SOLZHENITSYN VÀ NHỮNG ĐOẢN KHÚC “VỤN VẶT”

Thứ ba - 20/02/2007 22:05

(NCTG) Tôi nghe đến cái tên Solzhenitsyn lần đầu tiên vào khoảng năm 1988.

Lúc đó, ở Liên Xô, Gorbachev đã tuyên bố “cải tổ” và “công khai” được một thời gian. Tại Hungary, Nhà xuất bản Kossuth chuyên ấn hành các văn kiện của Đảng Công nhân Xã hội Hung (tức Đảng Cộng sản) đã cho in bản báo cáo mật “Về bệnh sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó” (vạch trần một số tội ác của Stalin) của lãnh tụ Khrushchev, một hành động mà trước đó, mấy thập niên, chính tác giả đã cho là “giặt áo bẩn trước mắt người lạ”. Dân Hung dạo đó rất hồ hởi, phấn khích trước viễn cảnh “tự do”, “dân chủ”, “đa nguyên”, “hiến pháp”…, những ngôn từ thường được nghe trên cửa miệng những ai quan tâm đến thế sự.

Một bận, đọc một bài phê bình văn học về các giải Nobel Văn chương Liên Xô, tôi đã sửng sốt trước nhận xét của một tác giả Hungary: ngoại trừ Bunin đã ra nước ngoài sau biến cố tháng 10-1917 và Pasternak từ chối giải Nobel (chính xác hơn là bị buộc phải từ chối) - hơn nữa, phải gọi cả hai là “nhà văn Nga” thì đúng hơn “nhà văn Xô-viết” -, nếu có một nhà văn Liên Xô nào xứng đáng là người nối tiếp truyền thống nhân văn của nền văn học cổ điển Nga thế kỷ XIX, người đó phải là Solzhenitsyn, chứ không phải Sholokhov!

Sholokhov dĩ nhiên tôi biết. Khá rõ. Từ nhỏ, tôi đã đọc “Sông Đông êm đềm”, đã nghe chuyện các dịch giả bộ sách kỳ vĩ đó, cuối thập niên 50, từng được sang vùng sông Đông “tập huấn” cả năm trời để chuyển ngữ cuốn sách cho thật sát, thật hay. Về sau, khi lên cấp Hai, có lần tôi được thưởng cuốn “Số phận con người”, bản tiếng Nga, vì thành tích học khá; phải thú thực là tôi chỉ đọc có một hai dòng bản Nga ngữ đó, rồi bỏ xó, vì khó hiểu. Rồi những năm cuối ở trường phổ thông, tôi “tậu” thêm được “Họ chiến đấu vì Tổ quốc” và tỏ ra rất thích chí vì “chiến tích” này: tôi đã nhịn một bữa để “mua ngoài” cuốn sách đó bằng số tiền bà tôi cho để ăn phở (hồi đó, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ở Hà Nội, sách hay cứ vừa in xong là được tuồn ngày cho các hàng sách tư nhân, và không bao giờ có thể mua được tại “mậu dịch”).

Nhưng, Solzhenitsyn là ai?

*

Tôi tự đặt ra nhiệm vụ phải tìm hiểu về Solzhenitsyn. May mà vào giai đoạn đó, nước Hung đã khá tự do trong trao đổi thông tin: tôi có thể dễ dàng tìm lại trong thư tịch những gì người ta viết về Solzhenitsyn, dĩ nhiên là vẫn theo quan điểm “hiện thực xã hội chủ nghĩa”.

 Trong vòng gần một năm trời, tôi đã thu thập được biết bao tư liệu. Tôi được nghe lời khen của Lukács György (Georg Lucas) - triết gia, nhà mỹ học lừng danh người Hung - dành cho Solzhenitsyn sau khi truyện vừa “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” được tạp chí “Thế giới mới” (Novy Mir) ấn hành năm 1962; không ít người cho rằng chủ nghĩa cộng sản hiện thực rạn nứt và lung lay kể từ thời điểm ấy.

Tôi được biết nhiều chi tiết về cuộc đấu tranh của Solzhenitsyn ở Liên Xô trong thập niên 60, đòi quyền tự do sáng tác, tự do ngôn luận. Tôi cũng được đọc về vụ trục xuất Solzhenitsyn khỏi Liên Xô năm 1973: nhà văn một mực không chịu rời Tổ quốc và chỉ chấp nhận ra đi khi bị cưỡng ép; vì thế, không bao giờ ông bắt tay những trí thức Nga lưu vong mà ông cho rằng họ đã TỰ NGUYỆN rời bỏ đất nước.

Lần lượt, trong những năm sau, tôi đã tìm đọc các tác phẩm chính của Solzhenitsyn, lúc đó dần dần được dịch ra tiếng Hung, như “Gulag - Quần đảo ngục tù”, “Vòng đầu địa ngục”, “Khu ung thư”, “Tuyển tập truyện ngắn”, “Tháng Tám năm 1914″… Những cuốn sách đó đã khiến tôi không thất vọng về Solzhenitsyn, trên cương vị một chiến sĩ, một tiên tri, một nhà đạo đức của tính cách Nga, ý chí Nga và xã hội Nga. Trong số ấy, có nhiều tác phẩm thật lớn, hoàn toàn có thể tiếp nối truyền thống nhân văn cổ điển Nga của Dostoyevsky, Leon Tolstoy…, hay truyền thống dân chủ Nga của Dobrolyubov, Chernyshevsky…

Nhưng, tôi vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Chẳng hạn, một tâm hồn Nga thuần khiết, hồn hậu, như tôi đã được biết trong tùy bút và truyện ngắn của Pautovsky (”Bông hồng vàng”, “Bình minh mưa”…), trong tiểu thuyết của Pasternak (”Bác sĩ Zhivago”), hay trong thi ca của Akhmatova… Phải chăng, vì quá chú trọng đến vai trò cảnh báo loài người về cái Xấu, cái Vô nhân, mà Solzhenitsyn đã bỏ qua điều đó? Phải giáp mặt, đương đầu và giành giật hàng ngày với cái Tệ hại, cái Gian trá, con người ta ít có thời gian để chăm chút phần hồn thuần túy; âu cũng là điều dễ hiểu, dễ thông cảm và dễ bỏ qua…

*

Cho đến một ngày rất gần đây. Trong khi lục tìm trong thư viện, ngẫu nhiên, tôi tìm thấy mười mấy đoản khúc nằm trong loạt ghi chép mang tựa đề “Vụn vặt”; Solzhenitsyn đặt bút viết chúng vào thời kỳ 1958-1960, khi ông là một giáo viên trung học ở Ryazan và đã thai nghén trên bản thảo những tác phẩm dữ dội nhất mà thế giới chỉ được biết đến nhiều năm sau đó.

Dựa trên nội dung, có thể cho rằng nguồn cảm hứng khiến Solzhenitsyn sáng tác những đoản khúc dễ thương này xuất hiện trong (hoặc ít lâu sau) những năm tù ngục (đầu năm 1945, nhà văn bị bản án 8 năm tù cấm cố và sau đó, bị lưu đày 3 năm ở Kazakstan; ông chỉ được phục hồi danh dự vào đầu năm 1956). Đọc chúng, sau những con chữ hiền hòa, xứng đáng là những trang đẹp nhất của văn học trữ tình Nga, tôi lờ mờ cảm nhận được sự trăn trở, day dứt của một tâm thức Nga truyền thống, đang đứng trước ngưỡng cửa của sự nổi giận, cuồng nộ và bão tố.

Dĩ nhiên, rất có thể tôi nhầm: sở dĩ tôi có cảm giác này đơn thuần chỉ vì trước đó tôi đã đọc những tác phẩm “chiến đấu” của Solzhenitsyn? Cũng chả có gì quan trọng lắm…

Dù sao đi nữa, dịch lại những đoản khúc dễ thương này, tôi muốn chia sẻ một nét có lẽ ít được biết đến của Solzhenitsyn, con người bị đa số độc giả, ngày nay, coi là đã “lỗi thời”, là “lẩn thẩn”. Có thể. Nhưng khi nhận xét về ông, phải chăng, chúng ta nên nhớ đến một con người vĩ đại, từng dùng ngòi bút làm rạn nứt thể chế độc đoán và gây dựng lại tinh thần Nga sau bao năm bị băng hoại.

Làm được việc ấy, có mấy ai?…

H.Linh, 2000


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn