TẬP VIẾT BÁO

Thứ bảy - 30/11/2013 22:41

(NCTG) “Quá nửa những gì người ta viết ra không vì mục đích tự thân mà dành cho người khác đọc. Vậy thì sẽ chẳng có ích gì khi bài viết của mình giống như hàng nghìn bài viết nhàm chán khác, vì ai cũng nghiến răng mở bài, thân bài, kết luận như đã được nhồi nhét từ những năm đến trường”.


Minh họa: Internet


Tiết trời vào thu vẫn bức bối ngột ngạt. Cả lớp 8H ngày thơ ấu của tôi kéo nhau ra bãi cỏ ở góc công viên Thủ Lệ liên hoan. Mọi người hí húi nhóm than nướng ngô và chuẩn bị đồ uống. Chỉ có Ngân là vẫn kiệm lời và sầu muộn vô cớ như mọi khi, khuôn mặt nàng đẹp thánh thiện như Đức Mẹ trên bức tranh thờ. Tôi khẽ hất đầu làm hiệu cho nàng ra gốc cây si chập đôi.

Vừa khuất tầm mắt mọi người, tôi ấn nàng vào gốc cây rồi điên cuồng luồn tay xuống dưới lớp áo phin nõn mỏng tang như cánh chuồn. Ngân không chống cự như tôi tưởng mà còn ghì chặt đầu tôi vào ngực nàng. Ngoài kia lũ bạn vẫn chí chóe inh tai. Kệ. Tôi lần mò từng phân trên làn da nhễ nhại mồ hôi của nàng, mạch đập thình thịch trong tai, vừa run bắn vì sợ lại vừa sục sôi như con sói đói khi chạm tay vào vùng cấm. Cái móc áo nịt bật tung ra. Ngân rên lên như con thú trúng thương...


Đoạn viết trên hoàn toàn bịa đặt, học mót một cây bút nổi tiếng đã khuyên rằng mấy dòng đầu nên gây sốc thì người ta mới đọc tiếp. Kỳ thực tôi chưa bao giờ liên hoan lớp ở công viên Thủ Lệ, và cả đời chưa gặp cô gái nào tên Ngân. Còn cái kỷ niệm đầu tiên chạm vào da thịt một cô gái thì tôi kể vào một lần khác. Khác hẳn và chẳng hay hớm gì, cũng chẳng bõ công để sợ hay háu đói. Kinh nghiệm đã được kiểm chứng của tôi là nên viết mấy câu đầu cho giật gân. Hãy cố gắng “mở bài” làm sao cho người ta còn muốn đọc tiếp. Món khai vị mà dở thì ít ai buồn đụng đũa vào món chính.

Ngày xưa khi học môn Văn chúng tôi phải rập theo một khuôn: mở bài, thân bài, kết luận. Về nguyên tắc thì không sai. Nhưng, như mọi thứ trên đời, không sai không đồng nghĩa với đúng, không dở chắc gì đã hay. Lần nào viết tôi cũng thấy tù túng khi phải theo khuôn mẫu đó và khi đọc lại thấy ngán như cơm nếp nát, song hễ làm chệch đi thì bị thầy cô cho điểm kém. Quá nửa những gì người ta viết ra không vì mục đích tự thân mà dành cho người khác đọc. Vậy thì sẽ chẳng có ích gì khi bài viết của mình giống như hàng nghìn bài viết nhàm chán khác, vì ai cũng nghiến răng mở bài, thân bài, kết luận như đã được nhồi nhét từ những năm đến trường.

Như đã nói, về nguyên tắc thì không sai. Chỉ tội chẳng ma nào thèm đọc tiếp đến dòng thứ hai. Có lần lớp tôi trên nơi sơ tán phải viết một bài tập làm văn về làng Quỳnh Bội hay đại loại như vậy. Tôi chẳng biết mở bài ra sao cho phải, cắn bút nhìn mãi qua cửa sổ ra bầu trời xám xịt mùa đông và rốt cuộc bắt đầu: “Dạo này trời đã trở rét…” – lúc trả bài bị cô mắng là vô duyên, câu với cú như bà cụ non, lại càng không phải như kiểu cô đã dạy: “Làng chúng em sơ tán đến tên là Quỳnh Bội, có giếng nước trong và nhiều cây xanh v.v...”. Cô đem câu “mở bài” của tôi ra giễu trước lớp. Chưa đủ, cô còn đọc một bài văn “cá biệt” từ lớp B cho tất cả nghe.

Ở đó có một thằng ngố nào đó kể lại rằng bà chủ nhà của nó khuyên ai bị đau mắt thì hơ gấu váy vào lửa rồi chườm lên mắt. Lũ nhi đồng thối tai lớp tôi cứ thế là cười ré lên như bị chọc tiết. Lần nào lẩn thẩn nhớ lại kỷ niệm này tôi cũng khâm phục thằng bạn kể chuyện gấu váy lắm lắm. Thế mới là kể chuyện làng quê chứ! Vậy mà cô không khen nó thì chớ, lại còn đem ra làm trò cười. Giời đất ạ, cứ mãi mãi mở-bài-thân-bài-kết-luận, thảo nào văn sĩ đất ta chỉ biết ngồi rung đùi ở Văn Miếu bình thơ chứ chưa mó được vào giải Nobel.  Tôi chắc là các thầy cô giáo dạy Văn của tôi ngày xưa nếu chẳng may đọc phải mấy chữ này ắt sẽ bực mình lắm, bao công dạy dỗ đẫm tình sư phạm của mình bị thằng giời đánh này đem đổ xuống sông xuống biển cả...

Thưa thầy cô, cho phép em nói nốt câu này cho tròn câu chuyện: dụ dỗ người ta ăn món chính xong rồi mà không biết bưng lên món tráng miệng tử tế thì cũng coi như thất bại. Vậy thì đoạn kết cũng phải tương xứng, vì nó là dấu chấm hết để thực khách đứng dậy ra về còn nhớ tới bữa ăn ngon. Giả sử em hư cấu đoạn trên về cú phiêu lưu đầu đời tên là Ngân rồi, tiếp đó là nhì nhằng mấy chữ thân bài về cuộc đời chìm nổi từ khi bất đắc dĩ chia tay (khiến người đọc hơi bị sốt ruột định bỏ cuộc), thì kết luận nên như thế này để làm phao cứu hộ:

Hai mươi hai năm sau tôi tình cờ gặp lại Ngân trong một chuyến nghiên cứu điền dã tận Lào Cai. Không có vết chàm tí xíu hình con thạch sùng ở gần đuôi mắt trái chắc tôi không sao nhận ra nàng. Ngân của tôi, Ngân xinh tươi lộng lẫy của tôi bây giờ là một bà già móm mém tàn tạ ngồi bó gối bên chảo thắng cố lèo bèo váng mỡ. Trời ơi, số phận oan trái nào đã xô đẩy nàng đến bước này? Tôi không biết, tôi không muốn biết, tôi không dũng cảm để biết. Tôi chạy như ma đuổi khỏi góc chợ hôi hám kinh hoàng xế bên hông bến xe đi Bắc Hà. Giá như ngày ấy tôi đừng quá nhát gan. Giá như ngày ấy tôi hé miệng nói nổi một lời yêu…

Với kiểu viết đó, chả trách báo “An Ninh Toàn Cầu” đăng bài của tôi ngót chục năm nay.

Lê Quang, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn