QUYỀN LỰC TÌNH YÊU

Thứ bảy - 19/04/2014 12:55

(NCTG) “Anh hàng xóm nói với nó là anh ta sẽ ra nói trước với đội quản lý chợ, nên nó cứ bình tĩnh bán hàng, không ai gây khó dễ cho nó đâu. Nó nhìn anh hàng xóm đầy vẻ biết ơn, cắt cho anh ta một miếng thịt mông thay lời cảm ơn. Không ai biết rằng, nhiều năm sau đó - kể cả trong những lúc đói nhất, nó chưa bao giờ thật hứng thú khi ăn thịt lợn. Nó cũng ác cảm với những kẻ sở hữu những cái mồm đỏ loét khi ăn món tiết canh truyền thống”.


Hà Nội những năm tháng “dặm dài trong gian khó” - Ảnh tư liệu

Hè cuối năm cấp hai, hình như nó bắt đầu lớn. Tóc nó dài và mượt hơn, cái áo nó thường mặc cảm thấy chật chội vì cơ thể nó phát triển nhanh hơn bình thường. Nó thấy đói thường xuyên. Những cơn đói đến từ từ, nhưng dai dẳng. Nó ăn đến bốn bát cơm một bữa mà vẫn đói. Cơm chả có gì, lạc rang hoặc vài con tôm với canh rau luộc. Gia đình nó nghèo, cũng giống như đại đa số các gia đình khác thời ấy. Chẳng cần ai dạy nó, những gì nó được chứng kiến thời ấy đủ để nó không thể ngây thơ về cuộc sống. Nó thường xuyên đặt câu hỏi tại sao bố mẹ nó làm việc chăm chỉ như thế mà vẫn không đủ ăn?

Cái thùng phi gạo nhà nó thỉnh thoảng lại trống rỗng. Những lúc hết gạo, nó vác rá sang nhà hàng xóm vay. Nhà hàng xóm cũng vậy, thỉnh thoảng cũng phải sang nhà nó vay gạo. Nhà hàng xóm đầu dẫy rất thân thiết với nhà nó. Họ là một cặp vợ chồng hạnh phúc, với hai đứa con gái trạc tuổi em gái nó. Chú hàng xóm dạy văn cấp hai, tương đối giáo điều. Sẽ có một lúc nào đó nhiều thời gian, nó sẽ viết về gia đình hàng xóm thân thiết này.

Câu chuyện nó sắp kể liên quan đến nhà hàng xóm kế bên nhà nó, mà nó rất ghét! Họ có năm người con, hai gái và ba trai. Hai người con gái thì bình thường chẳng có gì đáng nói. Anh con trai đầu hơn nó bảy tuổi, không học hành gì, mới đi bộ đội về, không công ăn việc làm, là người tử tế hơn cả so với hai đứa em trai. Nó nhiều lần bắt gặp hai thằng em hàng xóm ăn cắp dép của nhà nó mỗi khi nhà đông người, có họ hàng đến thăm, hay có khách khi Tết nhất.

Theo như nó nhớ thì mấy anh công an phường thỉnh thoảng đến nhà hàng xóm nói chuyện về mấy thằng con trai, mỗi khi có người kêu ca về một vài vụ ăn cắp vặt trong xóm. Hình như nhờ thế mà anh chàng hàng xóm lớn tuổi quen với Công an Phường, rồi dần dà xin ra làm công tác đoàn, đội ở Phường. Nó biết thế, vì anh ta không tự viết đơn xin việc được, mà phải sang nhờ nó viết giúp.

Từ ngày ra Phường làm việc anh ta trở nên khệnh khạng hơn, không nói chuyện với lũ trẻ con hàng xóm nữa. Cách ăn mặc cũng chải chuốt hơn. Cái quần bạc màu thủng gối được vá lại cẩn thận, anh ta cũng đã bỏ tiền ra hàng tông đơ tóc. Lúc trước, với kiểu tóc tự cắt đám dầy đám mỏng, trông bộ dạng anh ta ngơ ngơ.

Mà đúng là anh ta ngơ ngơ thật. Chiều nào nó cũng nghe thấy anh ta đọc Triết học Mác - Lê Nin. Giọng anh ta ra rả như quốc kêu, nhưng ngắt nghỉ thì chẳng đúng chấm phảy gì cả. Nó nghe nhiều đến nỗi thuộc hết cả quyển Triết, nhưng anh ta thì không. Nó học lỏm rất nhanh: chả thể mà đến cả năm năm sau đó, hồi học đại học năm thứ hai, nó đi thi môn Triết mà không thèm học một câu nào. Đơn thuần nó không thể thi trượt môn Triết, thậm chí nó nhớ như in cho đến ngày nay. Thế mới biết não con người ta có khả năng nhớ những thứ chẳng đáng nhớ, một cách tự động, không làm chủ được!

Một đêm thức giấc, nó nghe tiếng bố mẹ cãi nhau. Mẹ nó chì chiết: “Sao ông có chức, có quyền mà để vợ con khổ thế này? Tôi không đủ sức để nuôi cả nhà nữa. Ông bà ốm liệt ở quê hàng chục năm nay! Làm thế nào bây giờ? Ông muốn tôi xẻ thịt tôi ra à? Giờ ông lại còn cấm tôi không nuôi lợn à? Ông định để cả nhà chết đói à?”. Bố nó im lặng, không nói gì.

Nó biết cả hai bố mẹ nó đều là Đảng viên, bố nó còn là cán bộ tuyên huấn gì đấy! Bố nó trong sạch lắm, các chú ở cơ quan thường nói như thế, mỗi lúc nó được bố đưa lên cơ quan chơi. Nó biết là Phường cấm các hộ dân cư không được nuôi gia súc trong khu tập thể. Nhưng nhà nó mà không nuôi lợn, nuôi gà, thì lấy đâu ra thịt mà ăn, làm sao mà có tiền mua đường sữa gửi về cho ông bà nội.

Chiều Chủ nhật hôm đó, khu xóm nhà nó loạn cả lên. Tiếng lợn kêu, tiếng chó sủa, tiếng người khóc lóc gào thét... Phường và Đoàn Thanh niên cho người vào khu tập thể kiểm tra tình hình vệ sinh khu phố. Người ta hỏi sổ hộ khẩu, bố nó mang ra, người ta định tịch thu, vì nhà nó vi phạm vệ sinh - nuôi lợn, nuôi gà và nuôi chó trong khu tập thể.

Quản lý phường và đám thanh niên đại diện cho Đoàn Thanh niên cầm gậy gộc xộc vào nhà nó, định đập chết con chó và con lợn, mẹ nó tức tối lao ra cửa, gào lên: “Tôi chỉ là một thường dân chết đói, các ông mà giết gia súc nhà tôi, tôi sẽ giết các ông!”.

Nó nhìn thấy mẹ nó giằng lấy quyến sổ hộ khẩu trên tay một ông quản lý Phường, nhét vào trong ngực áo. Rồi mẹ nó chạy vào bếp, lấy con dao phay, xông thẳng ra cửa. Mắt mẹ nó long sòng sọc. Không một ai dám xông vào nhà nó. Bố nó đứng im không nói gì. Một tay cán bộ Phường tiến lại gần bố nó nói: “Gia đình mình nên gương mẫu cho quần chúng học tập”.

Em gái nó khóc thét lên vì sợ hãi. Nó vào trong bếp, lấy ra một con dao nhỏ, rồi ra cửa đứng cạnh mẹ nó. Nó chậm rãi quan sát xung quanh và chợt nhận ra một khuôn mặt quen thuộc. Trong đoàn kiểm tra của Phường có anh chàng hàng xóm, anh ta là Trưởng nhóm Đoàn viên Thanh niên.

Nó đưa mắt nhìn anh hàng xóm, rồi ra dấu cho anh ta nhìn về phía hàng rào cúc tần nơi có hai cái chòi lụp xụp. Anh này như hiểu ý nó, lại gần tay cán bộ Phường thì thầm cái gì đó. Chỉ vài phút sau đám hỗn đồ từ từ rút khỏi nhà nó.

Đợi khi cả xóm yên ắng trở lại, nó xé rào cúc tần, bước dò dẫm đến bên hai cái chòi lụp xụp. Thật ngạc nhiên, chúng trống không! Nó đi vòng quanh đánh giá tình hình. Chợt bị hút hồn vào mấy con chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn ngô đang bay lượn xung quanh, nó bẻ vội một cành cây khô, chạy vọt về nhà mình tìm nhựa, rồi nhanh chóng quay lại. Có lẽ trời sắp mưa, đám chuồn chuồn bay thật thấp.

Một con chuồn ngô vằn vện to béo đậu trên cánh liếp khép hờ. Mùi phân lợn tươi đậm đặc trong không khí, nhưng nó dường như bị mê hoặc không ngửi thấy gì, nó chỉ biết rằng chị gà mái mơ sẽ chẳng từ chối con mồi béo bở này. Nó từ từ đưa cái cành cây dính nhựa lại gần. Con chuồn chuồn cuối cùng cũng nhìn ra nó, nhưng không kịp nữa rồi, cánh và đuôi của nó bị nhựa dính chặt. Khi nó hớn hở reo lên gọi em gái, có ai đó đập mạnh vào lưng nó: “Làm gì ở đây?”. Nó giật mình, quay lại, thì ra là anh hàng xóm.

Nó nhìn anh hàng xóm một cách kỹ lưỡng, rướn người cho thắng thớm, với giọng tỉnh bơ, nó hỏi: “Sao hai cái chòi trống không, mấy con lợn nhà anh chuyển đi đâu?”. Anh ta cúi đầu không định trả lời nó, nó cao giọng hỏi lại lần hai, đầy thách thức. Mắt anh hàng xóm bối rối, tránh cái nhìn của nó, anh ta lí nhí: “Chuyển vào trong nhà từ đêm hôm qua!”.

Thì ra thế! Mấy con lợn đã được chuyển vào trong nhà từ đêm hôm trước. Hóa ra làm việc ở Phường cũng có ích, không đến nỗi tệ! Thế mà bố nó cứ bảo là đừng bao giờ làm việc cho Phường, kiểu quản lý địa phương như ở Việt Nam chán lắm, phải cố gắng học thật giỏi đi ra nước ngoài học cách người ta quản lý!

Nó cười thật tươi, giọng vui vẻ: “Lần sau mỗi lần kiểm tra vệ sinh, anh báo trước cho mẹ em biết nhé! Công việc của anh thế nào?”. Anh ta ậm ừ quay người đi, không hứng thú tiếp chuyện nó. Nhưng từ đó trở đi, mẹ nó bao giờ cũng biết trước kế hoạch kiểm tra vệ sinh của Phường và đám lợn gà nhà nó mỗi lúc như thế lại có dịp sinh hoạt đế vương trong phòng ngủ của gia đình một hai hôm.
 

Thuở “áo chăn chưa ấm thân mình” - Ảnh tư liệu

Khoảng vài tuần sau, trong lúc mẹ nó về quê đưa ông đi viện, bố nó đi công tác xa nhà, thì con lợn nhà nó lăn đùng ra ốm. Con lợn ốm ba hôm, bỏ ăn hoàn toàn. Đến hôm thứ tư nó quyết định thịt con lợn mang ra chợ bán. Hiềm một nỗi nhà nó có ba chị em gái, nó là lớn nhất nên việc thịt lợn và mang lợn ra bán sẽ do nó quyết định, nó lại không có tiền thuê người thịt lợn. Bà nội đã già, bà rất hiền, khi bố mẹ vắng nhà, nó thường quyết định mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà. Nó chẳng sợ gì, nó đã quan sát kỹ những lần trước người ta thịt lợn như thế nào, nó nghĩ là nó làm được. Nó nói bà giữ đứa em út trong nhà, không cho xem cảnh lợn kêu máu chảy. Rồi nó gọi đứa em thứ hai, sai nó ra Phường gọi anh hàng xóm về giúp. Chỉ chục phút sau, anh hàng xóm có mặt.

Nước trong thùng phi bắt đầu reo, chuẩn bị sôi. Con lợn ốm chắng giãy giụa được nhiều nên đã nhanh chóng bị trói chặt. Nó lấy ra cái con dao nhọn, nhờ anh hàng xóm chọc tiết, anh ta lưỡng lự nói: “Anh sợ máu lắm, không chọc tiết được! Hay là đi gọi chú T. đầu dẫy nhà?”. Nó cười khẩy: “Chú T. là giáo viên dạy Văn, không biết thịt lợn! Anh đi bộ đội về, được huấn luyện giết quân thù mà còn sợ không dám chọc tiết lợn à? Thôi, để em chọc tiết, chỉ sợ tay em không khỏe!”.

Thế rồi nó cũng làm được cái việc tưởng chừng vượt quá sức. Sau đó nó khéo léo dội nước sôi cho anh hàng xóm cạo lông lợn. Nó quyết định vứt bộ lòng đi vì thấy có màu đỏ, chắc ăn vào thì không an toàn. Anh hàng xóm nói với nó là anh ta sẽ ra nói trước với đội quản lý chợ, nên nó cứ bình tĩnh bán hàng, không ai gây khó dễ cho nó đâu. Nó nhìn anh hàng xóm đầy vẻ biết ơn, cắt cho anh ta một miếng thịt mông thay lời cảm ơn. Không ai biết rằng, nhiều năm sau đó - kể cả trong những lúc đói nhất, nó chưa bao giờ thật hứng thú khi ăn thịt lợn. Nó cũng ác cảm với những kẻ sở hữu những cái mồm đỏ loét khi ăn món tiết canh truyền thống.

Mùa hè năm ấy qua đi thật nhanh. Nó lên học trường chuyên cấp ba, ở nội trú xa nhà. Cuối tuần, mỗi lần về nhà, nó thật bận rộn đi chơi với lũ trẻ con trong xóm, chủ yếu là chạy bộ ra ruộng lúa gần nhà, bắt cào cào châu chấu. Sáng sáng khi ra đầu ngõ gánh nước, nó cũng gặp anh hàng xóm. Anh ta trở nên trầm hơn, rất ít khi nói chuyện. Thỉnh thoảng nó bắt gặp ánh mắt anh ta dõi theo nó, nhưng nó không để ý.

Mấy năm học cấp ba trôi đi thật nhanh. Hè cuối cấp ba, thi đại học xong, nó nhàn rỗi. Chiều tối khi hết giờ chợ, sau khi giúp mẹ gánh hàng về nhà, nó lang thang trong bãi bóng, tay cầm mấy quyển truyện. Nó thích Jack London. Nó đọc “Tiếng gọi nơi hoang dã” có đến chục lần, lần nào cũng say mê.

Chiều hôm ấy ráng đỏ, hoàng hôn xuống sậm cả góc trời. Nó ngồi bệt trên bãi cỏ ngắm hoàng hôn. Xa xa lũ trẻ xóm kết thúc trận đấu bóng, như thường lệ đội thua đang phải chui đầu qua háng đội thắng. Nó chợt bật cười, vì trò này năm ngoái nó còn chơi, nhưng năm nay thì chẳng làm nó hứng thú nữa. Nhưng hôm nay nó thấy vui vui, có khi ngày mai nó sẽ rủ mấy đứa em ra chơi trò đá bóng. Con chó John xăng xái chạy xung quanh nó, thỉnh thoảng đớp đớp cái ống quần kéo nó ra khỏi dòng suy nghĩ.

Gần 7 giờ tối mà trời còn sáng, nó cố vớt vát đọc nốt vài trang truyện trước khi về nhà. Nó không nhận ra có người đứng sau quan sát nó thật lặng lẽ. Một giọng nói rụt rè cất lên: “Muộn rồi, sao em không về nhà đi?”. Nó ngẩng lên, thì ra là anh hàng xóm: “Chào anh! Em đi về đây. Anh ra đây làm gì?”.

Nó thấy tay anh ta cũng đang cầm một quyển sách. Nó nhanh mắt liếc nhìn tiêu đề, trời ơi, lại vẫn là cuốn “Triết học Mác - Lê Nin”!

Anh không đọc cái gì khác ngoài cuốn “Triết học” à?”, nó hỏi giọng lạ lùng. Anh ta trả lời một câu mà cho đến giờ nó vẫn thấy xót xa: “Anh không có tiền, cuốn sách này anh được phát, anh không có thẻ đọc ở Thư viện”. Sau đó anh ta thao thao bất tuyệt, giải thích về chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Nó nói “anh đừng giải thích thêm nữa, em thuộc lòng quyển sách này rồi”. Rồi nó cao giọng đọc một vài đoạn làm anh ta trố mắt nhìn, vô cùng ngạc nhiên.

Anh ta nói công việc ở Phường rất tốt, anh sẽ được đi học lớp bồi dưỡng lý luận chính trị gì đó. Anh ta hỏi nó có yêu anh ta không? Nó chưa biết yêu là gì, nhưng biết chắc thế nào là không yêu. Nó nói “không” rất rõ ràng. Anh ta nói anh ta biết thế, nhưng không hết hy vọng, biết đâu một ngày nào đó nó nghĩ lại. Mắt anh ta ngấn nước, anh ta cám ơn nó, vì nhờ nó viết hộ cái đơn xin việc và nhờ luôn suy nghĩ, phấn đấu làm tốt công việc vì nó, mà anh ta được cử đi học. Nó thấy ngạc nhiên vì những gì anh hàng xóm nói, nhưng không mảy may có bất cứ cảm xúc gì.

Chỉ vài tháng sau anh ta cưới vợ. Hôm đó, nó sang anh giúp trang trí phòng cưới, đi mua hoa và tự cắm tất cả các bình hoa.

Cô dâu mới làm nghề thợ may, xinh xắn và dễ chịu. Chị mở cửa hàng may ngay tại nhà, rất đông khách. Từ ngày có vợ, anh hàng xóm trông thật bảnh bao. Anh được vợ chăm sóc rất đầy đủ, cơm vợ nấu ba bữa, quần áo mới toanh, không phải mặc quần áo vá nữa. Sau đám cưới vài tháng, vợ chồng anh hàng xóm có tin vui, họ nhanh chóng sinh hạ một cô con gái thật dễ thương. Cả xóm ai cũng yêu đứa bé, ai cũng thích bế nó đi chơi.

Chiều hôm đó nắng trảng, nó ì ạch đạp xe từ trường đại học về. Đến đầu ngõ nó thấy chị vợ anh hàng xóm đứng chờ. Chị ấy nói cần gặp nó. Nó rất ngạc nhiên, nhưng hẹn chị đến tối, vì giờ nó đói và mệt quá. Chị ta nài nỉ nó giữ bí mật, đừng nói gì với anh chồng. Nó hứa.

Rồi hai người gặp nhau ngoài bãi bóng. Chị ta bối rối nói không ra đầu, ra cuối, nhưng sau một hồi nó cũng hiểu ra vấn đề. Rằng chị rất yêu anh, rằng với chị anh là người đàn ông chị hằng mơ ước, anh có công việc tốt ở Phường, lương tuy không cao nhưng anh đang đi học có thể được lên chức. Nhiều lúc chị thấy tủi thân vì thấy anh có vẻ lạnh lùng và không yêu chị. Một hôm anh không có nhà, chị tìm thấy một quyển vở mà anh thường xuyên để cạnh quyển Triết và không bao giờ cho chị động vào. Đó là quyển vở anh mang đi học, trong quyển vở có một bức ảnh của nó, anh viết những dòng chữ yêu thương đằng sau tấm ảnh. Nói đến đây, chị vợ thổn thức khóc.

Nó vô cùng bối rối, thực sự không biết phải an ủi chị vợ như thế nào. Câu chữ tự nhiên từ đâu đến với nó, một cách không kiểm soát nổi: “Chị xinh đẹp và giỏi giang quán xuyến nhà cửa, anh ấy phải thấy may là được sống với chị! Chị việc gì phải sợ anh ấy. Việc anh ấy có bức ảnh của em, em không hề biết, em chả bao giờ yêu anh ấy. Có thể là hồi xưa anh ấy trẻ con thế thôi! Đừng lo! Em sẽ nói chuyện với anh ta!”. Chị vợ sợ quá, van xin nó đừng nói gì với chồng mình. Chị ta khẩn nài, làm nó càng thêm bối rối.

Vài ngày sau, nó tìm thấy trong tủ sách nhà nó có một quyển Triết cũ, nó hỏi xin bố. Bố nó đồng ý. Nó nắn nót đề tặng chị thợ may.

Kể từ hồi đấy cho đến lúc gia đình nó chuyển khỏi khu tập thế, nó không nghe thấy chị thợ may kêu ca phàn nàn gì về anh chồng nữa. Thỉnh thoảng, qua bức tường mỏng, nó nghe hai vợ chồng nhà hàng xóm bàn luận về Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, rằng cạnh tranh là động lực của sự phát triển, rằng con gái họ lớn lên sẽ trở thành người lãnh đạo tài giỏi nếu cho học Triết ngay từ lúc còn nhỏ.

Nó vui khi thấy gia đình anh hàng xóm sống hạnh phúc. Còn về phần nó, hạnh phúc dường như đến muộn màng và nhùng nhằng hơn rất nhiều so với cái hạnh phúc giản đơn của gia đình anh hàng xóm...

Phương Lan, từ Úc


 
 Từ khóa: bao cấp
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn