TÌNH YÊU TỪNG TẤC ĐẤT CỦA TIỀN NHÂN

Thứ tư - 21/05/2014 20:56

(NCTG) “Tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam, dù đang sinh sống bất cứ nơi đâu. Tình yêu đó không dành cho những gì giả trá đớn hèn”.


Cộng đồng Việt Nam tại Hungary biểu tình phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc (Budapest, ngày 18-5-2014) - Ảnh: Nguyễn Anh Tú


Từ sau cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược Việt Nam ở biên giới phía Bắc năm 1979, những tưởng chúng ta sẽ được yên ổn xây dựng phát triển đất nước trong tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc. Vậy nhưng suốt từ đó, nhất là từ những năm 2007-2008 đến nay, hầu như năm nào cũng xảy ra những sự kiện Trung Quốc gây hấn với Việt Nam trên Biển Đông.

Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, với Biển Đông đã được nhà nước ta nhiều lần khẳng định, các nhà khoa học Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác đưa ra nhiều bằng chứng lịch sử thuyết phục, ví dụ như trong hệ thống bản đồ của Trung Quốc từ thời cổ cho đến khoảng giữa thế kỷ XX chưa hề thể hiện chủ quyền hay sự “quản lý” của họ trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và vùng biển này (mà họ gọi là biển Nam Trung Hoa – một địa danh thuần túa về vị trí địa lý).

Ngược lại, hàng loạt các bản đồ cổ và nhiều tư liệu lịch sử, tư liệu văn hóa đã ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Khi phân tích các tư liệu Việt Nam và các tư liệu nước ngoài cũng như của Trung Quốc, chúng ta thấy rất rõ hầu hết tư liệu Việt Nam đều là tư liệu của nhà nước, minh xác rất rõ việc xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam qua các hoạt động khai thác kinh tế, cụ thể hoạt động của đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải do nhà nước quản lý, các hoạt động của dân các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… cùng các hoạt động của thủy quân, giám thành như xây dựng miếu, trồng cây, dựng bia, đặt cột mốc, đo đạc thủy trình… ít nhất là từ thời nhà Nguyễn.

Không thể phản bội và bành trướng xâm lược một cách công khai như những năm 1974, 1979, 1988… việc Trung Quốc thường xuyên gây hấn, xâm phạm lãnh hải Việt Nam bằng những phương cách khác nhau đã làm cho nhân dân ta, ngay cả những người kiên nhẫn nhất cũng phải phẫn nộ, vì chính Trung Quốc chứ không ai khác, trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam luôn nhắc đến “4 tốt và 16 chữ vàng”! Là một nước lớn và có nền văn hóa lâu đời, vì sao Trung Quốc có thể hành xử như thế trong thế giới văn minh ngày nay?

Trong những ngày này, khi mà giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đã lừng lững kéo vào lãnh hải Việt Nam với hàng chục tàu thuyền hộ tống và uy hiếp, thậm chí đã xảy ra xô xát với tàu hải giám của Việt Nam. Khắp nơi, từ công sở đến quán cà phê, từ trường học đến khu phố, trên nhiều trang báo in, báo mạng tràn ngập những ý kiến những hình ảnh người dân thể hiện sự phẫn nộ và tình yêu Tổ quốc. Họ tham gia biểu tình hay bày tỏ bằng những bài viết, ý kiến một cách cương quyết, có lý có lẽ nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Lòng yêu nước của người dân thật đẹp vì không toan tính vụ lợi, cũng không đao to búa lớn. Đó là những con người chân chính vì đã không thờ ơ trước sự nguy nan của Tổ quốc!

Tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam, dù đang sinh sống bất cứ nơi đâu. Tình yêu đó không dành cho những gì giả trá đớn hèn. Nếu cần, chỉ một tiếng hô lập tức những “Hội nghị Diên Hồng” sẽ kết nối hàng triệu trái tim luôn sẵn sàng vì đất nước!

Một tấc đất của tiền nhân cũng không thể dâng cho giặc”, “Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”! Đừng bao giờ quên lời người xưa dặn đó! (*)

(*) Tác giả là Tiến sĩ Khảo cổ học, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Hậu


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn