NGƯỜI ĐIÊN KHÔNG BIẾT NHỚ?

Thứ hai - 25/08/2014 00:05

(NCTG) “Mọi người bảo những người điên thật tội nghiệp. Mình nói tụi mình mới thật tội nghiệp, vì tụi mình cố tỏ ra tỉnh táo với đời mà phớt lờ những cái mong muốn thực sự của mình, kiểu như chiều lòng thiên hạ mà không biết mình muốn gì. Còn người điên thì họ biết họ muốn gì, và đã muốn là họ làm, bất chấp nguy hiểm hay dị nghị”.


Minh họa: Họa phẩm “Người đàn bà khóc” (The Weeping Woman, 1937) của danh họa Pablo Picasso


Em chỉ là người điên trong vườn hoa tình ái
Em chỉ là người say bên đường anh nhìn thấy
Anh đi đi, người điên không biết nhớ
Và người say không biết buồn.

Đang nghe Lệ Quyên hát “Mùa đông của anh”, đến đoạn trên, tự dưng mình lại suy nghĩ về trí nhớ của người điên? Người điên không biết nhớ thật không?

Ngày mình còn bé, trong xóm có dì Mỹ, mọi người cứ gọi dì ấy là “con Mỹ điên”, nhưng mẹ mình không bao giờ cho chị em mình gọi thế. Dì Mỹ. Đó là cách gọi. Còn điên là tâm bệnh của dì ấy. Nghe đâu dì ấy ngày trẻ cũng từng tốt nghiệp đại học, xong đi thực tập ở miền núi, rồi bị bỏ bùa ngải sao đó, và điên. Điên vì tình.

Có người nói là dì ấy yêu một anh người miền núi, mà gia đình cấm yêu, nên phát điên.

Trong thành phố nhỏ có vài người điên, là bà Hoa hay ngồi gần khách sạn Kim Liên, dì Mỹ hay đi lung tung khu chợ Vinh,...

Sau này mình lớn, trở về nhà, lại chẳng thấy ai nữa, không hiểu họ đã ở đâu?

Nhưng ý thức của những người điên vẫn là một thắc mắc lớn của mình.

Có một thời gian ngắn cách đây vài năm, mình có tìm hiểu về thần kinh học. Hồi đó nhớ cậu Đức nói rằng trong một người bình thường thì luôn có 50% tỉnh táo và 50% điên. Mình không xét về số liệu nhưng thấy ý này khá đúng. Ranh giới giữa có ý thức và vô ý thức rất mong manh. Thời gian đó mình có viết bài giới thiệu cuốn “Gọi bình yên quay về” của bác sĩ Lê Quốc Nam cho NXB Trẻ, đây là một cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu, bình dân.

Trong mạch sống đã tiềm ẩn cái chết, trong gặp gỡ đã tiềm ẩn những chia xa, trong gắn kết đã tiềm ẩn hạt mầm của sự rời bỏ, trong say đắm đã tiềm ẩn sẵn những chán chường”.

Mình rất ít khi đọc tự truyện, nhất là tự truyện của các bạn đang còn sống, mình lại càng không thích đọc. Nhưng cuốn tự truyện của bác sĩ Lê Quốc Nam thì đứng ở góc độ khác, chia sẻ những hiểu biết về đời sống người bị bệnh tâm thần và cách chữa trị tâm bệnh, nên thấy đáng đọc.

Vì kiến thức mảng này hay quá, nên mình đặt mua khá nhiều sách. Mình tốn không ít tiền, rồi về lại chả đọc được, nội dung sách nhiều và nặng hơn khả năng của mình, cuối cùng lại phải vác đi cho không biếu không cho thư viện của lab. Dạng sách này mua thì đắt chứ rao bán lại chẳng ai thèm mua hoặc mua theo giá giấy vụn, bán thấy rất xót.

Mình không nghĩ là “người điên không biết nhớ”, mà nghĩ là họ nhớ quá tốt, nhưng lại nhớ chỉ một hoặc một vài chuyện. Gỡ được cái nhớ đó ra khỏi đầu họ thì có khi lại hết điên. Đó là cách chữa của các bác sĩ tâm thần, chữa từ căn nguyên gốc rễ của vấn đề.

Trí nhớ của người điên quá sâu sắc cho cái gì đó, nên không tiếp nhận thêm được những cái mới và không điều chỉnh được hành vi của mình?

Không nhớ lần nào đó, mình nói chuyện với chị Thúy Cỏ về người điên. Mọi người bảo những người điên thật tội nghiệp. Mình nói tụi mình mới thật tội nghiệp, vì tụi mình cố tỏ ra tỉnh táo với đời mà phớt lờ những cái mong muốn thực sự của mình, kiểu như chiều lòng thiên hạ mà không biết mình muốn gì. Còn người điên thì họ biết họ muốn gì, và đã muốn là họ làm, bất chấp nguy hiểm hay dị nghị.

Biết rằng tỉnh táo thì tội nghiệp hơn điên loạn, vì tỉnh táo thì biết đau buồn nhiều điều hơn về cuộc sống, còn khi điên thì nguyên do đau buồn lại đơn giản hơn, như sợ bị đánh, bị đánh, đói bụng, không thấy ai hay thấy quá nhiều người nên sợ,... Kiểu vậy. Vậy nhưng mình vẫn mong nhất là sự tỉnh táo. Mình không cần sống lâu, chỉ mong có được ý thức tỉnh táo cho đến tận lúc chết.

Mình có đọc và biết về một số trường hợp dự được ngày giờ chết của bản thân, rồi tự tắm rửa, sửa soạn, nằm vào hòm, rồi đi... Những trường hợp đó thì khi sống thường thâm trầm, nghiền ngẫm, ít biểu lộ, nhiều người là người tu hành, chọn lối ẩn dật, tránh đời. Còn như thầy Tả Ao, sửa soạn cho bao nhiêu huyệt mộ, làm phất cho nhiều dòng, mà cuối cùng lại chết vội chết vàng không kịp sửa soạn cho chính mình.

Người óc tâm linh thì nói rằng thiên cơ bất khả lộ, thầy làm lộ nhiều quá nên phải chịu như thế. Người óc suy xét thì nói rằng do thầy quá mải mê sự nghiệp, lo chuyện thiên hạ, mà quên bẵng bản thân và gia đình, nên đời sau của thầy mới không phát được. Như thế có phải là thiếu tỉnh táo?

...

Mình ngủ ít, đọc nhiều, tâm trạng dễ bị bất ổn và hay suy nghĩ linh tinh... Nhiều khi mình cũng sợ mình hóa điên. Mà điên thì phí lắm, sẽ chỉ nhớ được một vài chuyện rất sâu và làm được vài thứ vui mắt bọn trẻ con bị ngứa ruột. Trong khi đời mình thì có nhiều điều muốn biết, muốn làm...

Thế nên dặn mình, cái gì đáng đọc thì đọc, đáng xem thì xem, đáng nghĩ thì nghĩ, đáng nhớ thì nhớ, đáng quên thì quên,...

Đáng thì làm

Còn không đáng thì thôi...

Tuệ An, từ TP. HCM


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn