CÓ MỘT NGÔI TRƯỜNG CHUYÊN GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ (Phần 1)

Thứ sáu - 05/09/2014 21:53

(NCTG) Năm tháng trôi qua, kiến thức học được ở trường có thể mờ dần và bị quên lãng, chỉ có những ký ức về thầy cô, bạn bè là vẫn luôn đọng lại trong tâm trí, và chỉ cần một hình ảnh, một cái tên được nhắc đến là biết bao kỷ niệm sẽ tràn về. Mong sao những ký ức về thầy cô và bạn bè của các thế hệ học sinh bây giờ và sau này sẽ là những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của các em về tuổi thơ!


Những hình ảnh của một thời và mãi mãi - Ảnh do nhân vật cung cấp

Phần 1 - Kỷ niệm về các thầy cô

Nằm trên một trong những con phố xinh đẹp, thanh bình, êm ả nhất ở trung tâm Thủ đô Hà Nội là phố Lý Thường Kiệt, trong mấy chục năm, trường Lý Thường Kiệt là nơi thành phố gửi gắm ba khối chuyên của thành phố là chuyên Hóa, chuyên Nga và chuyên Anh. Khóa 1983-1986 chúng tôi được học ở trường hai năm – lớp 10 và lớp 11 (đến lớp 12 thì tất cả các lớp chuyên của thành phố được tập trung hết về trường Hà Nội-Amsterdam, lúc ấy vừa mới xây xong … cái khung). Hai năm học tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm gắn bó với ngôi trường đẹp cổ kính này.

Kỷ niệm đầu tiên phải nhắc đến là những giờ ra chơi trong sân trường rất rộng, đủ cho cả ngàn đứa trẻ ùa xuống sân trường chạy, nhảy, chơi đùa, đá bóng cho đỡ cuồng chân, cuồng cẳng sau những giờ học trong lớp. Sân trường Lý Thường Kiệt có những cây cổ thụ tỏa bóng râm mát, làm dịu đi rất nhiều cái nắng của những buổi trưa oi ả phải tập trung hay tập thể dục dưới sân trường. Trong những kỷ niệm khó quên của tôi ở cái sân trường thân thương này có một kỷ niệm rất hài hước là lần cùng cô bạn thân đi lững thững trong giờ ra chơi, khi chúng tôi đi ngang qua một lũ con trai đang đá cầu thì tự nhiên các hắn quay sang nhìn chúng tôi chằm chằm rồi một tên bỗng buông một câu gọn lỏn và rõ ràng từng chữ một “Nhất lé nhì lùn”. Ôi trời, hai đứa chúng tôi vội vội vàng vàng đi vượt qua cái lũ quỷ sứ ấy, thật nhanh cho khuất vào một góc rồi phá lên cười rũ rượi, không thể nén cười được vì… hai đứa chúng tôi một đứa thì phấn đấu mãi không được 1m50, đứa kia thì mắt hơi hiêng hiếng (nhưng mà là hiếng rất xinh). Cha mẹ ôi, hắn tả thế thì đích thị hai đứa mình rồi còn gì. Đúng là bọn… đểu… ha ha.

Những kỷ niệm sâu sắc nhất của lũ học trò chăm học hơn chăm chơi (lớp chuyên mà) chắc chắn phải gắn với các thầy cô giáo. Là học sinh lớp chuyên nên chúng tôi được ưu ái ở chỗ được học với những thầy cô dạy giỏi và tận tâm nhất của trường. Rất ghét môn Toán, thế nhưng người thầy mà tôi luôn nhớ nhất lại là thầy dạy Toán năm lớp 10, thầy Đặng Trần Thái. Bao năm đã qua mà tôi vẫn nhớ như in nụ cười ấm áp, bao dung của thầy khi thấy tôi giải được một bài toán khó, hay cái lắc đầu nhè nhẹ cùng câu nhắc rất khẽ “Tuyết Mai xem lại bài đi em” mỗi lần thấy tôi sáng tác ra một kiểu giải không giống ai (mà chắc chắn là sai rồi… hì hì). Nhớ về thầy rất nhiều bởi thầy cũng là giáo viên Toán duy nhất trong suốt 10 năm học phổ thông khiến cho tôi thấy yêu môn Toán – trong một năm, vì đến năm sau phải học thầy giáo khác thì tình yêu môn Toán của tôi lại tụt về điểm xuất phát là bằng 0.

Mấy chục năm rồi nên tôi không còn nhớ rõ thầy đã làm cách nào khiến cho cái đứa ghét Toán như đào đất đổ đi học môn của thầy một cách hăng say nữa, nhưng năm đó quả thật tôi đã yêu và học môn Toán của thầy say mê tới mức thầy còn chọn tôi đi thi học sinh giỏi toán cấp… trường. Nhưng riêng trong vụ lựa chọn đi thi học sinh giỏi này thì có lẽ tôi đã … có quyết định rất sáng suốt bởi tôi đã lẳng lặng trốn không tham gia cuộc thi, vì cứ nhớ lại dặm trường đi thi và luyện thi học sinh giỏi văn suốt những năm cấp I và II mà tôi thấy… rùng mình. Túm lại công của mình là đã bớt cho đất nước một tài năng toán học rởm rít kiểu sớm nở tối tàn và bổ sung cho xã hội một ếch xì pợt chém gió... cỡ xuyên lục địa (đấy là hội cơ quan cũ mình bảo thế chứ mình vốn khiêm tốn lắm… he he).

Và tất nhiên, lũ chúng tôi nhớ nhiều, nhiều nhất các kỷ niệm với cô Phương, thầy Bắc – hai thầy cô phụ trách khối chuyên Anh nổi tiếng với kiến thức sâu và chắc cũng như tấm lòng tận tụy vô biên với học sinh. Thời đó, các lớp học sinh chuyên Anh của thành phố gần như theo một công thức nhất định là nếu đã học với cô Phương ở lớp học chính thức thì sẽ học thêm để luyện thi đại học với thầy Bắc, và ngược lại. Cô Phương có kiến thức rất chắc về ngữ pháp còn thầy Bắc luyện nghe nói rất hay. Với sự hướng dẫn và bổ sung kỹ năng của hai thầy cô, chúng tôi đã có được những kiến thức và kỹ năng tiếng Anh rất tốt mà đến tận bây giờ sau mấy chục năm vẫn không quên được. Cô Phương cũng là cô giáo chủ nhiệm lớp chuyên Anh của chúng tôi suốt ba năm trời, và sự mô phạm, nghiêm khắc của cô với bản thân cũng như với các học trò gần như đã thành huyền thoại. Nói thật tình, nếu ngày ấy cô không nghiêm khắc và đòi hỏi cao với cái lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi như thế, không biết chúng tôi (ít ra là bản thân tôi) có nên người như bây giờ được không

Nhiều kỷ niệm về trường Lý Thường Kiệt của chúng tôi gắn với thầy Tân dạy Lý kiêm phụ trách Đoàn trường. Năm ấy thầy mới về trường, đang tuổi thanh niên lại là người năng nổ, đầy sức sống, thầy khởi xướng nhiều phong trào cho lũ học sinh khiến cho trường chúng tôi tự nhiên khởi sắc và trở thành một môi trường rất hấp dẫn với lũ học trò đang ở lứa tuổi teen đầy hiếu động. Nhờ một trong những phong trào của thầy mà năm 1984, lũ học sinh chúng tôi đã được học khiêu vũ, cả cổ điển lẫn hiện đại, một cách rất bài bản, giúp chúng tôi trở thành những người được “giải ngố” gần như sớm nhất ở Hà Nội. Xin lưu ý là đầu những năm 80, thanh niên nếu tham gia nhảy nhót vẫn có thể bị xử lý hành chính vì nhảy đầm vẫn được coi là… tệ nạn. Là những thành viên tích cực trong đội văn nghệ của nhà trường, nên mấy đứa chúng tôi rất thân với thầy, thầy giống như người anh thân thương của cái lũ nghịch ngợm chúng tôi hơn là một người thầy giáo. Cách đây không lâu, được tin thầy đã mất vì bạo bệnh, chúng tôi cứ đau buồn mãi vì đã không biết tin để về đưa tiễn người thầy, người anh thân thương của nhóm.

Trực tiếp phụ trách Văn nghệ của trường Lý Thường Kiệt lúc đó là thầy Huy dạy Lịch sử. Thầy là người sáng tác bài hát về trường Lý Thường Kiệt mà đầu tuần chúng tôi thường hát vào lễ chào cờ. Với sự hướng dẫn của thầy và thầy Tiếp (mình nhớ mang máng là thế, nếu sai thì các bạn đính chính nhé), năm lớp 11 đội văn nghệ của chúng tôi đã giành được một giải A2 trong Liên hoan Nghệ thuật các trường đại học và trung học toàn thành phố. Cũng năm ấy, đội của ca sĩ Hồng Nhung giành giải A1 – kể chuyện này ra đây để selfie (“tự sướng”) một chút với các bạn về “thời hoàng kim” ấy - bọn mình hoành tráng phết Lê Thanh Hải, Hải Âu, Hồng Hạnh, Nguyễn Hạnh, Phương Anh nhỉ. Còn nhớ, hai thầy cùng phụ trách đội Văn nghệ mà thầy này cứ chọc thầy kia, mỗi lần thầy Huy hướng dẫn chúng tôi hát tốp ca bài “Nhạc rừng” là y như rằng thầy Tiếp lại đứng bên nháy mắt, nhún nhảy rồi hài hước “Nách hôi, nách hôi, quay tròn cái nách hôi”, làm chúng tôi lăn ra cười không thể tiếp tục hát được nữa.

Là đứa tính tình nhắng nhít từ thuở bé, riêng tôi còn có một số kỷ niệm khá đáng nhớ với các thầy cô và các bạn, trong đó có kỷ niệm với thầy Mẫn dạy Văn năm lớp 11 khiến cho tôi bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười và ân hận nữa. Vốn hay nói chuyện riêng trong giờ (em xin lỗi các thầy cô, cái tính xấu này của em nó quá tệ, mặc dù lương tâm em luôn luôn cắn rứt nhưng mà trừ phi cho em ngồi một mình thì may ra em không nói chuyện với ai, chứ cứ mà có bất kỳ một người nào bất kể già trẻ gái trai mà không may ngồi xuống cạnh em thì sau khoảng 5-10 phút đều phải tiếp chuyện em hết… hu hu) nên… để khỏi làm ảnh hưởng tới việc học hành của các bạn khác, năm lớp 11 tôi được cô giáo đặc cách cho ngồi ở bàn 1, cùng với ba bạn nam.

Trời ơi, trong cái lớp chuyên Anh mà con trai hiếm như mì chính cục ấy thì tôi thật quả là người có diễm phúc to như cái mẹt vì được ngồi cạnh những ba trong số bảy chàng trai của lớp. Chọn người ngồi cạnh cái đứa suốt ngày nói toanh toách như tôi thì tất nhiên cô Phương chủ nhiệm đã phải nhắm toàn các bạn mà cạy miệng nửa ngày không ra được vài từ có lẻ. Ấy thế mà chỉ sau một thời gian ngắn, tôi cũng đã có công đưa ít nhất là bạn Vũ Trịnh ngồi bên cạnh vào cùng ngồi chễm chệ trong sổ ghi đầu bài thường xuyên trong nhiều tuần với thành tích “nói chuyện riêng trong giờ”. Thỉnh thoảng, cả bốn đứa chúng tôi lại được vào sổ đầu bài ngồi cả với nhau cho tăng tính đoàn kết, mà công đầu tội trước thì tất nhiên là tôi, cái đứa không thể để cho miệng lên da non lấy vài phút… hi hi.

Quay lại kỷ niệm với thầy Mẫn, hồi ấy thầy có thói quen hay mặc áo đại cán dài đến đầu gối và đội mũ len, tay xách cặp đen và lững thững đi vào lớp, đặt chiếc cặp lên bàn rồi hướng mặt xuống cả lớp vẫy vẫy tay cho chúng tôi ngồi xuống. Một hôm có giờ của thầy vào tiết đầu tiên, tôi vừa lò dò đến lớp ngồi vào chỗ thì đã thấy bốn chàng ngự lâm pháo thủ của lớp hùng dũng xếp hàng một tiến vào trong đồng phục áo đại cán dài đến đầu gối và mũ len cùng kiểu y chang với thầy, trên tay mỗi chàng là một chiếc cặp đen cũng giống y chang và đến bên bàn của thầy giáo các chàng cũng lần lượt đặt cặp lên bàn rồi đồng loạt quay mặt hướng về lớp mà vẫy vẫy tay. Ối cha mẹ ôi, cái đứa có máu buồn như tôi làm sao mà có thể nén cười được trước cảnh ấy. Thế là tôi cứ gập người xuống bàn mà cười lăn cười bò, đến khi các bạn chạy nháo lên vào chỗ vì thầy giáo đến tôi mới giật mình tỉnh lại.

Nhưng… thầy lại mặc áo đại cán đến đầu gối, đầu thầy lại đội mũ len, tay thầy lại xách cặp đen và thầy lại… lững thững đi vào đặt cặp xuống bàn và… ha ha ha… thế là một lần nữa tôi lại lăn ra cười như đứa bị tổng hội đồng cù vào nách, biết là tội bất kính chết đến nơi rồi mà không thể nào nhịn cười được. Tức nhất là bốn tên thủ phạm đầu têu cái vụ này lúc í mặt mũi lại thản nhiên, tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, không phải là các hắn đã đầu têu ra cái vụ khiến cho tôi phạm tội bất kính với thầy. Bao nhiêu năm qua rồi, nghĩ lại chuyện này tôi vẫn cứ còn ân hận, thương thầy giáo của tôi vô cùng và cứ tự trách mình hồi đó quá trẻ con, vì xấu hổ, ngại ngùng mà suốt cả một học kỳ hai sau đó tôi đã không thể gặp riêng thầy để nói với thầy một câu “Em xin lỗi thầy” một cách chân thành nhất. Mong thầy tha lỗi cho em thầy nhé!

Thế mà thấm thoắt đã gần ba chục năm kể từ khi ra trường. Ngôi trường xưa thân thương của chúng tôi vẫn nằm đó giữa lòng Hà Nội, nhưng cái tên trường Lý Thường Kiệt đã từ lâu không còn, bởi hai trường Lý Thường Kiệt và Việt-Đức cách đây không lâu đã được nhập làm một và lấy tên chung là trường PTTH Việt-Đức. Các thầy cô giáo thân yêu của chúng tôi cũng người còn người mất. Hôm nay, nhân ngày khai trường, mở đầu một năm học mới, một năm học được đánh dấu với nhiều quyết định thay đổi trong ngành giáo dục, xin kể lại với các bạn của tôi chút kỷ niệm về ngôi trường xưa và các thầy cô yêu quý. Mong sao các thế hệ học sinh bây giờ và về sau sẽ được học với các thầy cô tận tụy và yêu thương học trò như thế hệ chúng tôi đã từng được học.

Phạm Tuyết Mai, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn