- Mẹ! Con đã về rồi mẹ ơi!
Nàng thoảng thốt giật mình khi nghe tiếng gọi của con gái. Như phản xạ, nàng đưa tay lên lau vội hai hàng nước mắt đang đẫm trên má. Nàng không muốn con nhìn thấy mình khóc. Thực ra, khóc chẳng có gì là xấu, nhưng nàng không muốn con buồn. Nàng nhớ, có lần đang nằm trong vòng tay nàng, nó vụt ngồi dậy, nhìn đăm đắm vào mắt nàng và bất chợt hỏi:
- Mẹ có biết con sợ nhất điều gì không?
Nàng hơi bất ngờ vì câu hỏi có phần lạc đề của con, nhưng nàng vẫn nhẹ nhàng hỏi lại con:
- Con hãy nói cho mẹ biết con sợ nhất điều gì?
Cô con gái cắn môi vẻ chần chừ, rồi sau đó nó chậm rãi nói từng từ một:
- Con sợ nước mắt của mẹ!
Nàng lặng đi vì câu nói của con gái. Nàng bỗng thấy mình có lỗi với con. Ghì chặt con vào lòng, nàng thầm thì:
- Mẹ xin lỗi, mẹ hứa sẽ không khóc nữa!
Lúc đó con gái nàng mới òa khóc nức nở, nó thổn thức trong tiếng nấc:
- Mẹ biết không, con đau lòng lắm khi nhìn thấy mẹ khóc. Khi mẹ khóc, con thấy khuôn mặt mẹ đau khổ đến tột cùng. Con biết, con không thể thay thế tất cả, nhưng con mong mẹ đừng buồn, đừng dằn vặt vì những gì đã qua. Mẹ hãy nhớ rằng lúc nào con cũng sẽ ở bên cạnh mẹ. Mẹ đừng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “
tại sao?” nữa.
Nâng gương mặt đầm đìa nước mắt của con lên ngang tầm mặt mình, nàng khẽ nói:
- Mẹ biết, mẹ biết mà!
Rồi nàng chua chát khẽ lắc đầu.
*
Sân vận động Mười năm những ngày đầu thu.
- Anh rửa tay rồi về với con đi. Cứ để đấy cho em. Em chỉ dọn một loáng là xong thôi. Anh về đi kẻo con đợi.
Chồng nàng ngẩng đầu lên, đưa ánh mắt ái ngại nhìn sạp hàng. Biết chồng còn dùng dằng chưa muốn về vì sạp hàng ngồn ngộn mới dọn được một góc, nàng nói thêm, giọng quả quyết:
- Em làm được mà. Anh về với con sớm đi, hôm qua con ho đấy. Dọn xong và lấy thêm ít hàng để mai bán rồi em sẽ về ngay.
Nghe nàng nói, chồng nàng chợt thốt lên: “
Ừ nhỉ!”, rồi với tay lấy cái áo khoác. Vừa cài áo, anh vừa nhắc vợ:
- Em dọn hàng nhanh rồi về nhé. Dạo này trời bắt đầu tối sớm rồi đấy.
Nhìn theo bóng chồng, nàng mỉm cười hạnh phúc. Thấy thế, chị Hòa hàng xóm nói vọng sang trêu nàng:
- Vợ chồng mày lúc nào cũng ríu rít như đôi chim quyên ấy. Nhìn thấy sướng. Có yêu thì để trong lòng thôi nhé. Mày chiều thế, nó sinh hư lúc nào không biết đấy.
Đặt chồng pizama đang bê trên tay xuống sạp, chị Hòa đứng thẳng lên, hai tay buông thõng ra chiều nghĩ ngợi. Rồi chị lại nói với sang:
- Nói thế thôi, chứ công nhận thằng Trung nhà mày hiền lành, thương vợ, thương con thật. Chị mừng cho mày. Hai vợ chồng đều ngoan ngoãn, hiền lành, học hành đến nơi đến chốn. Cố giữ lấy hạnh phúc đó em ạ, chứ như chị thì đừng nói còn đỡ buồn hơn!
Nói rồi, chị lại cúi xuống thoăn thoắt bê từng chồng hàng trên sạp cất vào quầy . Vừa làm chị vừa hát
bài hát chị yêu thích: “
Không biết đêm nay vì sao tôi buồn. Buồn vì trời mưa hay bão trong tim…” (*). Chị hát chẳng đúng điệu chút nào, cứ ngang phè phè, nhưng chị hay nói với nàng:
- Chị học hết lớp 8 rồi suốt ngày đi tát nước, cấy lúa. Hát được như thế là hay lắm rồi. Hát để đẩy nỗi buồn ra ngoài thì cần gì phải hay?
Cứ mỗi lần nghe chị hát bài này, nàng lại lây nỗi buồn của chị và thấy thương chị. Rõ khổ, vợ chồng chị Hòa phải thế chấp ngôi nhà ở quê lấy tiền đùm đúm đưa nhau sang đây làm ăn, để ba đứa con ở nhà cho bà mẹ chồng gần 70 tuổi trông nom. Chị Hòa bảo:
- Ở quê, chị kiếm được vài trăm nghìn một tháng, chẳng đủ đổ vào mồm ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên phải đi thôi. Bên này cũng vất vả và nhục nhã vì là dân cư trú bất hợp pháp, nhưng vẫn còn kiếm được tiền. Ngoài chi tiêu cho ba đứa ăn học, vẫn còn dành dụm được chút ít phòng lúc đau ốm khi về già. Chứ cứ ở quê, nếu không chết vì bệnh tật vì không có tiền thuốc men thì cũng chết vì đói. Ở bên này nhục mấy anh chị cũng phải cố kiếm.
Nhưng ở đời cũng lắm cảnh trớ trêu. Chẳng hiểu ông trời vô tình hay cố ý mà cách đây hơn một năm bỗng giáng xuống đầu vợ chồng chị Hòa bao nhiêu biến cố. Đầu tiên là vụ mất trắng số tiền dành dụm mấy năm trời vì chị Hòa trót nghe mọi người rủ rê chơi họ. Khi nghe mọi người nói “
tiền đẻ ra tiền là tiền khôn, tiền để trong xó nhà là tiền ngu. Chơi họ tiền gốc vẫn còn đấy, không thích thì rút về, trong khi hàng tháng vẫn có tiền lãi”, chị liền đem tất cả số tiền dành dụm được ném vào họ. Được chừng đâu mươi tháng, chủ họ tuyên bố phá sản vì làm ăn thua lỗ. Đau đớn, gào khóc vì xót của, chị Hòa nhận được một lời hứa thật như lời hứa của Chí Phèo: “
Lúc nào có tiền em sẽ trả cho chị!”. Nghe đến đó, chị tru tréo lên chửi. Chẳng dám chửi ai, chị quay ra chửi đời mình khốn nạn. Chị biết với lời hứa kia, việc hi vọng lấy lại được tiền khó như trúng số độc đắc.
Từ ngày mất tiền, anh Chiến chồng chị Hòa trở nên bẳn tính. Anh hay chửi vợ hơn, thậm chí không ít lần trong cơn tức giận anh còn tiện thể nện cho chị vài thụi. Chị Hòa cắn răng chịu không dám chống cự hay cãi lại vì đúng là lỗi tại chị nhẹ dạ làm mất tiền của gia đình. Tội chị to thế, chồng có đánh chửi thì cũng không oan.
Chưa kịp hoàn hồn sau vụ mất tiền, trong một lần chạy công an quây chợ, anh Chiến cuống cuồng nhảy qua hàng rào, vô phúc thế nào mà tuột cả dép và dẫm phải mảnh chai. Thấy mọi người bảo phải mua oxy già về tẩy trùng, anh phẩy tay bảo:
- Vẽ chuyện! Ở quê bao lần dẫm phải mảnh chai, chỉ cần rịt tí thuốc lào vào là xong. Xót một lúc nhưng chẳng bao giờ nhiễm trùng.
Không kịp rửa chân, anh cấu vội mấy điếu thuốc lá rịt vào vết thương và xé tay áo buộc chặt vết thương lại rồi chạy tiếp. Không chạy nhanh mà mấy chú công an tóm được thì đi ngồi đếm kiến như bỡn.
Mấy hôm sau anh Chiến vẫn thấy chân đau buốt và sưng tấy lên chứ không se miệng như những vết thương hồi ở quê. Vợ chồng nàng nói anh phải đi khám vì có lẽ mảnh thủy tinh gãy sót lại ở bên trong. Tiếc tiền nên anh Chiến chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Đi khám bác sĩ đâu dễ thế. Tiền khám đã mất hơn trăm, chụp phim cũng thêm đôi ba trăm nữa. Bỗng dưng chỉ vì cái mảnh thủy tinh chết tiệt mà có nguy cơ mất gần năm trăm bạc – số tiền đó anh chị tằn tiện ăn được gần một tháng. Sang đến ngày thứ tư thì anh Chiến lên cơn sốt hừng hực, khó thở, co quắp cả người. Lúc đó chị Hòa mới cuống cuồng gọi Trung - chồng nàng - đến nhà giúp đưa anh Chiến đi bệnh viện.
Đến nơi, sau khi làm xét nghiệm máu, chụp phim, cả vợ chồng chị Hòa và Trung đều sững sờ khi bác sĩ kết luận: “
Anh Chiến đã bị uốn ván, bắt đầu gây hoại tử, bắt buộc phải tháo bỏ bàn chân”. Nghe đến đây, chị Hòa đổ sụp xuống. Người đàn bà vốn dĩ phải phiên âm từng chữ mới có thể nói được một từ tiếng Ba Lan, trong cơn cùng cực bỗng bật ra tiếng “
Nie!” (Đừng). Tiếng “
nie” bật ra từ cổ họng nghẹn đắng của chị Hòa nghe sao mà ai oán, cay đắng thế!
Từ ngày phải tháo khớp bỏ bàn chân trái, anh Chiến càng trở nên cục cằn và càng ngập sâu vào rượu. Bao nhiêu lo toan cho gia đình dồn hết lên vai chị Hòa, vậy mà vẫn không tránh khỏi những trận đòn vì hận đời của chồng. Nhiều lúc, nàng thấy thương và xót xa cho chị Hòa hơn cả chị gái của mình.
- Ơ ! Cái con bé này ! Không nhanh tay dọn hàng rồi về với bố con nó, lại còn đứng ngẩn người ra thế kia à?
Nàng giật mình vì tiếng chị Hòa oang oang vọng sang. Hóa ra, mải nghĩ đến hoàn cảnh chị Hòa mà nàng đã quên mất việc mình đang làm. Quẩy quả quay lại với sạp hàng, nàng lúng túng đáp lại chị:
- Em dọn đây chị ơi!
*
Cho vàng không bằng vạch đàng đi buôn.
Chưa bao giờ, nàng có thể ngờ câu nói này lại ứng với hoàn cảnh nhà nàng đến thế.
Hai vợ chồng nàng tuy chẳng sành sỏi gì trong việc buôn bán, nhưng lại rất có uy tín với các chủ hàng. Tiền nong bao giờ vợ chồng nàng cũng thanh toán sòng phẳng. Đã hẹn thì không bao giờ lỗi hẹn, chứ không như đa phần những người bán hàng khác hay có tính lần lữa. Thậm chí nhiều người đã bán hết hàng nhưng vẫn không thanh toán để còn mượn vốn quay vụ khác. Cũng chính nhờ cái uy tín này mà số phận đã mỉm cười với vợ chồng nàng.
Trong số những chủ hàng, có một người Hoa rất quý vợ chồng nàng vì tính thật thà. Chỉ qua vài lần giao dịch, người này đã sẵn sàng giao hàng mà không cần phải thanh toán tiền ngay. Thậm chí cả những lô hàng đang sốt dẻo cũng vậy. Người khác phải đặt tiền, cốp chát, vợ chồng nàng chỉ cần hẹn trước là có đủ số hàng muốn lấy.
Một hôm, khi đang ăn cơm ở nhà nàng, Liu (tên người chủ hàng mà giờ đây đã là bạn của vợ chồng nàng) bất chợt bảo:
- Nhà máy đang muốn tìm người làm đại lý tại Ba Lan vì muốn chuyển anh sang tìm hiểu và mở rộng thị trường bên Hung. Anh rất quý và tin tưởng hai em. Nếu các em thấy hợp lý, anh có thể giới thiệu để bọn em làm đại diện chính thức tại Ba Lan. Chỉ có điều, công việc này sẽ phải thường xuyên đi lại giữa Ba Lan và nhà máy. Bọn em thấy thế nào?
Vợ chồng nàng ngỡ ngàng với những gì Liu nói. Họ hỏi lại Liu rất kỹ vì sợ Liu chỉ nói vui trong lúc cao hứng giữa cuộc nhậu. Chẳng dám trả lời ngay, Trung nói khẽ:
- Vâng, để vợ chồng em bàn bạc rồi sẽ trả lời anh sau.
Từ đó đến lúc ra về, Liu không nhắc một lời về chuyện đó nữa. Nàng có cảm giác đề nghị đó trong cuộc nhậu giống hệt như hòn đá bị ném rơi tõm xuống nước và chìm nghỉm, không đủ sức để lại những gợn sóng dù là nhỏ nhất trên mặt nước.
Hôm sau là chủ nhật. Vợ chồng nàng tranh thủ ngủ nướng để bù lại những ngày trong tuần phải dậy từ mờ sáng. Và nói thật, cũng là để được yêu nhau với đủ những khúc dạo đầu, âu yếm , vuốt ve và tận hưởng chứ không vội vã như những lần gần gũi trong tuần. Vợ chồng nàng khá ăn ý trong ái ân. Khi chưa có bé Trà Mi, hai vợ chồng nàng thường dìu nhau từ đê mê này tới những phút thăng hoa khác. Họ tìm thấy khoái cảm từ những đợt sóng dâng trào của người kia mang lại. Cứ thế, họ dâng hiến và tận hưởng cùng nhau. Từ ngày lao ra làm kinh tế, dường như giữa hai vợ chồng nàng ngầm có một hẹn ước – họ để dành ngày chủ nhật cho nhau.
Chuông điện thoại kêu. Với tay lấy điện thoại, nàng không tránh khỏi cái nhíu mày. Mới hơn 7 giờ sáng chủ nhật đã có người gọi điện. Bấm máy nghe, nàng tỉnh hẳn khi nghe giọng nói của Liu:
- Anh đây! Thế nào, hai vợ chồng đã quyết định về việc anh nói tối qua chưa?
Vừa chuyển máy cho Trung, nàng vừa sững sờ vì cơ hội ngàn vàng này lại là sự thật. Nhận điện thoại từ tay nàng, Trung từ tốn trả lời:
- Vâng, nếu có thể làm như vậy được thì nhờ anh giúp đỡ chúng em!
Nghe giọng chồng, nàng cảm nhận được niềm vui đang lớn dần lên trong Trung theo từng câu nói.
Vợ chồng nàng không ngờ cuộc đời lại ưu ái họ đến vậy. Với sự đảm bảo và dẫn dắt của Liu, họ trở thành đại lý chính thức cho nhà máy chỉ trong một thời gian ngắn. Việc làm ăn rất thuận lợi. Hàng về đến Ba Lan bán thun thút. Nhiều “công” (
container) hàng được bán ngay từ Hamburg, chẳng cần phải kéo vào Ba Lan. Công việc tuy vất vả nhưng hiệu quả, khiến vợ chồng nàng rất vui và càng lao vào guồng quay ấy. Chỉ hai năm, vợ chồng nàng nổi lên như một hiện tượng trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan.
Công việc càng phát triển, nàng càng cảm nhận thấy sự khác lạ ở Trung. Trung thường phải đi lại giữa nhà máy và Ba Lan nên thời gian vợ chồng nàng gần nhau ngày càng ít. Những lúc gần nhau, họ chỉ thường trao đổi về hàng hóa, về chuyện làm ăn. Lâu lắm rồi, họ không có những cái nắm tay đồng cảm hay những nụ hôn âu yếm. Những phút tâm tình thủ thỉ hay những phút đùa vui giữa hai vợ chồng lại càng thiếu vắng. Càng ngày, Trung càng trở nên xa lạ đối với nàng. Gia đình không còn là mối quan tâm của Trung nữa. Mọi quan tâm của Trung bây giờ chỉ xoay quanh vấn đề lợi nhuận. Nàng đã thử dùng mọi cách để giúp Trung trở lại con người trước kia nhưng đều vô ích. Thậm chí những lời tâm sự của nàng còn khiến Trung bực bội. Không ít lần Trung vặc lại nàng rằng “
sướng quá hóa… không bình thường”.
Bằng sự tinh tế của mình, nàng nhận ra cái hố ngăn cách giữa nàng và Trung ngày càng rộng ra và sâu hơn. Giữa họ không còn tồn tại cái mà người ta gọi là thấu hiểu, sẻ chia. Họ sống trong cùng một nhà nhưng thuộc hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Dù muốn, nhưng nàng không thể chạm tay vào thế giới của Trung. Trong thế giới của Trung không còn tồn tại chữ tình, mà chỉ tồn tại hai từ cạnh tranh. Dần dần, bạn bè cũng ít qua lại với vợ chồng nàng hơn, đúng hơn là họ ngại – họ ngại Trung nghĩ họ muốn nhờ vả. Mấy chị bạn thân cũng nhận thấy sự thay đổi của Trung. Trong những dịp gặp gỡ, thi thoảng các chị nhắc nàng phải để ý giữ Trung :
- Nó vừa đẹp trai, vừa nhiều tiền, liệu mà giữ em ạ.
Những lúc như vậy, nàng thường chống chế và cũng là để tự an ủi mình:
- Mắt không nhìn thấy, tim không đau!
Không phải nàng không biết điều đó, nàng cảm nhận được tất cả. Hơn ai hết, nàng biết Trung là người có nhu cầu mạnh mẽ như thế nào. Khi xa nhau, Trung khó có thể kìm nén mãi được. Với tư cách là người vợ, nàng buồn vì chồng không chung thủy. Nhưng với tư cách một con người, nàng lại có thể cảm thông cho Trung.
Nỗi đau chồng không chung thủy không dày vò nàng bằng nỗi đau thấy Trung thay đổi thành con người khác hẳn. Nàng đau đớn khi nhận thấy Trung tôn thờ đồng tiền đến mức đánh mất cả con người mình. Gia đình không còn là nơi Trung muốn tìm về sau mỗi ngày làm việc. Trung thích tìm đến những bàn nhậu, những chốn đông người, nơi Trung được tung hô như một hiện tượng của sự thành đạt.
Rất nhiều lần, tim nàng bị bóp nghẹt vì đau xót khi bắt gặp ánh mắt hoảng sợ của con gái khi nhìn thấy Trung khật khưỡng trở về nhà, người nồng nặc mùi rượu. Con bé trở nên lầm lỳ, ít nói hơn trước. Nó cũng không còn háo hức với những món đồ chơi đắt giá Trung mang về. Nhiều lần nàng lén nhìn và thấy con ghì chặt con búp bê cũ Trung tặng bé nhân dịp sinh nhật bốn tuổi và thì thầm gì đó. Không nghe rõ những lời thì thầm, nhưng nàng đoán con đang thổn thức nhớ về những yêu thương mà Trung đã dành cho con. Giờ đây, đối với con bé, Trung như một người khách trong nhà. Thỉnh thoảng về mang theo vài món quà rồi lại đi mất. Trung không có thời gian nghe con kể chuyện học hành và bạn bè ở lớp, không có thời gian để động viên và chia sẻ niềm vui vì thành tích học tập của con. Trung cũng không có thời gian tham dự những buổi trao giải thưởng trong các kỳ thi của con. Có lần, nàng thấy con tần ngần đứng trước cửa phòng Trung với tấm bằng khen giải nhất kỳ thi toán của học sinh tiểu học khu vực Mazowiecki, rồi lắc đầu quay đi. Nàng xót xa khi đôi lần bắt gặp cái nhìn xa xăm, pha chút cô đơn của con gái. Nàng âm thầm theo sát từng sự thay đổi của con. Nàng lo sợ cách sống vô tình của Trung ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách của bé và sẽ càng đẩy Trung ra xa con. Nàng có thể chịu đựng được mọi sự thiệt thòi, nhưng nàng không muốn con nàng cũng trở thành nạn nhân của lối sống ấy.
Một lần, khi hai mẹ con đang nằm ôm nhau trò chuyện, bé Trà Mi chợt hỏi nàng:
- Mẹ ơi, con không ngoan phải không? Con đã làm gì khiến bố mẹ phải phiền lòng phải không?
Hơi ngỡ ngàng vì câu hỏi của con và cảm thấy có điều gì ẩn sau câu hỏi đó. Nàng sẽ sàng trả lời con:
- Không, con là đứa bé rất ngoan và bố mẹ luôn hạnh phúc vì có con. Tại sao con lại hỏi mẹ như vậy?
Hạ thấp giọng nhưng vẫn đủ cho nàng nghe thấy, Trà Mi nói:
- Con nghĩ vì con không ngoan, khiến bố mẹ buồn lòng, nên bố mẹ không muốn có thêm em bé nữa.
Nàng không ngờ con bé suy nghĩ sâu xa thế. Ghì chặt con vào lòng, nàng chỉ có thể nói với con rằng nàng vô cùng hạnh phúc có đứa con như bé, nhưng công việc bận rộn nên chưa thể sinh thêm em bé. Nàng không dám, không thể nói thật lý do nàng vẫn chưa sinh thêm con, dù đó là khao khát cháy bỏng của nàng.
*
Đêm.
Nàng giật mình tỉnh dậy khi tấm thân nồng nặc mùi rượu của Trung đổ ập xuống người nàng. Né mặt để tránh hơi rượu phả vào mặt, nàng khẽ nhích sang bên. Nhưng nàng không sao thoát khỏi đôi tay của Trung. Một tay Trung ấn nàng xuống giường, tay kia kéo tuột cái váy ngủ nàng mặc trên người. Nàng không tránh nữa, bởi nàng biết Trung sẽ không tha cho nàng nếu chưa làm xong việc Trung muốn. Khẽ thở dài, nàng nằm im bất động mặc cho chồng vầy vò. Đã lâu lắm rồi, tuy vợ chồng nàng vẫn gần gụi nhau, nhưng đó không còn là ái ân nữa. Đó là sự chịu đựng của nàng và hành vi bản năng của Trung.
Lần này cũng vậy, Trung thô bạo đi vào trong nàng mà không có bất kỳ sự âu yếm nào. Trung cũng không cần biết cảm xúc của nàng ra sao nữa. Dù không muốn, nước mắt nàng vẫn cứ lặng lẽ lăn xuống gối. Cảm giác ê chề quặn lên trong lòng nàng. Nàng đờ đẫn vì bị dày vò về thể xác và đau đớn về tinh thần. Cắn răng chịu đựng, nàng chỉ mong sao mọi việc sẽ qua nhanh. Bất ngờ, Trung vùng dậy, giang tay tát nàng và gầm lên:
- Cô ban ơn cho tôi đấy à? Cô có biết bao nhiêu con đàn bà chỉ mong tôi động vào người không? Chúng sẵn sàng chiều chuộng và dâng hiến cho tôi, cô có biết không?
Cửa phòng bật mở, Trà Mi đứng ngay ngưỡng cửa. Bé gằn giọng nói từng từ một: “
Con căm thù bố!”, rồi quay bước đi. Nàng đẩy Trung ngã sang bên, vớ vội tấm áo choàng khoác lên người, nàng vùng chạy sang phòng con gái. Con bé đang ôm chăn ngồi thu lu giữa giường.
Lao vào phòng và ôm ghì lấy con, nàng lắp bắp:
- Mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi!
Toàn thân con bé run lên bần bật trong cơn giận dữ. Lạ thay, mắt nó ráo hoảnh, không một giọt nước mắt. Còn nàng thì không sao cầm được nước mắt. Nàng hiểu rằng mong ước có một gia đình hạnh phúc của nàng đã hoàn toàn sụp đổ. Nàng thèm khát hạnh phúc của gia đình nàng khi xưa. Nàng khao khát tìm lại sự ngây thơ cho con gái. Không! Không thể tìm lại được những điều tưởng như đơn sơ đó. Tất cả đã mất thật rồi.
Đặt con gái nằm trở lại giường, nàng nằm cạnh con vuốt ve và thầm khẽ hát ru con ngủ. Trằn trọc mãi lâu sau, con bé mới thiếp đi, thỉnh thoảng đôi vai nhỏ bé vẫn run lên từng cơn. Lặng lẽ ngồi bên con, đầu óc nàng căng ra mung lung. Từng kỷ niệm ùa về trong ký ức nàng. Sân ga trung tâm mỗi chiều chủ nhật, nơi Trung với bó hoa trên tay kiên nhẫn đợi chuyến tàu đưa nàng về với Trung. Khuôn mặt rạng ngời hãnh diện của Trung trong lần đầu tiên đưa nàng về ra mắt gia đình. Dáng vẻ vụng về của Trung khi áp tai vào bụng nàng để trò chuyện với bé Trà Mi từ khi nàng còn chưa sinh bé, đến cách Trung cầu kỳ chọn quà cho Trà Mi vào ngày đầy tháng… Tất cả những kỷ niệm thân thương đó giờ đây đã trở thành quá xa xỉ đối với nàng.
*
Có tiếng người lao xao nhưng nàng không thể nghe rõ họ nói gì. Nàng thấy người bồng bềnh như trên mây, toàn thân nhẹ bỗng, không cảm giác. Một màu trắng mờ ảo vây quanh nàng. Nàng muốn mở mắt ra mà không được. Hai mi nàng nặng trĩu như đeo đá, đầu ong ong như có hàng vạn con ong đang bay trong đó. Tiếng nói nghe rõ dần, nàng cố lắng tai nghe:
- Tại sao bà ấy lại làm việc dại dột như vậy nhỉ? Con gái bà ấy đáng yêu như thế này, sao bà ấy lại muốn rời xa nó? Bà ấy còn trẻ quá, tương lai phía trước đang đón chờ. Thật tội nghiệp!
Nàng như sực tỉnh. Tay nàng chới với muốn bám vào một vật nào đó vô hình trước mặt. Họ đang nói về ai vậy, về đứa bé nào vậy?
- Thưa bác sĩ, bà ấy đã tỉnh lại rồi!
Nàng bật ngồi dậy, hai mắt mở to nhìn quanh.
- Xin bà hãy bình tĩnh. Bà nằm xuống đi. Bà vẫn còn yếu lắm.
Vừa nói, cô y tá vừa nhẹ nhàng đỡ lưng đặt nàng nằm xuống giường.
Nàng dần nhớ lại những gì đã xảy ra. Nước mắt cứ thế tự nhiên trào ra ướt gối. Trong cơn cùng quẫn ê chề mà không thổ lộ được với ai, nàng đã quyết định rời bỏ cuộc sống. Nàng đã chạy trốn nó để tìm đến sự yên tĩnh trong cõi vĩnh hằng.
Câu nói loáng thoáng nghe được trong lúc chưa tỉnh hẳn bỗng vọng về. Nàng hốt hoảng hỏi:
- Con gái tôi, con gái tôi đâu?
- Bà đừng quá xúc động như vậy, rất không có lợi cho sức khỏe của bà lúc này. Con gái bà không có ở đây. Chỉ có ông nhà đang ở đây thôi. Chúng tôi sẽ đưa ông nhà vào với bà ngay bây giờ.
Người bác sĩ đi ra. Nàng nghe thấy tiếng nói chuyện ngay ngoài cửa phòng. Chắc bác sĩ và Trung đang trao đổi với nhau về nàng. Mấy phút sau, Trung mở cửa bước vào. Nàng không thể đọc được cảm xúc trên khuôn mặt Trung – một khuôn mặt vô cảm.
- Tỉnh rồi à? Có mệt không?
Nàng uể oải lắc đầu. Trong giọng nói của Trung, nàng cảm nhận được vẻ hững hờ. Không lẽ mọi cảm xúc trong Trung đã chết thật rồi ư?
- Con đâu rồi anh?
- Nó đang ở nhà với chị Hòa. Nó không biết gì đâu. Anh nói là mẹ bị ngộ độc thức ăn.
Nước mắt nàng lặng lẽ ứa ra. Trúng độc! Đúng. Cuộc sống ngột ngạt mà Trung mang lại cho gia đình đã đầu độc nàng. Cuộc sống đó dần dần giết chết nàng và đẩy nàng đến bờ vực của sự cùng quẫn.
Hai ngày nằm trong bệnh viện trở nên dài đằng đẵng. Một mình tĩnh lặng trong căn phòng với bốn bức tường trắng toát, nàng mới có thời gian nghiền ngẫm những gì đã và sẽ đến với vợ chồng nàng. Cuộc sống với nàng trở nên vô thường. Thì ra trên đời này không có gì bất biến. Ngay cả tình yêu nồng nàn Trung dành cho nàng cũng thay đổi theo thời gian.
Nàng thấy mình có lỗi với con gái. Trong lúc cùng quẫn nàng chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không nghĩ đến con. Nàng muốn trốn chạy khỏi cuộc sống, nhưng lại quên mất rằng ở đó còn bé Trà Mi. Con bé cần, rất cần sự tồn tại của nàng trên cõi đời này. Liệu con gái có bao giờ tha thứ cho nàng không, nếu….?
Nàng không muốn nghĩ nữa. Đúng ra là nàng không dám nghĩ nữa, không dám nghĩ đến hệ quả việc làm vô trách nhiệm của mình. Đau đớn tột cùng, nàng tự hứa với lòng mình vì con gái, nàng sẽ sống, sống tốt dù cuộc đời có là địa ngục. Nàng sẽ đi bên con đến cuối cuộc đời và con gái sẽ là lẽ sống duy nhất của nàng.
Cuộc sống sau đó cứ lặng lẽ trôi đi. Khoảng cách giữa Trung và gia đình càng xa thì nàng và con gái càng gần gũi nhau. Nàng hạnh phúc cảm nhận sự trưởng thành của con. Con bé có lẽ cũng ý thức được với những gì xảy ra đối với gia đình mình, nên rất tự lập và mạnh mẽ. So với bạn bè cùng lứa, con bé chững chạc, già dặn hơn nhiều.
*
Tiền bạc là phù du.
Nàng đế ý gần đây Trung có vẻ căng thẳng và hay bực bội. Nhiều hôm đi nhậu về, Trung lại lôi rượu ra uống một mình rồi say nằm vật ra ghế ngủ. Linh cảm mách bảo nàng có điều gì không ổn xảy ra với Trung.
Dạo này đám bạn hay tung hô Trung không thấy xuất hiện nữa. Trung ít ra ngoài hơn và hay ngồi lỳ trong phòng làm việc. Có những buổi, Trung ngồi thần trong phòng như một bóng ma, chẳng cơm nước gì. Sau nhiều lần gặng hỏi, nàng mới biết vì quá tự tin ở bản thân và quá tham vọng, Trung bỏ không làm đại lý và bắt tay làm ăn với một nhà máy khác. Trung đã dốc toàn bộ vốn liếng và huy động thêm của một số người quen với lãi xuất cao để tự đứng ra đặt hàng. Thời gian đầu mọi việc khá suôn sẻ, càng làm tăng thêm cơn say làm giàu của Trung. Thắng lợi dễ dàng khiến Trung ngày càng khinh suất trong việc đặt hàng. Không theo sát kiểm tra chất lượng, cũng không kiểm soát được thời gian hàng cập cảng khiến hơn hai chục công hàng nằm chất ứ trong kho vì kém chất lượng và quá thời vụ. Trước kia, với những kho hàng ngồn ngộn, chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành những tập Mỹ kim có màu xanh quyến rũ. Giờ đây, những kho hàng đó có nguy cơ trở thành đống đồng nát và chi phí để giữ đống đồng nát đó không nhỏ vì phải đợi một năm nữa mới có thể bán tháo đi được trong khi hàng tháng vẫn phải thanh toán lãi suất cao cho những chủ nợ. Đã quen với những thành công quá dễ dàng khiến Trung sợ hãi trước tương lai phải làm lại tất cả từ đầu. Trung suy sụp hoàn toàn trước cái tát của cuộc đời.
Dù rất đau xót với những mất mát, nhưng nàng vẫn cố gắng động viên Trung đứng dậy. Lúc này, câu hát quen thuộc chị Hòa hay hát lại văng vẳng bên tai nàng: “
… Khi lớn con đi trên mọi nẻo đường. Đừng buồn khi lúc, tay còn trắng tay!...” (**).
*
Nàng sốt ruột ngó nhìn đồng hồ. Đã quá nửa đêm mà Trung vẫn chưa về. Tối nay nàng đã muốn đi cùng chồng vì thấy Trung có vẻ mệt mỏi. Gọi điện vào máy chồng, nhưng máy lại khóa khiến nàng càng lo hơn. Giờ này Trung đang ở đâu? Có chuyện gì xảy ra với Trung không?... Bao câu hỏi, bao tình huống cứ hiện lên trong đầu. Chưa bao giờ nàng thấy bồn chồn, bất an như lúc này. Nàng cầu mong sự lo lắng trong nàng chỉ là cảm tính.
Bỗng nhiên, trước mắt nàng bùng lên một quầng lửa đỏ rực, thấp thoáng trong đó là khuôn mặt méo mó, biến dạng của chồng. Nàng thét gọi tên Trung!
Giật mình vì tiếng gọi của chính mình. Nàng mở choàng mắt. Hóa ra là mơ. Mồ hôi vã ra đầm đìa khắp người, nàng chợt rùng mình khi nghĩ đến giấc mơ của mình. Khủng khiếp quá. Đã hơn ba giờ sáng mà Trung vẫn chưa về. Nàng như điên dại đi lại trong phòng, miệng lẩm nhẩm “đừng, xin đừng…”.
Nàng lao vội ra cửa khi nghe thấy tiếng gõ cửa. Lập cập mở chốt cửa với hi vọng khuôn mặt Trung sẽ hiện ra sau cánh cửa. Nàng khuỵu xuống khi nhìn thấy người công an đứng ngay nơi ngưỡng cửa. Điều nàng lo sợ nhất đã xảy ra!
Từ ngày Trung mất vì tai nạn giao thông, nàng sống càng khép kín. Sau khi trang trải mọi nợ nần, mẹ con nàng chuyển về sống trong một căn hộ nhỏ ở khu vực có ít người Việt sinh sống. Nàng muốn tìm lại sự cân bằng của tâm hồn, và nàng muốn tìm quên trong tĩnh lặng. Với nàng, giờ đây con gái là lý do duy nhất để nàng tồn tại.
Trà Mi là đứa con gái nhạy cảm và khá mạnh mẽ. Con bé dường như cảm nhận được vai trò của mình đối với mẹ nên rất gần gũi nàng. Không ít lần, con bé còn bóng gió nói nàng phải năng giao lưu vì nàng còn trẻ. Đôi khi, nàng phải phì cười vì những giáo huấn kiểu bà cụ non của con gái. Con gái nàng đã đủ lớn để thuyết phục nàng không thể sống mãi với những hoài niệm khổ đau. Nó cũng lo lắng rằng nếu nàng cứ đắm mình trong nỗi dằn vặt vì những gì đã xảy ra thì nàng sẽ tự vứt bỏ tương lai của mình. Đã hơn một lần, con gái nói thẳng rằng nàng cần có một bờ vai để tựa, để yêu thương. Những lúc như vậy, nàng thường mắng yêu con gái:
- Đúng là trứng khôn hơn vịt! Con không thấy không có bờ vai nào đủ rộng để mẹ tựa vào hay sao?
Trà Mi giả vờ tròn mắt rồi chẹp miệng:
- Ôi, lạc hậu, lạc hậu quá!
Rồi cả hai mẹ con cùng phá lên cười và ôm chầm lấy nhau.
Nàng thầm công nhận những điều Trà Mi nói là đúng. Tuy mắng át con và cố gạt những suy nghĩ đó khỏi đầu, nhưng nàng biết trong sâu thẳm trái tim nàng, nàng vẫn khao khát một bờ vai mạnh mẽ. Nhiều đêm, những khi không tìm được giấc ngủ, nàng cảm nhận được sự khao khát của mình. Nàng cảm nhận được sự cựa quậy dù là rất khẽ của những xúc cảm của bản thân. Nàng cảm nhận được sự trỗi dậy của những đam mê. Nhưng… nàng sợ! Những gì đã xảy ra khiến nàng trở nên hèn nhát. Nàng vừa khao khát, vừa sợ hãi khi chợt nhận ra có bờ vai nào đó nghiêng xuống đời nàng. Nàng mâu thuẫn với chính bản thân mình.
*
- Mẹ! Con đã về rồi mẹ ơi!
Lau vội dòng nước mắt đang thấm đẫm trên má, nàng lật đật ra mở cửa cho con. Con bé ào vào vừa ôm chầm lấy nàng vừa nói :
- Chúc mừng sinh nhật mẹ! Con có món quà bất ngờ tặng mẹ đây!
Buông tay khỏi nàng, nó quay ra mở rộng cánh cửa. Nàng sững người khi nhìn thấy Việt với bó hoa loa kèn trắng tinh khôi mà nàng yêu thích. Vừa lúng túng trao bó hoa cho nàng, Việt vừa nói:
- Chúc mừng sinh nhật em!
Trong đôi mắt anh, nàng cảm nhận được màu nắng rực rỡ và ấm áp của tháng Năm!
Ghi chú:
(*), (**) Nhạc phẩm “Đèn khuya” của Lam Phương.