CĂN PHÒNG Ở NEW YORK

Chủ nhật - 04/11/2012 00:01

(NCTG) Triển lãm tranh của họa sĩ người Mỹ Edward Hopper (1882-1967) được mở từ ngày 10-10 tại phòng tranh Grand Palais thuộc Triển lãm Quốc gia (Galeries nationales, Pháp). Sự nghiệp sáng tạo trong vòng hơn nửa thế kỷ của danh họa này được giới thiệu theo trình tự thời gian, và được chia làm hai thời kỳ lớn: trước và sau mốc thời gian 1924.


“Nhà bên đường tàu” (1925)


Lời giới thiệu: Edward Hopper được đánh giá là một nghệ sĩ có những sáng tác độc lập với mọi trường phái thịnh hành. Chào đời và theo học tại New York, ông đã tạo dựng được phong cách đặc thù từ khá sớm, nhưng phải đến những năm đầu thập niên 20 thế kỷ trước, các họa phẩm của ông mới được đánh giá đúng mức về mặt nghệ thuật và tài chính.

Là người nổi tiếng về tính kín đáo, ít tiếp xúc và kiệm lời (đặc biệt, rất ít khi ông phát biểu về những tác phẩm của mình), Edward Hopper cũng hay thể hiện điều này thông qua hình ảnh những nhân vật cô đơn, những tình huống cuộc sống thường nhật có sức biểu cảm hết sức mạnh mẽ thường thấy trong các họa phẩm của ông.

Trong đời, Hopper có ba lần sang Paris để học hỏi từ các tác phẩm của một số bậc thầy Pháp. Những danh họa trường phái ấn tượng - đặc biệt là Edgar Degas, Albert Marquet và Félis Vallotton - đã có ảnh hướng lớn tới ông, nhưng Hopper cũng có được rất nhiều cảm hứng từ các bậc tiền bối người Hà Lan và Đức, như Jan Vermeer van Delft và Walter Sickert.

Được coi là một nghệ sĩ có những đóng góp đáng kể trong mọi trường phái hội họa (lãng mạn, hiện thực, siêu thực, biểu tượng, hình thức và Pop art), trong lần hiện diện này tại Paris, hầu như cả sự nghiệp sáng tác của Edward Hopper được giới thiệu với người thưởng ngoạn, với tất cả những nét đa dạng, phong phú và phức hợp của nó (*).

Nhân dịp này, tờ báo Pháp “L'Express” đã có ý tưởng khá độc đáo là mời 6 nhà văn sáng tác một truyện ngắn lấy cảm hứng từ một bức tranh của Hopper. Sau đây là truyện ngắn của nhà văn nữ Alice Ferney với bức tranh “Căn phòng ở New York” (Room in New York, 1932).  (NCTG)


“Căn phòng ở New York” (Sheldon Museum of Art)


Vậy đấy! Anh ta đã yên vị! Tờ báo trên tay, mông đặt phịch trong ghế bành, miệng mỉm cười, và rồi anh ta sẽ đọc tin tức trong khi tôi chuẩn bị bữa tối cho anh ta, “ăn nhẹ thôi, em nhé”.

Chán chết đi được! Buồn nẫu cả ruột! Sao đàn ông cuối cùng đều rơi vào cuộc sống nhàm chán ích kỷ này nhỉ? Lạy trời, không thể nào chịu nổi họ trong những cái áo sơ-mi trắng, những chiếc gi-lê và cà vạt, rồi cái vẻ quan trọng họ tha lôi đi khắp nơi, và tối nào cũng ngồi như thế trước mặt những người vợ.

Họ cứ phóng đại cái sự quan trọng của họ lên: họ hiểu biết, họ đặt hàng, họ trao đổi buôn bán, họ có khách hàng, người cung cấp hàng, những cô thư ký! Tất cả những cái họ có là nhờ vợ hết, và đổi lại thì họ làm gì? Họ biến mất vào chương trình thời sự buổi tối!

Và liệu vì thế mà họ sẽ trở nên thông minh hơn? Mọi người thử nghĩ xem! Cho dù họ chăm chút vẻ bề ngoài thật, nhưng họ quên mất việc cảm nhận, bày tỏ, họ tê liệt trong các tư thế, trạng thái. Họ trí thức một cách oặt oẹo.

Cô ta nghĩ: Mình đã tiêu phí tình yêu thương vô bờ bến cho một người trong khi anh ta không đáng được như thế!

Sự im lặng đè nặng lên anh ta, giống như cuộc sống đơn điệu hàng ngày mà tờ báo đã trở thành một biểu tượng. Trong năm phút tới, cô ta sẽ giật tờ báo khỏi tay anh! Đó, cô ta sẽ làm thế.

Và cô ta sẽ nói cô ta chán cuộc sống với anh, cô ta tuyệt vọng vì anh vô tình với cô ta đến vậy, và lại mơ mộng đủ thứ. Thế mà cặp đôi đẹp đẽ của họ đã tưởng rằng sống ở New York là vui vẻ náo nhiệt lắm.

Chiều nay, cô đã gặp một người đàn ông, anh ta đi lững thững sau cô trong triển lãm tranh của Hopper. Cô phải cảm thấy bất hạnh lắm mới dám ngỏ lời với một người không quen biết. Một người hoàn toàn xa lạ mà lại có chung những mối quan tâm với cô.

Cô nghĩ vậy khi mở ngăn kéo, nhìn vào bên trong, một cái ghế bành bằng da, chiếc bàn tròn, trong sự tiện nghi êm ấm là hai vật thể cô đơn cạnh nhau: cứ như là trong Một căn phòng ở New York ấy. Cô nghĩ: Thú vị thật!

Sống với anh, em chán lắm, cô ta nói.

Anh ta có rời mắt khỏi bài báo đang thu hút anh ta đến thế không? Không!

- Người ta chỉ chán vì chính bản thân mình thôi...

Anh ta chế giễu cô! Tất cả là lỗi tại cô, thế chứ gì?

Em có điều muốn nói với anh. Em không biết phải bắt đầu từ đâu. Em đã gặp một người đàn ông, cô bịa ra.

A! Đó, phải làm như vậy mới khiến anh ta hoàn toàn chú ý. Bây giờ thì anh ta nghe! Cô cười:

Đừng có trố mắt lên nhìn em thế! Trông cứ như là một thằng bé chân đất người Bolivi đang cần có bố mẹ nuôi ấy!

Cô nghe được câu nói này ở đâu nhỉ? Cô nghĩ: đúng là mình điên rồi.

Anh dẫm vào tờ báo của anh kìa, cô nhận xét.

Quan trọng gì, đáp lại bằng một cái nhún vai.

Cô nghĩ: A, tờ báo chỉ quan trọng nếu cô vợ bé nhỏ ở trong bếp, hạnh phúc và ngoan ngoãn!

Anh không thể tin được là em gặp được ai mà em lại thích hơn anh, anh ta nói.

Anh có lý, điều đó chưa xảy ra, em chỉ muốn bắt anh phải nhìn em.

Em rất đẹp trong chiếc váy này, anh ta vừa nói vừa nhặt tờ báo.

Điều gì ẩn giấu sau sự bình yên trong gia đình?

(*) Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 28-1-2013. Giá vé vào cửa (kèm phần hướng dẫn): 21 Euro. Bảo tàng mở tất cả các ngày trong tuần, ngoại trừ thứ Ba.

FR chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn