Tình yêu âm nhạc - Ảnh: Internet
Trong cuộc sống hiện nay, rất nhiều bậc cha mẹ đau đầu lo cho con cái chuyện “ăn - học”, trang bị kiến thức cho con. Nào trường chuyên, lớp chọn, thầy kèm, học thêm… ước mong con mình thi cử đỗ đạt, có bằng cấp, địa vị trong xã hội.
Cũng đúng thôi, nhưng như vậy liệu đã đủ điều kiện để con mình có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hay chưa? Tại sao nhiều người “có học” mà trong xử sự nhiều khi vẫn rất tệ hại? Và tại sao stress, căn bệnh của thế kỷ ngày càng tăng mạnh, không chừa một ai, thậm chí còn hoành hành nhiều hơn trong giới trí thức, văn phòng, thương gia, luật sư…?
Câu hỏi được đặt ra: chúng ta cần đầu tư cho trẻ điều gì nữa?
Đại nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc người Hungary, ông Kodály Zoltán (1) đã cống hiến cả cuộc đời mình để chứng minh cho phương pháp dạy nhạc mang tên ông, sau này trở nên rất phổ biến và được áp dụng ở Mỹ, Nhật cùng nhiều nước khác trên thế giới. Phương châm chính yếu của Kodály là “
trẻ em cần được tiếp xúc và học nhạc từ nhỏ, cũng như ai cũng cần học biết đọc, biết viết, biết làm toán…”.
Phong trào phổ cập và xóa nạn “mù nhạc” được Kodály Zoltán khởi đầu ở Hungary từ đầu thế kỷ 20. Theo những nghiên cứu của ông, trẻ em nếu được học nhạc sẽ có kết quả tốt hơn trong học văn hóa, đặc biệt là môn toán. Học hát không những giúp trẻ nói và diễn đạt tốt hơn, mà còn cải thiện sức khỏe của các em, giúp trẻ dẻo dai hơn trong thể dục thể thao do biết cách lấy hơi chính xác.
Trẻ “ngoan” là đứa liên tục ngồi lì bên bàn học? Muốn giỏi ngoại ngữ phải học thuộc lòng? Ngày phải giải toán bốn, năm tiếng đồng hồ để “luyện” mới “giật” được các giải thưởng? Tại sao các đứa trẻ “giỏi” như vậy mà sau này lớn lên ra đời lại chưa chắc đã thành người có ích cho xã hội? Đó là những câu hỏi mà không ít phụ huynh Việt Nam đã phải trăn trở, khi tiếp xúc với thực tại.
Ở châu Âu chuyện học hành đúng là không có gì “ép buộc” cả. Mặc cho sự lo lắng của các bậc phụ huynh khi cảm thấy sao con mình học ít thế, “lười” ngồi vào bàn thế, các thầy cô luôn nhấn mạnh “
hãy để cho các em tự nguyện, tự thích học, em nào hiện chưa thích cứ từ từ rồi sẽ thích, không được giục giã”.
Một ví dụ nhỏ: nhà trường của con tôi mở thêm khóa học dậy cờ vua. Để khuyến khích trẻ em tham gia, cô giáo không giải thích dài dòng mà mời một cựu học sinh của trường đến nói chuyện. Đó là một ông cụ đã gần tám mươi tuổi, đạt danh hiệu Đại kiện tướng Quốc tế cờ vua từ năm hai mươi bốn tuổi và rất nhiều lần đoạt giải cao trong những kỳ thi Olimpic thế giới.
Khi đến trường, ông cũng chẳng nói nhiều về cờ vua với bọn trẻ mà ngồi vào chiếc đàn cũ trong lớp, vừa chơi đàn vừa hát cho chúng nó nghe, tâm sự với chúng rằng có thời ông muốn thành nghệ sĩ dương cầm hay hát opera. Ông nói âm nhạc đã giúp cho đầu óc ông luôn minh mẫn khi chơi cờ và đến tận bây giờ, ngày nào ông cũng tập chạy, tập thở để giữ gìn thể lực, chống lại những giây phút thật stress trong các trận thi đấu gay cấn.
Sau này cứ mỗi lần con tôi cằn nhằn chuyện “phải” tập đàn, tôi lại nhắc đến tên ông Portisch Lajos (2) là nó im ngay.
Nhà sư phạm âm nhạc đại tài Kodály Zoltán
“
Cần phải học nhạc”. Thường khi đã lớn tuổi con người ta mới nhận ra điều này. Thời còn bé, chắc ai cũng trải qua giai đoạn cầm chảo “gẩy”, lấy đũa “gõ” hay tay cầm thanh gỗ thay cho micro. Học đàn thật sự lại còn vất vả hơn nhiều vì ngay lập tức nó không hay, không “bốc” và cho ra kết quả ngoạn mục như trẻ em hình dung. Nhiều kiên nhẫn, vất vả và công sức của cả trẻ con lẫn bố mẹ.
Chính bởi thế, theo “Phương pháp Kodály”, trẻ em cần được tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ và phải có phương pháp sư phạm tốt. Một cô giáo trường mầm non phải qua thi tuyển về nghe, hát, nhạc cụ. Trẻ em được tiếp xúc từ bé qua các bài hát dân ca, các nhạc cụ dân gian đơn giản, nghe nhạc nhiều sẽ “thấm dần” và trở nên có nhu cầu với âm nhạc. Những đứa trẻ như vậy sau này thường tập trung hơn trong giờ học, không hung hăng và tự kiềm chế được bản thân hơn.
Thời gian gần đây rất nhiều báo chí, hội thảo ở Việt Nam đề cập đến vấn đề phải đổi mới trong lĩnh vực giáo dục: nâng cao cơ sở hạ tầng của trường lớp, thay đổi phương pháp giảng dậy, cải biên sách giáo khoa… nhưng chưa từng thấy một trường học nào chú trọng đến “môn phụ” âm nhạc? Cho rằng đấy là trách nhiệm của bố mẹ, không liên quan đến nhà trường?
Tất nhiên sau này lớn lên không phải em nào cũng thành nhạc sĩ, nghệ sĩ (cũng như không phải cần học toán để thành nhà nghiên cứu toán học hay cần học văn để trở thành nhà văn, nhà thơ). Chỉ có điều chắc chắn, như các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, học âm nhạc từ nhỏ giúp phát triển khu vực các tế bào não cần cho sự cân bằng trong tâm hồn sau này.
Đất nước Hungary tuy rất nhỏ bé trong Châu Âu nhưng lại thật hãnh diện là một “cường quốc” âm nhạc với những tên tuổi như Liszt Ferenc, Bartók Béla, Kodály Zoltán… Nhiều khi tôi cũng ngạc nhiên và thích thú khi thấy một anh làm vườn hôm nay nghỉ không đi làm vì còn đi tham gia thổi kèn trong một ban nhạc vùng quê, một “Big Boss” của nhà băng đánh đàn biểu diễn trong bữa tiệc liên hoan của cơ quan. Âm nhạc tạo cho con người cảm giác thoải mãi thư giãn hoàn toàn và không có ranh giới về đẳng cấp, tuổi tác, giầu nghèo.
Xin trích dẫn lại một câu nói bất hủ của nhạc sĩ, nhà sư phạm vĩ đại Kodály Zoltán: “
Âm nhạc là nguồn sống của tâm hồn, không gì có thể thay thế được. Ai không sống cùng với nhạc, tâm hồn người đó sẽ khô cằn như cơ thể thiếu máu. Một cuộc sống toàn diện không thể thiếu âm nhạc và người nào có mối liên quan đến âm nhạc sẽ cảm nhận cuộc sống theo một kiểu khác!”.
Ghi chú (của NCTG):
(1) Kodály Zoltán (1882-1967): nhà soạn nhạc, nhà nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc nổi tiếng, Viện sĩ Hàn lâm, người đặt nền móng cho nền giáo dục âm nhạc Hungary.
(2) Portisch Lajos (1937-) là một trong số vài đại kỳ thủ cờ vua nổi tiếng nhất thế giới không phải công dân Liên Xô trong thời gian từ đầu thập niên 60 tới cuối thập niên 80 thế kỷ trước, chín lần vô địch Hungary, hai mươi lần tham dự các kỳ Olympic Cờ vua. Giữ danh hiệu Nhà Thể thao Quốc gia Hungary từ năm 2004.