Ký của Cao Lan: CẢM XÚC THÁNG HAI

Chủ nhật - 16/02/2014 16:11

(NCTG) “Nhưng để có mùa xuân tươi đẹp hôm nay, máu của bao nhiêu người đã đổ xuống trên mảnh đất này…”.


Phố xá Đồng Đăng bị tàn phá tan hoang năm 1979 - Ảnh tư liệu


Lúc 8 giờ sáng ngày 13-2-2014 tôi đến Lạng Sơn, nơi địa đầu Tổ quốc qua lời mời của một người bạn. Cũng đêm đó, tại Trung tâm Hội chợ Thành phố, có liên hoan văn nghệ khai mạc Lễ hội chợ xuân 2014. Nhìn những vũ công và ca sĩ Việt Nam, diễn viên khách mời Trung Quốc đang biểu diễn da thịt tím tái vì lạnh thật khó diễn tả cảm xúc.

Cũng như, không thể diễn tả cảm xúc của mình nếu như không nhớ rằng, ngày 17-2 cách đây tròn 35 năm về trước, Đồng Đăng, Lạng Sơn đã chìm trong bão lửa và đạn pháo Trung Quốc. Máu đã đỏ thắm mảnh đất biên giới này. Máu của người Việt Nam.

Không về khách sạn, tôi ngủ lại nhà người bạn cũ thời đại học để ôn chuyện xưa.

Đêm biên giới lạnh. Còn ba độ.

Không ngủ được.

Nghe tiếng gà xao xác sang canh, mấy chị em cùng tỉnh giấc.

Những ký ức về ngày 17-2 trở về trong câu chuyện của bạn tôi, lúc đó chỉ là đứa trẻ lên chín lên mười. Nhưng những gì đã trải qua thì cô mãi mãi không thể nào quên. Bạn tôi, năm 1979 sống với bố mẹ ở Đồng Đăng, nhớ lại rằng, gần sáng, cả nhà đang nằm trong chăn ấm, nghe tiếng súng ầm ầm, còn không biết là bị Trung Quốc tấn công. Cả nhà bồng bế nhau chạy xuống Lạng Sơn, rồi qua ải Chi Lăng, về Đồng Mỏ lánh nạn.

Nhưng có nhà không chạy được, chỉ trong một ngày, Đồng Đăng chìm trong đạn pháo, tan hoang, có nhà chết cả không còn ai. Khi chiếm Đồng Đăng, lính Trung Quốc vào những nhà chưa trúng pháo, kiểm tra xem có sách vở tài liệu, đánh dấu chữ thập vào, dùng bộc phá đánh sập nốt. Không còn sót lại gì, chỉ trong vài ngày Đồng Đăng thành đống gạch vụn.

Bạn tôi theo mẹ chạy về Đồng Mỏ, bố ở lại đánh giặc rồi hy sinh luôn trong ngày 21--2. Chú rồi cậu của bạn cũng ngã xuống cách đó vài ngày. Mẹ bạn không về Đồng Đăng nữa, nhưng chỗ ngôi nhà cũ, bà vẫn nhớ như in. Và bà cũng không quên được những người đã cho bà từng bò gạo, cái áo để các con bà khỏi chết đói, chết rét.

Ba mươi lăm năm, người Lạng Sơn không quên những tháng ngày ấy.

Những gì cần nói thì có bao nhiêu bài báo, thước phim đã nói cả. Nhưng chỉ có những người đã sống trong những ngày tháng ấy mới có trải nghiệm chuẩn xác nhất, còn lại chỉ là quan sát bên ngoài. Họ là những người thấm thía nhất sự tàn sát của quân Trung Quốc ở mảnh đất này.

Mỗi gia đình Lạng Sơn đều có một vết thương từ cuộc chiến tranh Biên giới. Những đứa trẻ ngày ấy, sống sót qua cuộc chiến tranh giờ đã ở độ tuổi “tứ thập”, họ hồi ức về những mất mát đau thương đã qua bằng cả một cái nhìn sâu sắc. Gói lại đau thương nhưng mãi mãi không quên ký ức.

Mà ký ức là gì?

Ngày 14-2-2014, tôi đi thăm lại pháo đài Đồng Đăng.


Pháo đài Đồng Đăng - Ảnh: diemhenviet.com


Pháo đài Đồng Đăng, chứng tích của hai cuộc chiến tranh vẫn đứng đó, im lìm trong hoang phế đổ nát. Trong con mắt các nhà quân sự, pháo đài Đồng Đăng là một trong những pháo đài đẹp và kiên cố nhất Đông Dương, người Pháp từ lúc đó đã có ý phòng ngự tuyến biên giới phía Bắc từ vị trí này.

Trong cuộc chiến Biên giới, pháo đài là nơi xảy ra trận chiến đẫm máu. Ngày 17-2-1979, khi quân Trung Quốc tấn công thị xã Đồng Đăng thì đơn vị đóng quân trên pháo đài lúc bấy giờ thuộc Công an tỉnh Lạng Sơn với 200 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ pháo đài trong một tuần, ngăn chặn quân Trung Quốc, không để chúng tiến về thị xã Lạng Sơn. Lực lượng không cân sức, bị bao vây, không có chi viện nhưng những chiến sĩ trong pháo đài Đồng Đăng vẫn quyết tử, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Trụ được đến ngày cuối cùng vào 22-12, quân Trung Quốc đã chở bộc phá đánh sập cửa chính, dùng sung phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa học vào các lỗ thông hơi, làm thiệt mạng tất cả những người trong pháo đài bất kể dân thường hay thương binh, Trong cuộc chiến đấu, đơn vị bảo vệ pháo đài, 200 chiến sĩ đã tử trận gần hết chỉ còn 6 người. Với trận chiến lịch sử này, những người anh hùng ấy đã trở thành bất tử.

Nhưng giờ đây, pháo đài bị bỏ hoang. Trong pháo đài, xương cốt của bộ đội và công an Việt Nam, dân thường lánh nạn vẫn còn lại. Khoảng mười năm trước đã có một cuộc tìm hài cốt và di dời về nghĩa trang, trong ngày ấy, theo lời kể của người dân địa phương, hàng chục hài cốt được đưa ra khỏi pháo đài, những chiếc tiểu sành phủ cờ đỏ để dọc suốt triền núi khiến cho những người chứng kiến dù không phải thân thích ruột thịt cũng không cầm được nước mắt.

Ba mươi lăm năm, khoảng thời gian đủ để xây dựng lại thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng to đẹp sầm uất hơn trong ký ức. Nhưng hình ảnh Lạng Sơn trong ngày 17-2-1979 thì không thể nào quên.

Ngày 15-2 năm nay, không khí lễ hội mùa xuân tưng bừng trên khắp thành phố Lạng Sơn - đào vẫn nở đỏ thắm trên sườn núi, trước các cửa nhà dọc ven đường đi Cao Lộc, đi Na Sầm. Sông Kỳ Cùng vẫn xanh và chảy một dòng thao thiết.

Nhưng để có mùa xuân tươi đẹp hôm nay, máu của bao nhiêu người đã đổ xuống trên mảnh đất này…

Không quên ký ức!

Rời Lạng Sơn trở về Hà Nội chiều 15. Trên xe, tôi nghe lại bài hát của một thời từng vang vọng. “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn. Như chồi non cỏ biếc. Như rừng cây của lá như tình yêu đôi ta…” (*).

Trời biên giới vẫn xanh thẳm!

(*) Ca khúc “Chiều biên giới”, nhạc Trần Chung, lời thơ Lò Ngân Sủn.

Cao Lan, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn