THẰNG TƯ GÙ

Chủ nhật - 17/02/2013 01:32

(NCTG) “Nó đi đánh nhau với Trung Quốc năm bảy chín. Chết ngay đợt đầu tiên”.


Hình ảnh trẻ em đi học với chiếc mũ rơm và khăn quàng đỏ được trưng bày tại triển lãm

Đầu năm mua muối – cuối năm mua vôi

Mùng Hai tết. Đang dọn dẹp nhà cửa để đón khách bỗng thấy có người rao “Muối đây…”. Bà nội bọn trẻ con nhắc: “Đầu năm mua muối, mẹ cu ra mua mấy gói lấy may”.

“Bà” bán muối dáng lam lũ, dựng chiếc xe đạp cà tàng vào gốc cây sát mép vỉa hè. Chiếc thúng chằng dây thun được đậy bằng mấy tấm vải áo mưa xanh, trắng. Mấy gói muối cuộn theo hình phễu bọc giấy đỏ bày lên trên miệng.

Con gái lanh chanh cầm tiền chạy ra:

- Bà bán cho mẹ cháu một gói.

Tôi chạy ra, nói với theo:

- Lấy luôn 5 gói con ạ.

Bà bán muối ngẩng lên nhìn mình rồi thảng thốt:

- Nhà Chung ở đây à? Bao nhiêu năm, bây giờ mới gặp lại. Có nhận ra nhau không?

Tôi im lặng vài giây như dò hỏi. Sợ lỡ nói điều gì làm người đàn bà chạnh lòng, phật ý. Nhưng chị đã nhanh nhảu:

- Tớ đây. Nhụn đây. Hồi Chung về sơ tán ở Đông Sơn, có nhớ không?

Nhìn gương mặt người đối diện thì tôi không thể nhớ ra. Nhưng còn cái tên “Nhụn” đặc biệt kia thì tôi nhớ.

Tôi cười xác nhận:

- Đi sơ tán thì nhớ, nhưng lớp mình hồi ấy tớ chỉ nhớ mỗi thằng Tư gù. Nó chuyên môn bắt nạt bọn “thành phố”.

- Thằng Tư chết rồi. Nhụn hạ giọng buồn buồn…

- Chết lâu chưa? Vì sao mà chết? Tôi hỏi

- Nó đi đánh nhau với Trung Quốc năm bảy chín. Chết ngay đợt đầu tiên.

*

Tháng Tư năm bảy hai, sau đợt Mỹ ném bom Sở dầu ngày 16 tháng Tư, nhà máy của mẹ tôi đưa tất cả bọn trẻ con về Đông Sơn – Thủy Nguyên sơ tán. Hợp tác xã ở đó đã cho mượn mấy gian nhà kho để dùng làm “nhà trẻ”.

Tôi học lớp năm. Trường cấp hai Đông Sơn phải xé thành nhiều điểm lẻ. Khối năm có hai lớp, học ngay dưới chân núi Đào. Hai phòng học “tranh tre nứa lá” được dựng lên cấp tốc với những đường giao thông hào sâu chừng một mét chạy thẳng vào núi trong trường hợp bị ném bom.

Thằng Tư không gù, nhưng bọn trẻ con ghép với cái lưng của mẹ nó mà thành tên. Tôi là tổ trưởng tổ hai. Thằng Tư vì nghịch ngợm và hay nói chuyên riêng nên bị xếp ngồi xen kẽ giữa hai đứa con gái “thành phố”. Hàng ngày, nhiệm vụ của tổ trưởng chỉ có một việc là mở sổ theo dõi bốn thứ bắt buộc học sinh phải đem tới trường: Sách vở – cứu thương – nọn rơm – guốc dép.

Thằng Tư chuyên môn đi chân đất đi học. Mỗi lần tôi định viết số không (0) vào cạnh tên “Nguyễn Văn Tư” thì nó lại lôi trong chiếc túi vải ra hai chiếc dép xỏ vào chân rồi nhìn tôi cười thách thức. Túi cứu thương theo quy định của trường phải có bông băng, thuốc đỏ, nhưng thằng Tư chỉ có mỗi một mẩu băng trắng gói trong mảnh giấy con con. Nọn rơm của nó thì xộc xệch, hai chiếc nẹp như muốn rơi ra.

Mỗi lần tụi con trai trong lớp nghĩ ra một trò nghịch ngợm gì thì thằng Tư lại sẵn sàng “hy sinh” nọn rơm để làm mồi lửa hoặc làm “vũ khí”. Dân sơ tán tụi tôi không có rơm. Mỗi lần bện nọn rơm hay mũ rơm là phải chạy xin khắp xóm, hoặc rút “trộm” từ đống rơm nuôi trâu bò của Hợp tác xã.

Một lần, trong giờ ra chơi, sau khi ném chiếc nọn rơm của mình về phía “đối phương”, thằng Tư giật ngay nọn rơm của mấy đứa xung quanh để tiếp tục “quyết chiến”. Nhìn chiếc nọn rơm của mình tơi tả, tôi đã òa lên khóc. Thằng Tư sợ tôi mách thầy. Nhưng tôi sợ bị gọi là “đồ hớt lẻo” nên “tha” cho nó.

Mấy ngày tiếp theo, tôi phải xách theo nọn rơm đi học vì hai chiếc quai đeo đã bị thằng Tư làm hỏng. Rồi cuối buổi chiều thứ tư, thằng Tư bảo: “Mai được nghỉ, tao sẽ bện đền cho mày một chiếc mũ rơm thật đẹp”. Tôi chun mũi chả tin. Nhưng hóa ra nó làm thật. Chiều thứ Sáu, nó đi sớm qua nhà trẻ đưa cho tôi chiếc mũ rồi chạy vội đến trường.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định ngừng bắn được ký kết ở Paris. Tụi trẻ con chúng tôi chỉ nghe thấy hết ném bom là reo hò nhảy múa. Ngay tối hôm sau, một lũ lóc nhóc gần chục đứa trẻ con trốn các cô bảo mẫu đi bộ về thành phố. Chúng tôi vừa đi vừa hát “Thằng Mỹ thế mà ngu – Đem bom thả tít mù – Ông ngồi dưới hố thế mà chu”. Vài ngày sau, anh chị tôi phải đạp xe về nơi sơ tán mang hết đồ đạc về. Tôi cũng chẳng kịp có lời chia tay với thầy Liễu, thằng Tư và cái Nhụn.

*

Tôi hỏi Nhụn:

- Bà Gù mẹ thằng Tư còn sống không?

Nhụn bảo:

- Sau khi thằng Tư hy sinh, anh nó mang mẹ đi đâu, chả ai biết.

*

Tôi chuyển công tác lên Hà Nội, rồi lại tiếp tục một chuyến đi rất dài. Mười năm nay chưa về Hải Phòng ăn tết. Thỉnh thoảng về chơi, vẫn nghe hàng xóm nhắc có một “bà” bán muối gửi lời hỏi thăm.

Ngày mai là ngày mở màn cuộc chiến chống Tàu cách đây 34 năm. Có thể hồn thằng Tư gù – bạn tôi – vẫn còn lẩn khuất ở đâu đó trên biên giới.

Thanh Chung, từ New York - Ngày 16-2-2013


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn