30-4

Thứ bảy - 26/04/2014 08:00

(NCTG) Tháng 4 âm lịch hay dương lịch đều là tháng nóng nhất ở Sài Gòn trước khi chuyển qua mùa mưa, cho dù trong trí nhớ lỗ mỗ của tôi Sài Gòn lúc nào cũng nóng như thiêu như đốt, không có chuyện “chiều muộn là mát” hay “nóng nhưng không đổ mồ hôi” như mấy bạn mê xứ này vẫn quá lời khen.

Buổi trưa ngồi ăn cạnh một đồng chí Lào, thấy mình gọi khăn lạnh, đồng chí an ủi: “Bên nước tui giờ là 43 độ, chứ đâu được mát như đây”. Thôi cụ ơi, sáng sớm đã 35°C, đừng ca tiếp nữa mà sẵn dao kéo trên bàn làm tổn hại tình hữu nghị Việt - Lào đời đời bền vững.

Đứng dậy đây. Chuẩn bị tạm biệt Sài Gòn với sự thấp thỏm, liệu Tân Sơn Nhất (và cả Nội Bài) có chạy máy lạnh không? Vì mấy tháng nay hay bay nên tôi nhớ kỹ là lần nào cũng thấy ở đó nóng như rang. Thôi thì phải tiết kiệm điện, đất nước còn gian khổ mà.

Nhân thể nói chuyện đất với chả nước. “Đất” gợi nhớ Dương Nội, còn “Nước” làm bật âm thanh “I'm dreaming of a White Christmas” với giọng ca của Bing Crosby trong óc, ha ha, Giáng Sinh tuyết trắng trời ở nhiệt độ 35°C hay 95° Fahrenheit – tuy nhiên cái bài sến này lại là phao cứu sinh cho những thành phần Hoa Kỳ còn kẹt ở Sài Gòn hồi 4-1975.

Bởi vì người Mỹ không ai không biết bộ phim “White Christmas” ra rạp năm 1941, dù là khi đó Bing còn là một ca sĩ trình độ karaoke trung bình kém. Nhưng mấy ngày cuối 4-1975 thì đó là mật lệnh, báo họ nhanh chân ra phi cảng hay sứ quán Hoa Kỳ để di tản.

Bài này được phát cùng phần dự báo thời tiết của kênh Armed Forced Radio, khi có câu “The temperature in Saigon is 112 degrees (Fahrenheit) and rising” (**) là chiến dịch giải cứu Operation Frequent Wind bắt đầu. Hôm đó là 1-5, đang ăn sáng ở nhà ăn sinh viên thì được tin Sài Gòn.

Mới đấy mà đã ba mươi chín năm, ngày 30-4 lại sắp đến rồi.

Các bài cùng chủ đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” trên NCTG:

NẾU...

30-4, NGHĨ VỀ SỰ HỐI LỖI

NÓI VÀ LÀM

30-4 VÀ NHỮNG GÌ SAU ĐÓ

SINH NHẬT BA MƯƠI THÁNG TƯ

NHỮNG NGÀY 30-4 CỦA TÔI

Ghi chú:

(*) Ảnh do nhiếp ảnh gia, phóng viên tự do người Hà Lan Hubert Van Es chụp vào khoảng 5 giờ chiều ngày 29-4-1975. Trong chuyến bay cuối cùng được CIA tổ chức để đưa các viên chức cao cấp của Việt Nam Cộng hòa di tản, chiếc Bell205 mang số hiệu N4 7004 đã đậu trên sân thượng một khu chung cư (ở địa chỉ 22 Gia Long, tức Lý Tử Trọng bây giờ) mà trong thời gian dài, nhiều người nghĩ đó là tòa đại sứ Hoa Kỳ).

(**) “Nhiệt độ tại Sài Gòn là 112 độ và đang tăng”. Có thể đọc thêm bài viết “Cuộc chiến Việt Nam nhìn từ truyền thông nước ngoài” của tác giả Nguyễn Ngọc Chính để biết thêm thông tin về mật hiệu di tản này.

Lê Quang, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn