Thầy trò khiếm thị: CÓ THÊM TÌNH YÊU NGHỆ THUẬT ĐỂ TỰ TIN TRONG CUỘC SỐNG

Thứ năm - 17/04/2014 12:21

(NCTG) “Mình muốn hướng các em tới tình yêu nghệ thuật, thông qua đó để cảm nhận về vẻ đẹp của cuộc sống, bởi vì cả cô và trò đều không nhìn được cái thực của cuộc sống mà chỉ mong muốn nhìn được vẻ đẹp của cuộc sống qua âm nhạc” – chia sẻ của giáo viên khiếm thị Phạm Thị Hương (trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội).


Cô Hương và trò nhỏ

Những buổi biểu diễn văn nghệ của các học sinh khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) luôn khiến khán thính giả ngạc nhiên và cảm phục, vì các em thiếu nhi đã chơi rất nhuần nhuyễn nhiều bản nhạc hòa tấu, độc tấu, không hề lạc nhịp hay sai phách, trong khi trước mặt các em không hề có một bản nhạc nào mở ra.

Sau khi tìm hiểu, PV báo NCTG còn ngạc nhiên hơn nữa khi được biết không chỉ học trò, mà các thày, cô dạy nhạc tại trường Nguyễn Đình Chiểu đa phần cũng là người khiếm thị. Chứng kiến và trò chuyện trực tiếp với các thầy trò, mới biết để chơi được một bài nhạc, thầy và trò phải trải qua quá trình dậy và học khổ luyện như thế nào!

Cuộc trao đổi sau đây được thực hiện sau một buổi tập đàn, với cô giáo Phạm Thị Hương và em Nguyễn Thảo Xuân, học sinh lớp 6, một thành viên xuất sắc trong dàn nhạc của nhà trường.



Thảo Xuân trong một chương trình biểu diễn của học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu

NCTG: Xin chào chị Hương và Thảo Xuân, hai cô trò tập vất vả quá! Hai cô trò có thể chia sẻ một chút về việc dạy và học đàn tranh của mình cho độc giả báo NCTG được không? Trước hết, cô Hương và Thảo Xuân đều không thấy một chút gì hết, vậy việc dậy đàn diễn ra như thế nào?

Cô giáo Hương (cười): Đầu tiên phải có yếu tố nhiệt tình, có sự chia sẻ đối với lớp trẻ chị ạ. Để dậy được, phải lập ra một qui trình giữa cô – trò để có một sự thống nhất với nhau.Ví dụ như ngón tay, phải qui định với trẻ ngón này là ngón 1, ngón này là 2, ngón này là ngón 3. Về đàn, phải gọi tên các bộ phận của đàn, khi mới vào học phải giới thiệu với trò đâu là cầu đàn, ngựa đàn, trục đàn, hộp cộng hưởng, v.v...

Lần đầu tiên, phải cầm tay trò và đặt vào tận nơi các bộ phận của đàn và giới thiệu đó là cái gì. Sau đó, hướng dẫn tư thế khi ngồi chơi đàn, cô ngồi làm mẫu cho trò sờ xem cô ngồi như thế nào, khoảng cách từ cô tới đàn như thế nào, đàn cách tay phải như thế nào cho thuận tiện.

Đó là cách làm quen với đàn và tư thế đàn còn về kỹ thuật, đầu tiên là cô làm mẫu cho trò nghe, tiếp đến trò vừa nghe vừa kết hợp sờ cô. Sau khi nghe và sờ cô thì em bắt đầu làm kỹ thuật trên tay của trẻ.

Giai đoạn đầu rất khó khăn, ví dụ để dạy trò rung thì trước tiên trò cầm vào tay cô lúc cô rung, sau đó cô đặt tay trò lên dây đàn, cô đặt tay cô trên tay trò, cô rung tay trò trên dây đàn và nói trò nghe thử xem giống cô rung không. Các thao tác khác cũng thế, đều phải qua tất cả các bước như trên.

Từ tất cả các bước đó để giúp trò hình dung ra được làm thế nào chơi được đàn, rồi học kỹ thuật riêng của môn đàn tranh.

Ban đầu rất khó khăn, giữa mình và Thảo Xuân có sự thông cảm nhất định. Bởi vì bản thân mình trước khi học đàn cũng học các chị chứ không phải học thầy cô. Khi các chị dậy cho mình, mình cũng rút được một số kinh nghiệm để sau này dạy Thảo Xuân hiệu quả.

Trước đây ở trường mình đã dạy rất nhiều trò rồi, cả trò khiếm thị lẫn trò mắt sáng. Và dậy trò khiếm thị giai đoạn đầu thường mình rất lo lắng, vì lúc mình đặt tay vào tay trò thì trò làm đúng, lúc mình bỏ tay ra trò làm sai mình cũng không quan sát được nên yếu tố quan trọng nhất giữa cô và trò là phải thành thật với nhau. Ví dụ khi mình đọc cho trò dây đô bằng ngón 3, dây pha bằng ngón 2 thì trò phải làm đúng như thế.

- Thế còn Thảo Xuân, làm sao bạn biết cô Hương đàn như thế nào để mà tập?

Thảo Xuân (cười): Đàn tranh có nhiều loại, 16 dây, 19 dây, 21 dây và 22 dây. Lúc bắt đầu học em mới 12 tuổi, em dùng đàn 16 dây, giờ em dùng đàn 19 dây rồi. Buổi đầu tiên cô giới thiệu sơ qua về đàn, đàn có bao nhiêu dây, cấu tạo đàn như thế nào, cô cầm tay em đặt vào từng bộ phận đàn để dạy.


Khổ luyện trong dậy và học

Sau đó cô dạy em học tư thế đặt tay sao cho nó đẹp, cô ngồi làm mẫu và bảo em sờ vào tay cô. Em phải sờ từ vai cô xuống cho hết cánh tay đến bàn tay để xem cô để tay như thế nào. Sau đó em ngồi vào và cô sẽ sờ lại em xem ngồi đúng chưa.

Khi học cô phải đánh từng nốt một, em phải cầm vào tay cô để xem cô gảy như thế nào. Ví dụ nốt đồ, cô đánh nốt đồ ngón 3 gảy xuống dây, lúc đó em cầm tay cô, sau đó cô cầm tay em hướng dẫn em gảy và em gảy lại đúng như thế.

- Trong kỹ thuật học đàn tranh, Thảo Xuân thấy khó nhất là kỹ thuật nào?

Thảo Xuân (cười): Lúc bắt đầu học thì kỹ thuật nào cũng khó cô ạ, giờ em thành thạo rồi thì thấy dễ. Như học rung, trong suốt quá trình học rung có rất nhiều khó khăn, thế tay của em rất cứng không được đẹp, phải luyện tập nhiều. Em thấy rất khó và không muốn học.

Em cầm vào tay cô suốt quá trình cô rung xem cô rung như thế nào, và sau đó em làm lại. Và để kiểm tra xem em rung đúng không đầu tiên cô nghe xem em rung tốt chưa, nếu rung chưa tốt thì cô sẽ cầm tay em và rung trên tay em.

Kỹ thuật á bàn tay của mình là một kỹ thuật cũng rất là khó, trước tiên phải mềm mại. Cũng như các kỹ thuật khác, cô Hương phải á cho em nghe, rồi em sờ vào tay để xem thế á nó thế nào và mình sẽ làm lại. Sau khi thành thạo thì em lại thấy kỹ thuật á rất dễ và làm thế nào để á hay được mới lại là khó.

Các kỹ thuật cơ bản như miết, nhấn, vỗ, nẩy hoặc kỹ thuật vê cũng thế cô ạ, học qua rồi thì thấy không khó nữa. Còn lúc bắt đầu thì đều thấy khó (cười).

- Đấy là dạy về kỹ thuật, còn về nghệ thuật, về sự cảm nhận một tác phẩm thì cô Hương dạy thế nào?

Cô giáo Hương: Trong quá trình dạy đàn cho trò, lúc đầu cô hỏi cảm nhận của trò, “con nghe đoạn này con thấy thế nào, con hình dung ra cái gì?”. Sau khi trò bày tỏ cảm nhận về đoạn nhạc đó, cô sẽ nói với trò theo quan điểm của cô đoạn này tác phẩm đang muốn miêu tả cái gì đó.

Trước kia, học tác phẩm thì trò xử lý thế nào là theo ý kiến của thầy cô. Đối với mình, khi mình dạy học sinh mình đưa ra rất nhiều cách xử lý cho các em lựa chọn. Mình phải tìm các tác phẩm có rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn, mỗi người có một cách xử lý khác nhau, mình tổng hợp và chơi lại cho học sinh nghe, sau đó học sinh sẽ chọn cách xử lý riêng và mình hướng dẫn các em theo cách các em chọn.

Chẳng hạn, khi dạy bài “Xuân quê hương” mình hỏi Thảo Xuân về đoạn điệp khúc rất rộn ràng, “thế con cảm nhận thế nào về bài này?”. Thảo Xuân chia sẻ, nghe nó vui vui và rộn ràng lắm. Mình miêu tả cho Thảo Xuân biết, theo ý kiến của mình bản nhạc này miêu tả về mùa xuân ở đồng bằng Bắc Bộ, sử dụng rất nhiều chất liệu dân ca như ca trù, các làn điệu dân ca Bắc Bộ ở trong bản nhạc này.

Mỗi một bài dạy của mình thì mình và Thảo Xuân thường chia sẻ với nhau, bài này nên đánh ở tốc độ thế nào để đạt được ý đồ của tác phẩm.


Tự tin hơn do lòng yêu nghệ thuật...

- Còn bản nhạc thì cô Hương đọc ở đâu? Vì như chúng tôi được biết, hoàn toàn chưa có sách nhạc chữ nổi cho người khiếm thị?

Cô giáo Hương: Hồi xưa bọn mình từng học nên những bản nhạc đó vẫn nhớ, mình học thầy cô cái gì thì mình truyền lại cho học sinh của mình, tất nhiên có sự nghiên cứu thêm. Tất cả các bản nhạc hoàn toàn là truyền khẩu, không có bản nhạc in.

Khi học ở Nhạc viện, giáo viên sáng mắt giao cho bọn mình một bài, mình sẽ cầm bản nhạc đó nhờ bạn biết âm nhạc đọc cho để chép ra chữ nổi, rồi học bản nhạc từ bản chữ nổi đó. Hoặc nhờ cô đánh bản nhạc thu vào máy ghi âm rồi về nhà nghe lại, đánh theo cô.

- Không có bản nhạc vậy nếu quên thì làm thế nào nhớ được?

Cô giáo Hương: Thì mình nghe lại từ băng đĩa (cả cô và trò cùng cười).

- Còn Thảo Xuân, có nhiều bản nhạc như thế mà không có sách, em sẽ học như thế nào?

Thảo Xuân: Cô Hương sẽ dạy em các bản nhạc và em học thuộc.  Tất cả các bản nhạc em đánh bây giờ đều do cô Hương dậy và em thuộc hết ạ.

- Thế có bao giờ bị nhầm và sót không?

Thảo Xuân:
Nhầm thì không ạ nhưng đôi khi biểu diễn có sót và run quá thì mới sót.

- Thế giờ em tập được bao nhiêu bản đàn tranh rồi? Và muốn chơi lại những bản đầu tiên em có chơi được không?

Thảo Xuân: Cũng phải trên mười bài rồi cô ạ, như là “Ing lả ơi”, “Những em bé ngoan”, “Gà gáy”, “Chiếc khăn hồng”... Bài “Ing lả ơi” là bài em học đầu tiên và bây giờ vẫn chơi được ngay ạ.

- Những bản đàn tranh của Thảo Xuân rất hay, em có mơ ước trở thành nghệ sĩ đàn tranh không?

Thảo Xuân
(im lặng một lúc): Em không dám mơ ước điều đó vì để trở thành nghệ sĩ em nghĩ là phải khó khăn lắm, em không nhìn thấy gì nên lại càng rất khó và gian nan. Em chỉ có một mơ ước là sau khi ra trường, lên cấp 3 em được vào học ở Học viện Âm nhạc để sau này quay lại trường dậy cho các bạn cùng cảnh ngộ.

Cô giáo Hương (tiếp lời Thảo Xuân): Mình muốn hướng các em tới tình yêu nghệ thuật, thông qua đó để cảm nhận về vẻ đẹp của cuộc sống, bởi vì cả cô và trò đều không nhìn được cái thực của cuộc sống mà chỉ mong muốn nhìn được vẻ đẹp của cuộc sống qua âm nhạc.

Thông qua những bài học đó, mình mong mỏi rằng các em sẽ yêu thích hơn môn đàn tranh này, các em có thêm tình yêu nghệ thuật, cảm nhận được cái hay, cái đẹp thông qua nghệ thuật, nhờ đó có được sự tự tin trong cuộc sống.

- Cảm ơn hai cô trò rất nhiều, chúc cho mọi mong muốn và ước mơ của cô Hương và Thảo Xuân đều trở thành hiện thực!

(*) Có thể xem clip về buổi tập của hai cô trò tại đâytại đây.

Bài và ảnh: Bích Ngọc, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn