BA MƯƠI NĂM “VỀ KINH BẮC”

Thứ bảy - 18/08/2012 14:27

“Chính trị hóa văn hóa là tự chuốc họa cho chính mình, vì tự tạo ra kẻ thù không đáng có. Thay vì thế, xin hãy một lần thực tập “pháp môn lắng nghe”, lắng nghe những tiếng nói khác biệt, những tiếng nói phản biện, cả những tiếng nói đối lập. Đó là con đường duy nhất để đạt được sự đồng thuận của dân tộc trước hiểm họa lớn lao của đất nước”.


Thủ bút của nhà thơ Hoàng Cầm trong trang đầu cuốn “Về Kinh Bắc”: “Chép gửi Hoàng Hưng, cho mai sau của chúng ta. Hànội tháng Tám 1982

LTS: Vụ án “Nhân văn”, kéo dài trong hơn 30 năm, là một trong những trang sử bi thảm của giới trí thức Việt Nam thế kỷ XX.

Khởi đầu năm 1956 với những nỗ lực dân chủ hóa đời sống tinh thần, văn nghệ và xã hội của một nhóm văn nghệ sĩ nổi tiếng - mà đa phần đã tham gia tích cực cuộc kháng chiến 9 năm của dân tộc và là những “công thần” của “nền văn hóa mới” - vụ án đạt tới đỉnh điểm khi nhiều thành viên Ban Chấp hành các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) bị khai trừ, cảnh cáo, bị bôi nhọ, lăng nhục bởi chính những bạn hữu, đồng nghiệp của họ, vào mùa hạ năm 1958.

Một năm sau, sinh mạng chính trị của những tên tuổi tiêu biểu của phong trào Nhân văn và của nền văn nghệ Việt Nam - như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đăng Đình Hưng, Hoàng Tích Linh, Tử Phác, Nguyễn Văn Tý, Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An, Trần Duy, Sĩ Ngọc, Nguyễn Sáng, Văn Cao... - coi như bị khai tử với những lời chỉ trích và nhục mạ tệ hại trong 370 trang sách “Bọn Nhân văn Giai phẩm trước tòa án dư luận” (NXB Sự Thật, Hà Nội, 1959).

Trong hơn ba thập niên ấy, về căn bản, những “bị cáo không án” của vụ “Nhân văn Giai phẩm” đã bị cấm sáng tác, cấm xuất hiện và đăng tải dưới tên thật, đa phần sống cơ cực, nhọc nhằn bên lề xã hội và bên lề những sinh hoạt văn nghệ “chính mạch”. Mốc thời gian tháng 2-1988 đánh dấu một biến chuyển trong cách nhìn nhận đối với họ, khi Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán và Hoàng Tích Linh đã được Ban Thư ký Hội Nhà văn phục hồi hội tịch “trên cơ sở đề nghị của các đồng chí ấy”.

Mười chín năm sau, trong số 158 tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT, bốn thành viên Nhân văn Giai phẩm - Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt và Phùng Quán - được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng riêng. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa hề có một lời xin lỗi tử tế, đàng hoàng và thành tâm nào từ phía chính quyền được đưa ra với họ. Cũng chưa hề có một sự phục hồi tinh thần và chính trị chính thức nào khả dĩ, với hàng trăm văn nghệ sĩ bị đày đọa, tước quyền sáng tạo trong nhiều thập niên.

Đấy là chưa kể tới việc vụ án “Nhân văn Giai phẩm” còn để lại nhiều hệ lụy đau đớn trong đời sống, trong đó, đáng kể nhất là vụ án “hậu Nhân văn”, liên quan tới tập thơ “Về Kinh Bắc” của nhà thơ Hoàng Cầm, đã khiến hơn 20 năm sau khi nó được thai nghén, tác giả của nó còn bị án tù 18 tháng, và một bạn văn của ông, nhà thơ, nhà báo Hoàng Hưng, cũng bị “cải tạo” trong vòng 39 tháng trời với tội danh “lưu truyền văn hóa phẩm phản động”.

Mười hai năm sau biến cố ấy, “Về Kinh Bắc” đã chính thức được xuất bản. Sau 30 năm lưu lạc, như một cơ duyên, nhà thơ Hoàng Hưng nhận lại bản thảo tập thơ và muốn chia sẻ với độc giả xa gần như một tư liệu quý, một “chứng tích” của một thời, của “vụ án văn tự có lẽ là kỳ quái nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại”. Xin giới thiệu với bạn đọc những dòng chia sẻ của thi sĩ Hoàng Hưng, cùng bản PDF của sách do ông cung cấp (có thể tải xuống tại đây).



Những chiếc “lá Diêu Bông” của Hoàng Cầm (phác họa của Văn Cao)

Ba mươi năm thoắt như giấc mộng. Kể từ buổi chiều oan nghiệt (ngày 17-8-1982) khi chiếc xe bịt bùng chở mình từ đồn Công an Hàng Bạc về thẳng Hỏa Lò, mở đầu vụ án văn tự có lẽ là kỳ quái nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đến hôm nay vẫn không biết nên cười nhiều hơn hay mếu nhiều hơn! (Chi tiết vụ án đã được kể trong bài “Về Kinh Bắc: một vụ án “hậu Nhân văn”, viết nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày ra tù, 2010).

Hôm nay nhắc lại chuyện cũ vì một kỳ duyên mới: sau 30 năm, thật bất ngờ gặp lại cố tri, “tang vật” chính của vụ án, tập chép tay “Về Kinh Bắc” mà anh Hoàng Cầm chép tặng, với chữ ký của người can tội “lưu truyền văn hóa phẩm phản động” (tức là tôi) xác nhận trên từng trang. Trang đầu Hoàng Cầm viết bằng chữ đỏ: “Chép gửi Hoàng Hưng, cho mai sau của chúng ta. Hànội tháng Tám 1982”, với hình vẽ đầu một cô gái đẹp. (Mười hai năm sau, cái “mai sau” ấy thành hiện thực, khi “Về Kinh Bắc” được xuất bản chính thống, anh Hoàng Cầm vẽ lại bìa tập thơ có hình cô gái y như thế để tặng tôi và một số người thân).

Kèm một trang có hình vẽ màu nước ba cái lá (chắc là “lá Diêu Bông”) mà anh Văn Cao vẽ làm bìa tập thơ theo yêu cầu của tôi. Lại thêm cái bìa montage siêu thực mà ông Trần Thiếu Bảo hứng chí làm chơi. Nhưng thiếu những phụ bản mà tôi xin họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ cho, thể hiện các cô gái quan họ quen thuộc của ông. Các cô giờ lưu lạc nơi đâu?

Chẳng biết con đường lòng vòng nào đã đưa “tang vật” này đến tay nạn nhân-chủ nhân của nó sau 30 năm lưu lạc. Còn nhớ 10 năm trước, trong ngày sinh nhật thứ 80 của Hoàng Cầm tại nhà thi sĩ, thiếu tướng Phạm Chuyên, giám đốc Công an Hà Nội, đã hứa trước mặt nhiều văn nghệ sĩ là sẽ tìm để trả cho tôi báu vật này. Ít lâu sau ông bắn tin là tìm không thấy. Thì ra nó đã lọt ra ngoài từ bao giờ! Thì giờ đây cũng có thể coi là “châu về hợp phố”! Có phải Ý Trời để chính thức khép lại mọi ân oán của vụ kỳ án này?

Đối với hai nạn nhân của vụ “Về Kinh Bắc”, anh Cầm thì đã ngậm cười nơi chin suối, còn tôi cũng dần dần “ngộ” lẽ tha thứ và thương cảm của Đức Như Lai, chuyện ân oán chẳng còn bận tâm. Nhưng chừng nào những người hữu trách vẫn không chịu thay đổi cái chính sách gọi theo từ nhà Phật là “vô minh” – vẫn tìm cách dập tắt các tác phẩm nghệ thuật, báo chí, nói rộng ra là các tư tưởng mà họ tùy tiện áp đặt tội danh “phản động”, bất chấp sự thực là những tác phẩm ấy không cần chờ quá lâu để được xã hội tôn vinh - thì ân oán còn “trùng trùng giao kết căn duyên” (“Nhập Môn”, thơ Hoàng Hưng).


Bìa tập thơ “Về Kinh Bắc” (Hoàng Cầm, 1959-1960) do Trần Thiếu Bảo vẽ, năm 1982

Tôi đã có lần nói với các sĩ quan an ninh “làm việc” với mình: “Các anh nên nhớ rằng chính trị là chuyện nhất thời, còn văn hóa thì sống mãi”. Nay muốn nói thêm: Chính trị hóa văn hóa là tự chuốc họa cho chính mình, vì tự tạo ra kẻ thù không đáng có. Thay vì thế, xin hãy một lần thực tập “pháp môn lắng nghe”, lắng nghe những tiếng nói khác biệt, những tiếng nói phản biện, cả những tiếng nói đối lập. Đó là con đường duy nhất để đạt được sự đồng thuận của dân tộc trước hiểm họa lớn lao của đất nước.

Hôm nay, nhân kỷ niệm 30 năm vụ “Về Kinh Bắc”, tình cờ cũng là năm sinh nhật thứ 90 của Hoàng Cầm, thứ 70 (đã là “xưa nay hiếm”) của bản thân, tôi xin trân trọng công bố toàn vẹn bản chép tay quý báu của Hoàng Cầm với tranh bìa của Văn Cao và Trần Thiếu Bảo. Đây cũng là mở đầu cho việc lần lượt công bố trên mạng mấy bản thảo của tôi đã nhiều năm nay không xin được giấy phép xuất bản.

Xét thấy mình thật vô duyên, cứ cố “xin” mãi mà người ta không “cho”, mà có cho thì chắc cũng chỉ in được vài trăm cuốn không biết có ai mua trong tình hình khủng hoảng thị trường sách in hiện nay, vậy tội gì mình không EBook cho nó “phẻ”? Tôi bèn coi đây là mở đầu cho bộ sưu tập HHEBOOKS, trước hết phục vụ cho bản thân, sau đó là chia sẻ với đồng bào mạng, mong nhận được ít nhiều đồng cảm.

Hoàng Hưng, tháng 8-2012


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn