VỀ THẮC MẮC CỦA NHÀ GIÁO VŨ QUỐC LƯƠNG

Thứ ba - 06/06/2017 23:43

(NCTG) “Như nhiều tác phẩm Hán hoặc Nôm khác, “Hoàng Lê nhất thống chí” có nhiều dị bản bằng chữ Hán và không còn bản gốc. Những dị bản ấy đều là bản chép tay, lại do nhiều người sao chép trong nhiều thời điểm khác nhau nên chúng không hoàn toàn giống nhau về một số chi tiết như: sự kiện, quan điểm, chữ dùng, tên gọi…” - tác giả Kiều Hải đưa ra một lý giải về “nghi án” ngày lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Một số bản in khác nhau của “Hoàng Lê nhất thống chí”

Một số bản in khác nhau của “Hoàng Lê nhất thống chí”

Lời Tòa soạn: Tiếp nối hai bài viết của nhà giáo Vũ Quốc Lương liên quan tới ngày lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trong “Hoàng Lê nhất thống chí”, NCTG xin đăng quan điểm của nhà báo Kiều Hải từ Hà Nội, trên tinh thần tôn trọng thảo luận và trao đổi học thuật. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
 
*

Cách đây ít lâu, tạp chí “Nhịp cầu Thế giới” (Hungary) có đăng bài “Quang Trung - Nguyễn Huệ lên ngôi khi nào?” của nhà giáo Vũ Quốc Lương, người trước đó đã có “Thư ngỏ” gửi các đồng nghiệp và bạn bè trên mạng xã hội Facebook, nhằm “lưu ý một nhầm lẫn lịch sử”. Ông Vũ Quốc Lương nêu nghi vấn: Phải chăng Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ngày 25 tháng Chạp năm Kỷ Dậu, như “Hoàng Lê nhất thống chí” (HLNTC) và sách giáo khoa dành cho học sinh hiện tại ghi lại?

Sau đó, cũng “Nhịp cầu Thế giới” đăng tiếp bài “Ngày Nguyễn Huệ đăng quang Hoàng đế: Sai do đâu?” của ông Vũ Quốc Lương, khẳng định: “Đúng là sách này đã in sai ngày lên ngôi Hoàng đế của vua Quang Trung (xem trang 178). Tôi còn phát hiện thêm một điều sai nữa: Sách này viết khiến người đọc hiểu là quân Thanh vào được Thăng Long ngày 11 tháng Mười Một năm Mậu Thân và ngày hôm sau thì sắc phong vương cho Lê Chiêu Thống (xem trang 165 - 166) (1). Đúng ra, quân Thanh vào được Thăng Long ngày 21 tháng Mười Một năm Mậu Thân (1788) và ngày hôm sau thì phong vương cho Lê Chiêu Thống. Như vậy là sai 10 (mười) ngày”…

HLNTC mà ông Vũ Quốc Lương đề cập là bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch, xuất bản lần đầu năm 1964 (2). Hai dịch giả, một người nay đã mất, một người tuổi đã cao, không dùng Facebook và cũng không có thời gian rảnh rỗi. Bởi vậy, dù là người “ngoại đạo”, trình độ hạn chế, tôi xin trao đổi đôi điều để ông Vũ Quốc Lương có thể phần nào giải tỏa nỗi băn khoăn tâm huyết.

Theo những gì ông Vũ Quốc Lương thể hiện trong hai bài viết nói trên, tôi hiểu rằng, ông hẳn đã nghĩ, có MỘT cuốn HLNTC “gốc” viết bằng chữ Hán, rồi sau này được nhiều thế hệ dịch giả dịch sang Quốc ngữ. Đọc bản dịch của Nguyễn Đức Vân - Kiều Thu Hoạch, ông phát hiện ra một vài chi tiết về ngày tháng (được cho là) không khớp với sử liệu và nhận thức lịch sử của ông, ông đã suy luận rằng, đó là sai sót.

Có lẽ, do KHÔNG đọc được chữ Hán, KHÔNG có khả năng tiếp cận văn bản chữ Hán và đặc biệt, KHÔNG có kiến thức về văn bản học (textology) Hán Nôm, ông liền có một thao tác có phần cơ học, thiếu xác đáng về “phương pháp luận” là đem so với một bản dịch khác (là bản của Cát Thành - “HLNTC diễn nghĩa”, Nhã Nam mới in lại) để rồi nhanh chóng kết luận: “HLNTC bản chữ Hán không sai. HLNT bản dịch do NXB Văn Học ấn hành năm 1984 đã in sai” (!).

Nếu quả đúng như vậy thì thật đáng tiếc! Ông Vũ Quốc Lương nghĩ rằng mình phát hiện ra một chuyện “tày trời”, cơ bản chỉ vì cái KHÔNG thứ ba. Riêng về HLNTC, giá như ông biết và chịu khó tìm đọc cuốn “HLNTC - Văn bản, tác giả và nhân vật” của PGS. TS Phạm Tú Châu (Viện Văn học) (3), người trước đó đã bảo vệ thành công luận án PTS (TS) với cùng đề tài, hẳn ông sẽ thấy “chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ”. Bởi lẽ: như nhiều tác phẩm Hán hoặc Nôm khác, HLNTC có nhiều dị bản bằng chữ Hán và không còn bản gốc. Những dị bản ấy đều là bản chép tay, lại do nhiều người sao chép trong nhiều thời điểm khác nhau nên chúng không hoàn toàn giống nhau về một số chi tiết như: sự kiện, quan điểm, chữ dùng, tên gọi…

Cho tới nay, HLNTC có 4 bản dịch ra Quốc ngữ: Bản dịch năm 1912 của Cát Thành, bản dịch năm 1942 của Ngô Tất Tố, bản dịch năm 1950 của Nguyễn Đăng Tấn, Nguyễn Công Liên (bản dịch này được dịch giả đặt tên mới là “Hậu Lê thống chí'') và bản dịch năm 1964 của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch. Bốn bản dịch này đều có những chỗ khác nhau mà nguyên nhân chung là do tình trạng văn bản vừa nêu.

Theo khảo sát của PGS. TS Phạm Tú Châu, hiện chỉ còn 10 dị bản HLNTC, gồm 6 bản có đủ 17 hồi và 4 bản thiếu một số hồi, một số bản đủ 17 hồi nhưng nay đã thất lạc và một bản với 7 hồi đầu do Ngô Thì Chí viết, còn những hồi sau do “người trong gia đình, bạn bè và học trò của ông viết tiếp (bản này có tại Thư viện Quốc gia, Paris). Nội dung những bản này đều giống nhau về đại thể, chỉ khác nhau về chi tiết. Bản nào không chép “cẩu thả” thì cũng có nhiều “lầm lộn” như cụ Ngô Tất Tố đã nhận xét, khó có thể xác định được bản nào cổ nhất, do đó đáng tin cậy nhất trong số những bản sao này.

Sáu bản đủ 17 hồi được chia làm 3 loại: 1) A.883 - An Nam nhất thống chí [ANNTC]; R.1655-1656 - ANNTC; VHv. 1542/1-2 - ANNTC; 2) VHv.1534 A/1-2 - HLNTC; VHv. 1296 - HLNTC; 3) A.22 - ANNTC. Ba loại này có nội dung cơ bản giống nhau nhưng vì chúng được sao đi chép lại từ bản gốc đã mất hoặc từ bản chép lại bản gốc và lại do nhiều người chép, vào nhiều thời điểm, nên cả 6 bản đều có chữ viết sai, có nhiều chữ và từ dùng khác nhau.

Hai dịch giả Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch chọn bản dịch A.22 làm bản nền cho bản dịch của mình (xuất bản lần đầu năm 1964), có tham khảo các bản khác. Theo chuyên gia Phạm Tú Châu, bản dịch này tuy chưa phải dựa trên một văn bản được chỉnh lý, hiệu đính đầy đủ và hoàn chỉnh nhưng là bản dịch tốt hơn cả trong số những bản dịch từ trước tới nay đã xuất bản.

Trong công trình đã dẫn, nhà “Hoàng Lê học” Phạm Tú Châu đã bỏ công so sánh, đối chiếu chi tiết sự vênh nhau giữa 3 loại văn bản HLNTC trong 6 bản còn đủ 17 hồi. Cụ thể, không thấy bà Phạm Tú Châu nhắc đến sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi ở hồi 14 nhưng cũng hồi 14 (bản A.22), theo Phạm Tú Châu, có một chi tiết không khớp với các bản còn lại, đó là sự kiện Nguyễn Huệ mở tiệc khao quân, sau khi nói chuyện với các tướng Sở và Lân (và sau ngày đăng quang ít lâu): “Hôm đó là ngày 30 tháng Chạp” (trang 262, bản dịch năm 1970) (3), trong khi các bản còn lại: “Hôm đó là ngày 20 tháng Chạp” (chi tiết sai lệch này, không thấy ông Vũ Quốc Lương nhắc đến!)…

Từ đây mà suy, ở các bản khác, ngày lên ngôi của Nguyễn Huệ hẳn phải được chép là 25 tháng Một (tháng Mười Một); còn ở bản A.22 thì ngày này có thể cũng được chép là 25 tháng Một hoặc 25 tháng Chạp, đều hợp lô-gíc (diễn tiến thời gian).

Như vậy, có hai khả năng: i) Ở bản A.22, ngày lên ngôi của Nguyễn Huệ được chép là 25 tháng Chạp, trong khi các bản khác là 25 tháng Một (tháng Mười Một) mà tác giả Phạm Tú Châu không phát hiện ra hoặc không đề cập (xét đặc điểm văn bản thì tôi nghiêng về khả năng này). ii) Nó được chép là 25 tháng Một, giống như các bản khác (tức không so le, trường hợp này thì dịch giả có thể đã nhầm lẫn, nhất là khi ngày tháng được viết theo kiểu số đếm “thập nhất/nhị nguyệt”, dễ trông lầm vì thừa thiếu nét).

