VĨNH BIỆT NGƯỜI HÁT TÌNH CA

Thứ năm - 27/12/2012 18:41

(NCTG) “Duy Quang, một giọng ca lớn, đẹp và sang trọng, mượt mà và thanh thoát của Tân nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao luyến tiếc cho những người yêu giọng ca anh...”.


Ca sĩ Duy Quang thời trẻ - Ảnh tư liệu

Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà
Nhà của đôi ta, xinh xinh nhỏ bé
Có vườn rau xanh ngát ngoại ô
Có mùa mưa hay nắng mộng mơ
Cây me già trong ngõ
Hoa lá đổ về khuya
Mùi hương lối xóm bay đi tràn trề.

Rồi đây anh sẽ đưa em trở về
Về nơi công viên yên vui lặng lẽ
Hãy ngồi đây, ghế đá ngày xưa
Dưới hàng thông có gió lửng lơ
Con chim nào thường hay hót
Con bướm nào thường hay bay
Về đây với những thương yêu hàng ngày.

Nhạc phẩm “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà”, sáng tác của Phạm Duy (năm 1981), được Duy Quang thể hiện, là một trong những ca khúc sẽ còn mãi đọng lại trong ký ức những người yêu giọng ca đằm thắm này.

Trưởng nam của nhạc sĩ Phạm Duy và nữ danh ca Thái Hằng, ca sĩ Duy Quang vừa từ giã cõi trần vào hồi 11 giờ 39 sáng 19-12 (giờ Cali), hưởng dương 62 tuổi, sau chừng hai tháng chống chọi với Tử thần. Em gái của giọng ca tài danh này - nữ ca sĩ Thái Hiền cho biết, “anh đi tự nhiên, rất nhẹ nhàng, không đau đớn”...

Mắc bệnh ung thu gan ác tính, những ngày cuối đời, Duy Quang được chuyển từ Việt Nam về Mỹ điều trị, nhưng anh đã không chiến thắng nổi căn bệnh hiểm nghèo. Một giọng ca lớn, đẹp và sang trọng, mượt mà và thanh thoát của Tân nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao luyến tiếc cho những người yêu giọng ca anh...

*

Duy Quang chào đời cuối năm 1950 tại Hà Nội trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật: dì là ca sĩ Thái Thanh, cậu là ca - nhạc sĩ Phạm Đình Chương, hai bác là học giả Phạm Duy Khiêm và nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng, ông nội là nhà văn Phạm Duy Tốn, được coi là người đầu tiên viết những truyện ngắn mang tính xã hội ở Việt Nam.

Theo những hồi tưởng, tên khai sinh của Duy Quang là Quảng: cái tên Quang chỉ xuất hiện sau khi anh cùng đại gia đình vào Nam sinh sống năm 1951 và giấy tờ chứng sinh được làm lại. Là con đầu của cặp vợ chồng tài danh Phạm Duy - Thái Hằng, đương nhiên Duy Quang được thừa hưởng những phẩm chất nghệ sĩ tốt nhất của cha mẹ.

Mặc dù đam mê âm nhạc từ năm 5-6 tuổi, thông thạo nhạc lý từ năm lên mười và có thể chơi nhiều nhạc cụ khác nhau như trống, guitar, mondolin, dương cầm..., nhưng Duy Quang vào nghiệp ca hát khá muộn vì thân phụ anh, nhạc sĩ Phạm Duy không muốn con cái vướng vào “kiếp cầm ca” với nhiều gian khó, trăn trở và đầy cạm bẫy.

Tuy nhiên, hậu bán thập niên 60, Duy Quang cùng các thành viên khác trong gia đình (Duy Hùng, Duy Minh, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo) đã hòa mình vào phong trào nhạc trẻ, chịu ảnh hưởng của nhạc Beat - Rock Tây Phương thời đó. Ban nhạc gia đình “The Dreamers” (Những kẻ mơ mộng) được thành lập năm 1967 với giọng ca chính và linh hồn là Duy Quang.

Khởi đầu với nhiều ca khúc ngoại quốc Anh - Pháp được đặt lời Việt hoặc song ngữ, có tiết tấu nhanh, trẻ trung và khỏe khoắn, nhưng từ đầu thập niên 70, Duy Quang lại nổi tiếng trong nghiệp biểu diễn với những bản tình ca - trong đó, rất nhiều bài là của thân phụ anh, dường như được sáng tác riêng cho giọng ca đằm thắm và quyến rũ của anh.

Khác với nhiều nam ca sĩ cùng thế hệ hoặc cùng phong trào nhac trẻ như Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Lê Uyên Phương..., Duy Quang đã tạo nên nét đặc thù và đáng nhớ cho mình với dòng nhạc dành cho giới sinh viên, học sinh và trí thức trẻ thời chính chinh loạn lạc, cùng những tâm tư, tình cảm, tình yêu và nỗi buồn của họ, như trong ca khúc “Con đường tình ta đi”:

Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ.

Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ
Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi.

Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím
Môi tìm làn môi ngon, nhưng còn thẹn thùng...

“Cây đàn bỏ quên”, “Đưa em tìm động hoa vàng”, “Em hiền như masoer”, “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”, “Ngậm ngùi”, “Thà như giọt mưa”, “Hai năm tình lận đận”, “Còn chút gì để nhớ”, v.v... là những tác phẩm lớn của Phạm Duy đã được Duy Quang thể hiện với phong cách trong trẻo, truyền cảm, sâu lắng và đầy trải nghiệm, đi vào lòng nhiều thế hệ khán thính giả.

Có thể nói, bên cạnh nữ danh ca Thái Thanh, Duy Quang là người thể hiện xác tín nhất và quyến rũ nhất nhiều ca khúc trữ tình của Phạm Duy. Hiếm có ca sĩ nào như anh, không bị cuốn theo những trào lưu nhất thời, suốt sự nghiệp trung thành với thể loại nhạc tình sang trọng mà anh là một trong những giọng ca nam hàng đầu.

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ người.

Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chẩy một giòng thôi
Mấy đầu sông thẫm tóc người cuối sông.

Nhớ xưa em chưa theo chồng
Mùa Xuân may áo áo hồng đào rơi
Mùa Thu em mặc áo da trời
Sang Đông lại khoác lên người áo hoa...

*

Sau biến cố 1975, Duy Quang phải ở lại Việt Nam trong một thời gian. Năm 1978, anh được qua Pháp rồi định cư tại California, Hoa Kỳ năm 1979. Trong 25 năm sinh sống xa quê hương, Duy Quang sinh hoạt âm nhạc đều đặn: anh có mở phòng thu âm và cơ sở băng đĩa nhạc, cũng như, có cộng tác với các trung tâm âm nhạc tại hải ngoại trong các buổi diễn.

Ngoài ca hát, Duy Quang còn đam mê hội họa từ thời trẻ, nhưng theo lời anh, “về sau, âm nhạc đã chiếm quá nhiều thì giờ nên đành tạm quên”. Không chỉ là một ca sĩ, anh còn là tác giả của đôi ba bài hát, trong đó có “Kiếp đam mê” rất nổi tiếng đầu thập niên 80, và anh cũng đặt lời Việt cho một số ca khúc ngoại quốc như “Niềm thương nhớ”, “Em vẫn không đổi thay”...

Còn đâu nắng soi bóng trên thềm vắng
Chim hót trên cành lúc xuân xanh
Còn đâu nữa thơm ngát hương mùi tóc
Môi má đa tình nép vai anh.

Thời gian đã trôi mau tình len lén đi sâu
Chưa ấm êm cuộc đời nay đã như mây trôi
Anh có nghe mưa về cho gió thêm ê chề
Thời gian đã tàn rồi, nhớ thương ơi!

Năm 2004, Duy Quang quyết định hồi hương để tìm lại niềm hạnh phúc và hứng khởi, điều mà anh tưởng đã đánh mất từ bao năm trước như một chia sẻ trên báo chí: “Khi biểu diễn ở Việt Nam, do số lượng khán giả đông đảo và sự quan tâm đặc biệt đến âm nhạc nên khi trình diễn, tôi có nhiều hứng khởi vì biết rằng những khán giả ấy đã đến vì mình, đến để nghe mình”.

Trong vòng 8 năm đa phần sinh sống và ca hát ở Việt Nam, Duy Quang mở nhiều phòng trà như “Văn Nghệ”, “Tình Ca” và “Duy Tân” tại Sài Gòn để tiếp tục trình diễn những ca khúc tiền chiến trữ tình, cũng như những tác phẩm của Phạm Duy, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên... đã làm nên tên tuổi anh. Trong công việc, Duy Quang được đồng nghiệp, cộng sự đánh giá là hết mình và nghiêm túc, trong cuộc sống, anh toàn tâm toàn ý chăm lo cho con cái.

Là người chuyên hát nhạc tình, ca ngợi những cuộc tình và là chất xúc tác cho không biết bao nhiêu cặp trai gái yêu nhau, nhưng con người tình cảm của Duy Quang lại gặp rất nhiều trắc trở với những bóng hồng mà anh có dịp gắn bó, chung sống, hoặc kết hôn vợ chồng. Bình sinh là người kín đáo và nhẫn nhịn, anh thường im lặng và không hề đổ lỗi cho ai vì những tan vỡ mà anh phải chịu trong đời.

Những tháng cuối đời, Duy Quang sống độc thân và sau một buổi diễn ở Hà Nội, khi phải vào viện cấp cứu vì sức khỏe suy sụp, anh mới biết mình lâm trọng bệnh. Căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối chỉ để lại cho Duy Quang hai tháng trong cuộc đời, cho dù anh đã hết sức chống chọi một cách cứng cỏi và lạc quan bên sự cổ vũ và khích lệ của biết bao người hâm mộ...

*

Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường
Mùa Noel đó anh đón em vào tình yêu
Quỳ bên hang sâu nghe lời kinh thánh van cầu
Nhìn nhau không nói nên câu
Vì biết nói nhau gì đâu?

Mùa Noel qua chúng ta chia tay giã từ
Hẹn nhau năm tới khi Giáng sinh về muôn nơi
Mình trao cho nhau hoa lòng nhẫn cưới thiệp hồng
Dìu nhau xem lễ đêm đông
Bên nhau muôn đời em ơi!

Nhưng nay, mùa Noel đến rồi
Từng đêm anh vẫn nguyện cầu
Cầu cho hai đứa yêu nhau
Đêm nay giáo đường vang tiếng kinh cầu
Nơi xưa mình anh đứng
Không thấy bóng em đâu!

Nửa đêm tan lễ
Bước anh bơ vơ trở về
Chợt nghe nước mắt
Rơi ướt trên bờ môi khô.

Rồi Noel qua
Như mộng ước đã xa rồi
Gặp nhau chỉ để thương đau
Yêu nhau chi rồi xa nhau...

Chợt nghe nước mắt - Rơi ướt trên bờ môi khô. Duy Quang ra đi đột ngột ngay trong mùa Giáng sinh 2012 đầy biến động, để lại khoảng trống trong trái tim rất nhiều người say mê “giọng ca vàng” của anh, cảm thương anh vì cuộc đời đầy thăng trầm, vất vả, ít khi được bình an và kiếp người quá ngắn ngủi, mong manh...

Cầu chúc anh yên giấc ngàn thu, anh còn sống mãi với những bản tình ca của mình!

Nguyễn Hoàng Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn