Tác giả Thuận
“Buổi sáng Chủ nhật, mắc kẹt trong tàu điện ngầm Paris, nhân vật chính của tiểu thuyết, một phụ nữ Việt Nam tha hương, hồi nhớ mối tình dang dở của cô với Thụy, một trong hàng nghìn người Việt gốc Hoa từng bị chính quyền Hà Nội xua đuổi khỏi lãnh thổ Việt Nam vào thời điểm chiến tranh biên giới Việt-Trung.
Thụy đến Chợ Lớn, Chinatown của Sài Gòn, để bắt đầu một cuộc đời mới. Còn nhân vật chính, đặt chân tới Pháp, cũng chọn khu Belleville - một Chinatown của Paris. Và cô viết văn” (Thuận).
“Thuận đã cho nhân vật của “Chinatown” lặp lại đúng chặng đường của mình – Hà Nội-Moscova-Paris – và chuyện đời của Duras – như bà kể trong “Người tình”. Nhưng tự truyện và Duras chỉ là ảo ảnh, là nháy mắt mà tác giả “Chinatown” bày ra để kéo người đọc vào mê lộ của nghệ thuật viết” (*).
*
Đồng hồ đeo tay chỉ số mười. Thằng Vĩnh nhỏm dậy kêu mỏi. Nó ngủ trong tàu điện ngầm. Đầu ngả vào vai tôi. Tàu đến một ga nhỏ thì dừng lại. Mười lăm phút rồi vẫn không nhúc nhích. Người ta phát hiện một túi du lịch vô chủ. Người ta nghi âm mưu đánh bom một cái ga hiu hắt thế này chứa một âm mưu khác nguy hiểm hơn nhiều. Tôi không biết nên ngồi đợi xem âm mưu ấy nguy hiểm đến mức nào. Hay ra ngoài bắt một cái xe buýt mà đi tiếp. Thằng Vĩnh lại ngả đầu vào vai tôi ngủ. Mười hai tuổi nó cao bằng Thụy lúc mười sáu tuổi. Buổi trưa nó ăn căng tin ở trường. Một đĩa khoai tây nghiền. Một khoanh thịt bò rán. Hai lát giăm bông. Hai lát phó mát. Sữa chua. Kem. Bánh ngọt. Buổi trưa Thụy ăn cơm ở nhà. Thụy đi học về là vào bếp nấu cơm. Ba anh em hai bơ gạo, nửa mớ rau muống, sáu con tôm. Thằng Vĩnh cao bằng Thụy năm mười sáu tuổi. Tóc nó cũng cắt cao như tóc Thụy. Mắt nó cũng xếch như mắt Thụy. Trong lớp bạn bè gọi nó là thằng Trung Hoa. Ra đường người ta gọi nó là thằng Trung Hoa. Ở quận Mười Ba người ta nói với nó bằng tiếng Quảng Đông. Cả trường gọi Thụy là thằng Tàu. Thằng con cháu Đặng Tiểu Bình. Thằng tay sai Bắc Kinh. Cả phố gặp Thụy đều hỏi thế nào bao giờ về nước. Giường tủ bàn ghế bán hết chưa. Thầy hiệu trưởng được mời lên công an khu vực. Học trò Âu Phương Thụy cần được theo dõi sát. Học trò Âu Phương Thụy gia đình xin được ở lại Việt Nam sinh sống. Chính phủ đang xem xét. Chính phủ chưa quyết định gì. Nhưng cần theo dõi sát. Đại hội Đảng vừa có công hàm Bắc Kinh là kẻ thù số một của nhân dân Việt Nam. Học trò Âu Phương Thụy cần được theo dõi sát. Có thể chưa có biểu hiện gì. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta là theo dõi sát. Từ công an khu vực về, thầy hiệu trưởng họp ban giám hiệu. Từ ban giám hiệu về, cô giáo chủ nhiệm họp cán bộ lớp. Hôm sau cả lớp nói với nhau thằng Thụy có vấn đề. Hôm sau nữa toàn trường xôn xao gia đình thằng Thụy bị công an chống gián điệp theo dõi. Gia đình thằng Thụy thường xuyên nhận tài liệu mật của Bắc Kinh. Trong lớp không ai chơi với Thụy. Không thầy cô giáo nào gọi Thụy lên bảng. Trong trường, mỗi khi Thụy đi qua, mọi người im lặng nhìn đi nơi khác. Giờ tập quân sự, Thụy được ngồi nhà. Thư gửi chiến sĩ đảo Trường Sa, Thụy được miễn viết. Năm cuối cấp học sinh cá biệt cũng được chiếu cố kết nạp đoàn. Nhưng Thụy thì không. Người ta không đả động gì đến Thụy. Người ta làm như không biết Thụy là ai. Người ta làm như không có Thụy trong lớp. Mười sáu tuổi Thụy cao bằng thằng Vĩnh bây giờ. Tóc Thụy cắt cao. Mắt Thụy xếch. Trong xe ô tô, Thụy ngả đầu vào vai tôi ngủ. Thụy kể Thụy sinh ở Yên Khê. Chúng tôi sinh cùng năm. Thụy trước tôi ba tháng hai ngày. Hôm sau cả lớp nói với nhau tôi phải lòng Thụy. Hôm sau nữa toàn trường xôn xao tôi bị thằng tay sai Bắc Kinh bắt mất hồn. Thầy hiệu trưởng mời bố mẹ tôi tới văn phòng. Cô giáo chủ nhiệm gọi tôi ra gặp riêng. Cô giáo dạy toán gọi tôi ra gặp riêng. Thầy giáo dạy văn gọi tôi ra gặp riêng. Thầy giáo tiếng Anh gọi tôi ra gặp riêng. Bí thư liên đoàn trường gọi tôi ra gặp riêng. Em nên tập trung để dẫn đầu cả lớp kỳ thi cuối năm. Em nên tập trung để đạt kết quả cao nhất kỳ thi hết cấp. Em nên tập trung để mang lại danh dự cho toàn trường kỳ thi đại học. Người đem trách nhiệm trao cho tôi. Người mang thi cử ra làm tôi sợ. Không ai đả động gì tới Thụy. Không ai tỏ ra muốn biết Thụy. Bố mẹ tôi cũng làm như không biết Thụy. Ba năm tôi học cấp ba, bố mẹ tôi không bao giờ nhắc đến Thụy. Năm năm tôi học đại học ở Nga, bố mẹ tôi cũng không bao giờ nhắc đến Thụy. Bố tôi bảo nên tập trung để sau năm năm được cái bằng màu đỏ. Mẹ tôi bảo được cái bằng màu đỏ rồi làm gì thì làm. Bố mẹ tôi đều hy vọng tôi sẽ quên Thụy. Hai mươi ba năm nay bố mẹ tôi hy vọng tôi quên Thụy. Thằng Vĩnh nhỏm dậy lần nữa. Âm mưu nguy hiểm vẫn đang đợi công an đặc nhiệm đến điều tra. Tôi vẫn không biết nên ngồi đợi hay ra bắt xe buýt. Ba người khách cùng toa nhăn nhó. Có đi nữa hay không thì phải báo. Một ngày ba tiếng trong phương tiện công cộng còn gì là đời. Tôi quay lại bảo tôi cũng một ngày ba tiếng trong phương tiện công cộng. Chẳng ai phản ứng. Tôi nói thêm hắn cũng thế, hắn cũng một ngày ba tiếng trong phương tiện công cộng. Ba người khách vẫn không phản ứng. Tôi bảo tên hắn dài lắm, có đánh vần cũng chẳng ai nhớ được. Cũng chẳng để làm gì. Có lẽ cứ gọi hắn là hắn. Từ bàn làm việc hắn gọi điện cho tôi. Hắn gọi cho tôi mười lăm phút giữa ngày. Tôi ngồi gặm bánh mì trong phòng giáo viên. Bác sĩ bảo stress. Stress vì phương tiện công cộng. Ba tiếng một ngày. Stress không có ở thế giới thứ ba. Người thế giới thứ ba mắc nhiều bệnh hiểm nghèo nhưng không ai mắc bệnh stress. Việt Nam thế giới thứ ba nhưng Việt Nam bốn mùa cây trái. Việt Nam rừng vàng biển bạc. Việt Nam có vịnh Hạ Long kỳ quan thế giới, có Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông, có Marguerite Duras giải Goncourt văn học. Stress không có ở thế giới thứ ba. Stress chỉ Việt Nam mới chữa được. Hắn đi Việt Nam mười hai lần. Mười một lần từ Bắc vào Nam bằng xe máy Liên Xô. Hắn làm Tây ba-lô. Hắn ăn đường ngủ chợ, về đến Charles de Gaulle còn mỗi quần soóc và áo may ô, tóc dài đến vai, người toàn nốt muỗi đốt. Trong tàu điện ngầm người ta nhìn hắn nghi ngờ. Ở Việt Nam nhân viên khách sạn nhìn hắn lắc đầu. Mày đày đọa thân mình làm gì, tôi hỏi hắn. Mày tưởng mày hơn tao, hắn hỏi tôi. Hắn hỏi tôi nhiều chuyện. Lâu ngày có nhớ nước chanh của mẹ không. Bố mày còn vác được xe đạp lên gác chứ. Thằng Vĩnh vẫn sưng họng à. Thằng Paul vừa lây sang thằng Arthur hôm qua. Cuối năm bọn đồng nghiệp của mày có cái đề nghị gì hay ho không. Bọn phòng tao rủ nhau đi ăn hiệu. Quán Xích Lô. Lần này đến lượt tao được chọn. Tao sẽ gọi món chim quay của thằng Vĩnh. Con Yamina năm tới lưu ban thì học cùng lớp với thằng Yasin em ruột nó à. Cô Feng Xiao hồi này thế nào. Sắp về quê bốc mộ Đặng Tiểu Bình chưa. Hắn hỏi tôi nhiều chuyện. Không bao giờ hắn đả động đến Thụy. Không bao giờ. Hắn làm như hắn không biết Thụy là ai. Về Việt Nam hắn tránh đi cùng chuyến với thằng Vĩnh. Quay lại Pháp hắn cũng tránh đi cùng chuyến với thằng Vĩnh. Hắn sợ gặp Thụy ở sân bay. Tôi hỏi hắn nhiều chuyện. Không bao giờ tôi hỏi chuyện vợ hắn. Không bao giờ tôi đả động đến đời tư của hắn. Cả quá khứ lẫn hiện tại. Tôi không cần biết. Tôi tự bảo không có nhu cầu biết. Tôi tự bảo không hơi đâu kiểm tra đời tư của hắn. Thằng Paul, thằng Arthur gặp mẹ chúng nó một tháng mấy lần, ở đâu, bao lâu, không bao giờ làm tôi để ý. Tôi không biết số điện thoại cơ quan hắn. Mỗi lần gọi điện thoại đến nhà hắn tôi đều phải mở sổ tay. Mười năm nay hắn không chuyển nhà lần nào. Nhưng tôi vẫn mở sổ tay. Thế nào mọi thứ ổn chứ. Công việc tốt chứ. Không ai sưng họng chứ. Thằng Vĩnh muốn nói chuyện với thằng Paul và thằng Arthur. Hai khả năng xảy ra. Hoặc thằng Vĩnh nói chuyện với một trong hai thằng kia, ba mươi phút. Tôi trả bao điện thoại vô hạn định nội thành và ngoại ô Paris. Hoặc, không thằng nào có nhà à. Không sao. Không quan trọng đâu. Không phải gọi lại đâu. Chuyện trẻ con ấy mà. Hắn nhắm mắt cũng đọc được số điện thoại nhà tôi, điện thoại phòng giáo viên trường tôi, điện thoại cầm tay của tôi, điện thoại hàng xóm của tôi, điện thoại cô Feng Xiao. Ba năm tôi đổi ba lần địa chỉ e-mail. Hắn chẳng cần sổ tay cũng không bao giờ nhầm. Wanadoo, Club-internet, Liberty.surf. Tên tôi, đệm Thụy. Tên Thụy, đệm tôi. Họ tôi, họ Thụy. Họ Thụy, họ tôi. Tôi cũng không nhớ nữa. Tôi cũng phải mở sổ tay. Nhưng hắn chấp hết. Không cần sổ tay hắn cũng không bao giờ nhầm. Đi đâu xa, về quê nhà hắn ở Rennes, hắn cũng viết cho tôi. Cúc cu thế nào. Hôm nay Chủ nhật sắp đi lễ nhà cô Feng Xiao à. Qua Tang Frères nhớ mua ba con bồ câu về quay cho thằng Vĩnh. Sắp ra phim “Người Mỹ trầm lặng”. Đợi tao về đi xem cùng nhé. Thằng Vĩnh gửi đến nhà tao. Bà dì tao sẽ lại cho cả ba thằng ăn chim quay. Nhưng hắn bảo hắn thích gọi điện cho tôi hơn. Mày có cái mặt khó đăm đăm nhưng giọng không đến nỗi. Thậm chí được. Tiếng Pháp của mày pha nhiều tạp âm lắm. Nào Việt. Nào Liên Xô. Nào Hà Nội. Nào Leningrad. Năm năm học tiếng Anh ở Nga không được dạy đại học Thanh Xuân thì làm giáo viên cấp hai ngoại ô Paris cũng được. Làm giáo viên cấp hai còn hơn làm thành viên hội năm triệu người Pháp thất nghiệp. Tao thấy giọng mày không đến nỗi. Nói chuyện với mày qua điện thoại đỡ mệt hơn là nhìn cái mặt khó đăm đăm của mày. Stress lắm. Bốn chín đồng nghiệp trường mày đều nói thế à. Hắn bảo hắn được mỗi cái nhớ dai. Lý lịch tôi hắn đọc vanh vách. Sinh nhật tôi, sinh nhật thằng Vĩnh, cả tôi lẫn thằng Vĩnh đều quên. Hắn nhớ tất. Không cần sổ tay hắn cũng nhớ tất. Không cần đọc giấy khai sinh, hắn cũng biết tôi sinh ở bệnh viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, thằng Vĩnh sinh ở bệnh viện Nhi Thụy Điển, nặng hai cân chín, dài sáu mươi phân. Mười hai năm sau, thằng Vĩnh cao thêm một mét, nặng gấp mười lần, đi giày số ba chín. Mười hai năm sau, một giờ trưa Chủ nhật thằng Vĩnh đòi ăn chim quay. Nó bảo cơm Việt Nam có món chim quay cung cấp đủ ca lo như bữa trưa căng tin trường nó. Nghỉ hè nghỉ tết về Việt Nam nó thích ăn trưa phố Tạ Hiền. Anh phục vụ thấy nó đến là mang ra ba suất chim quay, một suất cơm rang. Anh phục vụ biết cả nó không ăn củ kiệu, không uống bia Shingtao mà uống Coca Cola. Coca Cola nhà máy rượu bia Hà Nội liên doanh với công ty cổ phần hữu hạn Tai Feng bà nội nó làm đại diện. Bà nội nó ngày nó ra đời chỉ đợi cuối tháng đi lĩnh hưu non cùng ông nội nó, cùng chín ông bạn chín bà bạn nữa của phố Lương Ngọc Quyến, hai mươi cán bộ công nhân viên bốn mươi lăm tuổi đã được phòng tổ chức khuyên viết đơn xin thôi việc...
Ghi chú:
(*) Trích bài viết “Khoái cảm văn bản – đọc Chinatown của Thuận” (Đoàn Cầm Thi, đăng trên mạng “Tiền Vệ”).
(**) Có thể đọc toàn bộ tiểu thuyết “Chinatown” ở đây. Tựa đề do NCTG tạm đặt. NCTG chân thành cám ơn tác giả đã cho phép đăng tải và viết lời phi lộ.