TỪ TRƯỜNG HỢP ĐẠI THI HÀO PETŐFI SÁNDOR, NGHĨ VỀ “ÁI TỬ THI”

Thứ bảy - 15/03/2014 10:17

Khái niệm “ái tử thi” (necrophilia) – kèm những tranh luận lý thú về nó - dường như mới chỉ được biết đến rộng rãi trên báo chí Việt Nam cách đây vài năm, nhân sự kiện một người đàn ông, trong hơn 4 năm, đã ngủ cùng một pho tượng thạch cao, bên trong để hài cốt vợ để thể hiện tình cảm với người quá cố.


Hình ảnh trong một tờ truyền đơn đương thời, mà tác giả có lẽ là Szerelmey Miklós: Petőfi Sándor đọc thi phẩm “Bài ca Dân tộc” trên bậc thềm Bảo tàng Quốc gia Hungary, ngày 15-3-1848 - Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết rằng, “ái tử thi” với những biểu hiện và hàng chục cấp độ khác nhau của nó khá phổ biến trong lịch sử nhân loại và trong văn hóa đại chúng. Đặc biệt, ở một góc độ nhất định, có thể nói đại thi hào Petőfi Sándor - vị anh hùng dân tộc, nhà thơ bậc nhất của Hungary thế kỷ XIX (1) - còn có cả một tập thơ ít nhiều mang tâm cảm “ái tử thi”, từ cảm hứng tình yêu với một thiếu nữ bạc mệnh.

Thi sĩ của “Tự do và Ái tình”

Trong cuộc đời ngắn ngủi 27 năm, Petőfi được biết đến như tác giả của hàng ngàn bài thơ hào sảng, yêu tự do, độc lập của con người trượng nghĩa trong cảnh ly loạn, cũng như, với vô số vần thơ xưng tụng tình yêu, mà thi phẩm ngắn nhất đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và được ưa chuộng từ những năm kháng chiến:
 
Tự do và ái tình
Vì các người ta sống

Vì tình yêu lồng lộng
Tôi hiến cả đời tôi

Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái.


(“Tự do và Ái tình”, 1847)

Thói thường, các thi sĩ lớn Đông - Tây thường có rất nhiều mối tình thực và mộng cho nguồn thi hứng bất tận của mình. Tuy nhiên, điều này không thật đúng đối với Petőfi: cả đời, ngoài cuộc tình đắm đuối với người vợ thân yêu trong hai năm cuối của cuộc đời ngắn ngủi, ông chỉ còn một mối tình đáng kể khác, thơ mộng và rất đỗi bi thương, kéo dài vỏn vẹn 12 ngày, với một thiếu nữ mà thi sĩ chưa hề có dịp nói lời yêu.

Mối tình sét đánh

Đầu năm 1845, giới trí thức, văn nghệ sĩ Budapest xôn xao chuẩn bị cho một tang lễ đặc biệt: ngày 7-1, Csapó Etelke, cô thiếu nữ xinh xắn chưa đầy 15 tuổi đột ngột qua đời. Tên tuổi Etelke được ghi vào văn học sử Hungary vì những ngày cuối đời, số phận đã đưa đẩy cô đến với Petőfi Sándor.

Trở về những tháng ngày của 170 năm trước, khi chàng trai Petőfi 20 tuổi đang phải bôn ba kiếm sống và thử sức trên cương vị một ký giả đưa tin, viết phóng sự cho báo. Lâm vào cảnh thiếu thốn trầm trọng và triền miên, từ những mối quan hệ báo chí, chàng may mắn làm quen và được gia đình trí thức nổi tiếng của ông Vachott hào hiệp giúp đỡ.

Có việc làm, chỉ trong một năm, Petőfi trở thành thi sĩ có tiếng và mùa Giáng sinh năm 1843, chàng được gia đình Vachott mời đến bữa tối. Trong dịp ấy, tại bàn tiệc, Petőfi có dịp làm quen với Etelke, cô em gái dễ thương của gia đình chủ nhà, khi đó chưa đầy 15 tuổi.

Chắc hẳn cuộc gặp mặt với người thiếu nữ mà thi sĩ, về sau, gọi một cách trừu mến “bé con dễ thương tóc vàng óng ánh”, đã để lại tiếng sét ái tình trong lòng chàng thi sĩ. Theo đúng những “thủ tục” thịnh hành đương thời, nhà thơ đã “lưu bút” trong cuốn sổ lưu niệm bà chủ nhà và cô em gái.

Khi viết cho Etelke, không rõ tại sao, Petőfi đã để lại những dòng lạ lùng, như thể một linh cảm không giải thích nổi: “Nếu những dòng chữ đen tối mà anh ghi lại sau đây, / Lại trở thành phận hẩm mà em phải chịu: / Anh sẽ cất bút, không viết, dù nếu như vậy / Mỗi nét chữ của anh, có giá là một quốc gia.”

Định mệnh thật khắc nghiệt: chỉ 12 ngày sau, Etelke đột ngột qua đời sau một cơn cảm lạnh. Dường như cô bị quá sức vì những chuẩn bị cho ngày vui lớn và linh đinh, dự tính sẽ được tổ chức nhân sinh nhật cô sau đó ít ngày. Thi thể Etelke được người anh rể cô, và chính tay Petőfi đặt vào quan tài, như lời thơ khóc cô của chàng trai:
 
Còn gì không thể vì em?
Bé xinh nằm giữa tóc mềm vàng tơ!
Tình anh cho đến bây giờ
Như là định mệnh chưa cho trao lời.

Mọi điều có thể em ơi
Cho em, trong quãng đường đời của anh
Chỉ là, phút liệm thân hình
Nâng em anh đặt vào trong quan tài.


(“Còn gì không thể vì em…”, Hoàng Tâm dịch)

Tình yêu lớn khó lý giải…

Etelke ra đi chưa đầy 15 tuổi, để lại sự tiếc thương đối với giới trí thức Budapest thời đó, và để lại một tình yêu lớn đối với chàng thi sĩ Petőfi.

Hai tuần sau khi nàng thiếu nữ qua đời, Petőfi dọn đến ở phòng của cô; tại đây và tại nghĩa trang nơi nhà thơ thường đến trầm tư bên mộ phần của Etelke, bất kể ngày hay đêm, xúc cảm trước sự ra đi quá sớm của cô gái bạc mệnh, Petőfi đã cho ra đời chùm thơ khóc thương cô với tựa đề “Những chiếc lá bách từ mộ phần Etelke” (Cipruslombok Etelke sírjáról) gồm 34 bài.

Cả tập thơ là những dòng đầy nước mắt và tang tóc, về một mối tình không trọn vẹn, dang dở:
 
Bông hoa duy nhất của anh
Héo tàn, cuộc sống anh thành hoang vu
Em là ánh sáng mặt trời
Tắt rồi, anh sống ngậm ngùi trong đêm.

Em là đôi cánh dịu êm
Gãy rồi, giấc mộng thần tiên xa vời
Em là máu nóng trong anh
Nguội rồi, lạnh lẽo anh thành giá băng.


(“Bông hoa duy nhất của anh...”, Hoàng Tâm dịch)

Những giọt nước mắt cứ chảy, không ngừng, trong lòng nhà thơ, tiếc thương người thiếu nữ đến và đi một một ngôi sao băng trong đời tác giả:
 
Sao buồn sa giữa bầu trời
Lệ tràn sa giữa mắt người đớn đau

Sao rơi nào biết vì đâu
Lệ rơi vì nặng khối sầu xa em

Lệ sa, sao cứ sa thêm
Lệ rơi, sao cứ rơi đêm chẳng đừng...


(“Sao buồn sa giữa bầu trời…”, Thụy Anh dịch)

Tình cảm dồn dén trong Petőfi, tuôn tràn không ngớt, và đạt đến đỉnh điểm trong thi phẩm “Một chiếc lá lìa cành...”:
 
Một chiếc lá lìa cành
Em đã lìa xa anh
Em yêu ơi, vĩnh biệt!
Em thương ơi, giã từ
Người anh yêu vô bờ!

Trăng úa trên trời cao
Hai đứa mình xanh xao
Em yêu ơi, vĩnh biệt!
Em thương ơi, giã từ
Người anh yêu vô bờ! (…)


(Bản dịch của Đào Nguyệt Ánh)

… hay là cảm hứng “ái tử thi”?

Tuy nhiên, giới nghiên cứu về Petőfi, cho đến nay, vẫn đặt câu hỏi: phải chăng, có thể có một cuộc tình thực sự trong vòng chưa đầy 2 tuần, giữa nhà thơ và một thiếu nữ 15 tuổi? Hay đây đơn thuần là sự thể hiện của một “mộng ước yêu đương bị dồn nén”, theo thi hào Illyés Gyula, người từng tìm tòi và viết sách về Petőfi?

Sự nghi ngờ ấy là có cơ sở vì khi làm quen với Etelke, Petőfi đã là một người đàn ông “trưởng thành” 22 tuổi (theo cách đánh giá đương thời), đã trải qua nhiều mối tình thoảng qua, “chợt đến, chợt đi”, mà mối tình nào cũng để lại những thi phẩm bất hủ.

Nhà nghiên cứu Gyulai Pál (em đồng hao của Petőfi), trong một công trình về thi hào (năm 1854), đã đưa ra nhận xét: “Anh tôi phải lòng Etelke đúng vào lúc cô ấy vừa mất”.

“Mạnh tay” hơn nữa, giáo sư Horváth János - tác giả cuốn chuyên khảo “Petőfi Sándor” (Budapest, 1926) - thì cho rằng: Petőfi phải lòng một cô gái đã qua đời! Theo vị giáo sư, nhà thơ chưa đủ thời gian để có một mối tình thực sự, nên tập thơ “Những chiếc lá bách…” thật ra là sự tự kỷ ám thị, là sự mộng tưởng của người thi sĩ - hoài nhớ về một thiếu nữ hồng nhan -, hay nói cách khác, là một tình cảm mang thi vị văn chương thì đúng hơn.

Gần đây nhất, ông Katona Imre József - BTV chương trình “Toàn bộ các thi phẩm Petőfi Sándor” – còn thú nhận: các BTV của Đài Phát thanh Hungary, khi thu “những vần thơ tang tóc” nói trên, “hơi nói quá là chúng tôi đã đến được giới hạn của chứng “ái tử thi!

Khách quan mà nói, trong hành động và ngôn từ của Petőfi, không khó nhận ra một số biểu hiện - được định nghĩa trong y học - của chứng “ái tử thi kiềm chế” (inhibited necrophilia), một dạng “nhẹ”, “cận ái tử thi” (pseudonecrophilia), khi nhà thơ có xu hướng lưu luyến quá mức người ông yêu mới qua đời.

Những từ ngữ bi lụy, đôi lúc rờn rợn, những hình ảnh “tử thần”, “giường chết trắng”, thi thể người con gái khi qua đời… mang tính biểu tượng về cái chết, xuất hiện với tần suất khá dày trong tập thơ, được nhà thơ thai nghén trong những giờ khắc ở nhà cô gái và bên mộ phần của cô, có thể cho thấy một nét lạ trong thi nghiệp ông.

Bởi lẽ, trong số không nhỏ những bài thơ mang tính gợi tình (mà đương nhiên giới học sinh không được biết đến trong nhà trường), có thể thấy cả nét khổ dâm, bạo dâm và “ái tử thi”, như nhận xét của BTV Văn học Katona Imre.

Tuy nhiên, đáng nói ở đây là nhiều thi phẩm trong số 34 bài thơ thương khóc Etelke, mặc dù bị văn giới và hậu thế đánh giá, nhìn nhận nghiêm ngặt như thế, vẫn chứng tỏ thiên tài của Petőfi ngay từ khi ông còn trẻ.

Những vần thơ sau trong thi phẩm “Nếu trong đời em…” - được giáo sư Horváth János chọn lọc, coi là những viên ngọc “toàn phân vẹn mười” (nhưng đồng thời cũng nhuốm màu sắc… “ái tử thi”) - đã được nêu ra để minh chứng cho nhận định trên:
 
Nếu anh chưa yêu khi em sống trên đời,
Bé con dễ thương tóc vàng óng ánh,
Thì của em đây, trên giường chết lạnh
Cả cuộc đời anh và trọn vẹn tình nồng

Có gì đẹp chăng, có gì đẹp chăng trên giường chết u buồn
Như rạng đông thiên nga sáng lòa cất cánh
Như tinh khôi tuyết ôm ấp cành hồng giá lạnh
Lay động phía trên là bóng trắng tử thần…


(Thụy Anh dịch)

Chấp nhận… yêu “trái chiều”

Điêm qua câu chuyện của nhà thơ Hungary, để nhìn nhận “ái tử thi” như một thói quen, tập quán, cách cư xử có thể khác thường với đám đông, nhưng cũng xuất phát từ tâm cảm, sự dồn nén trong con người và có thể hiểu được.

Về “ái tử thi”, Bách khoa Toàn thư mở (wikipedia) đã có bài tổng quan, vừa có cả bài về đề tài “ái tử thi” trong văn hóa đại chúng, cho thấy thực ra hiện tượng này thật ra không quá lạ lẫm trong lịch sử các nền văn minh và các xã hội trên thế giới.

Ngoài định nghĩa thường được hiểu về “ái tử thi” - hội chứng của những người bị hấp dẫn bởi xác chết, có xu hướng luyến ái, quan hệ tình dục với tử thi -, dường như trong các bộ môn tâm lý học, xã hội học và cả trong đời thường, khái niệm “ái tử thi” đã được “nới rộng”, “nhẹ nhàng” hơn và có lẽ, đồng cảm hơn, “thể tất” hơn.

Chẳng hạn, Erich Fromm (1900-1980) - triết gia, nhà tâm lý học, chuyên gia phân tâm học lỗi lạc của thế kỷ XX – đã coi hiện tượng “ái tử thi” như một ví dụ của tâm lý phá phách, hủy diệt, khi “một cá nhân say mê với những thứ đã chết, đã bị hủy diệt, mục ruỗng và những bệnh tật”.

Theo cách đặt vấn đề như thế, Fromm đã chỉ ra và chứng tỏ những biểu hiện “ái tử thi” ở nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng, như trùm phát-xít Hitler, cố thủ tướng Anh Sir Winston Churchill, hay sự thể hiện mạnh mẽ của tính cách “ái tử thi” trong “Tuyên ngôn Vị lai” của Filippo Marinetti, chính khách Ý, người cha của chủ nghĩa vị lai Ý.

Trong đời sống, nói xa hơn nữa, việc gìn giữ, bảo quản xác vì những mục đích gì đó (để chiêm ngưỡng, nhớ thương, hay để giữ lại với hy vọng sau này có cơ hội “tái sinh”... (2)) âu cũng là một dạng “ái tử thi” mà cùng lắm chỉ “lạ đời”, chứ không thấy bị chê trách.

Theo lối nghĩ khoan dung, tùy từng cấp độ, cách thức và lý do thể hiện ở mỗi cá nhân, mới nên coi “ái tử thi” là bệnh, hay chỉ là một sở thích, cho dù có thể khác người, nhưng không nhất thiết là bất thường.

Nếu là bệnh (ví dụ: có quan hệ tình dục với xác chết) thì ở một số nơi trên thế giới (chẳng hạn, nhiều tiểu bang ở Mỹ), “ái tử thi” đã bị coi là tội hình sự và bị pháp luật trừng phạt. Bằng không, nếu đơn thuần là sở thích riêng tư, cho dù “ái tử thi” bị coi là một dạng “lệch lạc tình dục” (paraphilia) đi nữa, nếu đương sự không phạm luật, không ảnh hưởng đến ai, không gây hại cho cộng đồng, cũng không nên hô hào chính quyền “can thiệp”, công an “xử lý”, hoặc bác sĩ “điều trị”, trong trường hợp đương sự không muốn, không đề nghị.

Phải chăng, cách cư xử chừng mực như thế, cũng là góp phần tôn trọng cá nhân và những sở thích cá nhân, khiến những người theo khuynh hướng “thiểu số” có thể cảm thấy họ vẫn được đối xử bằng sự tôn trọng và bình đẳng trong xã hội?

Ghi chú:

(1) Các nhà phê bình văn học cho rằng trong trường phái Lãng mạn thế kỷ XIX, Petőfi thuộc hàng những tên tuổi sán lạn nhất, cùng Byron, Heine, Pushkin, Miekiewicz và Victor Hugo. Grimm còn đi xa hơn nữa, khi khẳng định nền văn học thế giới có 5 thiên tài, là Homer, Shakespeare, Goethe, Mistral và Petőfi.

(2) Trên thế giới, có hàng trăm thi thể người vừa quá cố vì những căn bệnh hiện chưa tìm được cách điều trị đã được ướp lạnh theo phương pháp đặc biệt (ở -196 độ C, trong chất Nitrogen lỏng), với niềm tin trong tương lai, y học phát triển, sẽ “phục sinh” được người đã khuất.

(*) Bài viết đã đăng trên “Tạp chí Sông Lam”, số tháng 11 & 12 năm 2013.

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn