Bìa tập thơ “Mảnh/mảnh/mảnh”
Tìm
Bốn ngôn ngữ dân tộc Lô Lô, K’Ho, Kh’mer, Nôm và cả tiếng Việt. Tập chỉ gồm 16 bài nhưng dày dặn. Chủ đích của tác giả “
xin gửi tiếng nói từ thế-giới-tôi, đi qua vài thế-giới-ngôn-ngữ, đến với thế giới bạn”, nhưng “Mảnh/mảnh/mảnh” là một cuộc trốn tìm. Trước tiên là đi tìm đủ 16 bài bằng tiếng Việt để thẩm hội được ý tưởng của Lê Anh Hoài. Tìm những mảnh hội họa sắp đặt từ con chữ. Kiếm những thanh âm lạ lẫm khi cất lên bằng cách đọc to các dòng thơ bằng ngôn ngữ tiếng dân tộc, mà không phải là tiếng Kinh của người Việt. Nhạc sĩ K’Thế, người dịch thơ Hoài sang tiếng K’Ho đã nói, “…
thật ưng cái bụng khi khám phá ra thơ của một người Kinh có nhiều cái mới lạ, kích thích trí tò mò của một kẻ cảm thụ và thấy rằng giữa thơ của Lê Anh Hoài và tôi, một người K’Ho của thời đại mới lại có nhiều cái giống nhau”.
Tòi
Lê Anh Hoài đã ra văn, tiểu thuyết in vài tập, làm sắp đặt nghệ thuật dài dài khắp các vùng miền, và vừa
tòi thêm tập thơ nữa - “Mảnh/mảnh/mảnh” đầu năm 2012. Vả chăng, tập thơ này như một sự góp nhặt thêm ý thích, ý tưởng và vùng sáng tạo cho nghệ sĩ Lê Anh Hoài. Giá tập thơ đâu có rẻ - 120.000 đồng. Mua tận Nguyễn Xí nơi chuyên bán sách có chiết khấu nhiều, liệu có khiến độc giả chú ý và chọn nó. Thơ vốn kén người đọc và Lê Anh Hoài chủ ý ra nó như một sự chòi đạp, chồng lên thêm mạch nguồn sáng tạo trong nền nghệ thuật vốn được xã hội
fast-food rẻ rúng rồi.
Thơ
Thổn thức/lang thang trên phố/cơn mưa/thân phận. Hoài dẫn người đọc tới những cuộc du ngoạn con chữ cả ngữ nghĩa lẫn cách biểu đạt nhịp thơ. Hoài khóc mộng du/trôi hay chết tất cả đều nhu cầu bản thân và thể hiện tình yêu. Và đau đáu một niềm con chữ:
…Tôi ngồi đây nghĩ những chữ viết ra hàng ngày.
như châu chấu cào cào chuồn chuồn
bay lơ lửng
những cơm ăn nước uống bụi hít những chuông
rung email chat chit hẹn hò nhăn nhó phóng xe
trên phố còi đâm phanh rít
nhân vật của tôi chiếm chỗ não thùy sống cùng
tôi mưu sinh toan tính kết bạn làm tình
những màu sắc bóng hình âm thanh cuộc đời
như installation, như video art.
(Trích từ “Mảnh/mảnh/mảnh”, trang 86)