Theo thông cáo của Bộ, trong cuộc gặp mặt Đại sứ Nga, phía Hung nhấn mạnh: Hungary không chấp nhận bất cứ ai xúc phạm cuộc cách mạng 1956 và những anh hùng của sự kiện ấy. Thông điệp đó cho thấy Budapest cực lực chống lại những luận điệu tuyên truyền lừa dối của Nga liên quan tới 1956.
Trong chương trình của Kênh Truyền hình Quốc gia Nga, cách mạng 1956 đã bị gọi bằng cái tên “khủng bố”, và Dmitry Kiselyov, Phó Giám đốc Cơ quan Truyền thông Quốc gia Nga, đã gọi 1956 là “cuộc cách mạng màu đầu tiên với sự hậu thuẫn của các cường quốc Phương Tây, cụ thể là Hoa Kỳ”.
Kẻ được nhiều người coi là “trùm dư luận viên Nga” này còn khẳng định trong chương trình của ông ta là nhân sự hỗn loạn của cuộc cách mạng, hàng ngàn tên phát-xít đã được giải cứu khỏi các nhà tù. Thật ra, việc coi cách mạng 1956 là một âm mưu của Phương Tây không phải là điều mới ở Nga.
Cách đây một thập niên, Kênh Truyền hình Quốc gia Nga loan tin, Cơ quan An ninh Liên bang nước này có những bằng chứng cho thấy CIA không chỉ kích động dân Hung làm cách mạng thông qua làn sóng điện của đài “Châu Âu Tự do”, mà còn cắt cử các điệp viên với sự hợp tác của tình báo Tây Đức và Anh.
Các cựu mật vụ Liên Xô phát biểu trong chương trình truyền hình đó khẳng định: cuộc khởi nghĩa hôm 23-10-1956 ở Budapest và Miskolc là kết quả của một âm mưu được chuẩn bị kỹ càng. Thậm chí, Phương Tây còn định cho một nhóm vũ trang đột nhập lãnh thổ Hungary qua đường biên giới Áo.
Việc Budapest cho triệu tập Đại sứ Nga diễn ra trong một bối cảnh khá lạ lùng, khi Thủ tướng Orbán Viktor, trong phát biểu nhân đại lễ 23-10, đã lên tiếng bài bác Liên Âu, cho rằng EU đang trở thành một thứ “Liên Xô thời hiện đại” và muốn cứu Brussels khỏi sự “Xô-viết hóa” ấy.