“Người biểu tình vô danh” (Tank Man) chặn một đoàn chiến xa gồm ít nhất là 17 chiếc trong cuộc thảm sát Thiên An Môn. Năm 1998, tạp chí “Time” đã xếp người biểu tình vô danh này vào danh sách “100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20”. Bức ảnh trên của Charlie Cole được Giải thưởng Báo chí Thế giới (World Press Photo) năm 1989 và được tạp chí “Life” xếp vào danh sách “100 bức ảnh làm thay đổi thế giới” năm 2004.
Trước nay, các nhà nghiên cứu về Trung Quốc hay cho rằng có lẽ lãnh đạo Phương Tây cũng có biết về kế hoạch đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuy nhiên điều này thường được liệt vào hàng các “thuyết âm mưu”.
Tư liệu vừa được giải mật cho thấy, giả thuyết nói trên có thể là sự thật. Người gửi bức điện tín là Sir Alan Ewen Donald, Đại sứ Anh tại Bắc Kinh thời kỳ 1988-1991, ông cho hay vừa có bữa trưa với một nhà nghiên cứu Trung Quốc gốc Mỹ tên là Stuart Schram.
Stuart Schram nói rằng ông có những nguồn tin trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết Đặng Tiểu Bình đã cho điều 300 ngàn quân nhân về Bắc Kinh, và khẳng định “cái chết của hai trăm người có thể đem lại hòa bình trong hai chục năm cho Trung Quốc”.
Mặc dù khi đó trong Ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc vẫn còn những ý kiến ôn hòa, nhưng cơ quan tình báo Mỹ cũng có những thông tin cho thấy chính quyền nước này đã ngả sang hướng bạo lực và việc đàn áp những tiếng nói dân chủ là không tránh khỏi.
Những chỉ thị điều các nhân viên y tế về các viện được ban bố, và quân đội thì được lệnh làm tất cả mọi thứ để bình ổn tình hình. Sir Donald đề nghị chuyển những thông tin này cho Văn phòng Thủ tướng và sự lo lắng của vị đại sứ không chỉ là tình mạng những người biểu tình.
Thời gian đó, những biến chuyển dân chủ diễn ra hàng loạt các các xứ cộng sản Đông Âu và trong bối cảnh ấy, Trung Quốc là một câu hỏi lớn. Theo Sir Donald, bằng việc đàn áp người biểu tình, chính quyền có thể có thời gian thực hiện cải cách và ổn định hóa thể chế.
Việc bức điện tín này được mật hóa và giữ trong Kho Lưu trữ Quốc gia Anh cho thấy có đã được chuyển tới Văn phòng Thủ tướng. Khi cuộc thảm sát xảy ra vào những ngày đầu tháng 6-1989, Margaret Thatcher nói rằng tin ấy khiến bà kinh hoàng và bất bình.
Tờ “Independent” đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Anh để hỏi thêm chi tiết trong vụ này, nhưng chưa nhận được câu trả lời.