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ nói đến những chi tiết liên quan đến ngày tháng, còn những nhầm lẫn, sai sót, xô lệch khác thì rất nhiều, không có điều kiện để kể hết. Tóm lại:

- HLNTC có nhiều bản chép tay chữ Hán khác nhau, khi chuyển ngữ, mỗi tác giả lại chọn dịch một bản khác nhau nên giữa các bản dịch có sự sai khác nhất định. Lưu ý: Sự sai khác này là giữa bản nọ với bản kia, chứ tạm chưa xét đến sự sai khác giữa chúng so với chính sử hay nhận thức lịch sử của người đọc (càng phức tạp hơn nữa) (4).

- HLNTC là một tiểu thuyết lịch sử, là tác phẩm văn học có yếu tố phóng tác, chỉ nên coi là nguồn tư liệu tham khảo, không nên coi là nguồn sử liệu với tính tin cậy cao. Việc bám chấp vào tư liệu sử học thuần túy để “so bì, vặn vẹo” là thái độ thiếu khách quan, khoa học khi tri nhận tác phẩm.

- Sẽ có ý kiến bảo rằng, cho dù bản chữ Hán chép vậy nhưng khi dịch thấy “sai” hay phi lý thì phải sửa… Thực tế thì các dịch giả đã “đối chiếu nhiều bản để tìm ra những chỗ nghi vấn và cũng đã cố gắng hiệu đính lại theo một tinh thần khoa học nghiêm túc”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một bản dịch văn học, việc làm này cần đặt trong giới hạn nhất định.

Khảo cứu kỹ lưỡng về văn bản học và đi sâu nghiên cứu tác phẩm như một công trình sử liệu không phải mục đích chính của các dịch giả HLNTC. Chúng ta có lẽ hãy tạm ghi nhận đóng góp của các dịch giả trong việc tuyển chọn một bản nền đầy đủ, tương đối tin cậy để từ đó cung cấp bản dịch tốt nhất trong khả năng và được giới chuyên môn đánh giá là tốt hơn trong tương quan với các bản dịch khác.

- Vấn đề nhật kỳ lên ngôi của vua Quang Trung là một vấn đề phức tạp, mặc dù đã được ghi chép đâu đó trong sử sách nhưng cho đến nay vẫn đang được giới nghiên cứu tiếp tục thảo luận, làm rõ. Chẳng hạn, có thể tìm đọc bài viết “Những nghi vấn về triều đại Quang Trung” của tác giả Nguyễn Duy Chính - một trong những chuyên gia về triều Tây Sơn, với gần chục đầu sách xuất bản gần đây. Giới học thuật còn chưa có sự thống nhất, làm sao ông Vũ Quốc Lương có thể khẳng định ngày Nguyễn Huệ lên ngôi là “25 tháng Một âm lịch chính là 25 tháng Mười Một âm lịch” và coi mọi chuyện “đã sáng tỏ”?!

- Cách xác minh đơn giản nhất là vào Thư viện Hán Nôm, mượn bản ANNTC ký hiệu A.22, tra hồi 14 nhưng việc này hiện thời nằm ngoài khả năng của tôi. Tuy nhiên, với những nội dung như đã trao đổi ở trên, tôi nghĩ rằng thao tác đó là không cần thiết, kết quả dù thế nào cũng không thay đổi được bản chất vấn đề: sự “tam sao thất bản” và nhận thức luận của người đọc. Ông Vũ Quốc Lương có thể tiếp tục bảo lưu quan điểm nhưng không nên vội kết luận là “sách in sai”.

- Cuối cùng, quan trọng nhất, như PGS. TS Phạm Tú Châu nhận xét: “Những chỗ so le nhau về câu chữ như vậy rất nhiều, không thể dẫn hết nhưng nhìn chung, chúng không chọi nhau lắm về ý và việc, không ảnh hưởng nhiều đến nội dung và nghệ thuật của tác phẩm (HLNTC)”.
*

Đến đây, hy vọng ông Vũ Quốc Lương đã giải tỏa được thắc mắc để không phải “triền miên suy nghĩ và buồn”. 

Ghi chú:

(1) Ông Vũ Quốc Lương sử dụng bản in năm 1984 của NXB Văn Học.

(2) Phạm Tú Châu, “HLNTC - Văn bản, tác giả và nhân vật”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1997.

(3) Bản in năm 1964 là trang 263. Đến nay, cuốn sách đã tái bản rất nhiều lần (bao gồm cả những lần bị vi phạm tác quyền). Mới nhất là “HLNTC toàn tập”, NXB Trẻ, TP. HCM, 2015.

(4) Chẳng hạn, ông Vũ Quốc Lương có thể tìm đọc để so sánh, tìm ra những điểm xô lệch giữa HLNTC với hai cuốn sử cùng thời là “Lê quý kỷ sự” và “Lịch triều tạp kỷ”, đều đã được dịch và xuất bản từ nhiều năm trước.

Kiều Hải, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Quang Trung
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn