Orhan Pamuk: “VỚI TÔI QUÁ KHỨ LÀ NIỀM AN ỦI” (Phần cuối)

Thứ bảy - 15/11/2014 22:02

(NCTG) “Ở phần này của thế giới, ở những vùng nghèo đói trên trái đất, ở những nước thế giới thứ ba, những nước nghèo, những người đọc bất hạnh tới mức mọi mơ ước của họ chỉ là thay đổi số phận, và sách có thể giúp họ điều đó. Do những hoàn cảnh cùng khốn, sách có một sức mạnh to lớn”.

Xem Phần 1Phần 2 của cuộc phỏng vấn.


Orhan Pamuk nhận Giải Nobel Văn chương 2006


Ông vừa nhắc tới cuốn “Cuộc sống mới”. Trong tiểu thuyết này một cuốn sách đã thay đổi hẳn cuộc sống của nhân vật chính. Như thế nghĩa là ông còn tin vào sức mạnh của văn học và sách vở?

Đúng! Chính vì thế mà tôi viết văn. Tôi tin vào câu mở đầu trong cuốn tiểu thuyết này: “Tôi đã đọc một cuốn sách, và điều đó đã thay đổi cả cuộc đời tôi”. Ở phần này của thế giới, ở những vùng nghèo đói trên trái đất, ở những nước thế giới thứ ba, những nước nghèo, những người đọc bất hạnh tới mức mọi mơ ước của họ chỉ là thay đổi số phận, và sách có thể giúp họ điều đó. Do những hoàn cảnh cùng khốn, sách có một sức mạnh to lớn.

Ở các nước giàu có Phương Tây, người ta không đọc sách cực đoan như thế. Lối suy nghĩ cực đoan, tất nhiên, có thể dẫn tới những học thuyết toàn trị, phản dân chủ và những hậu quả, vì đa phần người đọc bi phẫn.

Tôi cho rằng đa số con người là bất hạnh. Người ta đọc giống như những nhân vật của tôi đọc: họ muốn thế giới thay đổi, và họ đọc những cuốn sách có thể thay đổi thế giới. Tôi thuộc về một nền văn hóa như thế, nhưng tôi suy nghĩ tự do. Và tôi thực sự tin rằng, một câu nói tuyệt vời có giá trị hơn tất thảy. Tất nhiên tôi cũng quan tâm đến tình hình kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, tôi cũng nhạy cảm trước sự đau khổ của con người, nhưng kể cả điều đó cũng không cho phép tôi viết dù chỉ một câu văn thiếu thẩm mỹ.

Theo đó thì sách là để bổ khuyết những mơ ước của người đọc?

Trong những tác phẩm của các thế hệ trước, những vấn đề nói trên mang màu sắc chính trị. Các nhà văn rao giảng đạo đức trước đây đã bỏ rất nhiều công sức nói về những vấn đề này, nhưng dù được dẫn dắt bởi những thiện ý, sự duy cảm đã làm hỏng những sáng tác của họ. Tôi cũng đề cập tới những vấn đề này, nhưng trào lộng, mỉa mai hơn, tự do phóng khoáng hơn và giữ khoảng cách xa hơn.

Tôi cố gắng không quên: sáng tác của nhiều nhà văn tài năng đã bị làm hỏng bởi những đoạn văn chính trị có ý tốt. Vì thế tôi đánh giá cao những tác phẩm của Proust và Nabokov. Họ đã giữ đúng cự ly, đã viết những câu, những đoạn mở đầu rất tuyệt. Đối với tôi điều đó quan trọng hơn hết.

Istanbul đóng vai trò rất quan trọng trong văn nghiệp của ông, là nơi diễn ra những câu chuyện trong các sáng tác của ông. Thành phố này có ý nghĩa gì đối với ông?

Đây là tổ quốc tôi. Cũng có thể nói, tôi coi mình là người Istanbul hơn là người Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi thuộc về Istanbul. Nếu người ta hỏi, tôi là người đâu, tôi thường bảo người Istanbul. Tôi gắn bó với Istanbul hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, tôi trưởng thành ở đây, trong không gian văn hóa này. Tôi đã sống năm chục năm trong thành phố này. Khi tôi sinh ra, mới có một triệu người sống ở đây, nay thành phố có mười triệu dân.

Một thành phố giàu đẹp, cổ kính, đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, hơn nữa lại là cố đô của một đế chế quá vãng, từ đó mang một chút sắc thái buồn. Đó là đề tài tôi viết. Vì những nhà văn thường viết về những gì họ đã sống, đã thấy, và tiểu thuyết là loại hình nghệ thuật thường gắn bó với những thành phố lớn: như Saint Petersburg, Dublin, Paris. Nếu nhìn qua cửa sổ, tôi thấy thành phố này. Tôi muốn tiếp nối truyền thống này, và chấp nhận thành phố như nó vốn là như thế.

Ông đã nghĩ tới việc sẽ rời bỏ Istanbul bao giờ chưa? Tôi chắc rằng sau những thành công ở ngoài nước ông có cơ hội sống ở nơi khác.

Không. Nhưng dù sao ý nghĩ đó cũng an ủi tôi khi có chuyện bực mình. Hãy cho tôi phàn nàn đôi chút như các văn sĩ thường làm. Đôi khi một số người, những bài báo phỉ báng, ngốc nghếch làm tôi rất bực. Sự nổi tiếng của tôi đi đôi với việc một số người rất yêu mến , một số khác thì ganh ghét. Thi thoảng tôi đã nghĩ tới việc rời bỏ đất nước này, vì tôi cũng chán ghét những con người đó.

Nhưng đúng ra, qua đó tôi chỉ muốn trấn tĩnh bản thân, chứ không bao giờ từ bỏ đất nước. Trong tình hình chính trị hiện nay, thiết nghĩ không điều gì khủng khiếp có thể xảy ra với tôi, tôi hy vọng sẽ không gặp chuyện rủi ro nào. Tôi có thể viết bất cứ điều gì, ngay cả những bài báo chính trị có lẽ cũng không gây phiền hà gì cho tôi. Tôi đã sống ở đây năm chục năm, tôi yêu và ghét thành phố này, nó là của tôi, tôi thuộc về nơi này.

Đây là một thành phố lớn. Đôi khi tôi phải rời khỏi đây, để nhìn mọi việc một cách phê phán. Từ bên ngoài người ta nhìn rõ đất nước mình hơn. Với sự giúp đỡ của bạn đọc ngoài nước, tôi có thể tới niều nơi khác, vì tôi còn viết cả cho họ.

Tại sao ông thấy cần thiết phải chia sẻ những quan điểm chính trị của mình với những người khác?

Vì đôi khi tôi rất tức giận. Mặc dù lúc đầu tôi không quan tâm tới chính trị đâu. Khi cuốn sách đầu tiên của tôi ra đời, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ ra khỏi tháp ngà của mình.

Nhưng mười năm đã trôi qua, Thổ Nhĩ Kỳ muốn ra nhập EU, nảy sinh những vấn đề với người Kurds, chúng tôi đã tham gia những chiến dịch quân sự. Trong khi đó tôi trở thành nổi tiếng, người ta mang đến những bản kiến nghị này nọ, xin tôi chữ ký, và tôi đồng ý. Ngay lúc các ông đang ở đây, họ đã gọi điện thoại yêu cầu tôi ký vào một bản kiến nghị. Thế là tôi nghĩ, thay vào việc ký tên dưới các bản kiến nghị, tôi nên phát biểu thẳng quan điểm của mình.

Tôi thấy không nên dính dáng vào nhóm này nhóm nọ. Thế là tôi bắt đầu viết. Tôi càng viết nhiều, càng phê phán Thổ Nhĩ Kỳ nhiều - những bài viết của tôi đã được đăng trên “Franfurter Allgemeine Zeitung” và “Guardian” -, thì những người theo chủ nghĩa dân tộc bài ngoại càng thù ghét tôi. Cuối cùng tôi trở nên khét tiếng vì hay phê phán Thổ Nhĩ Kỳ trên báo chí ngoài nước.

Những lúc bị tấn công như thế, tôi buộc phải trả đòn. Sự việc không có cơ sở đạo đức, mà dựa trên thù hận. Nó không liên quan gì tới thứ đạo đức cao cả Aristote hay ý thức về sứ mạng đạo đức của Kant đâu.

Các hoạt động chính trị của ông có đưa đến những hậu quả xấu nào không?

Có đấy. Đã nhiều lần họ cố ý bôi nhọ tên tuổi tôi. Trên trang mặt các báo họ rêu rao: có kẻ phản bội trong hàng ngũ chúng ta. Họ dùng đủ lời lẽ thóa mạ tôi, nhiều lần như vậy. Một cách tác hại tới mức ngay cả mẹ tôi cũng tin vào những lời vu khống ấy.

Ở Hungary, tên tuổi ông được nhiều người biết đến, nhưng chúng tôi biết quá ít về văn học Thổ Nhĩ Kỳ đương đại. Tôi biết là khó, nhưng liệu ông có thể nói ngắn gọn xem nên biết những gì về đời sống văn học Thổ hiện tại?

Thế hệ nhà văn trước chúng tôi tập trung vào những vấn đề xã hội. Họ là những người cánh tả, họ không viết về Istanbul, mà viết về cuộc sống của nông dân, về những vấn nạn của Thổ Nhĩ Kỳ. Các tác phẩm của họ là văn chương hướng thiện và mang cảm hứng xã hội học.

Có thể tôi nói ra thì hơi kỳ, nhưng với tôi một thế hệ mới đã bắt đầu. Thế hệ này viết nhiều hơn cả là những tiểu thuyết tìm tòi, thể nghiệm, thử viết về lịch sử, một việc làm không dễ. Họ viết những tiểu thuyết lịch sử, không đi theo vết chân Borges hay Calvino. Họ viết về lịch sử, vì tuy Đế chế Ottoman đã sụp đổ cách đây tám chục năm, nhưng chúng tôi chưa hóa giải nổi tấn thảm kịch đó. Đề tài này hàm chứa cả những vấn đề của chủ nghĩa dân tộc và bản sắc dân tộc.

Thế hệ mới đã từ bỏ chính trị, thoát khỏi những ràng buộc đạo đức của việc làm chính trị. Họ đã vượt lên phong cách văn chương đơn giản đặc trưng cho Hemingway và Steinbeck, để sáng tạo ra những tác phẩm phức hợp, đa tầng ý nghĩa hơn.

Chúng ta có chung một chặng đường lịch sử: Hungary trong 150 đã thuộc về Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ. Văn hóa Thổ có ảnh hưởng lớn đến văn hóa Hungary. Tôi rất muốn biết trong văn hóa Thổ liệu có thể nhận biết một chút ảnh hưởng nhỏ bé nào đó của văn hóa Hungary?

Tất nhiên là có, chỉ cần nhắc đến những tên tuổi gần đây nhất: chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Bartók Béla đã góp phần hồi sinh những truyền thống âm nhạc dân gian Thổ, hay Lukács György chẳng hạn, trong những năm 60, ông đã có ảnh hưởng rất lớn tới các nhà văn Thổ. Họ là những người Hung có tác động không nhỏ tới văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ.

Không muốn trắc nghiệm tri thức của ông, nhưng cho phép tôi hỏi: ông biết đến những nhà văn đương đại Hungary nào?

Tôi quen biết Konrád György, lần đầu tiên tôi gặp ông ấy đã hai mươi năm. Tôi biết những tác phẩm của Konrád György, Esterházy Péter và cả nhà văn đoạt Giải Nobel Kertész Imre. Theo tôi người ta đã quyết định đúng ở Stokholm, khi chọn ông ấy. Tôi cũng rất mừng khi năm trước đó Naipul đã được bầu chọn. Thực sự những nhà văn rất độc đáo và tài hoa đã nhận được giải thưởng.

Năm 1997, tôi đã được mời tham dự một hội thảo tại Hungary, có cả Kertész Imre tham dự, nhưng rất tiếc tôi không sang được. Một nhà văn rất xuất sắc. Theo tôi, “Không số phận” phải được giới thiệu trên toàn thế giới, và chắc hẳn giải Nobel sẽ có tác động tốt. Trở lại với các nhà văn Hungary, từ lâu tôi đã muốn đọc một tác phẩm của Nádas Péter, nhưng tới nay vẫn chưa có dịp.

Sao lại không?

Sau khi đọc xong Proust, sẽ đến lượt Nádas.

Nghĩa là ông vẫn chưa kết thúc Proust?

Chưa. Tôi đã đọc hết hai, ba cuốn, và tới khi nào đó sẽ đọc hết những tác phẩm của ông ấy.

Cách đây không lâu, tôi có nói chuyện với Paul Auster, té ra hai ông là bạn thân, nếu sang New York ông thường là môn khách nhà ông ấy. Mối thâm giao của hai ông đã bắt đầu như thế nào?

Chúng tôi gặp nhau hoàn toàn ngẫu nhiên. Năm 1985, tôi sang New York. Đúng dịp đó phần đầu của bộ sách đầu tiên của ông ấy – “New York Trilogy” - ra đời, chưa mấy người biết đến. Tôi thấy cuốn đó trong một hiệu sách, và rất thích.

Mấy năm sau “Lâu đài trắng” được xuất bản tiếng Thụy Điển và tiếng Na Uy, đúng lúc ấy Paul đang ở Thụy Điển và Na Uy. Nhà xuất bản trên yêu cầu tôi giới thiệu cho họ vài tác giả. Tôi bảo có một nhà văn Mỹ, tên là Paul Auster, hãy in sách của ông ấy. Khi đó người ta còn chưa biết đến ông ta. Tôi đề nghị cả nhà xuất bản của tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Rồi vô tình chúng tôi gặp nhau ở Oslo, và nhanh chóng hiểu nhau.

Một nhà văn rất tài, một người rất hay mà tôi có thể coi là bạn. Một tác giả lớn. Rất thú vị là cả hai chúng tôi cùng chịu ảnh hưởng của các nhà văn giống nhau. Cả hai chúng tôi đều là những tác giả sau Borges. Auster cũng quan tâm đến phép siêu hình tưởng tượng. Cả hai chúng tôi đều quan tâm đến việc bên cạnh người kể chuyện trong tiểu thuyết, chúng tôi cũng là người kể câu chuyện của mình.

Đó là những vấn đề chúng tôi cùng quan tâm. Auster là một nhà văn xuất sắc, tôi rất mừng vì có những người bạn tốt như thế.

Khi viết văn, điều gì tạo cho ông niềm vui lớn nhất?

Khi tôi thấy câu chữ hay một đoạn văn mình viết đã thành công. Khi tôi cảm thấy mình đã tạo ra được một cái gì đó tuyệt vời. Một niềm vui rất trẻ thơ. Đúng như khi còn bé, tôi cầm bức tranh mới vẽ xong chạy đến khoe bố mẹ: hãy xem con vẽ này! Cảm giác đúng như thế. Tất nhiên tôi cũng mừng vì sự nổi danh, tôi thích đi đây đi đó, và thích cả tiền nữa.

Nhưng nói một cách nghiêm chỉnh: niềm vui lớn nhất là khi tôi biết chắc chương đoạn vừa hoàn thành rất mỹ mãn. Đó là những khoảnh khắc ngắn ngủi của cảm giác bất tử, chúng qua đi rất nhanh. Nhưng chính vì những giây phút như thế mà đáng làm một nhà văn. Nhưng còn có một vế khác, đó là khi tôi cảm thấy cái mình viết ra quá dở. Điều đó làm ta có cảm giác rất nặng nề.

Đã bao giờ ông rơi vào sự “khủng hoảng viết văn” trầm trọng chưa, khi một câu cũng không thể viết nổi?

Không! Không bao giờ! Chính người Mỹ phát hiện ra cái gọi là “khủng hoảng viết văn”, cứ để họ chịu đựng cái đó! Với tôi, điều đó không xảy ra. Với tôi, cái đó cùng lắm kéo dài một hai ngày là hết. Hoặc tôi bắt đầu một chương mới, hoặc cố gắng bắt đầu công việc dưới một cách nhìn khác.

Không khi nào tôi hiểu làm sao các nhà văn Mỹ lại rơi vào khủng hoảng sáng tạo. Có lẽ họ quan tâm nhiều tới sự thành công hơn chúng tôi nhiều. Họ tập trung vào mục tiêu thành đạt tới mức vì nó mà họ không viết nổi gì cả.

Ông có hay cho ai - bạn bè, những người thân quen - xem những phác thảo của mình? Ông kiểm tra các tác phẩm của mình thế nào?

Có chứ, khi viết xong tôi thường cho vợ, bạn bè và những người gần gũi. Tôi thường đưa cho nhiều người xem. Họ cũng thường rất tò mò muốn biết những tác phẩm của tôi, họ chờ đợi được đọc bản thảo. Tôi thì không thể từ chối. Và chính tôi cũng cần làm việc đó, vì đó là việc rất hữu ích và quan trọng. Tôi làm việc ngày tám tiếng, gò lưng trên bàn viết, để tối đến mang “tác phẩm” ra, hai trang vừa viết xong, đọc cho một ai đó nghe.


Thủ bút:
 “Tôi viết một điều gì đó về chữ viết tay. Bởi tôi viết bằng tay, nên việc viết kín trang giấy này không khó. Thêm nữa tôi còn tự họa, như tôi đang ngồi viết. Orhan Pamuk”.

*

Nhật ký Istanbul với Orhan Pamuk

Sự bất ngờ đầu tiên ngay từ sân bay Istanbul: sau nửa giờ chờ đợi căng thẳng để viên sĩ quan hải quan béo mập, ria mép rậm đóng dấu vào tờ giấy cho phép chúng tôi mang thiết bị truyền hình vào đất Thổ Nhĩ Kỳ, người canh gác cửa khẩu đất nước mới ngờ vực hỏi chúng tôi định ghi hình ở những nơi nào trên đất nước anh ta.

Với giọng pha chút bực bội tôi chỉ bảo, chính chúng tôi cũng chưa biết, chúng tôi chỉ muốn làm một phỏng vấn truyền hình về một nhà văn Thổ. Viên sĩ quan hỏi cộc lốc: đó là ai vậy? Tôi lẩm bẩm: một tay Orhan Pamuk nào đó. A...a, sao các anh không nói ngay? Anh ta nháy mắt với một đồng nghiệp nãy giờ vẫn im lặng xét nét, A...a, Orhan Pamuk à, tay cao gầy liền lôi ra từ ngăn kéo hộp con dấu, loáng cái đã cộp xuống: tạm biệt, chúc may mắn trên đất Thổ nhé!

Đoạn mào đầu này có lẽ là tiểu tiết điển hình nhất trong thời gian chúng tôi làm phim ở Thổ Nhĩ Kỳ, đi tới đâu chúng tôi cũng nhận thấy Pamuk cực kỳ được yêu chuộng trên đất nước ông, nói hơi quá sự nổi tiếng của ông có thể sánh với Hakan Sükür, người được mệnh danh là “con bò đực vùng vịnh Bosporus”. Tuy nhiên, chưa thấy áo phông đội Galatasaray in tên Pamuk bày bán ngoài chợ trời.

Nhưng người thường trực khách sạn nơi chúng tôi tới thì nồng nhiệt thực sự khi biết chúng tôi sẽ phỏng vấn ai, ông cứ lẵng nhẵng đi theo chúng tôi mãi, còn người bán báo ở góc phố, khi tay xế taxi thò đầu ra hỏi nhà Pamuk, thì giải thích cặn kẽ phải tìm ngôi nhà nào cách đó chừng bốn dãy phố, và anh chàng đẩy chiếc xe nhỏ bán hạt điều cũng rạng rỡ mặt mày khi biết lý do đến đây của chúng tôi. Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đang có may mắn sắp gặp niềm tự hào của dân tộc này.

Tất cả những điều này chỉ lý thú vì Pamuk không phải là một tác giả bestseller nhẹ ký. Theo những tác phẩm của ông, ông tỏ ra là một nhà văn Thổ rất có ý thức, ông kết hợp chất kỳ thú với tính thế giới của văn học: trước hết ông viết về đề tài lịch sử, theo con đường mà Calvino, Eco và Borges đã đi. Có cuốn dễ đọc hơn như “Lâu đài trắng”, có tác phẩm hơi nặng về triết lý như “Cuộc sống mới”, nhưng chúng không nhằm thỏa mãn thị hiếu của quần chúng rộng rãi.

Không phải ngẫu nhiên các biên tập viên của tờ “New Yorker” và các báo văn học Phương Tây tương tự khác đã phát hiện ra ông cách đây chừng 15 năm, và từ đó tới nay ông vẫn là đại diện của nền văn học dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Và dường như thành công này đã tác động ngược trở lại sự đón nhận trong nước, vì những tiểu thuyết của ông thường bán hết trên hai trăm ngàn bản ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngôi nhà sáng tác của ông nằm trong một tòa nhà lớn trong khu Cinhagar của Istanbul, trên một khu đồi thoai thoải, cách nội đô náo nhiệt không xa, với tầm nhìn tuyệt vời ra biển và xuống thành phố. Đích thân nhà văn ra mở cửa, không thấy bóng gia nhân, người giúp việc đâu. Ông cười vui vẻ và thân thiện. Nom ông cao, gầy, mặc một chiếc sơ-mi xanh kẻ sọc mờ, dáng dấp như đàn ông Ý.

Ông mời chúng tôi dùng trà, và khi nhóm Kőrösi András loay hoay với đèn chiếu để xử lý ánh nắng buổi sáng Istanbul rọi vào nhà, thì chúng tôi ngồi trò chuyện trong gian bếp. Hóa ra Thổ Nhĩ Kỳ cách Hungary không xa như ta tưởng. Hỏi về sự nổi tiếng trong nước của ông, tôi được biết hiện ông trở thành mục tiêu công kích của cánh hữu do những thành công ở Phương Tây, và cũng vì trong nhiều cuộc tranh luận chính trị ông đã đứng về phía cánh tả qua những bài viết của mình.

Người ta coi ông là kẻ phản bội, tiến hành một chến dịch thóa mạ ông, họ lên án ông chỉ viết cho độc giả ngoài nước, không đếm xỉa gì tới bạn đọc trong nước và truyền thống. Cũng may là đa số độc giả Thổ không quan tâm tới những lời buộc tội ấy, nhưng đôi khi nó vẫn làm ông cay đắng, nếu mẹ ông gọi điện nói đã đọc thấy những điều kinh khủng thế nào về ông trên báo chí.

Hơn nữa ông đã nhiều lần nói, trước hết ông không coi mình là người Thổ Nhĩ Kỳ, mà là người Istanbul, mọi sợi dây đều ràng buộc ông với thành phố này. Ông thuộc về nó, chứ không phải một nơi nào khác. Chúng tôi cùng nhắc lại, thành công lớn nhất của ông tới lúc đó: tiểu thuyết “Tên tôi là Đỏ” chưa được dịch sang tiếng Hung, ông bảo: anh hãy về truy cứu trách nhiệm nhà xuất bản Hungary của tôi vì sự sơ ý không thể tha thứ này.

Tôi hứa với ông điều đó vì muốn ghi một điểm tốt trước cuộc phỏng vấn. Tôi xoay ông về số lượng ấn bản, ông nói: thế hệ nhà văn trước ông đúng là chỉ bán được năm, mười nghìn cuốn, nhưng - gần như cùng lúc với sự bắt đầu văn nghiệp của ông - diễn ra sự bùng nổ về số lượng độc giả Thổ Nhĩ Kỳ, và như vậy ngày nay văn học hàn lâm có số lượng độc giả lớn hơn nhiều.

Tôi chuyển lời thăm hỏi từ New York của Paul Auster, mới hay hai ông đã kết bạn với nhau từ khi ra cuốn sách đầu tay vào những năm 80, và tình bạn của họ duy trì đến nay, họ thường trao đổi thư từ, nói chuyện và gặp gỡ nhau. Chúng tôi đã trò chuyện 15 phút, tôi được biết ông đã ly hôn, có một con gái, và cũng vừa chia tay bạn gái, nhưng không lấy đó làm phiền lòng. Như vậy dễ chịu hơn.

Trong khi đó hiện trường đã chuẩn bị xong, hai chúng tôi ai nấy ngồi vào chiếc ghế bành màu mận chín, và bắt đầu cuộc nói truyện theo đúng thể thức cuộc phỏng vấn. Tất nhiên tôi cẩn thận mang theo nước trà, một giây không sao nhãng mình đang có mặt trên đất Thổ. Tôi được biết khi còn nhỏ ông muốn thành họa sĩ, rồi theo học nghề kiến trúc sư, mãi năm 23 tuổi ông mới thôi quan tâm đến nghiệp vẽ và quyết định sẽ trở thành nhà văn... Vạn sự khởi đầu nan là như thế.

Sau cuộc phỏng vấn chúng tôi trao đổi về Coetzee, người vừa đoạt giải Nobel (1). Ông nói ông hoàn toàn không bất ngờ về quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Ông dẫn tôi tới góc một giá sách và moi ra sáu tiểu thuyết của nhà văn Nam Phi này. Khi nào sẽ có nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải Nobel, phải chăng đó sẽ là Orhan? Đừng hỏi tôi điều này, ông cười, cứ hai nhà báo thì một người hành ông bằng câu hỏi này, ở Istanbul làm sao mà ông biết được các vị ở Thụy Điển thích cái gì? Ông cũng không muốn nghĩ tới vấn đề đó (2).

Ông cho tôi xem những cuốn vở ghi chép, từ đó thấy ông chưa đoạn tuyệt hẳn với hội họa, mỗi khi chững lại, ông thường minh họa văn mình bằng những hình vẽ nhỏ xíu rất đáng yêu. Điều này được khẳng định thêm: bên cạnh những đoạn đề tựa sách ông thường xen vào những hình vẽ tháp nhà thờ Hồi Giáo, những chiếc tàu thủy và những sườn núi Istanbul nho nhỏ. Sau khi chụp ảnh, chúng tôi tạm biệt ông, ông đề nghị thế nào cũng phải gửi ông một bản, để ông biết khán giả Hungary đã được thấy những gì về ông. Tôi hứa sẽ gửi cho ông, chắc chắn sau buổi phát hình ông sẽ có thêm nhiều bạn đọc.

Khi chúng tôi đang ì ạch ra thang máy, thì Pamuk có khách tới thăm. Nice to meet you. Một người đàn ông trạc tuổi trên sáu mươi, mực thước, tóc bạc, đầu đội mũ baseball xanh nhạt: Costa Gavras (3). Bằng cách nào, tại sao, có phải...? - tôi hỏi, thật may mắn ông đã vội giải đáp giúp tôi. Thì ra, đúng vào thời gian đó một rạp ở Istanbul đang chiếu một loạt các phim của ông, ông định tranh thủ dịp này gặp Orhan hỏi xem nhà văn có nhận viết kịch bản phim cho mình không. Kết quả chuyến thăm hôm nay có thể là một bộ phim sau này.

Buổi tối chúng tôi ngồi uống bia Thổ trên ban-công Hotel Uyan, đăm chiêu ngắm nhìn những đường nét uốn cong, vút nhọn của Thánh đường Hagia Sophia cách đó không xa, và tôi nghĩ mặc dù đi làm một chương trình văn học như thế này có nhiều lúc căng thẳng, nhưng có những giây phút đủ bù đắp cho mọi nỗi truân chuyên.

Ghi chú:

(1) John Maxwell Coetzee (sinh năm 1940), nhà văn Nam Phi, giải Nobel Văn chương 2003-ND

(2) Sau cuộc phỏng vấn này gần ba năm, năm 2006, Orhan Pamuk trở thành nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên (và tới giờ là duy nhất) đoạt giải Nobel văn chương.

(3) Costa Gavras (sinh năm 1933), đạo diễn điện ảnh Hy Lạp, đã đoạt hai giải Oscar năm 1969.

Giáp Văn Chung dịch theo nguyên bản tiếng Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn