NSND Lê Khanh trong vai bà Xuyên
Quá uất ức khi thấy gia đình người đồng đội của mình bị Chủ tịch xã áp bức vu oan mà mọi người vẫn cam chịu không dám chống lại, chỉ dám đi kêu oan; không đồng ý với việc mà ba chiến sĩ vừa làm là cứu bố của chiến sĩ Xuyên ra khỏi căn hầm bị Chủ tịch xã giam, chiến sĩ Hiến - con trai Chủ tịch tỉnh - đã kêu lên như vậy.
Rồi đến lượt chiến sĩ Đôn cũng phải kêu lên: “
Thế mà bảo nhân dân ta anh hùng, đất nước ta tươi đẹp! Đất nước không đẹp, mà nhân dân chẳng anh hùng, nhân dân nhát!”.
Họ là những người lính trên tuyến đầu của Tổ quốc, vừa mới hôm trước còn phải đánh giáp lá cà với quân thám báo, vết thương vẫn còn nguyên trên người, luôn đối mặt với quân thù, đối mặt với cái chết trong gang tấc, không tiếc máu xương và tuổi trẻ của mình cho đất nước, trong khi, đất nước mà họ đang trả bằng máu để gìn giữ thì thế nào?
UBND tỉnh, nơi bà Xuyên đến kiện và đang bị bảo vệ cùng Chánh văn phòng Ủy ban đuổi về
Không một khán giả nào cầm được nước mắt suốt đêm diễn, mình cứ tưởng mình cứng rắn lắm nhưng rồi nước mắt cứ lặng lẽ rơi từ đầu tới cuối vở diễn. Tiếng vỗ tay đã không hề ngớt mỗi khi đèn trên sân khấu tắt, ngay cả khi kết thúc vở diễn các diễn viên cũng phải cúi chào mấy lượt mà tiếng vỗ tay vẫn chưa dứt.
Gia đình chiến sĩ Xuyên, người chiến sĩ vừa bị thương trong một trận đánh mấy hôm trước, đã bị Chủ tịch xã vu oan, cướp đất rồi tống ông bố từng là bộ đội kháng chiến chống Pháp vào căn hầm ngay sau ủy ban xã. Bà mẹ đi kêu oan khắp các nơi, từ xã lên huyện, lên tỉnh, nhưng đơn của bà đi đến đâu rồi lại quay vòng về xã, kết quả ông chồng - người chiến sĩ chống Pháp năm xưa - vẫn bị giam trong hầm kín chỉ có một lỗ thông hơi bé. Đứa con thì vẫn đang chiến đấu nơi tuyến đầu và có thể hy sinh bất cứ lúc nào để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cho chính những người đang mang danh chính quyền, đàn áp và tống bố mình vào tù.
Ba chiến sĩ Hiến, Xuyên, Đôn về UBND xã bắt chủ tịch xã giải cứu bố của Xuyên
Không chịu được cảnh gia đình đồng đội mình bị vậy, ba chiến sĩ trẻ Đôn, Xuyên, Hiến đã bàn cách đi trấn lột để lấy tiền về quê tự giải quyết nỗi oan cho bố của Xuyên. Họ đã vi phạm vào lời thề thứ 9 trong quân đội: “
Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân, không lấy của dân, không dọa dân, không quấy nhiễu dân. Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân dân nhất trí”. Nạn nhân mà họ trấn lột lại chính là bố của chiến sĩ Hiến - hiện đang là Chủ tịch tỉnh và từng là Sư trưởng sư đoàn của họ - trong lần ông lên thăm lại chiến trường xưa và con trai mình.
Và họ cho rằng việc làm của mình là không sai vì bên cạnh lời thề thứ 9 còn lời thề thứ 7: “
Hết lòng yêu thương đồng đội, đoàn kết giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc chiến đấu”.
Sau khi cứu bố Xuyên ở dưới hầm lên, tên Chủ tịch xã sợ hãi chui xuống gầm bàn
Lưu Quang Vũ quả là tài tình, vở kịch “Lời thề thứ 9” được ông viết từ giữa thập niên 80 trước khi ông ra đi, vậy mà cứ như ông vừa viết nó xong, như thể những sự kiện mới vừa xảy ra được ông đưa lên sân khấu vậy.
Ta thấy Đoàn Văn Vươn trong kịch, ta thấy nhân dân Văn Giang trong kịch, và ta cũng bắt gặp nhóm cán bộ xã - những cường hào ác bá mới. Ta thấy những quan huyện, quan tỉnh quan liêu lo giữ cái ghế của mình cho vững mà không và chưa bao giờ lo cho dân, nghĩ cho dân trong khi nơi làm việc của họ luôn treo biển “
Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, “
Nhân dân làm chủ”.
Bất chấp mọi tội lỗi, Chủ tịch Hà vẫn ngồi yên vị trên chiếc ghế góc trái màn hình
Đoàn kịch II
Nhà hát Tuổi Trẻ đã mạnh dạn và rất thành công khi dựng lại vở “Lời thề thứ 9”. Họ, những đạo diễn, diễn viên chắc cũng mong mỏi nhiều lắm, gửi gắm nhiều lắm qua vở diễn này. Nhưng có điều, cả nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ lẫn đạo diễn NSND Xuân Huyền, trợ lý đạo diễn NSƯT Chí Trung cũng không dám cách chức Chủ tịch Hà, người mà lúc mọi chuyện xảy ra căng thẳng vẫn ngồi yên, vững vàng trên một ghế ở góc sân khấu. Người mà phải cho đến lúc Trung đoàn trưởng Đỉnh kết tội mới ngộ ra, mới hiểu ra, để xảy ra chuyện như thế này là lỗi ở mình, nhưng cũng chỉ đứng lên nhận lỗi và xin lỗi nhân dân, thế là xong.
Khán giả gạt nước mắt đứng lên, điều họ mong muốn đã không xảy ra... kết thúc vở diễn là tiếng kêu uất nghẹn của mẹ Xuyên: “
Giời ơi, bao giờ cho hết khổ hả Giời!”.
“Giời ơi, bao giờ hết khổ hả giời!” - cảnh cuối cùng của vở kịch
Thành công của vở diễn có sự góp sức của các nghệ sĩ như NSND Lê Khanh (vai mẹ Xuyên), các nghệ sĩ trẻ như Duy Nam (vai Đôn), Thanh Bình (vai Xuyên), Tùng Anh (vai Hiến), Sĩ Tiến (vai Trung đoàn trưởng Đỉnh), Bá Anh (vai Trung đoàn phó) và đặc biệt, nghệ sĩ Quỳnh Dương (vai ông Hà) đã rất xuất sắc khi thể hiện vai một cán bộ cấp cao quan liêu, nhìn sự việc phiến diện, trốn tránh trách nhiệm. Nghệ sĩ Khắc Tùng (vai Chủ tịch xã Quách Văn Thuần) cũng nhập tốt vai một tên cường hào ác bá mới.
Cảm ơn tác giả Lưu Quang Vũ, cảm ơn các diễn viên Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi Trẻ, cảm ơn đạo diễn NSND Xuân Huyền, trợ lý đạo diễn NSƯT Chí Trung đã cho chúng tôi - những người dân luôn mong muốn có một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh - một đêm diễn bổ ích và rất đáng để suy ngẫm.
Và bây giờ, khi nghĩ lại những cảnh trong vở kịch, những lời thoại trong đó, nước mắt tôi vẫn lặng lẽ rơi.