KỸ SƯ LÊ VĂN CHÍNH NÓI VỀ “HẬU TRƯỜNG PR” BẰNG VĂN HÓA PHẨM (1)

Thứ sáu - 25/04/2008 04:52

(NCTG) Cuối năm 2004, báo chí trong và ngoài nước đã xôn xao với sự kiện bài thơ “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan được mua bản quyền với giá 100 triệu đồng. “Thương vụ” được coi là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam tính đến khi ấy, được thực hiện bởi Công ty cổ phần công nghệ Việt - Vitek VTB của anh Lê Văn Chính, một doanh nhân thành đạt và có tinh thần dân tộc, luôn hướng về cội nguồn và mơ ước cho Việt Nam tiến lên, đồng thời, cũng là một cây bút rất tâm huyết và quen thuộc với độc giả NCTG với bút danh Văn Khoa.

Kỹ sư Lê Văn Chính bên "chiếc bình hoa ngày cưới" của thi sĩ Hữu Loan

Mới đây, trong một bài phỏng vấn dài - được đăng tải một phần trên tuần báo “Thể thao & Văn hóa” (Việt Nam), anh Lê Văn Chính (hiện nay là chủ tịch HĐQT Công ty Truyền thông Sơn Ca) đã kể lại một số chuyện “bếp núc” quanh những nỗ lực quảng bá thương hiệu một cách văn hóa, thông qua việc vinh danh những giá trị văn hóa Việt Nam. NCTG xin giới thiệu đến bạn đọc toàn bộ cuộc phỏng vấn (ảnh trong bài do kỹ sư Lê Văn Chính cung cấp) (BBT).

*

Hoạt động “quan hệ cộng đồng” (PR) là một hoạt động không thể thiếu của bất kỳ doanh nghiệp nào cần tạo khuôn mặt đẹp với công chúng. Nhiều doanh nghiệp đã chi tiêu khá nhiều để kiến tạo những sự kiện nhằm khuếch trương thương hiệu trong các lĩnh vực văn hóa xã hội.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với kỹ sư Lê Văn Chính, người đã có những ý tưởng khá mới lạ trong việc quảng bá thương hiệu bằng những sự kiện văn học nghệ thuật.
 
* Chào anh, người ta biết nhiều về anh qua những ý tưởng độc đáo như mua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” với giá 100 triệu. Dư luận chỉ biết về sự kiện này như là một động tác PR thành công. Từ đâu anh có những ý tưởng kỳ lạ như vậy?

LVC: Nhiều doanh nghiệp chọn cách làm PR qua những sự kiện văn hóa thể thao. Đầu tư cho một hoa hậu tài sắc làm biểu tượng, đại sứ danh dự cho nhãn hàng hoặc tài trợ cho một cầu thủ xuất sắc. Tài trợ một chương trình ca nhạc với nhiều tiết mục “hot” hay tài trợ các giải thi đấu thể thao cũng thường được lựa chọn. Các công ty đa quốc gia khi nhảy vào thị trường Việt Nam thường làm như vậy bởi họ rất khó khăn khi tìm hiểu văn hóa Việt. Họ chọn cái hữu hình, nhan sắc hay tài năng.
 
Từ nhỏ tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ tác phẩm “Hoàng Tử Bé” của St. Exupery với câu tuyên ngôn độc đáo về giá trị của sự kiện “điều quan trọng nhất con người không thể thấy được bằng mắt”. Người đẹp, cho dù là tuyệt thế giai nhân cũng không thể nào có giá trị vĩnh cửu. Các ngôi sao tài năng thể thao cũng rất mong manh. Trong khi đó, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị ở chỗ làm rung động lòng người, giá trị này bền vững theo tháng năm.

Tôi không phải là người yêu thơ hay người làm lý luận phê bình văn học. Tôi chỉ là một độc giả bình thường với những rung động bình thường như bao nhiêu người đọc khác. Kinh doanh trên chính đất nước của mình, tôi khai thác tối đa lợi thế “người Việt” của mình, điều mà các chuyên gia marketing nước ngoài với ngân sách tiếp thị hàng chục tỉ đồng không thể có. Đối với họ, nhan sắc rực rỡ của giai nhân dễ cảm nhận hơn một bài thơ khóc vợ viết trong thời chiến.

* Nhưng sao lại chọn bài thơ “Màu tím hoa sim?”

LVC: Lựa chọn này là một quá trình sàng lọc khá dài. Tôi có một nhóm bạn làm tư vấn cho mình. Chúng tôi cùng đưa ra một danh sách những tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam rồi cùng nhau thảo luận, tiến hành thương lượng với các tác giả. Công việc kéo dài hơn một năm, từ giữa năm 2003 đến cuối năm 2004.
 
* Anh có thể tiết lộ những tác phẩm nào đã vào vòng chung tuyển?

LVC: Lựa chọn số một lúc bấy giờ là toàn bộ ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi sinh ra ở Huế và lớn lên suốt thời chiến tranh nên chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những ca khúc của Trịnh. Khi đã quyết định chọn ca khúc Trịnh Công Sơn để xưng tụng, tôi mời một “chuyên gia” cũng là người bạn, nhà thơ Đỗ Trung Quân làm cố vấn cho việc thực hiện kế hoạch mua bản quyền. Tôi trình bày ý định thực hiện một bộ đĩa CD gồm hơn 30 đĩa đặt trong một hộp gỗ quý kèm toàn bộ ấn bản ca khúc và các tư liệu khác về người nhạc sĩ tài ba này.

* Một ý tưởng hay nhưng quá trình thực hiện không dễ dàng?

LVC: Lúc đó vào năm 2003, chúng tôi ngồi với nhau trong một quán rượu và hát cho nhau theo trí nhớ lần lượt tất cả ca khúc Trịnh mà cả hai chúng tôi biết. Tranh luận  đầu tiên là “tuyển tập” hay “toàn tập”. Tuyển tập thì xoàng quá, không xứng đáng mà toàn tập thì Nhạc Trịnh lúc bấy giờ và ngay cả lúc này không phải ca khúc nào cũng được lưu hành trong nước. “Chưa thích hợp” là giải thích của các vị quản lý văn hóa. Tôi làm công tác kỹ thuật, kinh doanh tính toán đã quen nên không thể hiểu được vì sao 30 năm chiến tranh qua rồi, các vị quản lý dùng phương pháp nào tính toán để cho ca khúc cũ của Trịnh được thích hợp từ từ với công chúng. Tháng sau và tháng trước, năm sau và năm trước có khác gì nhau để rồi một hôm nào đó không đoán trước, thời điểm thích hợp bỗng dưng ló dạng và cấp phép lưu hành.

Chúng tôi quyết định thực hiện phải thực hiện toàn tập và chuyển nhượng ý tưởng này cho một công ty ngoại quốc thực hiện ở nước ngoài. Ở nơi xa xôi nào đó, nhạc Trịnh sẽ được lưu hành toàn bộ mà không cần chờ thời điểm. Còn trong nước, chúng tôi sẽ thực hiện “toàn tập chưa đầy đủ” và sẽ bổ sung dần theo giấy phép được cấp. Tôi hỏi anh Quân, nếu toàn tập thì một số ca khúc ít người nghe như “Gánh rau ra chợ” có được đưa vào không? Anh Quân nghiêm mặt: phải đưa vào hết, đó mới là toàn tập. Đó là lương tâm và trách nhiệm của người thực hiện. Hãy tôn thờ nhạc sĩ thần tượng của chúng ta như một con người. Viên ngọc quý sáng giá bởi sự chân thật, ngay cả những vết xước.

* Nhưng cho đến bây giờ, đã 5 năm qua mà không thấy sản phẩm của các anh?

LVC: Chúng tôi bắt đầu tìm cách tiếp cận gia đình nhạc sĩ để ngỏ lời về kế hoạch thực hiện. Một bộ máy triển khai được thành lập. Đành là sự kiện xin phép xuất bản toàn bộ ca khúc Trịnh Công Sơn là một sự kiện PR thương hiệu nhưng số tiền đầu tư quá lớn. Cứ mỗi CD 100 triệu thì 30 CD đã hết 3 tỉ đồng. Một kỷ lục về băng đĩa nhạc audio thời đó. Chúng tôi phải tính toán khả năng thu hồi vốn về mặt tài chính.

Cùng võ sư Karate Nguyễn Văn Dũng trước ngôi nhà Trịnh Công Sơn tại Huế

Chúng tôi dự định thành lập một hội đồng thẩm định gồm những người bạn của nhạc sĩ để đánh giá tác phẩm toàn tập này. Tôi bay ra Huế xin gặp nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà văn Bửu Ý. Một nhân sĩ ở Huế là võ sư Nguyễn Văn Dũng dẫn tới đến giới thiệu với anh chị Hoàng Phủ Ngọc Tường. Lại một ý tưởng mới: trong kế hoạch này, sẽ trích thêm vài trăm triệu để mua lại ngôi nhà trên gác đường Nguyễn Trường Tộ, nơi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác những ca khúc trữ tình. Ngôi nhà này sẽ được sửa sang thành bảo tàng âm nhạc Trịnh Công Sơn, trở thành một địa chỉ du lịch văn hoá cho những ai đến thăm Huế. Khách yêu mến nhạc Trịnh có thể ngủ lại một đêm trong ngôi nhà này, sống lại những giây phút, khung cảnh mà người nhạc sĩ đầy lãng mạn đã trải qua. Chị Lâm Thị Mỹ Dạ dẫn chúng tôi đi thăm ngôi nhà, mọi thứ vẫn còn giữ được nét cũ kỹ, phong trần.

Anh Dũng cũng đưa tôi đến gặp nhà văn Bửu Ý, trông ông vẫn  khỏe mạnh và phản phất hình ảnh triết gia hơn là nhà văn và nhà dịch thuật. Nghe tôi trình bày kế hoạch, ông nói rất ít, chậm rãi: các anh có lường hết những khó khăn trong việc bản quyền ca khúc không?
 
* Và các anh đã thương lượng bản quyền ca khúc như thế nào?

LVC: Chúng tôi được giới thiệu với anh Trịnh Xuân Tịnh và chị Trịnh Vĩnh Trinh. Các anh chị rất vui vẻ tán thành. Báo “Pháp Luật TP HCM” giúp chúng tôi về phương diện luật pháp của hợp đồng này. Số tiền khá lớn nên chúng tôi phải hết sức thận trọng. Luật sư Bảo Trâm của báo “Pháp Luật TP HCM” đã giúp chúng tôi rất nhiều. Dù 2 bên rất thiện chí, vướng mắc lớn nhất vẫn nằm trong những điều khoản luật về quyền sở hữu tác phẩm của những người đồng thừa kế. Cứ theo như luật pháp hiện hành thì việc tập trung hết 7 vị đồng thừa kế kho tàng nhạc Trịnh là điều rất khó khăn. Chúng tôi hiểu không thể đòi hỏi quá nhiều giấy tờ ủy quyền ở các vị đại diện quyền sở hữu, nhưng nếu không làm đúng luật, hợp đồng có nguy cơ bị vô hiệu thì tôi sẽ chịu trách nhiệm rất lớn trước Hội đồng Quản trị. Vì vậy, việc thương lượng đi vào chỗ bế tắc.

Tham vấn nhà văn Bửu Ý

Xem Phần 2 bài phỏng vấn.

(Còn tiếp)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn