Mấy hôm nay nói nhiều về hòa giải, hòa hợp quá. Và cũng thấy tương lai cho bước đi đó mù mờ hơn bao giờ hết, vì cứ tưởng NÓI thì dễ mà ít thấy ai, kể cả những người lẽ ra có quyền chức, NÓI được cho một lời lọt tai, huống hồ là LÀM. Lại nghĩ đến một sự kiện lịch sử tương tự ở châu Âu.
Ngày 7-12-1970, trước khi ký Hiệp ước Warszawa giữa Ba Lan và CHLB Đức (công nhận biên giới bất khả xâm phạm của Ba Lan), Thủ tướng CHLB Đức Willy Brandt đến đặt vòng hoa trước Đài kỷ niệm Anh hùng tại khu Ghetto cũ thời Đệ nhị Thế chiến ở Warszawa. Sau khi sửa băng chữ trên vòng hoa, ông bất ngờ quỳ xuống.
Nhân chứng Hermann Schreiber viết trong một bài báo cho tạp chí “Spiegel” một tuần sau đó: “
Khi một người không cùng chịu trách nhiệm về tội ác đó nhưng vẫn chủ động đi qua Ghetto Warzsawa và đến quỳ - thì ông ta không quỳ cho chính mình. Người quỳ là người không phải quỳ, mà quỳ hộ tất cả những ai phải quỳ nhưng không quỳ vì họ không dám hay không thể hay không thể dám quỳ.
Ông nhận gánh một tội lỗi mà ông không phải gánh, và xin thứ lỗi mặc dù chính ông không phải xin. Ông quỳ cho nước Đức”.
Willy Brandt được coi là có công lớn trong sự nghiệp giảm thiểu căng thẳng Đông-Tây và 1971 được trao giải Nobel Hòa bình. Bản thân ông phát biểu: “
Tôi luôn bị hỏi về ý nghĩa của hành vi trên. Liệu có phải theo kế hoạch có trước? Hoàn toàn không. Tôi không dự định gì hết (...) Bên bờ vực thẳm của lịch sử Đức, dưới sức nặng của hàng triệu sinh linh bị sát hại, tôi đã làm cái gì mà con người làm khi ngôn ngữ bất lực.”
Các bài cùng chủ đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” trên NCTG:
NẾU...
30-4, NGHĨ VỀ SỰ HỐI LỖI
30-4 VÀ NHỮNG GÌ SAU ĐÓ
SINH NHẬT BA MƯƠI THÁNG TƯ
NHỮNG NGÀY 30-4 CỦA TÔI
30-4