BÍ ẨN CÁI CHẾT CỦA THI HÀO HUNGARY PETŐFI SÁNDOR

Chủ nhật - 06/10/2013 20:43

“Các bạn có thể nói với một bà mẹ rằng con trai bà đã qua đời ở một miền xa xôi nào đó. Bà sẽ không tin. Và nếu bằng lý trí, với thời gian, bà đành bằng lòng với thực tế ấy, thì trong lòng bà, trái tim bà vẫn dội nên niềm hy vọng trước một nguồn tin ngược lại, cho dù nó vô lý đến đâu đi nữa, rằng con bà vẫn còn trên cõi đời này…”.


“Cái chết của Petőfi Sándor” - Tranh của Hegedűs László (1850)

Ðó là những dòng đầy xót thương mà Illyés Gyula - nhà thơ Hung nổi tiếng - đã viết trong cuốn sách của mình về sự ra đi của Petőfi Sándor, thi hào vĩ đại nhất của dân tộc Hungary, con người mà những vần thơ về tình yêu và bổn phận ái quốc của người trượng phu thời ly lạc đã được biết đến rất sớm ở Việt Nam, từ những năm tháng chống Pháp.

Petőfi Sándor, tác giả những thi phẩm thấm đẫm tình yêu đất nước và tự do, đã không đứng ngoài cuộc chiến bảo vệ độc lập và tự do dân tộc thời kỳ 1848-49, mặc dù Hungary đứng vào thế yếu trước sự can thiệp của thế lực quân sự nước ngoài mạnh hơn gấp bội.

Ðược bạn hữu ngăn cản, không muốn ông phải liều mình, nhưng Petőfi vẫn kiên cường đứng trong hàng ngũ của đạo quân ái quốc do vị tướng gốc Ba Lan Bem József (Józef Zachariasz Bem) đứng đầu. Cây đàn thơ của ông chưa bao giờ ngừng tiếng, kể cả khi quân đội Nga hoàng đã ồ ạt tràn vào đất Hungary can thiệp.

Chính thức được coi là đã hy sinh tại chiến trường, nhưng dường như đất nước Hung vẫn không muốn tin rằng người con ưu tú của mình đã ra đi vĩnh viễn. Nhiều huyền thoại đã được truyền tụng, rằng Petőfi không hy sinh, ông chỉ bị thương nặng, bị bắt rồi bị đày ải ở chốn Siberia xa xăm...

Mùa hạ định mệnh 1849

Giữa tháng 6-1849, sau những chiến thắng ban đầu của chính quyền cách mạng Hungary, Vương triều Habsburg (Áo) đã cầu viện đồng minh Nga hoàng. Một đạo quân gần 200 ngàn chiến binh được cử sang giúp Áo, với mục đích đè bẹp những nỗ lực độc lập và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc Hung. Trong lịch sử quân sự Nga, đây là lần xuất chinh có quy mô lớn nhất và ồ ạt nhất!

Khi chính quyền cách mạng Hungary phải trốn chạy khỏi Pest, vào ngày 3-7-1849, Petőfi cũng rời thủ đô, cùng gia đình tới vùng Mezőberény tá túc tại gia đình một người họ hàng, họa sĩ Orlay Petrics Soma. Ở đó, ông sống ẩn dật vài tuần và sáng tác bài thơ cuối cùng mà hậu thế được biết đến, thi phẩm “Thời khủng khiếp” (Szörnyű idő).

Ngày 18-7, khi các đạo quân liên minh Áo - Sa hoàng cũng tràn đến vùng quê ấy, Petőfi đành trao cho Orlay các bản thảo và những trang hồi ký của mình, rồi đưa gia đình chạy tiếp về vùng Erdély (Transilvania, hiện thuộc lãnh thổ Romania) để tái nhập đạo quân của tướng Bem.

Giữa chừng, ông đã phải bỏ lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới được 7 tháng tuổi mà bà Szendrey Júlia đã thai nghén ngay trong những giờ khắc rực lửa của cuộc cách mạng 1848, khi Petőfi đóng vai trò một thủ lĩnh tinh thần với bài thơ bất hủ “Bài ca Dân tộc”, tiếng kèn xung trận, bản quốc ca của cuộc cách mạng.

Cuối tháng 7, Petőfi gặp lại tướng Bem, người được ông coi như cha và tấm gương về lòng dũng cảm, khi đó đứng đầu một đạo quân quốc tế, chiến đấu vì nền tự do và độc lập chủ quyền của các dân tộc với lý tưởng hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.

Chỉ một vài ngày sau cuộc tái ngộ hết sức cảm động đó, đạo quân của tướng Bem chạm trán các đoàn quân tinh nhuệ - với quân số và khí tài lớn gấp đôi - của liên minh Áo-Nga tại một thung lũng ở mảnh đất lịch sử Segesvár (nay thuộc lãnh thổ Romania).
 

Segesvár, nơi xảy ra trận chiến ác liệt - Ảnh của Paur Géza (1850)

Sau một ngày chiến đấu hết sức ngoan cường, phía Hungary bại trận và buộc phải rút quân. Ít nhất 500 người bị bắt làm tù binh và chừng 1.200 chiến sĩ Hung (một phần năm đạo quân của tướng Bem) đã hy sinh - trong đó, có lẽ có nhà thơ Petőfi Sándor.

Những giờ khắc cuối cùng

Không ai hay chính xác số phận của nhà thơ - chiến sĩ này thế nào trong và sau trận chiến Segesvár. Nửa đầu thế kỷ 20, một ủy ban Petőfi với sự tham gia của nhiều giáo sư khả kính của Hungary và Romania đã được thành lập: trong quá trình nghiên cứu, họ đã đưa ra một lộ trình và diễn biến giả định cho những giờ khắc cuối cùng của nhà thơ.

Căn cứ những dữ liệu ít ỏi, có thể biết rằng thoạt tiên, Petőfi luôn hiện diện ở gần vị tướng Bem, nhưng ông không có ngựa và vũ khí. Một giờ chiều, khi thế trận ác liệt diễn ra và cảm thấy phần thắng không thuộc về mình, tướng Bem đã hạ lệnh cho nhà thơ rời chiến địa.

Tuy nhiên, ít nhất là trên cương vị một chứng nhân, một ca nhân của cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc, Petőfi không rời chiến trường: sau thời điểm đó, một số nhân chứng vẫn thấy nhà thơ ở nhiều điểm khác nhau tại chiến trường, khi ông chăm chú quan sát thế trận và ghi chép vào sổ.

Chừng 5-6 giờ chiều, quân Hung bị đánh bật, một bộ phận bị bao vây. Trên đường rút lui, đạo quân của tướng Bem bị một nhóm kỵ binh người Kozak truy đuổi. Hồi 5 giờ chiều, có người còn thấy Petőfi tại gần cây cầu vùng Sárpatak, nơi chừng 200 chiến sĩ trẻ Hungary ngoan cường chống cự 800 chiến binh Kozak thiện chiến.
 

Tảng đá ở chân cây cầu vùng Sárpatak, gần Segesvár. Tục truyền (và theo một số hồi tưởng), Petőfi đã đứng đây quan sát trận chiến và ghi chép

Khi đó, ngồi trên mình ngựa, một bác sĩ quân y tên là Lengyel József hét lên với nhà thơ “hãy chạy đi!” khi ông này biết đạo quân của tướng Bem đã buộc phải rút lui. Tuy nhiên do không có ngựa nên Petőfi chỉ có thể chạy bộ và ông cũng chỉ rút lui khi tận mắt chứng thực rằng, quả thực tướng Bem đã rời trận địa.

Sau đó chút ít, cùng một nhân chứng khác là trung tá Papp Lajos (tổng tham mưu trưởng đạo quân của tướng Bem), bác sĩ Lengyel còn thấy Petőfi chạy bộ sau ông chừng 400 bước chân, tại gần một con suối vô danh. Từ đó trở đi, không ai còn thấy thi sĩ...

Ðiều bí ẩn của lịch sử

Những hồ sơ Kho Thư khố mật của Hoàng gia Áo tại thủ đô Vienna còn ghi nhận đoạn cuối của cuộc chiến ở Segesvár, khi rất nhiều chiến sĩ Hungary bị kỵ binh Áo - Nga giết hại trên đường rút lui khỏi chiến trường. Một câu hỏi nhức nhối được đặt ra: Petőfi có trong số ấy?

Không biết bao nhiêu nhà nghiên cứu, chuyên nghiệp cũng như tài tử, đã khảo sát thực địa, tìm gặp các nhân chứng, kiểm tra các nguồn tin truyền khẩu nhằm trả lời cho câu hỏi ấy. Giới khoa học ngày nay đưa ra quan điểm “chính thống”, cho rằng nhà thơ đã tử trận nơi sa trường.

Một nhân chứng khả tín, trung tá quân đội Hoàng gia Áo August von Heydte cho rằng ông đã nhìn thấy thi thể của nhà thơ. Làm nhiệm vụ liên lạc, ông này tới hiện trường chừng nửa tiếng sau khi cuộc chiến chấm dứt. Bên cạnh một chiếc giếng mà người địa phương gọi bằng cái tên “giếng Ispán” (giếng của Tổng trấn), Heydte nhìn thấy một tử thi “vóc dáng thấp, gày, da vàng và có để râu cằm”.
 

“Giếng Ispán”, được coi là nơi Petőfi đã tử nạn

Ðáng chú ý là người đã khuất (vì bị đâm trên ngực) mặc một chiếc sơ-mi vải mịn và quần dài màu đen, cạnh ông là hàng trăm huân chương, huy chương Hungary và những giấy tờ nhuốm máu. Vị trung tá xem qua một tờ giấy như vậy, và thấy rằng đó là một báo cáo quân sự cho tướng Bem.

Về sau, Heydte đã ghi lại những đặc điểm nhân dạng của người đã khuất - cũng như những tình tiết khi liên quân Áo-Nga tìm ra thi thể đó. Căn cứ vào đó, nhiều sĩ quan Hungary bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến đã cho rằng, đây chính là Petőfi Sándor.

Các nhà nghiên cứu còn xác nhận: Petőfi nhiều lần được tướng Bem giao các báo cáo quân sự để dịch ra tiếng Pháp cho ông đọc, ngoài ra, trên cương vị một sĩ quan tùy tùng, nhà thơ còn được trao nhiệm vụ phụ trách khen thưởng. Ðiều này lý giải cho việc bên cạnh thi thể người được coi là Petőfi, có những phần thưởng và hồ sơ quân sự.

Tuy nhiên, mấu chốt trong kết luận của Ủy ban Petőfi Hungary-Romania là ở bộ trang phục trên cơ thể người đã khuất. Petőfi là một trong ba người mang hàm sĩ quan, nhưng mặc thường phục, trong đạo quân của tướng Bem - hai người còn lại đều đã qua đời trong cuộc chiến.
 

Bức chân dung cuối cùng về Petőfi khi ông còn sống của họa sĩ Orlay Soma

Hơn nữa, bộ trang phục do trung tá Heyste ghi lại, giống hệt bộ mà Petőfi đã mặc trong tháng cuối cùng của cuộc đời, khi ông tá túc vài tuần tại tư gia của họa sĩ Orlay Soma. Trong dịp đó, người họ hàng rất thân thiết này đã vẽ lại chân dung Petőfi trong bức họa cuối cùng khi ông còn sống...

Người tù bí ẩn

Tưởng chừng ngần ấy nghiên cứu và bằng cứ cũng đủ để xác nhận sự hy sinh anh dũng của nhà thơ ái quốc tại trận tiền. Tuy nhiên, việc hài cốt của Petőfi chưa bao giờ được tìm thấy nơi chiến địa, kèm nỗi mong mỏi của dân tộc Hungary đối với thi hào vĩ đại của mình, đã khiến một giả thuyết về ông nảy sinh: ông chỉ bị thương nặng và bị quân đội Nga hoàng đưa về Siberia cùng các nhà cách mạng khác.

Những người đặt giả thuyết trên đã dựa vào nhiều tư liệu viết và truyền khẩu, có xuất xứ từ thập niên 50-60 của thế kỷ 19. Nhiều ghi chép - trong đó có bài báo “Nước Nga và Châu Âu” của nhà cách mạng dân chủ Nga Alexander Herzen - cho thấy, nhiều chiến sĩ dân chủ Hungary, Ba Lan... thời 1848 đã bị đày ải tại vùng hồ Baikal.

Một số sử gia và các nhà nghiên cứu ở địa phương ghi nhận rằng, tại vùng Barguzin (bên bờ hồ Baikal), rất nhiều câu chuyện đã được truyền tụng về những người bị đi đày đến từ những xứ sở xa xôi, trong đó các vị cao niên nhắc nhiều đến một người tên là Petrovics (rất trùng hợp: Petrovics Sándor là tên khai sinh của nhà thơ).

Tổng hợp các nguồn tin từ các “già làng”, có thể giả thiết được rằng, một người tù bí hiểm tên là Peterfi (Petőfi?) Petrovics từng được đưa đến từ một xứ sở rất xa xôi, trong trạng thái bị thương nặng. Ðất nước ông anh dũng nổi dậy chống lại sự cai trị của vị hoàng đế độc đoán Franc (Franz Joseph I, hoàng đế Áo).

Cuộc chiến diễn ra ác liệt, hoàng đế Franc phải cầu viện đến Nga hoàng Nikolka (Nicholas I), nhiều chiến binh Nga đã được cử tới đất nước nọ và trong một trận chiến, Petrovics bị thương nặng, suýt chết. Ông bị quân Nga bắt làm tù binh tại vùng Transvan (Transilvania?) và đưa về một làng ở vùng Siberia. Ở đây, dân làng gọi ông bằng cái tên “người được phục sinh”.

Tại nơi ở mới, Petrovics làm nhiều việc để sống: ông sửa tranh thánh rất khéo, có lúc còn làm nghề xây dựng, nhưng thứ Bảy hàng tuần ông lại dựng kịch tại sân các nhà giàu cho dân làng xem. Ðược tả là một người gày gò, tóc đen, có râu cằm, Petrovics nói tiếng Nga không thạo và bị bệnh phổi.

Ngoài ra, Petrovics còn có con (dù những câu chuyện truyền khẩu không nhắc tới lễ hôn thú) với một phụ nữ Nga tên là Anna Kuznetsova, chính là bà chủ nhà nơi ông được “an trí” sau khi bị đưa từ Lục địa già sang Nga. Ðứa con trai được đặt tên là Alexander (tức Sándor theo tiếng Hungary).

Ngoài ra, được biết, Petrovics còn chơi thân với một cựu sĩ quan hải quân gốc Ðức tên là Mikhail Küchelbecker, bị đi đày vì tham gia cuộc khởi nghĩa tháng Chạp chống lại chế độ Nga hoàng. Mộ phần hai người cũng được đặt cạnh nhau, sau khi Petrovics qua đời vào năm 1856 tại Elisun, một làng nhỏ cách Barguzin chừng 40km.

Căn cứ các dữ liệu trên, giáo sư dân tộc học Eliasov cho rằng tù nhân bí ẩn đến từ miền đất xa xôi nói trên chính là thi hào vĩ đại Petőfi Sándor của dân tộc Hungary! Từ thập niên 60 thế kỷ trước, nhà nghiên cứu này đã chia sẻ suy nghĩ trên với các đồng nghiệp người Nga của mình.

Bí ẩn trên cũng được nhắc tới với Lőrincz L. László, nhà nghiên cứu Ðông Phương học, dịch giả, nhà văn thành công nhất của Hungary tính theo lượng sách bán ra, khi ông này qua Ulan-Ude - thủ đô nước Cộng hòa tự trị Buryatia thuộc Liên bang Nga - vào năm 1970 để tìm tòi, nghiên cứu.

Bộ hài cốt từ Siberia

Giáo sư Eliasov mất năm 1975, nhưng những ghi chép quý báu của ông – trong đó có lời kể do ông ghi lại từ nửa đầu thế kỷ 20 của 500 vị bô lão sinh sống vùng gần hồ Baikal về những người tù bị đày ải ở đó - đã được bảo quản, và một phần được đăng tải trên báo chí Liên Xô những năm 1983-84.

“Nghi án” cho rằng Petőfi có thể đã bị lưu đày, đã lập gia đình mới và có con, rồi qua đời ở vùng Siberia heo hút lập tức thu hút được sự chú ý của truyền thông và giới khoa học. Năm 1985, 180 nhà khoa học vùng Siberia đã tham gia một hội thảo ở TP Irkutsk để nghiên cứu về số phận những tù nhân bị lưu đày ở Tây Bá Lợi Á.

Những thông tin mới nhất về họ - những “người tháng Chạp”, người Ba Lan, Hungary..., trong đó có “Petrovics Alexander” - được giới khoa học bàn thảo trong dịp đó. Tin lan về Hungary và được báo chí đăng tải, khiến cơn sốt Petőfi lên mạnh tại “chính quốc”: phải chăng, một huyền thoại gần 150 năm lại có thể là sự thật?
 
Ông Morvai Ferenc, người đã bỏ 23 năm trong đời mình và vô số tiền bạc để đi tìm hài cốt Petőfi

Tuy nhiên, không phải chính quyền hay giới khoa học Hungary, mà người đứng ra thực hiện nhiệm vụ lớn - tìm hài cốt của Petőfi tại Siberia - lại là một doanh nhân, ông Morvai Ferenc. Cuối năm 1988, chiêu tập được một số chuyên gia khảo cổ học, nhân chủng học nổi tiếng, ông Morvai đã tự bỏ tiền mở một chuyến thám hiểm Siberia, được cả nước Hung hồi hộp theo dõi và chờ đợi.

Chuyến đi được ông Morvai mô tả là hết sức may mắn, khi họ ngẫu nhiên bắt được quan hệ với một kỹ sư hồi hưu sinh sống ở Moscow, ông Yury Vinokur, sinh năm 1915 tại vùng Barguzin. Ông của Vikonur cũng là một tù nhân bị đi đày ở Siberia - hai ông cháu đã từng mang hoa tới đặt ở mộ phần một người có tên là Petrovics, đến từ Hungary!

Với sự hỗ trợ của “hoa tiêu” Vinokur, đoàn thám hiểm tìm được đến một nghĩa địa hoang, kích thước 20x10m, cũng phù hợp với lời kể của các vị bô lão trong vùng. Thoạt tiên, trưa 17-7-1989, họ tìm thấy hài cốt một người đàn ông chừng 60 tuổi, được xác nhận chính là Mikhail Küchelbecker, bạn thân của Petrovics.

Mục đích của chuyến thám hiểm được hoàn tất vào buổi chiều hôm đó, khi bộ hài cốt thứ bảy được tìm thấy - thoạt tiên là một hộp sọ không nằm trong quan tài - và các nhà nghiên cứu trong đoàn cho rằng, nó hoàn toàn phù hợp với những đặc điểm nhân dạng trên những tấm ảnh, cũng như do người đương thời mô tả về Petőfi! Nhiều người òa lên khóc vì xúc động...

Căn cứ 23 điểm chung trên cơ thể Petőfi và trên bộ hài cốt mới tìm được, một nhà toán học có mặt tại hiện trường lập tức đã tính ra, theo những nguyên tắc cơ bản của môn thống kê học, xác suất để bộ hài cốt không phải là của Petőfi chỉ là một phần mấy triệu! Ngày 18-7-1989, Hãng Thông tấn Liên Xô TASS loan tin một nhóm các nhà khoa học Hungary - Mỹ đã tìm thấy hài cốt của nhà thơ Hung vĩ đại nhất - Petőfi Sándor - tại vùng Barguzin, gần hồ Baikal.

Những tưởng đã có thể đặt dấu chấm hết cho một câu chuyện kéo dài 141 năm, kể từ khi nhà thơ bặt tăm sau trận chiến tại Segesvár...

Cuộc chiến dai dẳng với chính quyền

Tuy nhiên, mọi việc chưa dừng ở đây. Cho dù nhóm nghiên cứu do ông Morvai Ferenc thành lập - với tên gọi Ủy ban Petőfi - khẳng định rằng đã có đủ mọi bằng cứ khoa học cho thấy hài cốt tìm được ở vùng Barguzin chính là Petőfi, nhưng kết luận này đã gặp phải rào cản đến từ chính quyền và giới khoa học “chính thống”.

Nửa năm sau sự kiện chấn động ở vùng quê xa xôi, các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary và Liên Xô khẳng định, hài cốt là của... một phụ nữ chết trẻ, mới được chôn cất chưa quá 100 năm. Nhóm của ông Morvai cực lực phản bác kết quả đó, coi đây là một sự giả mạo, một âm mưu chính trị muốn người dân đừng tiếp cận sự thật, và tiếp tục trưng cầu ý kiến các khoa học gia khác để chứng tỏ cái lý của họ.

Năm 2001, bộ hài cốt đã được Ủy ban Petőfi cho khám nghiệm tại một phòng thí nghiệm ở Mỹ - được coi là nổi tiếng và quy mô bậc nhất thế giới - và kết quả kiểm tra di truyền tại đó cho thấy chắc chắn hài cốt là của một người đàn ông.

Một trong những luận điểm mà Ủy ban Petőfi cho rằng có thể “dứt điểm” cuộc tranh cãi, là nếu họ có thể mở hầm mộ của cha mẹ và con trai nhà thơ tại nghĩa trang danh nhân ở Budapest, để tiến hành so sánh mẫu gen di truyền với hài cốt tìm thấy ở Siberia. Ðề nghị này được gửi lên chính quyền thủ đô Budapest từ mùa xuân năm 1991, nhưng nó đã bị khước từ.

Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (MTA), trong rất nhiều dịp, đã cho rằng không hề có bằng cứ gì xác đáng chứng tỏ Petőfi đã được đưa sang vùng Barguzin, do đó, việc khai quật khu mộ của gia đình nhà thơ là thừa, vô ích, và là hành động xúc phạm đến những tình cảm dân tộc.

Hàng loạt đơn khiếu kiện chính quyền thành phố mà Ủy ban Petőfi đệ lên tòa - vì cho rằng chính quyền đã phạm luật khi không cho phép họ mở khu mộ với mục đích nghiên cứu - cũng lần lượt bị bác bỏ.

Mãi đến gần đây, người đứng đầu Ủy ban Petőfi mới được biết rằng không phải chính quyền các cấp, mà chính hậu duệ của nhà thơ mới là bên có thể cho phép khai quật khu mộ gia đình Petőfi. Ðiều này cũng có nghĩa là suốt 20 năm ròng, nhóm của ông Morvai Ferenc đã “chọi đá” một cách vô ích, và chính quyền cũng “chơi xấu” họ khi tạo ra một rào cản khiến họ không thể bước tiếp.

Tuy nhiên, ông Morvai không chịu lùi bước. Những diễn biến mới nhất cho biết, từ một năm nay, ông đã đổi hướng: thay vì muốn mở khu mộ để kiểm tra di truyền, ông đã tìm gặp và lấy mẫu máu từ... 31 hậu duệ xa của nhà thơ. Kết quả xét nghiệm thực hiện ở Mỹ, theo ông, sẽ được công bố trong thời gian tới.

Liệu huyền thoại có trở thành hiện thực?

Cách đây hơn 1 năm, trong cuộc phỏng vấn được thực hiện nhân ngày Quốc lễ 15-3 của Hungary, mốc lịch sử gắn liền với tên tuổi nhà thơ của “tự do và ái tình” Petőfi Sándor, ông Morvai cho hay, kết quả mà ông sẽ có thời gian tới sẽ là lời khẳng định chính xác 100% cho câu hỏi: bộ hài cốt có phải là của thi sĩ đã quá cố hay không.

Ðộc lập với kết quả đó, 11 chuyên gia Mỹ, Thụy Sĩ, Nga và Hungary đã ký xác nhận một biên bản khẳng định hài cốt tìm được chính là của Petőfi, theo những phương pháp xác minh truyền thống. Ngoài ra, ủy ban của ông Morvai còn tìm được tại Kho Thư khố bí mật của Viện Hàn lâm Khoa học Nga một bằng cứ “nặng ký”: tờ trình của tướng Ivan Paskevich.

Ðó là báo cáo gửi Nga hoàng của vị tổng chỉ huy đạo quân viễn chinh Nga tại Hungary, trong đó có liệt kê những chiến lợi phẩm lấy được từ đất Hung, lượng tù binh bị bắt giữ và danh sách các sĩ quan bị đưa về Nga. Cái tên Alexander Petrovics (Petőfi Sándor) cũng nằm trong danh sách đó!

Ông Morvai còn nhấn mạnh, ủy ban của ông có trong tay những bài thơ viết ở Siberia của Petőfi, đã được so sánh văn bản học với những tác phẩm nhà thơ viết thời còn ở Hungary. Những bằng cứ văn bản ấy sẽ được ông Morvai công bố khi đã có kết quả di truyền học, còn hiện tại chúng được bảo quản cẩn mật, ở một nơi không ai biết đến.

Cũng như vậy đối với bộ hài cốt được mang về Hungary từ hơn 20 năm nay: ông Morvai khẳng định nó đang trong tay các nhân vật thuộc Giáo hội, nhưng ngoài ông ra chỉ một người duy nhất biết, nếu có điều gì chẳng lành xảy ra với ông. Bởi lẽ, theo ông, thời trước người ta đã muốn hủy nó để sự thật không bao giờ được đưa ra ánh sáng.

Trong một diễn biến có liên quan, đầu năm 2011, một nhà khảo cổ học nổi tiếng - thành viên đoàn thám hiểm Siberia năm 1989 – đã phát biểu: theo những đạo luật hiện hành, chỉ cần 3 điểm trùng hợp về nhân dạng là đủ để nhận dạng một người đã khuất. Trong trường hợp bộ hài cốt tìm được ở Barguzin, có tới hơn 50 đặc điểm nhân dạng trùng hợp với những nét đặc thù của Petőfi!
 
*

Như vậy, có thể chỉ một thời gian không lâu nữa, người dân Hungary sẽ biết được, thi sĩ lớn nhất trong lịch sử dân tộc họ đã ngã xuống nơi chiến trường năm 1849, hay còn sống sót, trải qua những năm tháng đi đày tại vùng Siberia heo hút, rồi qua đời tại đó.

Tuy nhiên, dường như một bộ phận đáng kể của công luận Hung cho đến giờ không còn thật quan tâm tới điều đó. Ðối với họ, trong trường hợp một thi sĩ mà thơ ca và cuộc đời hoàn toàn đồng nhất như ở Petőfi Sándor, sự hy sinh nơi chốn sa trường là một kết cục đẹp và vinh quang.

Một năm rưỡi trước cuộc cách mạng 1848 mà ông là một trong những thủ lĩnh tinh thần chính yếu, Petőfi đã bị dày vò bởi ý nghĩ, chẳng lẽ trong hoàn cảnh đất nước như thế, ông nỡ lòng nào chết trên giường ấm đệm êm. Ðể rồi nhà thơ mơ ước được hiến dâng đời mình vì độc lập dân tộc nơi chiến địa:
 
Tôi muốn ngã giữa trận tiền sôi sục máu
Giữa chiến trường rực lửa hờn căm
Cuồn cuộn chảy đỏ tươi dòng máu thanh xuân
Môi tôi vui mừng nói lời trăng trối
Hòa vào tiếng sắt thép gầm vang dữ dội
Giữa tiếng kèn xung trận, tiếng đại bác xé trời
Ðể lũ ngựa ầm ầm phóng qua xác tôi
Mau kịp đến với lẫy lừng chiến thắng... (*)

Nếu chấp nhận rằng thi hào của dân tộc Hung đã qua đời trong trận chiến ở Segesvár năm 27 tuổi, với gần 800 thi phẩm để lại cho đời khiến ông được liệt vào hàng những thi sĩ lớn nhất của nhân loại, có thể nói Petőfi đã sống một cuộc đời tận trung với dân, với nước. Cho dù không biết nhà thơ yên nghỉ ở đâu đi nữa, ông đã thành một tiên tri với những vần thơ bốc lửa của mình:
 
Petőfi Sándor (1823-1849) - Ảnh phục chế theo tư liệu đương thời
 
Rồi sẽ đến ngày đại tang cả nước
Tiếng nhạc hiếu khoan thai, trang nghiêm, thống thiết
Biển người cờ quạt nối nhau đi
Chung một huyệt chôn, những anh hùng nào có sá chi
Khi đã hy sinh cho thiêng liêng tự do thế giới!
(**)

Ghi chú:

(*), (**) “Một ý nghĩa dày vò tôi mãi” (Egy gondolat bánt engem, tháng 12-1846), bản dịch của Vũ Ngọc Cân.

(***) Bài viết đã đăng trên “An ninh Thế giới Cuối tháng” (9-2013).

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn