BẠCH HÓA HỒ SƠ MẬT CÓ THỂ GIẢI MÃ “NGHI ÁN” TRONG VỤ ÁM SÁT KENNEDY
Thứ hai - 15/05/2017 14:22
(NCTG) Từ nay tới tháng 10 tới, Kho Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ cần công bố chừng 3.600 hồ sơ mật liên quan tới vụ ám sát tổng thống John Fitzgerald Kennedy (JFK) năm 1963, và nhiều người cho rằng sự “bạch hóa” này có thể củng cố một giả thuyết được lan truyền bấy nay, theo đó Lee Harvey Oswald không phải là “sát thủ đơn độc”.
Vợ chồng tổng thống Kennedy vài giây trước vụ ám sát - Ảnh tư liệu
Vụ ám sát JFK có lẽ là một trong những sự kiện tốn nhiều giấy mực nhất của nền tư pháp Hoa Kỳ thế kỷ 20, và tưởng như không còn gì là không được bàn tới sau đó. Vào hồi 12h30 thứ Sáu 22-11-1963, tổng thống thứ 35 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ John F. Kennedy đã bị bắn trọng thương khi ông đang cùng vợ, và vợ chồng Thống đốc bang Texas John Connally đi trên chiếc xe mui trần trong chuyến thăm và vận động bầu cử ở Dallas.
Hai viên đạn, một phát trúng lưng và phát thứ hai ở bên phải, sau đầu, đã khiến Kennedy tử thương tại bệnh viện sau đó chừng nửa giờ. Nghi can số một của vụ ám sát, Lee Harvey Oswald, bị bắt sau đó không lâu, trong cuộc truy lùng kẻ ám hại một cảnh sát giao thông địa phương. Oswald chối tội, nhưng điều khiến mọi việc trở nên phức tạp bội phần là hai ngày sau, chính nghi can cũng bị một người đàn ông tên là Jack Ruby bắn chết.
Một ủy ban điều tra - được gọi bằng cái tên “Ủy ban Warren”, do Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Earl Warren đứng đầu - đã hoạt động trong vòng 10 tháng và đưa ra kết luận rằng cả Oswald lẫn Jack Ruby đều hành động đơn độc khi nổ súng, chứ không theo chỉ thị của ai. Chỉ riêng FBI đã tiến hành 25 ngàn cuộc thẩm vấn (Ủy ban Warren thẩm vấn 552 nhân chứng), và giới sử gia, nghiên cứu cũng đã cho ra đời vô số sách vở về cuộc ám sát.
Tuy nhiên, cho đến nay, những thăm dò cho thấy đa số dân Mỹ vẫn không tin vào kết luận của Ủy ban Warren, và cho rằng đây là một vụ mưu sát của một nhóm nào đó. Đó cũng là nhận định của Ủy ban các vụ ám sát Hoa Kỳ (HSCA) vào năm 1979, dựa trên những “nghi án” xưa nay về việc có thể có hai tay súng tham gia vụ ám sát, hoặc giả, theo nhiều người, Oswald không thể bắn được liên tục ba phát từ xa với kết quả chính xác như vậy.
Trong bối cảnh đó, việc nhiều hồ sơ liên quan tới vụ ám sát vẫn còn bị “mật hóa” chỉ càng làm gia tăng sự ngờ vực trong nhiều người. Năm 1992, Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) đã ký phê chuẩn một đạo luật quy định việc lưu trữ thống nhất tất cả các tư liệu chính thức của vụ ám sát JFK trong một bộ “sưu tập” duy nhất, trong đó, khoảng 3.600 hồ sơ “mật hóa” cho tới giờ sẽ phải được “giải mật” với thời hạn là tháng 10-2017.
Để thực thi đạo luật ra đời từ 25 năm trước, thời gian gần đây các nhân viên thư khố Mỹ phải tập trung hết sức lực và thời gian. Theo lời Martha W. Murphy, đại diện Kho Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, những hồ sơ mật sẽ không được “tung ra” ngay một lúc, mà sẽ dần dần được “bạch hóa” từng bước từ những tháng hè năm nay. Đây là điều thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của giới sử học, mà còn của công luận Mỹ và thế giới.
Bởi lẽ, không ít người tin rằng hành vi của Oswald thật ra là kết quả của một âm mưu được tổ chức công phu, và sau vụ ám sát, chính các cơ quan an ninh Hoa Kỳ như FBI, CIA... đã giữ lại và “ỉm đi” những bằng cứ thực sự từ Ủy ban Warren để “giảm tội” cho mình, khi họ đã không kịp thời phát hiện và ngăn chặn vụ mưu sát. Các tín đồ của “thuyết âm mưu” chờ đợi sự chứng thực cho điều đó trong quá trình “bạch hóa” những hồ sơ mật sắp tới.
Đặc biệt, một giả thuyết trước đây - theo đó Oswald đã thực hiện kế hoạch do Cuba cộng sản đề ra, nay lại được nhắc lại nhiều. Cần nhớ, 1963 là đỉnh điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi bức tường Berlin mới được dựng hai năm, xung đột giữa Phương Tây và phe XHCN lên cao, quan hệ giữa Mỹ và Cuba (đứng sau là Liên Xô) tồi tệ, và chính Kennedy cùng CIA cũng có những kế hoạch hay dự tính lật đổ hoặc ám sát lãnh tụ Fidel Castro.
Trong danh mục những tư liệu chuẩn bị được đưa ra ánh sáng, có 86 trang hồ sơ của CIA về hoạt động ở New Orleans của một nhóm lưu vong Cuba chống đối Fidel Castro, mà Oswald - trên cương vị một tín đồ của Fidel -, muốn xâm nhập để “săn” thông tin cho chính quyền La Habana. Bên cạnh đó, còn nhiều tư liệu liên quan tới chuyến đi Mexico của Oswald tháng 9/10-1963, khi ông ta có dịp tìm cách lai vãng tại các tòa đại sứ Cuba và Liên Xô.
Sau chuyến đi đó, Oswald có lọt vào tầm ngắm của CIA, tuy nhiên điều này không ngăn cản việc vài tuần sau, ông ta đã thực hiện một trong những vụ ám sát gây chấn động nhất của thế kỷ 20. Quá khứ và nhân thân của Oswald bị coi là hết sức “có vấn đề” (ông ta có vợ người Nga và đã sống ba năm ở Liên Xô, quốc gia thù địch với Hoa Kỳ thời bấy giờ), phải chăng các cơ quan an ninh và mật vụ Mỹ đã quá sơ hở khi để đương sự tự do gây án?
Việc “bạch hóa” các hồ sơ mật có thể khiến chúng ta tiếp cận gần hơn với sự thật hay không, điều đó còn phải chờ đợi, tuy nhiên cần biết là đạo luật năm 1992 cho phép FBI và CIA tiếp tục đề nghị mật hóa các tư liệu, nếu điều đó phục vụ “an ninh quốc gia”. Hiện tại, nhân viên hai cơ quan đó vẫn đang kiểm tra lại những hồ sơ kể trên, và nếu họ cho rằng vẫn nên “giữ kín”, thì quyền quyết định nằm trong tay Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trả lời câu hỏi của báo giới, phát ngôn viên Nhà Trắng cho hay, hiện tại các nhân viên Tòa Bạch Ốc đang hợp tác với Kho Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ để thời hạn tháng 10 tới được tuân thủ và mọi việc diễn ra trôi chảy, hanh thông.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...