“Những nhà lãnh đạo của chúng ta rất sợ sự chỉ trích, thậm chí sợ người dân nói khác ý mình. (...) Tôi tự hỏi, biết đến bao giờ dân mới được quyền nói những gì mà “họ thích”?”.
Fukuzawa Yukichi (1835-1901), bậc khai quốc công thần, nhà tư tưởng vĩ đại hàng đầu của Nhật Bản, người khai sáng đất nước - Ảnh tư liệu
“Nếu Chính phủ đi ngược lại lợi ích của người dân, với bổn phận của mình, chúng ta sẽ đường đường chính chính kháng nghị, tranh luận với Chính phủ cho đến khi Chính phủ tỉnh ngộ, để giành lại chữ “Tự do Dân quyền”.
Đó là lời của Fukuzawa Yukichi - Nhà khai sáng nước Nhật. Và Chính phủ Minh Trị đã để ông “được nói”. Còn chúng ta hôm nay?
Văn minh nếu chỉ nhìn trên khía cạnh vật chất, giá trị kinh tế thì mới là “phần xác”; còn một phần nữa đó là hồn dân tộc, là tư duy của người dân trong hành trình đi tới thịnh vượng. Khi đề cập tới Chính phủ kiến tạo phát triển, ta thử nhìn sâu hơn về vấn đề này và hỏi rằng ta có quyền được nói?
Chuyện người dân được nói
Tôi nhớ, Friedrich II - vị Đại đế của nước Phổ có tuyên ngôn đầy hãnh diện rằng: “Ta và thần dân của ta đã đi tới một thỏa hiệp khiến cả đôi bên đều hài lòng. Họ thích nói gì thì nói và ta thích làm gì thì làm”.
Câu nói thoạt đầu tưởng như là biểu trưng cho nền quân chủ chuyên chế mà Friedrich II sẽ thiết lập trên toàn nước Phổ, nhưng không, vị Đại đế - Chiến binh vĩ đại của Tây Âu thế kỷ 18 đã “đi tới một thỏa hiệp” với người dân của mình về việc tự do ngôn luận.
Người dân đế quốc Phổ lúc này sẽ cảm thấy hạnh phúc vì “họ thích nói gì thì nói”. Và khi người dân nói, sẽ tác động qua lại, tương hỗ với điều mà Đại đế Friedrich II “thích làm”.
Nước Phổ dưới thời Friedrich II trị vì (1740-1786) đã bước bước lên địa vị cường quốc bậc nhất của Châu Âu. Họ là tấm gương sáng cho Nhật Bản học tập - một quốc gia mà sau này được nhiều người đã gọi là “nước Phổ ở Châu Á”.
Nhưng thế chưa phải là đã hết! Nhà triết học Voltaire có nhận định về Vương quốc Phổ dưới sự cai trị của Friedrich II: “Nếu buổi sáng nước Phổ còn là xứ Sparta, thì buổi chiều Đế chế này đã là xứ Athena” - Sparta là thành trì của chuyên chế độc tài, còn Athena là biểu tượng của dân chủ, là trung tâm triết học - văn hóa của Hy Lạp cổ đại.
Được nói bắt đầu cho quá trình khai phóng tư duy. Được nói sẽ là viên gạch đầu tiên trong việc truyền bá các tư tưởng, các giá trị nhân sinh quan. Được nói cũng khiến người dân bộc phát tư duy của mình, làm chủ tư duy và từ đó bắt đầu cho tranh biện, tranh luận trước khi vươn tới tầm học thuật.
Được nói cũng bắt đầu cho tinh thần quốc dân, cho tinh thần dân chủ nơi mà người dân bàn luận, thậm chí phản biện về các chính sách của Chính phủ. Quốc gia mạnh hơn nhờ những lời chỉ trích - Như ý của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Nhưng đó là chuyện bên trời Tây, còn ở ta? Ông Hồ Chí Minh đã vắn tắt rất đơn giản, súc tích: “Dân chủ là để cho dân được mở cái miệng”.
Sức hút từ ngọn cờ giải phóng dân tộc mà Việt Minh giương cao, sức hút từ những quyền dân chủ thiêng liêng - bất khả xâm phạm đã lôi cuốn giới văn nghệ sỹ, trí thức đi theo kháng chiến. Đây là một phần trong sức mạnh Việt Nam sau ngày tuyên bố Độc lập ngày 2-9-1945.
Những ví dụ đó phải chăng là Chính phủ kiến tạo phát triển?
Tư duy là sức mạnh dẫn dân tộc tới sự thịnh vượng
Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sử dụng lại khái niệm Chính phủ kiến tạo và phát triển, ông hối thúc các thành viên Chính phủ phải hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ông thực hành việc rút bớt giấy phép con - nói như chuyên gia Nguyễn Trần Bạt là Chính phủ rút dần sự “chiếm đóng” của mình ra khỏi nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ đang hành động. Ông có mặt tại các điểm nóng, trò chuyện cùng doanh nghiệp, người công nhân và truyền tải thông điệp và tinh thần “Quốc gia khởi nghiệp”.
Thời gian không còn dài, chuyên gia từ WB (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, Việt Nam chỉ có 10 năm cho quá trình tăng tốc kinh tế, khi không còn cơ cấu dân số vàng, nước ta sẽ khó có cơ hội để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình thấp”.
Bằng sự kiến tạo của Chính phủ, tinh thần khởi nghiệp của người dân, nền kinh tế sẽ bước qua những nốt trầm. Chỉ có điều từ góc tư duy, sự kiến tạo phát triển của Chính phủ hầu như chưa được đề cập.
Những nhà lãnh đạo của chúng ta rất sợ sự chỉ trích, thậm chí sợ người dân nói khác ý mình. Ám ảnh lớn nhất của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng không hẳn đã là lợi ích nhóm mà là “sự suy thoái về đạo đức cách mạng” là sự tự diễn biến. Mới đây ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông có thống kê bốn đại tội trạng của báo giới.
Nặng nhất vẫn là báo chí đang tự diễn biến.
Tôi tự hỏi, biết đến bao giờ dân mới được quyền nói những gì mà “họ thích”?
Chính phủ sẵn sàng nới room cho kinh tế tư nhân phát triển, nhưng tư tưởng là mệnh đề bất khả xâm phạm. Không cần khai phóng, không cần nghĩ khác, Chính phủ chỉ đơn giản là muốn người dân tận lực làm kinh tế và… nộp thuế nhiều hơn!
Ru ngủ về mặt tư duy, về tinh thần quốc dân, quốc gia sớm muộn sẽ lâm vào bế tắc và là nguồn cơn của cho sự xuất hiện của mô thức “Nhà nước đối phó - xoay xở”. Từ đó đến Nhà nước “cai trị hủ bại” không còn bao xa (*).
Công dân không được chắp nền về tư duy thì nhà nước sẽ cạn kiệt về mặt tư tưởng. Càng cạn kiệt càng sợ hãi, càng chống chế!
Một trăm ba mươi năm trước, Yukichi Fukuzawa đã viết trong “Khuyến khích học vấn” rằng: “dân ta ai cũng chỉ muốn làm trong công sở chính quyền, rồi tìm cách leo lên hàng quan chức Chính phủ để có quyền hành và bổng lộc”. Sau khi đả phá những tư tưởng hủ bại, ông cũng cho rằng Chính phủ Minh Trị dù có “tự mãn” vì đã xây dựng được nhiều trường học, lực lượng quân đội hùng hậu thì cũng chỉ là “phần xác” của nền văn minh.
Và từ đó Yukichi Fukuzawa minh định rất rõ ràng rằng điều mà Nhật Bản thật sự cần là “Chí khí độc lập của người dân, tinh thần độc lập của nhân dân!”. Chính quyền Minh Trị đã để cho Yukichi Fukuzawa nói và thực hành việc sứ mệnh khai phóng - nước Nhật nhờ thế có thành tựu hôm nay (**).
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...