CHUYỆN GỐI CHĂN

Thứ tư - 26/03/2014 11:22

(NCTG) “Chăn gối và giường chiếu là một cõi riêng của mỗi chốn mơ. Ta sẽ mơ thế nào, mơ điều gì trên đống chăn gối vô hồn không sinh khí. Thưa thớt dạ vâng thế nào, nếu không có một người cùng ta rung động thầm thì chuyện gối chăn?”.


Minh họa: Internet

Đêm qua, gối nằm một mình, đơn lẻ. Người bỏ đi đâu, để gối chơ vơ một góc.

Cái gối phồng lông chim rất mịn, dịu dàng thấm đầy nước mắt của một đêm ngơ ngác. Gối có thể chỉ một mình nhưng nếu đã từng có đôi, thì lẻ gối, cũng là điều phiền lụy bởi gối đâu chỉ còn là gối. Chăn, đâu chỉ còn là chăn...

Những cái gối của người Đức thực dụng to như một cái chăn, khổ 80x80, vẫn được các bà mẹ dùng để phủ xe nôi cho trẻ. Những lông ngỗng, lông chim, lông ngan lông vịt toàn thứ nõn nà nhằm nâng niu những cần cổ yêu kiều hay gục gặc mỏi mòn đợi đêm qua ngày tới. Những cái vỏ gối bằng tơ mịn, phin nõn hay gai mềm... Những họa tiết ngầu ngụa hay trơn mát như một giấc mơ êm...

Thì thế, tắt đèn nhà ngói cũng tụt dưới nhà tranh. Gối dù êm êm hay còng queo khô cứng cũng tung tóe trên giường khi chủ nhân không ngủ. Lông gì đi nữa, lúc ấy, sẽ nồng nàn nâng ấp hay bầm dập cam chịu như... lông. Yêu chiều quỵ lụy tôn vinh, hay vầy vò vung vãi trong bóng đêm loang lổ, những sợi tơ văn minh làm nên một giấc mơ chăn gối. Gối và chăn, tiếng nói của đêm, lại bắt đầu từ những điều chẳng hề thuộc về đêm.

Nếu một ngày có 24 tiếng thì chí ít, cũng một phần ba số ấy chúng ta nằm trên giường. Nghĩa là một phần ba cuộc đời gắn gối chăn. Nên, sẽ là vô tình nếu ta yêu chăn gối mà lại không nói gì về chuyện chăn gối.

Hồi còn ở nhà, vào những đêm đông giá lạnh, nằm trong tấm chăn bông chần của người thành phố, vẫn nghe cha xuýt xoa kể về những ngày rét mướt nằm ổ rơm đắp thêm manh chiếu. Chăn đấy, đệm đấy của một thời..

Rồi những cái chăn bông gòn, giữ gìn thế nào cũng thế, cứ qua mấy mùa đông là lại xẹp xuống. Người ta mang đến những cửa hàng bật bông để xé tơi những tảng bông bết bát ấy ra. Rồi chần lại bằng vải màn thật mới. Những đôi tay cần mẫn, những mái đầu trắng như bông của vài ba thế hệ trong một gia đình làm nghề gia truyền gọi là bật bông. Cặm cụi thế rồi cũng sinh tử một nghề. Giờ những thợ bật bông ấy đâu rồi... Những con ngõ trắng một vùng bông nõn bông gòn và tiếng bật bông còn găm mãi trong lòng kẻ xa xứ, như tôi... Giờ chăn gối cũng khác xưa theo vận người rời đổi.

Hà Nội bây giờ rợp trời những cửa hàng chăn ga gối đệm. Sặc sỡ đủ mầu đủ kiểu đủ chất liệu. Nhưng sao cứ thấy nó ngồn ngộn phô bầy mà thiếu đi rất nhiều sự quyến rũ. Chăn đệm Hàn Quốc bề bề mà xa lạ như người tình gượng. Những cái gối nhà nào nhà nấy dầy kịch và cao vống, nhồi nhét rặt một thứ bông hóa học. Nó không đủ mềm, chẳng đủ êm. Cũng không đủ nồng nàn để ta muốn ấp ôm ve vuốt, thả tấm lưng êm ái dỗ dành giấc mơ ngoan. Những cơn mơ trong đống gối chăn không cảm xúc ấy sẽ đi đâu, về đâu, trong cả một thành phố chật chội và ồn ào gầm rú đến thiếu cả khí trời tươi rói?


Minh họa: Internet

Chăn gối và giường chiếu là một cõi riêng của mỗi chốn mơ. Ta sẽ mơ thế nào, mơ điều gì trên đống chăn gối vô hồn không sinh khí. Thưa thớt dạ vâng thế nào, nếu không có một người cùng ta rung động thầm thì chuyện gối chăn?

Gối của tân lang xưa kia nhất định phải màu trắng thêu đôi bồ câu vùng vẫy khênh chung nhau một trái tim đỏ chót. Lãng mạn ngây thơ hơn cả là những chiếc gối đôi. Nó chỉ nói nên một điều là người dùng ấy có vốn kiến thức hạn hẹp về đời sống gối chăn. Không ai cả đời sóng đôi mãi trên một chiếc gối vì rất nhiều lý do, dẫu là cùng nhau hạnh phúc.

Gối của thời nay không chỉ là gối hình chữ nhật như ngày nó mới ra đời. Thôi thì thiên hình vạn trạng. Tim để ôm, thú để bồng, cái kê lưng cái chèn tay... Gối nào cũng phản ánh nhu cầu và túi tiền của người dùng. Gối trẻ thơ xinh xắn tươi non mùi sữa mẹ. Gối của thiếu nữ nhất định phải hồng hào tươi mịn. Gối cô dâu gọi mời âm ỉ lẫn e ấp giả vờ. Gối người già cũ kỹ như một nấm mồ câm lặng. Đôi khi, vẫn bắt gặp những chiếc gối mây như hòn gạch cứng queo của thời gối chăn sơ sài một thủa. Những chiếc gối bóng nâu thời gian và ấp mồ hôi chủ nhân điệp màu kỳ lạ trong những căn nhà phảng phất hơi thiền.

Gối, câm lặng mà minh chứng nhiều hơn một cuốn sách. Gồi là nơi cất giữ những kỷ niệm, gợi mở những tâm tư, đồng lõa với bản năng và cả mặn mòi nước mắt. Phút ái ân, gối hân hoan. Ngày giận hờn, gối chuội màu thổn thức. Gối chung tình, gối sẻ chia, gối không bao giờ phản bội. Lặng thầm là gối. Nồng nàn cũng gối. Như một nhân tình quện bén hơi nhau.

Không có ai yêu mình mà thờ ơ với gối. Người vui, gối lên màu tươi rói. Người buồn, gối bợt màu ủ dột. Gối đàn bà nồng nẫu mùi da thịt, hoang hoải chút nước hoa. Gối đàn ông nhầu nhĩ khát khao. Gối dù to hay nhỏ, cứng hay mềm, Phương Đông hay Phương Tây, cũng là tri âm, tri kỷ mà chỉ người kỹ càng may mắn, mới biết chọn cho mình một chiếc gối thật ưng lòng.

Gối có thể nguyên khổ như người Đức, 80x80. Cũng có thể cắt đi một nửa cho gọn. Nhưng dẫu gì, gối phải nồng nàn. Đủ êm cho đêm tràn. Đủ say cho ngày tới. Đủ mịn màng cho ta nhớ gối. Đủ dịu dàng và đủ cả đam mê.

Chăn có thể dầy, càng có thể mỏng. Có thể dính nhau thành chăn đôi 200x220 kiểu Pháp lãng mạn. Lại có thể chỉ khiêm nhường 135x200 như dân Đức chuẩn mực khắt khe. Nhưng dù sao mặc lòng, chăn phải che mình khi đêm lạnh mà hâm nóng được nồng nàn dưới chăn.

Dưới chăn, không còn gì che đậy. Trên gối, không còn gì cách ngăn. Nhưng được là chăn của chăn, gối của gối, là mơ ước, là diễm hạnh, là cội nguồn khởi thủy và khai sinh.

Gối không nhất thiết lúc nào cũng có đôi. Nhưng có nhau rồi. Ai nỡ tách rời. Ai nỡ chia đôi.

Gối ơi, ta nhớ...

Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin - Ngày 23-3-2014


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn