Âm thanh xưa cũ
Đó là khi nghe âm thanh xưa cũ của băng cối dàn TEAK, với những giọng ca lừng lẫy một thời “phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca biệt ly”... Đã nghe Kim Anh, Bảo Yến hát “Nửa đêm ngoài phố” từ rất lâu, ấy vậy mà khi nghe Thanh Thúy ca “
buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời” lập tức cảm thấy hay đến sững sờ! Phải chăng ngoài giọng ca được mệnh danh là liêu trai của Thanh Thúy, bản ghi âm
pre 1975 có một cách hòa âm đệm nhạc khác biệt rõ rệt với giai đoạn sau này?
Tiệm băng đĩa Thanh Nhân có hẳn một kệ bày bán những CD thu lại những bài hát có tuổi đời tính bằng nhiều thập kỷ, được ghi âm tại Sài Gòn trước năm 1975. Tôi nghĩ đa phần những người tìm đến địa chỉ đặc biệt này ở Sài Gòn đều muốn tìm về với kỷ niệm. Đó không hẳn chỉ là “
đi tìm thời gian đã mất”... Với tôi, những bài hát dẫn dắt về với kỷ niệm thời tiểu học nghe “Nửa hồn thương đau” ở nhà bạn (mà sau này khi nhớ lại tôi biết đó là giọng ca Thái Thanh cao vút).
Một giọng ca từ quá khứ: Thanh Thúy - Ảnh: Internet
Dạo ấy, tôi nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn “Gia tài của mẹ”, “Đại bác ru đêm” ở nhà một người bạn của ba tôi. Ca từ và giai điệu dù chỉ nghe một lần mà đọng lại rất lâu, nhớ hoài. Tôi nhớ dàn máy AKAI cũ kỹ đặt trang trọng nơi phòng khách nhà cô giáo chủ nhiệm năm lớp 9, trong một con hẻm giáo xứ Bùi Chu - Phát Diệm đường Lê Văn Sỹ. Tôi nhớ một sáng Mùng Ba Tết cách đây hơn một phần tư thế kỷ, lần đầu tiên được biết đến giọng ca Lệ Thu qua bản “Mùa thu chết” nghe băng cassette ở nhà cô bạn thân. Nhạc phẩm đã đi vào ở lại lòng tôi, đã khiến tôi mùa hè năm đó lên Đà Lạt tìm ngắm hoa thạch thảo.
Giọng ca Lệ Thu quyến rũ chinh phục tôi kể từ ngày ấy: cô hát rõ lời, luyến láy như có như không mà vô cùng gợi cảm. “
Tiếng hát trời cho ấy phát ra từ một trái tim và đi thẳng vào trái tim người nghe để trở thành kỷ niệm”. Và giờ đây lòng tôi chùng xuống khi nghe lại Thanh Lan, với những bản nhạc Pháp lời Việt “Bang bang”, “Oh mon amour”, Tình ca hồng”, “L'aventura”... Thanh Lan hát tiếng Pháp thật mềm mại và lãng mạn - như người ta thường nói rằng tiếng Pháp là ngôn ngữ của tình yêu - da diết mà không ủy mị.
Những danh ca ngày nào nay tuổi đều đã ngoài 60, 70. Vẫn là đẳng cấp diva, divo nhưng giọng hát thì không còn trong như những bản thu âm
pre 75. Những nhạc sĩ tài hoa đa phần cũng đã về với cát bụi. Ôi thời gian thời gian...
Giang Trang, người thổi hồn những âm thanh xưa cũ theo cách riêng
Rồi tôi nghe Giang Trang (được giới thiệu là giọng ca đến từ Hà Nội) hát trong đêm nhạc “Chiều qua vẫn qua”, đúng vào kỷ niệm sinh nhật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vẫn là những bài hát mà ta luôn tìm thấy ta đâu đó trong ca từ của họ Trịnh, nay Giang Trang thổi vào đó một chút tâm hồn xứ Bắc. Nghe là lạ mà gần gũi thân quen. Cách hát nhẹ nhàng, đằm thắm của Giang Trang có lẽ hợp với Tinh thần âm nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là cách ông chọn để chia sẻ với chúng ta về tình yêu, về cuộc sống, về thân phận con người.
Xem Giang Trang biểu diễn live trên sân khấu, tôi hiểu tại sao cô có lần bảo nghe mãi vẫn chưa quen với từ ca sĩ... Em khiến tôi liên tưởng đến một câu rất nổi tiếng của Trịnh Công Sơn: “
Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”. Nhưng có hư ảo đến đâu thì cảm xúc “
buốt trái tim” đêm 28-2 là có thật, khi Giang Trang cất lời hát: “
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời ta cứ vui”.
Quan trọng hơn, Giang Trang được khán giả (rất nhiều người trẻ) nồng nhiệt tiếp nhận, qua những tràng vỗ tay không dứt tại khán phòng Idecaf. Trải qua bao thời gian và thăng trầm biến cố, nhưng vẫn cởi mở với những thị hiếu khác nhau của người nghe nhạc và những dòng nhạc trào lưu âm nhạc khác nhau, chắc chỉ có thể là Sài Gòn?