Nhạc sĩ Phạm Duy trong tấm ảnh gửi các thân hữu nhân dịp năm mới 2013 - Ảnh: Phong Quang
Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối.
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi...
Nhạc phẩm
“Ngày đó chúng mình”, sáng tác năm 1959 tại Sài Gòn, với giọng ca của cố danh ca Duy Quang, là một trong những bản tình ca đẹp nhất của Phạm Duy, người nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam, mới
từ giã cõi trần bên thềm Xuân Quý Tỵ.
Với hơn 90 năm đời người và 70 năm trong nghiệp sáng tác, “
người hát rong thế kỷ” Phạm Duy đã cho ra đời hơn 1.200 tác phẩm thuộc mười mấy loại ca khúc với nội dung và cách thể hiện hết sức đa dạng, phong phú và hầu như ở thể loại nào, ông cũng có những kiệt tác về mặt nhạc học hoặc nội dung.
Tuy nhiên, nếu để nhắc đến một thể loại nhạc mà trong đó, bất cứ ai – không phụ thuộc chính kiến - cũng phải thống nhất rằng Phạm Duy là một nghệ sĩ đại tài ít ai sánh kịp, phải kể đến tình ca, với những bài ca bay bổng về giai điệu và tuyệt mỹ về ca từ, từng được một nhà phê bình Canada đánh giá và vinh danh là “
sự vươn lên của cánh thiên nga”.
Tự nhận là đã có những cảm xúc thể xác từ năm 7-8 tuổi, mê đọc truyện lãng mạn và thường được người lớn kể cho nghe những truyện tình từ khi còn nhỏ, mới 12 tuổi đã biết yêu - bên cạnh con người xã hội và con người tâm linh thể hiện qua nhiều ca khúc, thì con người tình cảm của Phạm Duy có lẽ là khía cạnh chủ đạo nhất của ông.
Chính con người đó, cùng những cung bậc tình cảm rất mạnh mẽ, đã khiến Phạm Duy trở thành người chắp cánh và an ủi, song hành và tiễn đưa cho những cuộc tình của nhiều thế hệ thanh niên miền Nam, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước phân ly, lòng người tao loạn...
*
Khởi nghiệp âm nhạc trong gánh hát cải lương lưu động Đức Huy – Charlot Miều trên cương vị một ca sĩ nhạc cải cách từ năm 1944, nhưng trước đó hai năm Phạm Duy đã có ca khúc hoàn chỉnh đầu tiên,
“Cô hái mơ”, phổ thơ Nguyễn Bính, thuộc hàng những bản nhạc tình của thời kỳ sơ khởi trong Tân nhạc Việt Nam.
Phạm Duy gọi “Cô hái mơ” và hai bản nhạc tình sau đó,
“Khối tình Trương Chi” và
“Cây đàn bỏ quên”, là loại “
tình ca ấp úng”, rất đặc trưng cho nhạc tình giai đoạn đầu của nền Nhạc cải cách, khi người nhạc sĩ phải viện vào nước non, mây trời, cỏ cây... để nói lên tâm sự của mình thông qua những mối tình tưởng tượng, không có thực.
Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ
Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn
Hồn người thổn thức trong phòng loan
Đêm năm xưa nghe cung đàn gây mơ
Âu yếm nâng tà quạt
Hôn gió đưa về thuyền
Tưởng người trên sóng ru thần tiên.
Êm êm êm dần lan
Cung Nam Thương mờ vang.
Em yêu ai bờ sông nhớ thương ai trong đàn
Xa xa xa rồi tan
Cung Nam Ai thở than.
Ai thương em lầu buồn mỗi lúc khuya tàn cung...
Những bản tình ca đầu tay của Phạm Duy, mặc dù dạo đó tác giả mới chỉ tự mày mò học nhạc lý, đã cho thấy dấu hiệu của một tài năng lớn sau này. Đặc biệt, phần ca từ của ông hết sức văn chương và nên thơ, dưới ảnh hưởng của Thơ Mới và thi ca Việt Nam, mà chính Phạm Duy kể lại là ông đã thuộc lòng và thẩm thấu đại đa số các tác phẩm chính yếu.
Năm 1946, kháng chiến bùng nổ. Gia nhập phong trào Việt Minh như rất nhiều văn nghệ sĩ khác, là tác giả của chừng ba chục bài Kháng chiến ca, Thanh niên ca, Quân ca và Dân ca mới phục vụ cuộc chiến giành độc lập, nhưng Phạm Duy không “khai tử” nhạc tình, mà vẫn tiếp tục với những sáng tác như “Tình kỹ nữ”, “Tiếng đàn tôi” và “Bên cầu biên giới”.
Trong số đó, ca khúc
“Bên cầu biên giới” làm năm 1947 tại Lào Kay trên cơ sở một mối tình có thật được Phạm Duy coi là “một bản nhạc tình giang hồ ẩn chứa một tâm linh”: biên giới ở đây không đơn thuần là ranh giới phân định hai quốc gia, mà còn là “
biên giới giữa tình yêu và hận thù, giữa chiến tranh và hoà bình”:
Ôi giấc mơ qua
Mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên bờ sông Danube
Những đêm sáng sao
Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mải
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới
Ðời tôi sao vẫn ngừng nơi đây
Ôi dòng tóc êm đềm
Ôi bể mắt đắm chìm
Mộng bền năm xưa chỉ là mơ qua.
*
Mùa hạ năm 1951, Phạm Duy cùng gia đình vào thành rồi sau 1 tháng ở Hà Nội, gia đình ông bay vào Nam sinh sống. Tại miền đất mới, sau những năm đầu theo đuổi Tình ca quê hương - Tình tự dân tộc, hoặc dòng nhạc Viễn du, Viễn xứ, Viễn mơ với những tuyệt phẩm như “Tình ca”, “Tình hoài hương”, “Bà mẹ quê”, “Thuyền viễn xứ”..., Phạm Duy trở lại với nhạc tình “
sau mười năm ngủ kỹ”, như diễn đạt của chính người nhạc sĩ.
Đó là lúc Phạm Duy đắm chìm trong mối tình 10 năm ngoài gia đình mà theo lời ông nói: “
Tôi đi tìm và tôi đã gặp tình yêu. Tôi không lẩn tránh nó dù biết không giữ được nó suốt đời”. Mối tình với Lệ Lan (Alice), người thiếu nữ đã viết cho Phạm Duy vài trăm bài thơ, khiến ông có được mấy chục bản tình ca đẹp nhất của Tân nhạc Việt Nam mà ông gọi bằng cái tên Nhạc tình cảm tính.
Khởi đầu bằng
“Thương tình ca” (năm 1956), đây là dòng nhạc “
đã rời khỏi khung cảnh lãng mạn” của nhạc tình giai đoạn đầu Tân nhạc Việt Nam để đến một khúc rẽ mới, khi “bài nào cũng xoay quanh chữ “nhau”: “
đôi lứa yêu nhau không cần đến bối cảnh chung quanh - chỉ có anh với em, chỉ có người nam, người nữ dìu nhau đi trên đường tình”.
Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương.
Nhịp chân êm êm thánh thót
Ðừng cho trăng tan dưới gót
Chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng
Ðừng cho không gian đụng thời gian.
Chìm đắm trong nhau, bên nhau như những người đang
mơ giấc mộng dài - “
Tôi đang mơ giấc mộng dài - Đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh” (trích một thi phẩm của Lệ Lan) - là tinh thần của loạt tình ca này với những tuyệt phẩm như “Tìm nhau”, “Cho nhau”, “Đừng xa nhau”, “Kiếp nào có yêu nhau” (phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh), “Đường em đì”, “Nghìn trùng xa cách”...
Nhạc tình cảm tính của Phạm Duy chứa chở những hoài niệm, trải nghiệm của một thời “
tình xanh khi chưa lo sợ”, kèm theo mọi sắc thái đam mê và day dứt, hạnh phúc và khổ đau của thân phận những cuộc tình, những cặp tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng và nhức nhối, với tâm thức có thể xa nhau (vĩnh viễn) bất cứ lúc nào.
Người tình Phạm Duy ngay khi đang yêu, mơ mộng “
đừng cho trăng tan dưới gót - chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng - đừng cho không gian đụng thời gian”, đã nghĩ tới sự tan vỡ của cuộc tình, “
nếu một mai em bước qua thềm”, “
ngày đó có em ra khỏi đời rồi - và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối”, để rồi phải
cất tiếng van lơn, cầu khẩn:
Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu
Mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái lầu
Ðừng xa nhau nhé!
Ðừng quên nhau nhé!
Ðừng chia nhau núi cao vực sâu.
Ðừng xa nhau! Ðừng quên nhau
Ðừng dứt tiếng ngậm sầu
Ðừng im hơi đắng cay rời nhau
Ðừng đi mau để mãi mãi
Là chiếc bóng đậm mầu
Còn theo nhau tới muôn đời sau.
Nếu Phạm Duy đã phải tìm người tình hết sức gian nan “
trong bom lửa”, “
trong mưa bão”, “
trên kinh đô xây trong xương máu” (
“Tìm nhau”, 1956), thì ông cũng ý thức được rằng, sau khi đã “
cho nhau này dãy Trường Sơn - cho nhau cả bốn trùng dương” (
“Cho nhau”, 1957), sẽ có lúc cặp tình nhân phải nói với nhau những lời chua xót, đắng cay:
Còn gì nữa đâu? Mà chờ đón nhau
Suốt đêm thâu lạnh lẽo
Ngóng trông nhau bạc đầu mà chẳng thấy nhau.
Còn gì nữa đâu?
Còn gì nữa đâu? Mà tưởng nhớ nhau
Bóng dáng yêu, từ lâu
Ðã trôi mau về đâu
Trong giấc mơ nghèo tình đã nhạt mầu...
Với những dự cảm âm u như vậy trước cuộc tình mà Nàng Thơ từng được người nhạc sĩ vinh danh với
những ca từ đẹp nhất: “
Ðường em có đi, hằng đêm gót hoa - Nở những đóa thơ, ôi dị kỳ - Ðường êm có khi chờ em bước qua - Là nghiêng giấc mơ ước thề”, không có gì lạ khi Phạm Duy cho rằng, chủ đề chính yếu khiến ông quan tâm thời bấy giờ là
Tình yêu, Sự đau khổ và Cái chết.
Đi đến tận cùng của cảm xúc trong Tình yêu và Sự đau khổ, Cái chết của Phạm Duy có thể là cái chết trong cuộc tình sau khi đã trải qua mọi cung bậc, “
nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời”, hoặc cái chết khi phải vắng xa cuộc đời sớm nở tối tàn mà tác giả đã khắc họa trong một số ca khúc, đặc biệt là bản
“Nước mắt rơi” (1961), như phân tích của chính ông:
“
Giọt nước mắt ra đi từ bờ mi rồi sẽ chết ở bờ môi, nhưng trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, nước mắt là ngọt bùi của đôi lứa, là mặn đắng của khổ đau, là tình trinh nữ, là hồn thơ, là đời hoa sớm nở tối tàn, là suối lệ nhỏ nhoi hay biển nước mắt của chúng ta. Có cả nước mắt không mùi và nước mắt khô trong một ca khúc ngắn ngủi này...”.
Nước mắt rơi cho tình ra đời
Nước mắt theo duyên về xa vời
Mùa Xuân ngời trôi dòng lệ vui nhỏ bé xanh tươi.
Nước mắt suôi cho người gặp người
Nước mắt len sau từng nụ cười
Lệ ngọt bùi say đời rủ nhau tìm lối ra khơi.
Nước mắt rơi trên tình trinh nữ
Nước mắt đem hương vào hồn thơ.
Nhạc tình của Phạm Duy có yếu tố lãng mạn, day dứt và khắc khoải như của một số tác giả khác, nhưng mạnh mẽ và cuồng nhiệt, đắm chìm và đi xa hơn hết thảy.
“Kiếp nào có yêu nhau”, ca khúc được phổ theo bài thơ của người bạn gái Minh Đức Hoài Trinh gửi từ Paris về cho tác giả, là một sáng tác kịch tính về giai điệu, phần lời được Phạm Duy thêm câu chữ để trở nên một kiệt tác trong loạt bài hát “thơ phổ nhạc” mà ông là bậc thầy:
Đừng nhìn em nữa anh ơi!
Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em
Đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi nhăn đã quên cười.
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ
Gặp người chăng
Gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ.
Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau, thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?
Đạt được đỉnh cao trong nhạc tình trong 10 năm từ 1956 đến 1966, nhưng tình ca vẫn là một chủ đề lớn và xuyên suốt của sự nghiệp âm nhạc Phạm Duy trong nhiều thập niên về sau. Đây là sẽ nội dung của các phần sau của loạt bài viết về nhạc tình Phạm Duy, như một nén hương muộn màng để
từ giã ca nhân chắp cánh cho những cuộc tình của nhiều thế hệ tình nhân Việt Nam…