NGÀY KHAI TRƯỜNG Ở ĐỨC

Thứ năm - 11/09/2014 00:16

(NCTG) “Bắt đầu từ hôm nay. Nhưng không chỉ riêng hôm nay, mà trong suốt cả cuộc hành trình mười hai năm và tận mãi mãi về sau”.


Ngày đầu tiên đi học

Đã qua ngày khai trường được hai tuần, tôi vẫn nhận được giấy mời đến dự lễ khai trường của một nhà người quen. Sở dĩ có sự muộn màng như vậy, là do tất cả các quán ăn của người mình trong khu vực đã được đặt kín chỗ. Thế mới biết, ngày khai trường của một đứa trẻ trên nước Đức, không đơn thuần chỉ là một ngày nhập trường.

Với người Đức, nó là một ngày thiêng liêng nhất trong đời một đứa trẻ. Sinh nhật thì năm nào cũng có. Ngày cưới, thậm chí có thể lặp lại nhiều lần. Nhưng ngày khai trường, chỉ có duy nhất một lần trong đời, khi đứa trẻ bắt đầu vào lớp một. Đó là điểm khác biệt đầu tiên trong hệ thống giáo dục của người Đức so với người Việt mình.

Không như ở một số nơi ngày khai trường được ấn định vào một ngày cố định, ở Đức, nó xê dịch rất uyển chuyển tùy theo từng năm và tùy mỗi một tiểu bang. Và bao giờ cũng rơi vào ngày thứ Bảy trong tuần. Thông thường, ngày khai trường được tổ chức muộn hơn so với lịch học một tuần. Bởi đó là một sự kiện lớn, nhà trường cần có thời gian và cả không gian để chuẩn bị.

Những ai đã từng đi học, hẳn không bao giờ quên cảm giác bồi hồi lần đầu tiên cắp sách. Trong tiết thu se dịu, trong hơi may bồi hồi, những vụng dại lần đầu tiên ấy mãi còn đi theo đến hết cuộc đời. Nhưng nếu bạn đi dự một lễ khai trường ở Đức, bạn không thể không xúc động, đồng thời, sẽ cảm thấy hết sức ấn tượng với một nghi lễ rất văn hóa và thiêng liêng của người Đức vốn được coi là thực dụng.

Ở Đức, mọi đứa trẻ đến tuổi đều bắt buộc phải đến trường và được học miễn phí. Trẻ tàn tật cũng không ngoại lệ, hoặc được học chung, hoặc có trường dành riêng. Cha mẹ có thể bị truy tố trước pháp luật nếu không cho con đến trường.

Vốn nghiêm ngặt về luật lệ, cách đây không lâu, hệ thống giáo dục của quốc gia này mới chính thức thông qua điều khoản cho phép một đứa trẻ chưa đến sinh nhật lần thứ sáu được quyền đến trường. Tất nhiên, chúng phải được cơ quan y tế xác nhận đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe. Sau đó, cha mẹ sẽ nhận được thông báo về ngày nhập học của con mình cùng những dặn dò tối cần cho ngày thiêng liêng ấy.

Để chuẩn bị cho ngày này, ngay cả thành phố cũng có những gói hỗ trợ cho những gia đình có thu nhập thấp. Thế nên, hàng năm, cứ đến mùa tựu trường, khắp nơi nhộn nhịp hẳn lên với những dịch vụ thương mại. Rất nhiều quầy bán đồ dùng học tập được tăng cường. Các quầy bán hoa cũng bó riêng những bó hoa gắn đầy kẹo, sô-cô-la hay là những tấm bảng ABC cho các học sinh tý hon.

Với 24.500 học sinh vào lớp một trong năm học này, không chỉ Sở Giáo dục, mà ngay cả Sở Giao thông Công chính của thành phố (BVG) cũng hết sức bận rộn. BVG năm nào cũng phát miễn phí rất nhiều đồ dùng với logo (biểu trưng) của ngành cho các em. Và không thể thiếu được sự bảo trợ của ngành an ninh. Thật ấm lòng khi nhìn thấy màu xanh quân phục của cảnh sát có mặt ở tất cả các trọng điểm và trường học để chắc chắn lễ khai trường diễn ra được trọn vẹn. Ngoài ra, rất nhiều trường học, nhân dịp này, cũng mời nhân viên cảnh sát đến hướng dẫn các em về an toàn giao thông trên đường phố.


Quây quần bên nhau trong ngày thiêng liêng

Vâng, gọi ngày khai trường là một ngày hội cũng không sai. Đó là ngày mà hội trường của tất cả các trường phổ thông đều chật kín người khiến rất nhiều nơi phải chia làm hai, thậm chí ba đợt khai giảng với thời gian khác nhau.

Trên đường phố, chỗ nào cũng tưng bừng từng tốp gia đình với ba bốn thế hệ rạng ngời chỉnh tề bên cạnh những thiên thần của họ, những tân học trò xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất. Và nhất là, không thể thiếu Zuckertüte (**), món quà đặc biệt chỉ được nhận một lần duy nhất trong đời.

Những cái túi hình ống dài, đựng đầy đồ ngọt và cả những đồ chơi nhỏ, một truyền thống bắt nguồn từ thế kỷ 19, ban đầu ở tiểu bang Sachsen và Thüringen, sau lan ra toàn liên bang như là một biểu tượng của ngày khai trường.

Ngày khai trường, như tất cả mọi ngày lễ khác trong cuộc đời một học sinh, bao giờ cũng có những bài diễn văn. Không biết do không khí trang nghiêm hay bản thân ngày này vốn đã thiêng liêng, mà những bài diễn văn ấy, tuy ngắn gọn và cũng đầy kính thưa kính gửi, nhưng bao giờ cũng hết sức xúc động.

“Bắt đầu từ đây, các em sẽ bước vào một giai đoạn khó khăn nhất và quan trọng nhất của một cuộc đời...”. Giọng thầy hiệu trưởng vang lên. Vài phụ huynh học sinh thậm chí còn lau nước mắt... Hẳn trong lòng mỗi người đều bất giác nhớ lại ngày này, năm đó, mình cũng như thế lần đầu tiên...

Giây phút trang trọng nhất đã qua, màn văn nghệ sẽ làm náo động lại không khí. Yêu nhất là đám học sinh lớp Hai, vừa năm ngoái còn chập chững như các em lớp Một hôm nay, giờ chúng đã đâu ra đấy với những màn biểu diễn rất ngây ngô mà tự nhiên. Nhiều nơi còn mời những nghệ sĩ danh tiếng đến biểu diễn tùy theo tài chính và thời gian cho phép.

Những tân học trò ngồi ngọ nguậy trên ghế, vẻ mặt non nớt ngơ ngác tội nghiệp. Có cô bé còn khóc thét vì sợ. Cậu bé khác còn không biết phản ứng ngay cả khi người ta gọi đến tên mình. Nhìn chúng đơn đớt bé bỏng, mới hiểu, trách nhiệm, công lao và lòng kiên trì của các thầy cô lớp một là vô bờ. Họ không chỉ là những giáo viên, mà còn là những bảo mẫu với tất cả tình người...

Trên sân khấu, các bé lên nhận lớp, líu ríu, ngơ ngác theo chân cô chủ nhiệm vào lớp học. Lưng đeo cặp, tay ôm túi Zuckertüte, tay cầm bông hoa hướng dương to đùng, món quà được rất nhiều trường học lựa chọn làm quà tặng trong dịp này. Máy ảnh đua nhau chớp. Những tấm ảnh vô giá không bao giờ thiếu trong hành trình một đời người. Nếu gia đình không có máy ảnh ư? Không hề gì. Thế nào cũng có những thợ ảnh thậm chí là thợ quay phim chuyên nghiệp do nhà trường mời đến tác nghiệp.

Các em vào lớp, phụ huynh đứng ngoài kín cả hành lang. Từng nhóm làm quen, hỏi han, trao đổi, xin nhau số điện thoại... Bởi không chỉ bọn trẻ bắt đầu một cuộc sống mới với những mối quan hệ mới, mà ngay cả phụ huynh cũng bắt đầu một cuộc sống với những mối quan tâm mới...


Ai cũng có một khởi đầu, một thuở cắp sách tới trường...

Ngày khai trường của trẻ em trong các gia đình Đức gói gọn trong một ngày hôm ấy, với những truyền thống kinh điển của một dân tộc trọng nguyên tắc. Nhưng ở nhiều gia đình người Việt, nó lại mang một màu sắc rất... Việt. Nhiều gia đình tổ chức long trọng và ồn ào với hàng trăm khách dự. Thuê nhà hàng, dựng rạp, giăng biểu ngữ, phông màn... như một đám cưới. Không biết những học sinh tý hon, linh hồn của những buổi hội hè ấy, có vui, có hãnh diện hơn những gia đình khác hay không?

Nhập gia tùy tục. Dù sao thì, trộm nghĩ, một lễ khai trường thật trang nghiêm, ấm cúng, với một túi Zuckertüte của ông bà cha mẹ cùng tình thương yêu và sự quan tâm lâu bền sâu sát, vẫn là điều hạnh phúc và cần thiết nhất cho một đứa trẻ.

Bắt đầu từ hôm nay. Nhưng không chỉ riêng hôm nay, mà trong suốt cả cuộc hành trình mười hai năm và tận mãi mãi về sau.

*

Thay lời kết: Mit dem Schulanfang beginnt ein neuer, vielleicht der wichtigste, Lebensabschnitt. Behalte Deine Neugierde und vergiss nie, Fragen zu stellen. Nur wer Fragen stellt, sich selbst und anderen, bekommt Antworten” (Janne Koch)

(Ngày khai giảng đánh dấu cho sự bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc sống và có thể nói là một giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời con người. Hãy luôn tìm tòi và đừng quên học hỏi những điều mới lạ. Luôn đặt ra các câu hỏi đối với chính mình và đối với mọi người xung quanh, có như thế bạn mới có thể tìm được những câu trả lời thỏa đáng và hữu ích.)

Ghi chú:

(*) Ở Đức, người ta phân biệt hai khái niệm Schulanfang và Einschulung: Einschulung là ngày khai trường chỉ dành riêng cho học sinh lớp một, và chỉ có một lần duy nhất trong đời, còn Schulanfang là ngày nhập học sau kỳ nghỉ hè của tất cả các học sinh.

(**) Chiếc túi ngọt ngào.

Bài và ảnh: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn