vấn đề cụ thể thì nhà thơ nghi ngại và từ chối...

Cho đến giữa năm 2004, một hôm văn phòng của tôi tại Hà nội bất ngờ nhận được điện thoại từ gia đình của nhà thơ báo tin ông đã đồng ý chuyển nhượng. Lúc đó tôi đang ở Mỹ, nhận được tin này rất vui mừng. Tôi cử anh Nguyễn Dương Thanh Hoàng, phó giám đốc công ty tìm cách tiếp xúc với nhà thơ để thảo luận chi tiết về hợp đồng chuyển nhượng. Mọi việc tiến triển khá tốt đẹp.

Để bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, chúng tôi đã hợp đồng với Công ty luật Phạm và Liên Danh xúc tiến thủ tục cho việc chuyển nhượng bản quyền bài thơ. Công ty luật báo giá theo mức giá hiện hành của công ty thì mỗi giờ của luật sư sẽ tính giá là 70 USD và hợp đồng này sử dụng khoảng 5 giờ luật sư. Tuy nhiên, cảm kích ý nghĩa của việc “mua thơ”,  bên Phạm và Liên Danh chỉ tính tượng trưng 1 giờ làm việc cho hợp đồng này. Mọi việc trôi chảy, chúng tôi dự định ngày 12-10-2004 sẽ tiến hành ký kết hợp đồng.
 
* Mọi chuyện có vẻ trôi chảy...

LVC: Chiều ngày 11-10-2004, đang chuẩn bị ra sân bay để bay đi Hà nội thì tôi nhận được điện thoại khẩn từ văn phòng Hà Nội báo vào là... khỏi ra Hà Nội nữa bởi nhà gia đình nhà thơ vừa báo tin và xin lỗi là hợp đồng không thể thực hiện được. Nhà thơ Hữu Loan không muốn chuyển nhượng bài thơ nữa, gia đình không nói rõ lý do. Mọi việc đã lỡ rồi, đằng nào thì cũng đã hẹn với bên công ty luật, tôi quyết định thôi thì cứ ra Hà Nội để hôm sau cùng luật sư đến thăm viếng nhà thơ, đến đâu hay đến đó. Để chắc ăn, tôi gọi văn phòng tìm trên Internet và in hết thơ Hữu Loan ra giấy giùm để tôi mang theo ngồi trên máy bay học thuộc lòng. Có thể nhà thơ nghi ngại chất “trọc phú” của doanh nhân bỏ tiền ra chơi ngông nên không muốn chuyển nhượng đứa con tinh thần của mình. Nhờ vậy mà tôi có cơ hội thuộc thêm mấy bài thơ “Qua đèo Cả”, “Tò he tò he”, “Hoa lúa...”

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến văn phòng Phạm và Liên danh đón luật sư Bạch Thanh Bình để cùng đi. Tôi rất ngạc nhiên khi luật sư Bình là một người rất am hiểu văn thơ và từng trải nhiều câu chuyện đời. Ngồi trên xe, anh kể cho tôi những câu chuyện văn chương thời gian khó, chuyện ruộng đất, v.v... mà người sinh trưởng trong Nam như tôi không thể nào hình dung ra được. Đã có thời người với người đối xử nhau lạ lùng như vậy sao? Từ Hà Nội theo quốc lộ 1 xuôi chiều về phía Nam đến địa phận Thanh Hóa sẽ gặp huyện Nga Sơn trước tiên. Rẽ về tay trái để đi về miền biển là xã Nga Lĩnh, tìm thôn Vân Hoàn là nơi trú ngụ của nhà thơ nổi tiếng Hữu Loan.
 
Ngôi nhà thấp và cũ kỹ rất tiêu biểu cho vùng nông thôn miền Bắc. Đón chúng tôi là anh Hùng, con trai nhà thơ. Anh tỏ vẻ áy náy là việc mua bán không thành mà không báo sớm cho chúng tôi để hủy bỏ chuyến đi. Tôi và luật sư Bình xin phép vào nhà thăm và tiếp chuyện nhà thơ. Căn nhà gạch nghe đâu do Hội Nhà văn xây tặng đã ẩm thấp và rêu phong. Hữu Loan ngồi trên chiếc võng, tóc bạc trắng phủ dài, đôi mắt sáng. Ông tỏ ý vui khi có khách xa ghé thăm và nói chuyện văn chương. Chúng tôi nói chuyện thơ văn, tình đời thế thái gần 2 tiếng đồng hồ. Tôi thầm cám ơn sự uyên bác và khéo léo của luật sư Bình, anh trở thành nhân vật chính tiếp chuyện với nhà thơ. Đến gần trưa, nhà thơ đẩy một cái can nhựa nhỏ dưới gầm bàn, hoá ra là can rượu, ông kêu người nhà rót rượu cho khách uống. Tôi thấy không khí có vẻ thuận lợi, cạn ngay mấy chén rượu dù trong bụng chưa có chút gì từ sáng đến trưa.

Chuyện trò thêm gần một tiếng nữa, ông tỏ ra hài lòng khi thấy đây là khách thơ chứ không phải là “con buôn” chuyên nghiệp. Ông đọc rất nhiều thơ, chúng tôi cũng tỏ ra chia sẻ - nhờ đã học thuộc trên máy bay. Dù hơi lẫn trong chuyện đời nhưng thơ văn thì ông lại nhớ đến từng chi tiết. Ông đọc thơ nhiều lần mà không bao giờ sai hay nhầm một chữ. Đến phút quyết định, luật sư Bình ngỏ lời về việc mua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim”. Ông đồng ý.

Hữu Loan ký hợp đồng bằng miếng kiếng

Hú vía, một loạt thủ tục hành chánh được tiến hành ngay lập tức. Đầu tiên là đi mời chính quyền địa phương đến làm thủ tục xác nhận. Mọi người nháo nhác đi tìm giấy chứng minh nhân dân của ông theo yêu cầu của luật sư thì mới biết hai mươi năm nay ông không hề dùng tới giấy chứng minh. Mắt ông đã yếu, một người cháu vội chạy ra chợ xã mua chiếc kiếng lão để ông đọc hợp đồng. Kiếng lão không dùng được, ông dùng miếng thủy tinh to bằng bàn tay để đọc chữ và ký tên.

* Riêng anh có cảm nhận gì về nhà thơ Hữu Loan?

LVC: Đó là một con người đầy trách nhiệm. Khi bàn giao bản gốc chép tay, ông cẩn thận giải thích những từ ngữ trong các dị bản như “chiến chinh” hay “chiến binh”, “áo mới” hay “áo cưới”, v.v...Tôi còn trở lại nhà ông một lần nữa vào tháng Mười một để thanh toán nốt số tiền chuyển nhượng. Lần này đi cùng với anh Phạm Văn Hạng và vài người bạn. Ông bảo vợ con làm con gà, chạy đi mua mấy chai bia rồi kéo nhau ra cái sân gạch trước nhà đãi khách. Cảm giác của tôi qua những lần tiếp xúc với ông, vợ ông và các người con là cảm giác ngưỡng mộ trước một gia đình trí thức chọn cách sống thanh bần, không màu mè làm dáng nhưng cũng không cần thiết thở than nhiều, nhận chịu cảnh nghèo nhưng lại rất khí khái, xem đồng tiền chỉ đáng vật phù du.

* Nghe nói sau này anh còn làm PR qua 10 nốt nhạc Phạm Duy “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”?

LVC: Không. Đó là một nỗi oan. Tôi không làm PR qua sự kiện đó. Ở việc chuyển nhượng bài “Màu tím hoa sim”, chúng tôi xác nhận là làm PR và thực tế, một công ty PR đã tính toán chúng tôi lãi quá nhiều. Với 100 triệu bỏ ra để đổi lại 80 bài báo trên trang nhất, người ta tính ra tương đương với số tiền 2 tỉ. Còn ở 10 nốt nhạc “tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”, tôi xác định đó là nhạc hiệu, là câu chào cho sản phẩm. Từ thuở thiếu thời, tôi lớn lên và yêu tha thiết quê hương đất nước mình qua câu hát đó. Đầu mỗi ngày mới, tôi nghe câu nhạc hiệu như lời nhắn nhủ mình phải cố gắng thêm lên. Tôi mua 10 nốt nhạc, câu hát đó như là mua nguồn năng lượng diệu kỳ để trên bước đường kinh doanh đầy trắc trở, tôi có thêm sinh lực để làm việc, để chống chọi, để phấn đấu cho sản phẩm điện tử Việt Nam một chỗ đứng trên đấu trường quốc tế.

* Xin cám ơn anh!


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn