CHIẾN TRANH

Thứ sáu - 14/03/2014 10:03

(NCTG) “Bảy tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ để hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh, mọi cái với tôi lúc đó như một trò chơi…”.


Chiến tranh không phải trò đùa... - Ảnh tư liệu

Năm bảy chín tôi bảy tuổi, còn quá nhỏ để hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh nên đã rất vui mừng háo hức khi nhà trường yêu cầu gia đình đi đào giao thông hào trong trường làm chỗ trú cho học sinh có báo động.

Vui lắm, mỗi khi có báo động giả để luyện cho học sinh là chúng tôi lại chạy ào xuống giao thông hào, ngồi dưới đó đùa nghịch và khi có trống báo im lại đi lên. Thích nhất là những ngày mà cả buổi chỉ tập chạy xuống giao thông hào không phải học gì cả.

Ở trường thì vậy, về nhà tôi và các anh chị nhà bác Nậm lại trốn quanh đống rơm khi có báo động rồi chơi trò bắt thám báo trốn trong đống rơm. Anh Dũng lớn nhất luôn phải đóng vai thám báo cho chúng tôi đóng vai bộ đội đi bắt. Khoái nhất vẫn là cảnh anh Dũng giơ tay đi vòng quanh đống rơm, còn tôi và các chị cầm súng bằng tàu chuối dí vào lưng anh đi đằng sau hò reo ầm nhà.

Bỗng một buổi tối nhà anh rất đông, mọi người sang chơi nhiều lắm, ai cũng chúc anh lên đường mạnh giỏi, đánh thắng giặc trở về. Vậy là anh chuẩn bị đi bộ đội, tôi đứng tựa cột nhìn anh đi chào từng bàn một. Mãi anh cũng bế tôi lên đùi và bảo:

- Mai anh lên đường nhập ngũ để đánh thằng Trung Quốc! Em ở nhà ngoan, đánh xong thằng này anh lại về làm thám báo cho em bắt nhé!

Tôi vẫn nhớ, hồi đó câu cửa miệng của mọi người bao giờ cũng bảo là “đánh thằng Trung Quốc” hoặc “đánh thằng Tàu khựa”. Như chị Chiến nhà tôi bị anh Phúc tát cho một cái, chị gào ầm lên:

- Anh có giỏi lên biên giới đánh thằng Trung Quốc ấy, còn ở xó nhà tát tôi thì tát làm gì.

Hoặc bác Nậm cầm dao đuổi đánh anh Dũng, anh ấy vừa chạy vừa hét lên:

- Bố giỏi cầm dao lên biên giới đuổi thằng Tàu đi!

Sáng hôm sau bà gọi tôi dậy sớm lắm, bà bảo:

- Dậy đi nào, dậy ra tiễn các anh đi bộ đội.

Tôi chạy ra cổng và ngạc nhiên vô cùng khi một chiếc xe ôtô rất to đỗ ở gốc cây bàng ngay trước cổng nhà tôi, trên xe toàn bộ đội với những bộ quần áo mới coong. Bên dưới các bà, các chị giơ tay vẫy.

Tôi chạy ra đứng nhìn lên chiếc xe đó, mọi người bảo tôi vẫy đi, tôi cũng vẫy và tôi hỏi các anh đi đâu vậy? Mọi người bảo: “Lên biên giới đánh thằng Trung Quốc đấy”. À, đúng rồi, giờ đi chỗ nào cũng là “lên biên giới đánh thằng Trung Quốc”.

Từ trên xe một anh bộ đội nhảy xuống, bế thốc tôi cho lên cổ, là anh Dũng, anh kiệu tôi đi vòng quanh xe ôtô, để vẫy các anh bộ đội, để bắt tay các anh bộ đội, rồi anh đặt tôi xuống:

- Anh đi nhé, anh sẽ đánh hết giặc cho các em sống trong hòa bình!

Anh nhảy lên xe và một lúc chiếc xe lăn bánh, ai nấy đứng lại vẫy, chào cười đùa rất to. Khi xe đi khuất lên đê, không còn nhìn thấy bóng xe đâu mọi người lặng lẽ, tản nhau đi về, đâu đó có tiếng dấm dúi khóc.

Tôi ngạc nhiên hỏi bà là họ vừa tươi thế, sao lại khóc vậy?

Bà còng còng đi vào sân rồi từ từ ngồi xuống góc tường hoa, hai tay ôm lấy gối mắt nhìn xa xăm, nước mắt từ đâu đã ướt đầm đôi má nhăn nheo của bà. Rồi như không kìm được, bà gào lên:

- Con ơi… hờ hờ hờ… con ở đâu con ơi… mẹ cũng đã từng tiễn con đi như thế này mà mẹ chẳng bao giờ được đón con về con ơi…

Mãi sau này khi làm mẹ, tôi mới hiểu được nỗi đau của bà mỗi chiều ngồi đâu đó trong sân lặng thầm khóc gọi tên bác tôi. Còn lúc đó, tôi không hiểu được nỗi đau đó, chỉ đơn giản là bà đang nhớ bác, vậy thôi.

Anh Dũng đi, bọn trẻ con chúng tôi chơi nhạt dần và không chơi nữa cho đến một ngày tôi thấy nhà bên lại rất đông người, nhưng mọi người ra vào lặng lẽ. Có tiếng khóc thút thít, có mùi hương ngào ngạt.

Bà dắt tôi sang nhà anh Dũng, tôi không nhớ mọi người nói chuyện gì, chỉ nhớ bác Nậm cứ khóc ngất đi, bà cũng ngồi khóc.

Hôm đó hai bà cháu tôi đi nhiều nhà lắm, nhà nào bà cũng khóc, mấy người trong nhà cũng khóc. Tôi chỉ nhớ mọi người nói với nhau là các anh giờ là liệt sĩ.

Bảy tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ để hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh, mọi cái với tôi lúc đó như một trò chơi, kể cả việc anh Dũng đã là liệt sĩ, tôi cũng vẫn nghĩ là trò đùa. Rồi hết trò đùa anh lại về chơi với tôi…

Bích Ngọc, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn