Ghi chép của Thymianka Thảo Nguyên: MỘT NGÀY SĂN ẢNH

Thứ tư - 16/07/2014 04:48

(NCTG) “Đằng sau những tấm ảnh của một phóng viên nhiếp ảnh thực thụ, là cả một số phận, với những trải nghiệm không dễ gì được hé lộ nếu không có một cơ duyên”.


Tác giả trong sự kiện đón tuyển Đức trở về
 
Cô nàng bạn thân hẹn sẽ lên Berlin để “đón đội tuyển Đức trở về”, mụ tưởng mình nghe nhầm. Vì với mụ, cũng như nàng và một số đàn bà khác, bóng đá là một trò chơi sang trọng nhưng khá vô bổ. Mỗi mùa tranh giải, của đáng tội, cho tới khi hâm nóng được lòng nhiệt tình vốn nguội lạnh và vỡ ra được vài điều về bóng đá thì cũng là khi mùa bóng vừa vặn kết thúc. Cho nên, sự mông muội của mụ (nếu không muốn nói là ngu dốt!) vẫn lặp lại y như cũ mỗi khi mùa World Cup đến.

Đội tuyển Đức thắng. Đại loại như vậy. Cái này báo chí ra rả nói suốt mấy hôm. Bao chuyên gia đã ca tụng, bao nhời hay ý đẹp cùng các nhà túc cầu học đã phân tích cặn kẽ chả còn gì cho mụ chen được lời nào nữa. Nhưng cái vụ đón “Siegerflieger Fanhansa” thì lại khác. Những người chiến thắng trở về trên chuyến bay huyền thoại không phải năm nào cũng xảy ra.

Nàng lặn lội từ München lên. Chàng từ Paris sang. Chỉ để làm cái việc là săn ảnh, như lời nàng. Và mụ, với tư cách một chủ nhà, tranh thủ nghỉ làm với lý do rất ư thiện chí là làm một tình nguyện viên kiêm hướng dẫn viên.

Trời nắng gần 30 độ, mới sáng ra mồ hôi mồ kê đã đua nhau chảy. Vội giải quyết bữa ăn sáng ở khách sạn với nàng, rồi ba đứa khăn gói quả mướp lên đường ngay cho kịp. Gọi nôm na là đi để... xí chỗ! Y chang ngày xưa đi xem phim bãi, không đến sớm thì đến đứng cũng chả còn. Đã thế, các tuyến đường tàu điện ngầm vẫn còn nguyên khí thế đêm hôm trước, nghĩa là màu cờ và sắc áo... Nghĩa là ùn tắc và đông đúc. Nghĩa là...

Người từ các ngả đường kéo nhau về nườm nượp. Cổng thành Brandenburger Tor, mới 9 giờ sáng đã xanh rì xe cảnh sát. Đám cảnh sát cơ động người ngợm to sụ bởi áo giáp, xám xịt đứng thành từng đám. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên mụ tthấy gương mặt của những con đại bàng sắt không có vẻ đằng đằng sát khí. Chả còn biết chỗ nào với chỗ nào, chỉ thấy người và người xúm xít thành từng đám áp sát vào những tấm hàng rào cơ động cắt ngang đường. Tuy đông đúc, nhưng ý thức đám đông vẫn nghiêm túc. Nghĩa là không có sự chen lấn xô đẩy.

Sau một hồi xoay xở chọn lựa, mụ tiến được gần sát vào hàng rào cơ động. Chỉ là “gần sát”, bởi một chân vẫn lơ lửng bên ngoài. Đằng trước mụ, là hai kẻ không biết đàn ông hay đàn bà. Chỉ thấy tóc tai trơ trụi ngắn và lỗ tai đầy oặc những khoen với vòng. Giữa họ là một cái khoảng trống đầy quyến rũ.

Mụ ao ước, giá người mình bé nhỏ hơn tý nữa để lách vào cái khoảng trống ấy thì cầm bằng như vào được vùng cấm địa. Đằng này, mụ to béo cồng kềnh, lại chẳng có cơ hội chơi trò mỹ nhân kế với những kẻ mà giới tính không rõ ràng. Nên rốt cuộc, đi rõ sớm mà vẫn đành ngậm ngùi lơ lửng vòng ngoài mà nhìn với vào phía mà mụ đoán là khán đài.

Trời mỗi lúc một nóng. Chờ đợi mỗi lúc một vô vọng. Đám đông hỏi nhau, đoàn sẽ đi từ ngả nào đến. Đến lúc ấy, mụ mới vỡ lẽ, cái chỗ mình vừa bỏ đi lúc trước là chỗ gần lộ trình hơn cả.

Chợt đám đông rú lên như phát rồ. Chiếc máy bay huyền thoại hiện ra, chao cánh một vòng trên nền trời xanh thẳm. Đó là một lộ trình bay đặc biệt chỉ dành cho sự kiện hy hữu này: lời chào của những người chiến thắng.

Sau màn chào hỏi từ không trung ấy, không khí bắt đầu được hâm nóng thực sự. Nóng từ trên trời dội xuống, nóng từ những chiếc loa thùng tường thuật ra rả từng diễn biến của sự di chuyển. Mấy đứa trẻ luồn qua chân mụ lao về phía trước hòng chiếm vị trí gần khán đài lập tức bị đánh bật ra bởi những lời càu nhàu của người lớn. Chưa hết, đúng lúc cần bám trụ nhất, mụ cảm thấy người bị chúi về phía trước bởi những vật thể lạ liên tục tấn công vào lưng. Mụ quay lại, thì ra đó là hai quả ngực đồ sộ của cô nàng Blondine (Tóc vàng).

Không biết lúc này có gã đàn ông nào muốn đứng vào vị trí của mụ hay không, nhưng lần đầu tiên, mụ thấy ngực của đàn bà có thể gây nỗi khó chịu đến thế. Nó cứ ấn dúi mụ về phía trước như muốn chết ngạt. Trong khi, chỗ mụ đứng lại quá chật, đó là chưa kể dưới chân mụ lỉnh kỉnh một đống đồ. Túi xách, ba lô, của mụ, của bạn và của cả mấy người không quen biết. Mọi người tự động chất đồ vào đấy cứ như thể mụ là người tử tế thật thà lắm.

Bên cạnh, gã nhà báo mặt mũi nhăn nhó vì đã để thẻ nhà báo ở khách sạn. Mụ nhìn cái máy ảnh chuyên dụng nặng cỡ dăm ký của gã mà thấy choáng.

Mụ giơ cái máy ảnh mượn của con gái lên chụp thử. Chao ơi, vô vọng. Cả một rừng người tua tủa trước mặt. Bên cạnh mụ, đám thanh niên khênh ra cả bàn, cả ghế, ngất ngưởng đứng lên đó. Mụ ngậm ngùi thèm muốn, chốc chốc lại ngã dúi về phía trước bởi hai quả ngực của đồng loại.

Ăn chơi sợ gì mưa rơi”. Chàng quỳ xuống để nàng ngồi lên cổ, váy áo trùm kín cả mặt. Rồi, trong cái đống bùng nhùng tối tăm đó, chàng mở ngay một khóa chụp ảnh cấp tốc. Rằng em cứ bấm đi, càng nhiều càng tốt. Anh công kênh em bao lâu cũng được. Rằng anh đã chỉnh hết các thông số rồi, em cứ bấm, hỏng cũng được. Đừng sợ...

Máy của chàng nghe đâu chụp tốc độ 12 hình ảnh/giây, so với máy của mụ, 3 hình ảnh/giây, khác gì bì phấn với vôi. Mụ đứng bên cạnh nghe ù hết cả tai, nhưng cũng hiểu rằng, đó là giải pháp tối ưu. Xung quanh, đám thanh niên cũng tìm cách công kênh bạn gái lên đầu. Không biết có đứa nào sau đó bị sái cổ hay không, nhưng chí ít, còn hơn là mụ đang bị tấn công túi bụi bằng ngực.

Mụ rất có nhã ý nhường cho gã nhà báo xịn cái vinh dự đứng trước Blondine ngực khủng, để chàng được nếm trải mặt trái của bộ ngực. Nhưng dường như đoán được ý đồ đen tối của mụ, gã bảo:

- Con bé đầy khoen đứng gần em chắc chắn là một Lesbian. Thấy em chen vào mà nó chẳng ý kiến gì. Anh mới thử mon men đã bị nó giẫm một phát vào chân tê tái.

- Thế còn em Blondine này thì sao?

- Cho anh xin. Sức anh làm sao chịu nổi hai quả núi ấy - gã vội vã từ chối.

Thế là mụ đành đứng im chịu trận. Thôi, thà bị hai quả núi thúc vào lưng còn hơn mất chỗ. Cái chỗ mà chỉ nhích chân ra một tý đã có đứa khác lấn chiếm ngay. Thế mà mụ vẫn cảm thấy mình càng lúc càng bị đẩy xa khỏi vòng cấm địa. Thế mới biết, kinh nghiệm những ngày xa xưa xếp hàng chen chúc mua tem phiếu mậu dịch đã bị mai một hết rồi!

Gã nhà báo, mắt đảo như bi, nhăm nhe nghĩ kế. Chứ không à, chẳng lẽ nước đại Pháp của gã đã thua trong trận đấu Pháp - Đức, giờ gã lại chịu thua cái vụ săn ảnh này sao?

- Anh truyền cho em kinh nghiệm này nhé - gã bảo mụ. - Thế này chưa ăn thua gì em ạ. Có lần anh đã phải giả vờ làm rơi cái máy ảnh vào đầu một đồng nghiệp. Chỉ cần người ta thụp xuống là đủ để mình có một khoảnh khắc. Chỉ cần một giây, không, một phần của giây thôi, là đã chộp được hoặc vĩnh viễn bỏ qua một cơ hội. Mà mỗi tấm ảnh là tiền, là danh dự, là tên tuối, là sự nghiệp...

Đã Si-đa còn xông pha hiến máu”! Kinh nghiệm quý báu thật! Nhưng mụ biết, mụ chẳng bao giờ dám làm rơi cái máy ảnh đi mượn mà nếu có rơi, nó cũng chẳng làm đau được ai. Nhẹ hều. Còn gã, chắc gã cũng không thể làm việc ấy khi xung quanh chỉ là những người dân hiền lành đang điên cuồng vì chiến thắng.

Gần 4 giờ đồng hồ trôi qua. Xung quanh mụ, tiếng ồn mỗi lúc mỗi náo nhiệt, nhưng người có vẻ không đông thêm. Mụ ngạc nhiên, không lẽ bốn trăm nghìn người chỉ có thế?

Rời vị trí chiến đấu, sau khi cẩn thận nhắc cô bạn len vào thế chỗ, mụ đảo một vòng quan sát. Thì ra, cảnh sát Đức đã quây rất nhiều lớp hàng rào người. Cứ mỗi lớp lại có một đội cảnh sát bảo vệ, ngăn đám đông không tụ tập quá nhiều ở một điểm. Sở dĩ mụ giữ được cái chỗ ấy không bị ai tranh mất là vì, lượng người rốt cuộc cũng chỉ có tần ấy.

Nóng, nắng, khát và mỏi... Đâu đó người ta kháo nhau Ban tổ chức đi phát những lon Coca Cola miễn phí. Nhưng chả ai buồn nhúc nhich.

Thế rồi cái phút trọng đại ấy cuối cùng cũng đến. Từ Wilhemstrasse, quân đoàn chiến thắng tiến lại khán đài với tốc độ rùa bò. Cô bạn ngồi trên “chòi quan sát cổ”, thông báo từng di chuyển chập chạp của đoàn xe. Chìm trong rừng cờ, hoa, điện thoại, máy chụp ảnh, máy quay hình... mụ chỉ còn biết vô vọng giơ máy ảnh lên bấm hết tốc độ. Hoàn toàn không nhìn thấy gì, chân kiễng tay với, sau khoảng 20 phút, mụ rã rời khuỵu xuống đống đồ nghề bị quẳng lại không thương tiếc dưới chân.

Cũng may, đám đông toàn người tử tế, nếu không, có bị cuỗm đi cả ba lô lẫn đồ nghề ảnh cũng chả ai biết đấy là đâu.

Đằng sau mỗi vinh quang, là biết bao nhọc nhằn, mồ hôi và cả nước mắt...

Gã đã nói với mụ như vậy, giọng bùi ngùi, lúc ăn sáng.

Bất giác, mụ nhìn vào bàn tay gã. Ngón cái co quắp, một trong những tai nạn cách đây không lâu, khi gã còn là một phóng viên chiến trường ở Phi Châu.

Mụ chợt hiểu, đằng sau những tấm ảnh của một phóng viên nhiếp ảnh thực thụ, là cả một số phận, với những trải nghiệm không dễ gì được hé lộ nếu không có một cơ duyên.

Rời đám rước còn đang cuồng nhiệt với đoàn quân chiến thắng, mụ, gã và nàng nằm lăn trên một bãi cỏ gần đó. Mụ hồi hộp giở những tấm ảnh trong chiếc máy Canon 600D trông như món đồ chơi bên cạnh cái Nikon D3 khổng lồ của gã, cùng nhau xem những tấm hình của những thợ săn. Những dấu ấn lịch sử trong những khoảnh khắc lịch sử của sự trở lại ngọt ngào.

Hai mươi bốn năm sau... Nước Đức chiến thắng. Hai mươi bốn năm sau, lần đầu tiên, dù mất gần 5 tiếng đồng hồ phơi nắng, mụ cảm thấy thời gian không hề uổng phí.

Dù thành quả thu được, chỉ là những tấm ảnh không hề có mặt mụ. Nhưng sẽ là những tấm ảnh đáng nhớ nhất kể từ khi mụ biết cầm máy.

Chùm ảnh của Thymianka Thảo Nguyên:
 










Bài và ảnh: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin - Ngày 15-7-2014


 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn