“MẤT GỐC”

Thứ năm - 22/05/2014 08:36

(NCTG) “Với tôi, nguyên Trái đất này chính là quê hương, và dù rất yêu mến Canada – nơi mà gia đình tôi nhận là quê hương thứ hai này, tôi cảm thấy mình có thể sống gần như bất cứ nơi đâu. Cũng như vậy, chuyện chết ở chỗ nào đối với tôi cũng không quan trọng. Có thể tôi sẽ sống những tháng ngày còn lại ở Nam Phi, ở Tây Tạng hay một nơi hẻo lánh nào đó, và như vậy là tôi đủ mãn nguyện”.



Ngày mới qua Canada, tôi buồn và “thèm” tiếng Việt kinh khủng. Phải nói chữ “thèm” mới diễn tả hết sự khao khát muốn được nghe, nói, đọc và viết tiếng mẹ đẻ trong tôi. Nhà bác – chị của bố, là người đã bảo lãnh gia đình tôi sang đây – có bao nhiêu sách báo tiếng Việt là tôi ngấu nghiến đọc. Đọc chưa đủ, tôi còn viết. Bây giờ thì chẳng nhớ rõ là tôi đã viết những gì, nhưng chỉ nhớ là viết được một vài bài, và một trong những bài đó “bị” bố đọc được (tôi thường giấu những bài viết của mình). Đọc xong bố gật gù, “hay con gửi đăng báo đi!”. Tôi nghe lời, nắn nót viết lên bìa thư địa chỉ của tờ báo tiếng Việt mà tôi yêu thích nhất, rồi gửi bài viết đó đi. Gửi nhưng tôi chẳng hy vọng gì người ta sẽ đăng bài của một con nhóc chỉ mới mười ba như tôi.

Nhưng rồi hai tháng sau, trên tay tôi cầm tờ báo mới toanh với bài viết của mình được đăng trong đó. Khỏi nói cũng hiểu được là tôi vui mừng đến chừng nào, và dĩ nhiên bố mẹ cũng vui. Cuộc sống của những năm tháng đầu tiên nơi xứ lạ có biết bao nhiêu nỗi chán chường, nên nếu có một chút gì vui thì niềm vui ấy rất dễ dàng được nâng lên cao. Bố cầm tờ báo đi xuống nhà, khoe với bác tôi:

- Chị ơi, con T. viết bài được đăng báo nè!

Câu nói của bố vừa dứt, tôi cảm nhận được bầu không khí đột nhiên chùng xuống. Ảm đạm. Bác cười gượng:

- À vậy hả? T. ... giỏi quá con!

Bố cũng vừa mới biết mình vừa phạm một sai lầm to lớn. Anh T., con trai - người con duy nhất của bác và cũng là anh họ tôi, không rành tiếng Việt, dù anh có thể hiểu và nói được đôi chút. Để “chữa cháy”, bố cười giả lả bảo là tôi may mắn thôi, và chắc có lẽ tờ báo lúc ấy thiếu bài nên chêm đại bài của tôi vào cho khỏi trống chỗ. Tôi nhớ bố nói nhiều lắm, và cuối cùng thì bác cũng vui lên được đôi chút.

Sau đó, lúc ở trong phòng riêng chỉ có bố, mẹ và tôi, bố nghiêm giọng bảo là từ nay đừng nhắc gì nữa về chuyện bài tôi được đăng trên báo. Bố cũng nói tôi hãy lo học tiếng Anh để theo kịp chúng bạn trong trường, chuyện báo biếc nên dẹp qua một bên.

Tôi hiểu bố không muốn bác tôi buồn.

Gia đình bác tôi định cư tại Canada khá sớm, trước 1975. Anh họ tôi lúc đó chỉ mới vài tuổi. Đi học tiếp xúc với bạn bè thầy cô bằng tiếng Anh, về nhà bật lên TV phim ảnh cũng toàn tiếng Anh, nên dễ hiểu anh T. quên tiếng Việt rất mau chóng, dù bác trai và bác gái tôi vẫn bắt buộc anh nói tiếng Việt ở nhà. Lúc gia đình tôi mới qua thì anh T. đang đi học xa, thỉnh thoảng ngày lễ thì về thăm nhà đôi chút. Trong những lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy anh cũng cố gắng nói tiếng Việt với chúng tôi, nhưng anh nói một cách rất khổ sở, như tôi hay tưởng tượng là “cọp nhai đậu phộng”. Khi nói chuyện trên phone với bạn bằng tiếng Anh thì anh lại hoàn toàn thoải mái, cứ như cá gặp nước. Có lần anh nói chuyện với bạn, tôi liếc nhìn bác tôi và cảm thấy dường như mắt bác thoáng đượm buồn, dù nụ cười vẫn nở trên môi.

Lúc ấy tôi và bác không thân, nếu không nói có phần xa lạ. Nhiều năm sau này, sau khi bố đã mất, bác và tôi mới có cơ hội nói chuyện và hiểu nhau nhiều hơn. Bác cũng như tôi, sống nội tâm và cô độc.

Canh cánh trong lòng bác suốt một quãng đời là một nỗi ân hận. Ân hận vì bác đã không giúp được anh T. giữ gìn tiếng Việt, ân hận vì trong tâm hồn anh không còn bao nhiêu là Việt Nam, hay nói thẳng ra, anh đã “mất gốc”.

Mất gốc”, hai chữ tuy ngắn ngủi nhưng thật đáng sợ! Nó khiến bao bậc phụ huynh tất tả đưa con đến học các lớp Việt ngữ mỗi thứ Bảy hoặc Chủ nhật; nó khiến bao vị cao niên khả kính không ít lần phải nhắn nhủ “đừng sợ các cháu không biết tiếng Anh, hãy lo các cháu đang quên dần tiếng Việt!”. Nó cũng là nguyên nhân đưa đến từ lóng “quả chuối.” Quả chuối có vỏ màu vàng, nhưng ruột trắng. Nó chỉ những người tuy bên ngoài là Á đông nhưng tâm hồn và cách suy nghĩ hoàn toàn theo lối của Âu Mỹ hoặc người da trắng.

Mất gốc...” chẳng phải đã từng có bài hát với câu cuối cùng khẳng định rõ ràng: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” đó sao!

Sau này học xong, anh T. trở về và làm việc tại Canada. Có dịp liên lạc và nói chuyện thường xuyên hơn với anh, tôi thấy mình hiểu anh nhiều hơn. Bây giờ nếu có ai nói về anh T. với giọng điệu chế giễu khinh thường là anh đã “mất gốc”, tôi sẵn sàng đáp lại:

- Yes, so what?

Một người dì kể cho tôi nghe câu chuyện về anh T. Cách đây khá lâu, có một lần đi máy bay anh bắt gặp một hành khách giở thói sàm sỡ với cô tiếp viên hàng không. Cô tiếp viên quay phắt lại, vừa nói một hai câu với gã kia thì gã cũng không vừa, lập tức lớn lối chửi mắng cô nọ vu khống. Anh T. đứng lên, đến bên gã nói nhỏ nhẹ là chính mắt anh đã thấy chuyện gã sàm sỡ cô tiếp viên, và nếu cần thì anh sẽ ra làm chứng với cảnh sát. Sự việc tiếp theo thế nào thì tôi không nhớ rõ, nhưng nhớ là tiếp viên đoàn, vì muốn cám ơn nên đã chuyển anh từ hạng ghế economy lên ngồi ở hạng nhất.

Đó là anh T. Gặp chuyện trái tai gai mắt gì anh đều lên tiếng, và nếu giúp đỡ được ai thì anh sẵn lòng giúp đỡ. Chuyện ở trên chỉ là một trong số vô vàn những chuyện tương tự mà tôi biết về anh.

Gia đình anh cũng giống như gia đình tôi, khá neo đơn. Anh thương bố mẹ nên dù có khả năng tài chính dồi dào, dù rất thích sự tự do phóng khoáng nhưng anh không ở riêng, vì không muốn thấy bố mẹ lủi thủi ở nhà. Theo tôi được biết thì anh chưa bao giờ dọn ra riêng (trừ lúc đi học xa). Sau này khi bác trai mất, anh lại càng không muốn để mẹ một mình. Có lần anh tâm sự với tôi, nếu lỡ anh có mệnh hệ gì thì chẳng biết bác tôi phải làm sao, và anh cứ canh cánh điều đó trong lòng.

Anh T. chưa vợ, chỉ có bạn gái này bạn gái kia. Có thể đó là kết quả của mối tình đầu tan vỡ mà anh chưa bao giờ quên. Việc anh vẫn cứ lông bông chưa vợ cũng là một mối lo với bác, bác cứ nói với tôi chẳng biết khi bác trăm tuổi thì ai sẽ chăm sóc anh.

À mà nói tới đâu rồi nhỉ, phải trở lại chuyện “mất gốc” thôi!

Đúng vậy, anh T. đã quên tiếng Việt nhiều, không có hứng thú với áo dài khăn đóng hay Tết nhất lễ lạc của người Việt mình, không có ý định về thăm Việt Nam, v.v... nhưng rồi thì sao? Tôi chưa có con, nhưng dù vậy tôi chắc chắn các bậc cha mẹ đều mong muốn con cái mình sau này khi lớn lên sẽ trở thành người tốt, có cống hiến cho xã hội, và hiếu thảo với mình. Đây là quan niệm chung, bất kể Đông - Tây.

Nhìn anh T., tôi không chắc những người mà được cho là không “mất gốc” có thể được như anh!

Tôi hiểu nỗi buồn của bác tôi. Bác từng là nữ sinh Huế, lớn lên trong một bầu trời đầy thơ mộng của văn chương và thi phú. Tiếng Việt, truyền thống Việt là những gì yêu thương nhất đã gắn liền với cuộc đời bác, và khi thấy anh T. không tha thiết đến những điều đó, là một sự thật rất khó chấp nhận. Sau này bác cứ hay tấm tắc khen tôi giỏi tiếng Việt này nọ, và tuy biết bác rất chân thành, tôi lại lúng túng không biết nói sao cho bác hiểu. Có thể trong mắt bác thì tôi cũng như bác, còn rất Việt Nam. Ngoài giữ được tiếng Việt, tôi còn thích nghe nhạc Việt, ăn thức ăn Việt, v.v... Nhưng phải chi, phải chi... tôi có thể giải thích cho bác hiểu, là những điều đó chẳng là gì cả. Chúng chỉ là lớp da bọc ở ngoài, chẳng khác vỏ chuối là bao. Tận sâu trong tâm hồn, tôi không dám chắc tôi còn bao nhiêu phần là Việt Nam.

Với bác, chuyện có thể về sống, và chết trên quê hương Việt Nam là một điều hạnh phúc. Với tôi, nguyên Trái đất này chính là quê hương, và dù rất yêu mến Canada – nơi mà gia đình tôi nhận là quê hương thứ hai này, tôi cảm thấy mình có thể sống gần như bất cứ nơi đâu. Cũng như vậy, chuyện chết ở chỗ nào đối với tôi cũng không quan trọng. Có thể tôi sẽ sống những tháng ngày còn lại ở Nam Phi, ở Tây Tạng hay một nơi hẻo lánh nào đó, và như vậy là tôi đủ mãn nguyện.

Nhưng thôi, đó là chuyện sau này. Tôi mong có dịp nào đó, khi ngồi xuống nói chuyện với bác và nếu nhận thấy bác vẫn còn buồn về chuyện anh T., tôi sẽ (thu hết can đảm) ôm chầm lấy bác mà thủ thỉ:

- Bác ạ... những điều như tiếng nói, truyền thống, v.v... đôi khi chẳng là gì cả, và chẳng nói lên được điều gì cả! Bác có biết, bác là một người mẹ hạnh phúc lắm không?

Và “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người...”?

Tôi tự hỏi nếu một người nào đó mà sau khi đã tiếp xúc và tìm hiểu về anh T., có dám nói là anh đã không “thành người” không!

Bài và ảnh: Hải Lý, từ Canada


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn